TU LÀ MỘT NGHỆ THUẬT

chu_co_dieu_de_thuong_3.jpg...Hãy nên nhận thức rõ rằng Phật giáo không phải là một khoa học siêu hình viển vông. Phật giáo phải là một hiểu biết bằng thực hành, một khoa học thực nghiệm về tâm lý. Thực hành, vâng, chỉ có thực hành mới đem lại cho ta sự hiểu biết chân chính, tuyệt đối…

Bạn đã từng để lòng rung động êm ái nhẹ nhàng sau khi làm một việc lành giúp kẻ khác? Bạn đã vui sướng hồn nhiên khi tìm hiểu được lý do của một sự thắc mắc khó khăn?

Vâng, cái vui sướng hồn nhiên ấy, cái rung động êm ái nhẹ nhàng ấy, bạn đem so sánh với một thi phẩm, một nhạc phẩm chẳng hạn, bạn đã biết hơn kém thế nào rồi.

Chính trên bước đường học Phật, bạn đã “sáng tác” một chút, dù một chút nhỏ nhen. Cái chút sáng tác ấy có thể gọi là một nghệ phẩm, không kém phần xinh tươi và linh động.

Bạn cũng chớ vội mỉm cười bảo Tu sĩ là một “nghệ sĩ duy tâm!” Tôi biết bạn sẽ đặt vào đây mấy tiếng ấy. Nhưng đây rồi, bạn sẽ hiểu.

TU LÀ MỘT NGHỆ THUẬT

HUYỀN THUẬT

Vâng, Tu là một nghệ thuật.

Thầy Tu, là một nghệ sĩ.

Nghệ sĩ có bổn phận vô cùng thiêng liêng đối với nhân loại. Nghệ sĩ phải lãnh đạo nhân loại trên bước đường tiến hoá. Nghệ sĩ phải tô điểm đời sống chung cùng và bao la của cả nhân loại. Và vì thế, đời nghệ sĩ đẹp, sự nghiệp của nghệ sĩ được muôn người ca tụng.

Hạnh phúc chung là trên hết. Nghệ sĩ vì hạnh phúc chung, nhiều lúc hy sinh cho nghệ thuật của mình.

Bạn sẽ bảo rằng nghệ thuật chỉ là những gì ở ngay giữa đời thực tại. Và Tu sĩ cũng chỉ là những người đã khác hẳn với tục trần.

Tôi nào có bảo không phải như thế. Song, chúng ta phải đi sâu hơn chút nữa.

Đừng nên thâu hẹp tầm con mắt vào thành kiến ngàn xưa. Ai bảo rằng Phật đạo là một “đạo” chán đời. Ai bảo rằng Tu sĩ là những người lánh tục. Sự thực vẫn rõ ràng đấy, chỉ vì ta chưa tế nhận đó thôi.

Phật dạy “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác.”

Phật pháp không phải tách ra khỏi thế gian. Chỉ tại ta đã hiểu lầm, và thực ra, lỗi chính là ở một số người xưa và nay đã đem bức màn “dị tục” trùm lên cho Phật giáo.

Hạng người ấy, chính là một hạng người giàu tưởng tượng, và huyền bí và phi thường luôn luôn đến ám ảnh họ. Đến nỗi có người hiểu Phật giáo là một Tôn giáo thần quyền. Hạng người khác, vì qua tin tưởng phần nhiều là tin tưởng mù quáng nên đã đặt Phật giáo ra ngoài thế gian và xem như một vật huyền bí.

Sự thực, ngoài thế gian, Phật pháp không thể gọi là Phật pháp được nữa.

Do nguyên cớ trên, người ta xem Tu sĩ là hạng người chán đời, tiêu cực. Hạng người mà “lánh tục, vào cửa Phật mong bù đắp vết thương lòng với câu Kinh tiếng kệ!” Người ta đã tự mù quáng, sương mù không có, chỉ tại họ mang phải kính mờ!

Chính Đức Phật cũng đã bảo chúng ta đừng mong ước một Niết Bàn ở đâu xa lạ. Niết Bàn ở tự tâm và ở ngay cảnh giới này. Như thế, lánh bỏ đời thực tại để đi tìm sự giải thoát nào ở một cảnh giới xa lạ là một điều mù quáng. Phật giáo chỉ chủ trương rằng đời là đau khổ và làm thế nào để bớt sự khổ đau, đem hạnh phúc hoàn toàn về cho nhân loại.

