HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN


alt

Đạo Phật xuất hiện trên thế gian là một bước ngoặt lớn cho nhân loại, vì đã mở ra một kỷ nguyên mới, xóa bỏ mọi giai cấp, giảm bớt những đau thương và hướng cho con người đến một niềm vui toàn giác. Điều đó được thể hiện trên phương diện “Từ bi” và “trí tuệ”. Tại sao vậy? tại vì nếu không có từ bi thì con người luôn đau khổ trong chiến tranh tàn khốc, không có trí tuệ thì con người mãi mãi sống trong hận thù. Do vậy cần phải có từ bi và trí tuệ thì con người mới sống trong niềm thương yêu của người thân, của nhân loại và có cái nhìn tuệ giác để phá tan sự mê muội tăm tối.

Đối tượng của từ bi và trí tuệ đặt trên nền tảng là những con người cụ thể, nhưng để ươm mầm và nuôi lớn lòng từ bi và trí tuệ đó thì phải xuất phát từ khi những lúc sơ khai. Vì nếu một em bé từ khi còn nhỏ đã biết thương yêu mọi người, mọi loài thì không tự dưng đuổi bắt những con chim vô tội để làm thú vui của mình, mà trái lại, khi thấy những con chim không may bị thương thì nó biết băng bó, chăm sóc cho con chim mau khỏi. Từ loài vật nhỏ đó mà em bé đã biết thương yêu, quý trọng, thì khi gặp những người già yếu em sẽ biết giúp đỡ khi có thể. Ví như trong trường hợp em còn quá nhỏ mà chưa thể làm được việc lớn, nhưng em biết đưa một bà cụ đi qua đường, em biết mang nước đến mời bác nông dân đang mệt mỏi khi buổi trưa hè đi cày về nghỉ nhờ bên cổng nhà em…. Trong tâm em bé lúc đó chỉ biết đấy là những việc tốt, là những việc nên làm. Nhưng điều đó cũng chính là lòng từ bi, lòng nhân ái, là Phật tính vốn sẵn có ở mỗi người mà nay được phát ra từ trong tâm của một em nhỏ. Vậy để em bé có thể làm được việc đó thì đòi hỏi trước hết là những người thân trong gia đình em cũng thường khuyến khích, chỉ bảo cho em những điều hay, lẽ phải, những điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Khi thấy em làm những việc tốt thì cha, mẹ, anh, chị… khuyến khích cho em bé là lần sau cần làm tốt hơn nữa, việc đó là rất đúng, việc đó sẽ đem đến an vui, hạnh phúc cho người khác. Thứ đến là môi trường sống xung quanh, khi những người được em bé giúp đỡ bằng tinh thần như vậy thì biểu hiện lòng tin yêu, sự cảm mến, cũng như sự biết ơn, cảm động trước việc làm đầy ý nghĩa của em bé… Có như vậy thì lần sau em bé mới có thể phát huy làm những điều thiện, những việc tốt nhiều hơn.

Vì em bé là hiện thân của sự sống hồn nhiên, có tâm hồn trong sáng, sống động, là những người cởi mở đối với thế giới bên ngoài, với kinh nghiệm sống mới mẻ, không có gì ràng buộc. Nó luôn luôn tìm hiểu thế giới bên ngoài với khả năng nhận thức nhạy bén, do vậy nếu ngay từ nhỏ mà những em bé tiếp xúc với hoàn cảnh môi trường tốt thì em bé nhanh chóng tiếp thu và làm theo. Nhưng nếu để em bé luôn sống và tiếp xúc với môi trường xấu thì em bé cũng dễ dàng trở thành người xấu. Bởi em bé là người linh động, nhạy bén, sẵn sàng để cho trí tưởng tượng dồi dào của mình được tự do phát triển và mong muốn làm những điều mới lạ và thích bắt chước làm theo người khác.

