TÍNH ĐẶC THÙ VỀ NGHI LỄ CỦA TỪNG VÙNG MIỀN CÁC HỆ PHÁI TRONG GHPGVN

 

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ hơn 20 thế kỷ, bao giờ cũng đồng hành cùng dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xương minh Phật giáo nước nhà. Bởi lẽ, Phật giáo với sứ mạng thiêng liêng là giáo dục đạo lý làm người, xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc. Có thể nói Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam có mạch sống chung bằng trái tim và khối óc của một con người.

Trên tinh thần hòa hợp giữa Đạo pháp và Dân tộc thì Nghi lễ Phật giáo và Nghi lễ truyền thống dân tộc đã trở thành nền văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Chúng ta sẽ cùng luận đàm về tính đặc thù của Nghi lễ từng vùng miền đã tác động, ảnh hưởng đến nhu cầu tín ngưỡng trong đời sống nhân sinh.

Mục đích của Nghi lễ Phật giáo là giáo huấn phần lễ nghi, gia giáo cho gia đình và xã hội trong việc ma chay, tế lễ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ v.v… Với mục đích nầy, Nghi lễ Phật giáo đã hòa mình với dân tộc, với bản sắc văn hóa từng vùng miền để đưa Phật pháp hòa nhập vào thế gian pháp. Bên cạnh đó, Nghi lễ Phật giáo còn thể hiện bằng hình ảnh mái chùa với tiếng chuông vang vọng và các lễ hội chùa làng là nét văn hóa đẹp, sống động đã in sâu vào tâm thức của đại đa số nguời dân Việt Nam trên khắp vùng miền đất nước.

Do vậy mà thi sĩ Huyền Không đã cảm tác những vần thơ:

“Chuông vọng nơi nao nhớ lạ lùng

Đi xa ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Nếu nói hoằng pháp độ sanh thì Nghi lễ Phật giáo cũng là phương pháp độ sanh và truyền bá giáo lý Phật đà đến với quần chúng một cách thiết thực nhất, vì Nghi lễ dùng hình thức tán tụng lời Phật dạy để cầu nguyện cho người quá cố được siêu thoát về cảnh giới an lành và cảm hóa những người hiện tại thể hiện được tinh thần biết ơn, đền ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và hướng thiện tu hành để trở thành người con hiếu đạo, người công dân tốt có ích cho xã hội, góp phần kiến tạo một quốc độ hòa bình, nhân dân an lạc.

Nghi lễ Phật giáo hòa nhập và mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật dân gian tại vùng miền đó với mục đích để quần chúng dễ dàng tiếp thu và giác ngộ được Phật pháp. Do vậy mà tính đặc thù về Nghi lễ của từng vùng miền được thể hiện qua những ví dụ sau:

- Nghi lễ Phật giáo “Bắc bộ” thì ảnh hưởng giọng điệu của văn hóa nghệ thuật ca trù.

- Nghi lễ Phật giáo Huế “Trung bộ” ảnh hưởng văn hóa nghệ thuật nhã nhạc cung đình.

- Tỉnh Bình Định có nhiều tôn giáo khác nhau nhưng tín đồ Phật giáo chiếm đại đa số, toàn tỉnh có gần 400 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất và niệm Phật đường. Phật giáo Bình Định vốn có truyền thống dung hòa, giữ vững và phát huy tinh thần quy cũ tòng lâm do chư Tổ để lại qua nhiều thế hệ. Nghi lễ Phật giáo Bình Định, được kế thừa sự nghiệp hoằng truyền của các bậc tiền nhân và cũng ảnh hưởng giọng điệu của văn hóa nghệ thuật Hát tuồng, Bài chòi.

- Nghi lễ Phật giáo “Nam bộ” ảnh hưởng dân ca Nam bộ như cải lương, Hồ Quảng v.v…

- Ngoài ra các hệ phái Phật giáo Nam tông và Khất sĩ cũng có những Nghi lễ riêng rất đa dạng và phong phú.

- Nghi lễ Phật giáo Nam tông ảnh hưởng các nền văn hóa dân tộc Khmer.

- Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập tại miền Tây Nam bộ nên Nghi lễ cũng ảnh hưởng rất nhiều về văn hóa dân gian của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nghi lễ Phật giáo do các bậc xuất phàm chế tác, còn gọi là: “Thiên tử chế” chứ không phải là người phàm thường mà có thể chế tác ra được, cho nên dù hòa nhập và ảnh hưởng các nghệ thuật văn hóa dân gian từng vùng miền nhưng tuyệt đối không bao giờ sai lệch với Chánh pháp và mất đi tính linh thiêng, tôn nghiêm trong Nghi lễ truyền thống Phật giáo, bởi lẽ có câu: “Phật pháp đồng, quy cũ bất đồng”.

Từ những nhận định trên, chúng ta có thể kết luận rằng Nghi lễ Phật giáo luôn hòa nhập vào bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian qua những tính đặc thù của từng vùng miền, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tâm linh của quần chúng nhân dân.

Hội thảo lần nầy nhằm mở ra một hướng đi mới cho ngành Nghi lễ Phật giáo Việt Nam, thống nhất những quan điểm cổ đại và đương đại, đồng thời để cho mọi người nhận thức rằng đây là văn hóa tâm linh rất khoa học và cần thiết trong đời sống chứ không phải là mê tín dị đoan hay ru ngủ mà từ lâu đã bị một số người hiểu sai lệch.

Do đó, để phát huy, duy trì và truyền thừa một cách thiết thực, bền vững. Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Bình Định chúng tôi xin tham gia các ý kiến sau đây:

1. Soạn thảo một chương trình thống nhất để giảng dạy Nghi lễ Phật giáo cho Tăng Ni sinh các lớp Sơ, Trung và Cao đẳng Phật học.

2. Phổ cập các Nghi lễ Phật giáo thông dụng đến những đạo tràng Bát Quan Trai, Đạo tràng Niệm Phật v.v… để chư thiện tín Phật tử nhận thức và áp dụng tối thiểu vào các khóa lễ Cầu an, Cầu siêu tại tư gia và các đạo tràng, trợ niệm vãng sanh nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng văn hóa tâm linh của số đông quần chúng.

3. Các Nghi lễ cần gọn gàng, rõ ràng và phù hợp với bản sắc văn hóa của từng vùng miền để quần chúng dễ tiếp thu. Qua đó, nêu cao giá trị Nghi lễ Phật giáo là truyền thống văn hóa tâm linh được quần chúng tôn trọng và duy trì.

 

Hòa thượng Thích Trí Giác

Trưởng ban Nghi lễ THPG Bình Định

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)