Có và Không

 

Trí Tạng (735-814) là đệ tử nổi tiếng của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788). Sau khi giữ chức Hòa thượng Tây Đường, thì địa vị trong tăng đoàn rất cao, người đời gọi Ngài là Tây Đường Trí Tạng. Một hôm có một vị khách đến hỏi: “Có thiên đàng và địa ngục không?”

Thiền sư đáp: “Có”.

Khách hỏi: “Có Tam bảo là Phật, Pháp và Tăng không?”

Thiền sư đáp: “Có”.

Vị khách còn đưa ra nhiều câu hỏi khác nữa, Thiền sư đều trả lời nói có.

Khách bèn nói với sắc điệu coi thường: “Thiền sư trả lời như vậy, e rằng không đúng rồi!”

Thiền sư hỏi vị khách: “Lẽ nào ông có kiến giải khác?”

Khách vô cùng tự đắc nói: “Thực ra tôi từng học thiền với Thiền sư Kính Sơn!”

“Vậy, Thiền sư Kính Sơn đã nói với ông thế nào?”, Thiền sư hỏi.

Khách đáp: “Ngài nói tất cả đều không”.

Thiền sư liền chuyển chủ đề, hỏi: “Ông có vợ con không?”

Khách đáp: “Có”.

Thiền sư Trí Tạng lại hỏi: “Thiền sư Kính Sơn có vợ con không?”

“Không có”, vị khách trả lời.

Thiền sư nhân cơ hội này, khai thị: “Thiền sư Kính Sơn nói ‘không’ là phải rồi”.

Vị khách hành lễ cảm tạ rồi lui ra.

Sự có mặt của “có” và “không”, là do vì có các tình huống khác nhau, tất cả đều có lí lẽ riêng của nó. Câu chuyện trên đây, là nhằm vào việc loại bỏ sự cố chấp có-không của con người. Hết thảy sự tồn tại đều nương vào điều kiện để hợp thành, nhưng những điều kiện ấy lại không ngừng đổi thay, chính lẽ đó mới nói tất cả là “không”. Cho nên, chúng ta cần vượt qua mọi khái niệm tương đối, không nên quá câu nệ vào bất kì khái niệm nào, từ đó để nhận thức thế giới một cách tốt đẹp và trọn vẹn hơn.

Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2011
Du Tử dịch

Đông Phương Văn Duệ (2004), Nhất nhật nhất thiền, Nxb. Điện Ảnh Trung Quốc, tr.206 (東方聞睿,《一日一禪》,北京:中國電影出版社,2004年,頁206).