Cho nên đứng trước thiên niên kỷ mới, nền kinh tế phát triển, thanh thiếu niên có điều kiện để học tập nhiều hơn, kiến thức văn hóa không ngừng nâng cao. Hơn nữa họ khát vọng với một sức sống mãnh liệt, một lý tưởng cao xa, thế nhưng họ lại có nhiều ngộ nhận, sai lầm và nông nổi vì sự thái hóa đạo đức, lễ nghĩa, nhân cách, môi trường sống cũng đang trên đà suy thoái. Cha mẹ các em thì mải chạy đua theo nền kinh tế thị trường nên thời gian dành cho các em thì quá ít. Hơn nữa thời gian học của các em cũng quá nhiều, nhưng sau khi tan học ra đến cổng trường thì hàng loạt hoàn cảnh khác nhau diễn ra mà việc tốt thì rất ít mà những việc xấu, hay những tệ nạn như chơi bời, cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, nghiện hút… thì có quá nhiều. Từ những điều kiện trên đã dễ dàng dẫn các em sa ngã vào những tệ nạn của xã hội. Nếu như chúng ta không tìm ra những môi trường mới cho các em được học, được vui chơi, được làm việc với chính năng lực của các em thì đương nhiên là các em không thể phát huy được những năng lực tốt, những khả năng vốn có của mình.

Đứng trước tình trạng đó thì ngôi chùa cũng như Thầy trụ trì có vai trò rất quan trọng trong việc hướng cho các em đến một tương lai tươi sáng, tiếp sức cho các các em vững bước trên lộ trình hội nhập và phát triển. Bởi từ xưa đến nay đạo Phật luôn gắn liền cùng dân tộc, khi đất nước phát triển thì Phật pháp cũng hưng thịnh, khi đất nước lâm nguy thì Phật giáo đồng cam cộng khổ cùng toàn dân đánh giặc bảo vệ đất nước. Cho nên các Thiền Sư thời Đinh, Lê, Lý, Trần đều là những quốc sư nổi tiếng về hộ quốc, an dân, góp phần to lớn trong việc xây dựng và củng cố đất nước. Cho nên nói rằng:

“Nhân tài là nguyên khí của quốc gia

Tăng tài là pháp khí của thiền gia”.

Ngày nay đứng trước thời bình nhưng tệ nạn thì ngày một gia tăng, mà nền tảng đạo đức của thanh thiếu niên đang là một báo động to lớn cho tất cả các đoàn thể, các nhà lãnh đạo, các nhà giáo dục. Trong đó thì Phật giáo là nơi nương tựa chính yếu giúp cho các đoàn thể và giúp cho những người lãnh đạo nương tựa vào để tìm ra giải pháp tối ưu đưa nền đạo đức của các em ngày càng tốt đẹp hơn. Cho nên đối với các chùa, các tự viện, các thành, huyện, thị, xã… cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho các em thanh, thiếu niên thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của các ngôi chùa để các em đến đó học đạo, nghe pháp, và là điểm tựa để các em chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và các em có thể cùng chia sẻ những định hướng trong tương lai. Vậy thì các chùa nên có sinh hoạt “gia đình Phật tử” cho các em đến sinh hoạt thường xuyên để nâng cao trình độ nhận thức và ý thức của các em. Tổ chức các khóa tu học cho các em trong những dịp hè, và những ngày chủ nhật để các em có môi trường tốt, được cùng bạn bè trao đổi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm học tập và chung sống dưới tình “lục hòa” của huynh đệ bạn bè bốn phương bởi “Tứ hải giai huynh đệ” và “thêm bạn thì bớt thù”… hơn nữa khi được tiếp xúc với các quý Thầy, được nghe quý Thầy giảng về đạo hiếu, giảng về nhân cách, về lối sống cũng như cách ứng xử giao tiếp. Từ đó các em có lối sống tốt hơn, các em tự có ý thức với chính mình và có ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