Vì thế, Phật giáo là một nhu cầu chung cho cả nhân loại. Đi theo nguyên tắc ấy, nhà Tu sĩ sống trong thực tại và luôn luôn nghĩ rằng bao giờ mình cũng vẫn làm việc chung cho nhân loại, cho thế gian.

Nhà Tu sĩ không bao giờ mong ước huyền ảo. Họ luôn luôn bằng vào công việc đang làm và hướng về một mục đích cao cả: giải thoát cho mình và cho tất cả mọi người khỏi khổ.

Nếu hoạ sĩ tô điểm được một nét linh diệu trên bức tranh thì nhà Tu sĩ cũng có một hành động như thế trong công cuộc cải thiện đời sống của mình và của người. Nếu nhạc sĩ sáng tác được nhiều bản nhạc tân kỳ, thì nhà Tu sĩ cũng đã làm rung cảm tâm mình và mọi người bằng ánh sáng diệu huyền của Đạo.

Nếu văn sĩ đưa lên tầm mắt mọi người vài nét chấm phá linh động thì Tu sĩ cũng đã đặt được nhiều hoan lạc thanh khiết trên tâm hồn mình và làm rung cảm tâm hồn người, với sự cảm thông tận nguồn diệu lý.

Hãy nên nhận thức rõ rằng Phật giáo không phải là một khoa học siêu hình viển vông. Phật giáo phải là một hiểu biết bằng thực hành, một khoa học thực nghiệm về tâm lý. Thực hành, vâng, chỉ có thực hành mới đem lại cho ta sự hiểu biết chân chính, tuyệt đối. Học giả Tây phương chẳng đã có câu “cái học chân chính, tức cái học cho ta biết rằng ta không hiểu gì cả.”

Chỉ có thực hành mới thông hiểu.

Một sáng kia, nhà Tu sĩ thấy lòng mình thanh thoát nhẹ nhàng không còn bị ràng buộc trong cảnh giới đầy lo phiền sầu muộn. Đứng trước một ham muốn khêu gợi mãnh liệt, người vui mừng vì thấy tự tâm mình không chút nào lay động. Sự mừng vui ấy, một mừng vui thanh khiết phải chăng là một nghệ phẩm cao hơn hết và đẹp hơn hết trong các nghệ phẩm của thế gian?

Bạn sẽ bảo rằng “Nghệ sĩ sáng tạo một một công trình. Công trình ấy nếu chỉ đem để trong rương, thì không thể gọi là nghệ phẩm. Nghệ phẩm phải để mọi người thưởng thức chung. Và như thế, người tạo ra nó mới xứng đáng được gọi là nghệ sĩ.”

Vâng, chính thế.

Nghệ phẩm xinh tươi đã sáng tạo ra ấy, nhà Tu sĩ cũng không hưởng riêng như một người ích kỷ. Và cao hơn thường lệ, nhà Tu sĩ chỉ cần đem nghệ thuật mà phụng sự nhân sinh. Sự nghiệp người, không cần ai biết đến. Tên Tuổi người, không cần ai ghi chép lại trong cuốn sách thời gian. Với người, một công trình sáng tác là của chung muôn loại. Công trình sáng tác, vâng, bỏ bớt dục vọng mê lầm ra ngoài, đem ánh sáng diệu huyền của trí Tuệ tịch chiếu đặt vào, đấy chính là công trình sáng tác mà tôi muốn nói.

Tu sĩ nhớ rằng tự độ nghĩa là độ tha. Vì có năng lực tự độ, năng lực cải tạo tâm hồn mình, ắt cũng có đủ năng lực giúp mọi người cải tạo cái tâm vô cùng rộng lớn. Và Tuy phân biệt mà nói, chứ chính tâm mình và tất cả mọi người không hai không khác, còn cái gì gọi là tự và tha.

Cũng vì thế, nhà Tu sĩ không bao giờ phân biệt giới hạn giữa mình và người, bạn ạ. Họ chỉ sống trong xã hội, vì xã hội, vì muôn loài, nguyện đem hết tâm lực phụng sự cho nghệ thuật tối cao, tối quý: Tu nghệ.

Vâng, Tu nghệ.

Nghệ sĩ đã phải hy sinh nhiều lắm. Vì, người biết cần phải hy sinh. Nhưng hy sinh đời vật chất tầm thường, và tình cảm loanh quanh trong vài người quen thuộc mà theo dõi một chí hướng cao siêu thì cũng đáng và rất nên hy sinh lắm. Hơn nữa, người đã hiểu rằng những cái ấy chỉ có một giá trị nhất thời và tình thương kia cũng chẳng qua một mớ tình cảm nhỏ hẹp của một tâm hồn nhỏ hẹp. Nghệ sĩ phải là hướng theo một Mặc Tử với thuyết kiêm ái, nhưng cao siêu hơn, một đức Thích Ca Mâu Ni với lòng từ bi không bến hạn đi theo một trí tuệ không biên cương.