Đối với giáo lý thì “Ngũ giới” cần phải cho các em học sâu, hiểu kỹ, cho các em áp dụng vào cuộc sống thực tế hàng ngày. Về đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, thì quý Thầy phải thường xuyên giảng dạy, chia sẻ với các em, giúp cho các em luôn nhớ đến công ơn sâu dày của ông bà, cha mẹ, nhằm cho các em nỗ lực vươn lên trong học tập cũng như trong hành động để mang lại nhiều niềm vui cho người thân. Đối với các chùa có sinh hoạt gia đình Phật tử thì cần phải tạo điều kiện tốt cho các em tham gia các trò chơi hữu ích, các hoạt động tích cực, để vừa tăng trưởng trí thông minh và tăng cường thể lực cho các em, như các môn thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, các trò chơi khéo tay hay làm…Ngoài ra thỉnh thoảng cần cho các em tham gia hoạt động từ thiện xã hội, đi đến những nơi khó khăn để cứu trợ, hay là dẫn các em đến những trại trẻ mồ côi để các em biết chia sẻ, biết động viên những người bạn, những người em, những người anh, người chị có hoàn cảnh đặc biệt. Để các em thấy được bên cạnh mình còn rất nhiều người khó khăn cần đến mình nên tự bản thân mình phải cố gắng, phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thay đổi hoàn cảnh của mình cũng như của người khác. Nhưng để làm được việc đó thì trách nhiệm lớn nhất là những vị trụ trì và bên cạnh đó là những người chính quyền phái hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện và cùng chung vai góp sức để cùng nhau tạo nên một xã hội tươi sáng, lành mạnh trong tương lai.

Đối với Ban hoằng pháp từ trung ương đến địa phương thì quý Thầy cần phải thường xuyên động viên và đưa ra các mục tiêu hoạt động cho các lớp sinh hoạt gia đình Phật tử và tạo điều kiện giúp đỡ. Ngoài ra quý Thầy có thể đưa việc đó là một trong những hoạt động chính của các chùa. Đối với vùng sâu, vùng xa thì chúng ta có thể tổ chức mỗi huyện ít nhất có một lớp gia đình Phật tử để cho các em thanh thiếu niên trong vùng được đến sinh hoạt và tham gia các khóa tu, khóa học tại chùa trong những ngày nghỉ.

Đối với các vị trụ trì thì đòi hỏi phải có trình độ không những về kiến thức Phật học mà đòi hỏi phải có cả kiến thức về thế học, có đạo hạnh và nhiệt tâm cống hiến đối với đạo Pháp và dân tộc. Các vị trụ trì thấy mình cần phải có trách nhiệm khi đứng trước thời hội nhập quốc tế cũng như trước những tệ nạn đang hoành hành trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Từ đó cùng với địa phương, với giáo hội đưa ra các hoạt động cụ thể giúp cho các em thanh thiếu niên trong địa phương ngày càng củng cố về tri thức cũng như về nền tảng đạo đức được tốt hơn để các em tại địa phương đó vững bước hơn trong cuộc sống và trở thành những thành viên ưu tú của địa phương, những người hữu ích trong xã hội.

Tóm lại, nếu mỗi địa phương đều có các lớp gia đình Phật tử và nơi đâu cũng sinh hoạt đều đặn cho các khóa tu, khóa học và tạo ra không khí vui tươi bằng các trò chơi bổ ích cho tầng lớp thanh thiếu niên thì nơi nơi sẽ giảm bớt những khổ đau và giảm bớt những tệ nạn xã hội. Vì tầng lớp thanh thiếu niên bây giờ là những người lãnh đạo đất nước sau này, là nhân tố quyết định cho đất nước thịnh vượng, phồn vinh. Cho nên Bác Hồ từ xưa đã kêu gọi: “Hãy giành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ” và “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Do vậy nơi nào mà các em thanh thiếu niên chăm ngoan, học giỏi, có ý thức đạo đức tốt, có tấm lòng từ bi, có trí tuệ chân chính thì nơi đó sẽ luôn có sự bình an và hạnh phúc./.

 

Thích Đàm Hội

Ban Hoằng pháp tỉnh Phú Thọ

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)