Bạn đã từng để lòng rung động êm ái nhẹ nhàng sau khi làm một việc lành giúp kẻ khác? Bạn đã vui sướng hồn nhiên khi tìm hiểu được lý do của một sự thắc mắc khó khăn?

Vâng, cái vui sướng hồn nhiên ấy, cái rung động êm ái nhẹ nhàng ấy, bạn đem so sánh với một thi phẩm, một nhạc phẩm chẳng hạn, bạn đã biết hơn kém thế nào rồi.

Chính trên bước đường học Phật, bạn đã “sáng tác” một chút, dù một chút nhỏ nhen. Cái chút sáng tác ấy có thể gọi là một nghệ phẩm, không kém phần xinh tươi và linh động.

Bạn cũng chớ vội mỉm cười bảo Tu sĩ là một “nghệ sĩ duy tâm!” Tôi biết bạn sẽ đặt vào đây mấy tiếng ấy. Nhưng đây rồi, bạn sẽ hiểu.

Đã bàn đến lý Phật, chắc chắn bạn cũng như tôi đều biết Phật giáo chủ trương: vật chất là biến hiện của tinh thần. Phật giáo có thể tự hào đấy là một đặc điểm trong hàng loại Tôn giáo thần quỳên.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du.)

Chính như vậy. Thi sĩ đã cảm thông đến lý Duy thức, Duy tâm của Phật giáo rồi chăng. Đấy là một câu thơ, nhưng vẫn là bằng chứng rõ ràng của thực nghiệm.

Tôi sợ e nói không rõ.

Bạn đã từng học Duy thức?

Chắc bạn đã hiểu rõ rằng tôi muốn nói gì.

Nay thử xin đem một ví dụ cụ thể:

Trong một gia đình kia, từ cha mẹ, chị em, anh em, mọi người đều sống khổ sở trong sự thiếu thốn về vật chất. Đã đành thế, nhưng còn sự bất hoà cãi cọ giữa mọi người thường xảy ra luôn.

Còn cảnh vật nào khổ hơn. Nhưng bạn hãy nhìn kỹ lại cho, vì ảnh hưởng của sinh hoạt vật chất hay vì thiếu tinh thần hoà thuận mà ra thế.

Chắc bạn cũng đã thấy, dưới túp lều tranh, có nhiều gia đình vẫn vui vẻ và hoà thuận sống trong sự nghèo nàn túng khổ. Từ cha cho đến con, ai nấy đều vui vẻ làm việc cho gia đình. Buổi tối, dưới ánh đèn dầu hoả, quây quần bên nồi cơm gạo đỏ bốc nghi ngút với muối dưa xoàng xỉnh, đoàn người kiểu mẫu ấy sung sướng nhìn nhau bằng đôi mắt thân ái và trên môi nở nụ cười âu yếm hồn nhiên. Với họ, sự túng thiếu vật chất không đáng quan tâm, gia đình hoà thuận, đấy chính là hạnh phúc của họ rồi.

Bạn hãy trở lại với gia đình khốn khổ và bất hoà trên kia. Bạn hãy đem gạo đến đổ đầy vào chum gạo đã cạn. Bạn đến treo vài bức tranh đẹp trên tường. Và bạn hãy đem đến một cái máy hát. Bạn chắc rằng công việc ấy đã đem lại sự sung sướng cho họ hay chưa?

Đến đây, tôi phải đem nhà Tu sĩ lại giúp bạn làm kiểu mẫu. Với một sự giáo dục thông thường nhưng chắc chắn là có hiệu quả, bạn có thể cải tạo hoàn toàn đời sống khốn khổ vì hai mặt vật chất và tinh thần của họ.

Nghĩa là, nếu mọi người trong gia đình kia đều ngồi yên một chỗ nào đó trong nhà để suy nghĩ, họ sẽ có một dấu hỏi: vì sao gia đình họ khổ?

Rồi, óc họ suy nghĩ. Rồi, lương tri họ bảo rằng: “Vì gia đình bất hoà.” Gia đình bất hoà vì mỗi người trong nhà đều có cái tánh sân, si... khó chịu. Phải bỏ cái tánh ấy đi, gia đình sẽ hoà thuận. Và từ hoà thuận, đi đến vui vẻ tin yêu. Lẽ dĩ nhiên trước sức đồng tâm ấy, điều kiện sinh hoạt sẽ dễ dàng hơn trước. Vả lại, hoà thuận vui vẻ tin yêu đã là hạnh phúc lớn nhất rồi.

Và chính đó, sự kết quả ấy, sự cải tạo tâm tính ấy, là giá trị của nghệ thuật.

Đồng thời, bạn đã thấy từ đâu là nguyên nhân của sự khổ. Bỏ bớt tính xấu, luyện thêm tính tốt chính là phương pháp duy nhất để làm dịu bớt những nỗi khổ và đem lại đôi phần an lạc. Nhưng “bỏ tính xấu, tập tính tốt” chẳng đã là một công việc thực hành lớn lao sao. Như trên đã nói, chỉ có sự thực hành mới có giá trị chân thực. Và sự thực hành “cải ác tùng thiện” lại chính là giá trị của nghệ thuật... Tu hành rồi!

Chính cái phải thực hành trước tiên là chỗ ấy. Nếu ta không hiểu thế, mà cứ theo con đường tham vọng cũ, sẽ không bao giờ đạt đến mục đích. Nếu cứ chạy chọt, lo cúi đầu, cúi cổ mưu lấy đồng tiền cho nhiều, đòi hỏi nhu cầu vật chất cho lắm, và lo vọng cầu hạnh phúc bằng nhiều phương pháp trái lương tâm trong khi phải dày xéo lên máu xương đau khổ của kẻ khác, thì chỉ mệt mỏi, mà hạnh phúc chân thật không bao giờ đến cả.

Ở một cá nhân, một gia đình, một làng, một quốc gia, một xã hội, một NHÂN LOẠI, tất cả đều như thế! Nếu biết chú trọng đến sự cải thiện, nếu biết do làn sóng mê lầm đã dồn dập đưa đến bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu đau thương, mọi người sẽ nhận thức được con đường mà họ sẽ bước con đường tiến hoá đến hạnh phúc hoàn toàn. Vì thế, ta nhận rằng: Muốn cải tổ xã hội, muốn có một cuộc sống tập thể, yên vui thì ngoài sự cải tân của tâm hồn mỗi người, không còn phương pháp gì hơn nữa.

Tôi chưa nói lạc đề bạn ạ. Tôi phải nhấn mạnh ở đây xứ mạng cao quý của nhà nghệ sĩ. Và tôi phải nói nhiều đến sự lợi ích thiết thực do “Tu nghệ” đem đến.

Hạnh phúc hoàn toàn, Cực Lạc thiên đường đâu có xa, hở bạn. Chỉ vì mê lầm tội lỗi che lấp mất đó thôi. Thực hiện đời sống mới, đời sống hoàn toàn chúng ta hãy bằng vào Phật giáo. Phật pháp xuất hiện trong thế gian, và cứu cánh vẫn ở trong thế gian thôi.

Với bao phương pháp mầu nhiệm, Phật giáo đầy đủ giúp ta trong công việc tốt đẹp ấy. Với phương diện này, Tu sĩ có thể là những nhà lãnh đạo sáng suốt của chúng ta.

Đừng có ai bảo rằng Tu sĩ làm việc cho tương lai, một tương lai xa mờ, một Niết Bàn ảo tưởng. Không đâu! mỗi hành vi là một giá trị nghệ thuật giúp vào đời sống chung và bao la cao rộng. Mỗi hành vi là mỗi tiếng chuông trong sáng dội vào lòng người và là một tia sáng chiếu thêm trong đêm dày mờ mịt.

Cũng đừng có ai bảo rằng nhà Tu sĩ ghét bỏ cuộc đời xao động ô uế và tìm cách lánh xa. Cũng không! Nhận thấy giá trị bọt bèo của cuộc đời ấy, nhà Tu sĩ chỉ biết thương xót. Người vẫn sống ngay trong cuộc đời ô uế, xấu xa nhưng không bao giờ nhiễm, như hoa sen gần bùn mà không bị tanh hôi. Hoa sen chỉ rải rác hương thơm cùng đây đó, và Tu sĩ cũng chỉ một lòng bền son dắt dìu cho mọi người sa ngã, chỉ nẻo sáng cho mọi người biết để bước đi, tô điểm đời sống chung bằng hành vi cao đẹp.

Sống hoàn toàn như thế, thực khó. Bao nhiêu tập quán, bao nhiêu mê lầm từ quá khứ xa xưa vẫn đeo đuổi, dễ gì dứt bỏ được những dục vọng thế thường; vì vậy, trên bước đường đầu chắc chắn, nhà Tu sĩ phải tự kềm trong một giới luật. Do đó, thấy người sống trong giới luật, người ta bảo là Tu sĩ lánh đời!

Rồi một ngày kia, ngào ngạt hương trầm giải thoát, nghệ sĩ sẽ làm cho bao nhiêu người ngây ngất. Hiện tượng xấu xa bỉ ổi đã lui dần, nhường chỗ cho ánh sáng diệu huyền.

Và muôn loại lại được thấy từ gần ba ngàn năm xưa, bóng từ bi che rợp cả không gian, bao phủ cả trăm ngàn thế hệ.

Nghệ sĩ đã đi đến tuyệt đích. Mọi người trông thấy sự nghiệp người mà ngây ngất, thấm nhuần đạo đức người mà sung sướng vô vàn.

Còn tác phẩm vĩ đại của người, ôi, hằng sa kiếp nào ai đã nói tận. Bước đường đi, nghệ sĩ rải rác giống lành. Đường tràn đầy hoa thơm ngào ngạt. Nhìn lại quảng đường mà người đã bước, muôn người hân hoan, thốt lời thán phục. Nhưng lời thán phục nào xứng đáng với hạnh nguyện của người trong lẽ Đạo!

Thế giới không còn là thế giới xấu xa bỉ ổi nữa. Thế giới là một thế giới đầy hương hoa của muôn ngàn hành vi đẹp. Và dấu chân người đi, đoàn hậu tấn đua nhau rảo bước, dẫm lại vết người hướng dẫn, lòng sẽ tràn ngập niềm hoan lạc vô biên, niềm hoan lạc mà trước kia người đã say sưa nhận làm nấc thang tiến thủ.

Từ ba ngàn năm xưa, đức Thích Ca Mâu Ni đã là hiện thân của nghệ thuật tuyệt vời.

Nhà Tu sĩ không phải đợi đến khi giải thoát hoàn toàn mới đem công trình nghệ thuật của mình ra phát minh và cứu nhân loại.

Như trên đã nói, mỗi hành vi của người đã là có ảnh hưởng chung với xã hội, với muôn loài. Và nếu cùng một tâm niệm lành giống nhau, thì lo gì cảnh thiên đường không hiện ngay trước mắt?

Xuất gia, chúng ta vẫn có thể là một nghệ sĩ chân thàng với nghệ thuật. Những sáng tác của ta không mất đi đâu cả. Những sáng tác ấy là của chung mọi người. Hãy vui vẻ nhận lấy bao sự khó khăn. Chúng ta sẽ hưởng mãi sự An Lạc của công việc Dứt Dữ Làm Lành, bỏ mê mờ, về trong tươi sáng. Chúng ta hãy đòi hỏi, đòi hỏi bằng thực hành, những công trình sáng tác vĩ đại. Những công trình ấy chỉ ta tạo ra thôi.

Tại gia, chúng ta vẫn có thể là một nghệ sĩ chân thành. Nhưng hoàn cảnh của chúng ta khác hơn. Hoàn cảnh của chúng ta là một hoàn cảnh của những văn nghệ sĩ nghèo nàn đã để hết một phần lớn về sự sống. Nhưng, chúng ta có thể tự hào rằng nếu là một nghệ sĩ, chúng ta vẫn có thể sáng tác nhiều giá trị nghệ thuật, vĩ đại không kém. Sự sáng tác ấy đi đôi với sức phấn đấu sinh tồn, sẽ rực rỡ hơn biết bao nhiêu.

Vì tội lỗi ngàn xưa, tập quán lâu dài, sự khó khăn vẫn sẵn sàng chờ đợi. Ta chỉ biết một điều là ngoài cuộc sinh sống, bao thời giờ vui chơi, ta để cả vào nghệ thuật, vào Tu Nghệ. Ai dám bảo trong công cuộc sinh sống, trong mọi hành động thường ngày, ta không thể Tu được? Vâng, thưa bạn, có thể được lắm.

Nhưng, cứ nhưng mãi bị ràng buộc, nên việc làm đôi vẫn ít kết quả hơn việc làm duy nhất.

Tu là một nghệ thuật.

Mỗi người có thể là một nghệ sĩ.

Và thầy Tu là một nghệ sĩ... chuyên môn.

(Trích tập văn Hướng Thiện, tháng sáu, PL. 2514)