Bộ ba ván khắc Cổ Châu Lục, Cổ Châu Hạnh, Cổ Châu Nghi và văn hiến Hán Nôm chùa Dâu

chùa Dâu, một ngôi chùa nổi tiếng là cổ kính ở vùng Kinh Bắc. Bấy giờ, ở gian chái bên phải nhà Tổ của chùa là một kho chứa đủ các thứ gia cụ và nông cụ linh tinh như nong nia thúng mủng, cào cuốc, gầu tát nước v.v… Và tình cờ chúng tôi nhìn thấy trong đó có để lẫn lộn xô bồ nhiều tấm ván nhỏ có khắc chữ Hán chữ Nôm. Điều hết sức thú vị là trong số hơn một trăm tấm ván khắc tác phẩm Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, còn lại trọn bộ từ đầu chí cuối.

BỘ BA VÁN KHẮC CỔ CHÂU LỤC, CỔ CHÂU HẠNH, CỔ CHÂU NGHI VÀ VĂN HIẾN HÁN NÔM CHÙA DÂU

Nguyễn Quang Hồng

Vào khoảng cuối năm 1986, do nhu cầu thu thập tư liệu để chuẩn bị biên soạn một bộ Tự điển chữ Nôm, tôi có tiếp xúc với một tác phẩm Hán Nôm, tên đề là Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục. Bản sách này chứa trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mang kí hiệu A.818, do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp (FEEO) ở Hà Nội trước đây đã lưu trữ lại được. Sau đó ít lâu, cùng với các bạn đồng nghiệp, tôi có dịp trở về thăm chùa Dâu ở Thuận Thành, Hà Bắc. Được nhà sư trụ trì chùa và cán bộ địa phương giúp đỡ, chúng tôi đã thực hiện việc điều tra, thu thập các tư liệu chữ Hán chữ Nôm ở chùa Dâu, một ngôi chùa nổi tiếng là cổ kính ở vùng Kinh Bắc. Bấy giờ, ở gian chái bên phải nhà Tổ của chùa là một kho chứa đủ các thứ gia cụ và nông cụ linh tinh như nong nia thúng mủng, cào cuốc, gầu tát nước v.v… Và tình cờ chúng tôi nhìn thấy trong đó có để lẫn lộn xô bồ nhiều tấm ván nhỏ có khắc chữ Hán chữ Nôm. Điều hết sức thú vị là trong số hơn một trăm tấm ván khắc tác phẩm Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, còn lại trọn bộ từ đầu chí cuối. Càng thêm hào hứng, khi chúng tôi phát hiện ra trong đống đồ đạc, phủ đầy bụi thời gian kia hai bộ ván khác nữa có liên quan với tác phẩm nói trên. Đó là ván khắc một tác phẩm văn vần chữ Nôm gọi là Cổ Châu Phật bản hạnh và một tác phẩm khác bằng Hán văn gọi là Hiến Cổ Châu Phật tổ nghi. Mà bản in của hai tác phẩm này, như chúng tôi biết, chưa hề được Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp trước kia lưu trữ lại, và cho đến nay vẫn chưa có mặt trong văn khố Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội(1).

Mối liên hệ chặt chẽ giữa ba bộ ván khắc này trước hết là ở nội dung mà các tác phẩm đề cập đến. Nếu như Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục và Cổ Châu Phật bản hạnh đều thiên về kể lại sự tích bà A Man cùng các vị Phật thuộc hệ Tứ Pháp và tán dương công đức của họ đối với dân với nước, thì Hiến Cổ Châu Phật tổ nghi là những bài văn cúng tỏ lòng tưởng nhớ của hậu thế đối với chư Phật và cầu mong được chư Phật thiêng liêng muôn đời phù hộ. Mặc dù nội dung hai tác phẩm trên cơ bản là như nhau, song Cổ Châu Pháp Vân bản hạnh ngữ lục là văn bản cổ từ xưa truyền lại, được khắc in nguyên văn chữ Hán, kèm theo lời diễn ra chữ Nôm, tất cả đều bằng văn xuôi. Còn Cổ Châu Phật bản hạnh thì hoàn toàn là văn vần chữ Nôm theo thể lục bát vốn rất dễ phổ biến trong dân gian. Trong khi đó, với nội dung cúng tế và cầu nguyện, hướng về các vị Phật tổ thiêng liêng của bản chùa, Hiến Cổ Châi Phật tổ ngh i lại dùng toàn văn ngôn chữ Hán để giữ vẻ nghiêm trang thần bí, là một điều hoàn toàn thích hợp. Xem ra, giữa ba tác phẩm này từ nội dung và mục đích (chức năng) đến hình thức ngôn ngữ và văn tự dù có chỗ tương đồng hay khác biệt, song tất cả dường như đều nhằm hỗ trợ và bổ sung cho nhau để tạo thành một hệ thống hợp lý và hoàn chỉnh, tiêu biểu cho văn hiến Hán Nôm của chùa Dâu cổ kính.

Cũng rất đáng được chú ý đến ở đây là, cả ba tác phẩm đều lần lượt được trình các nhà sư trụ trì chùa Dâu, vào những thời kỳ khác nhau, đứng ra tổ chức san khắc ngay tại bản chùa. Và, cũng không phải là tình cờ mà cả ba tác phẩm này đã được những người san khắc đặt tên gọi tắt cho từng tác phẩm một cách nhất quán như nhau: Cổ châu lục (đối với Cổ Châu Phật bản hạnh ngữ lục), CỔ CHÂU HẠNH (đối với Cổ Châu Phật bản hạnh và CỔ CHÂU NGHI (cho Hiến Cổ Châu Phật tổ nghi). Ở mỗi tác phẩm, những tên gọi tắt này được khắc vào chính giữa mỗi tấm ván, nơi giáp lai giữa hai trang in. Dưới đây chúng ta sẽ không ngần ngại sử dụng triệt để các tên gọi tắt một cách nhất quán và tiện lợi đó theo truyền thống của bản chùa.

Toàn bộ văn bản Cổ châu lục được san khắc trên 21 tấm ván có kích thước 30x22cm. Mỗi tấm in ra giấy, gấp đôi lại (để đóng thành sách theo lối cổ truyền) sẽ thành một tờ hai trang với khổ 15x22cm. Trên mỗi trang đều chia thành 6 cột để khắc chữ. Cứ một câu (hoặc một cú đoạn nguyên văn chữ Hán thì một câu tiếp theo diễn ra chữ Nôm. Phần diễn Nôm (và đôi khi xen lời chú giải bằng chữ Hán) khắc chữ cỡ nhỏ bằng phân nửa chữ Hán nguyên văn. Lối “dịch đuổi” từ Hán sang Nôm và cách trình bày trên ván khắc như vậy vẫn thường thấy ở một số tác phẩm Hán Nôm khác từ thời Lê Trịnh, như bộ sách 4 quyển Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú (nguyên tác Hán văn của Nguyễn Dữ, do Nguyễn Thế Nghi diễn Nôm) chẳng hạn. Ván khắc Cổ châu lục có vài chỗ bị mòn mờ, nhưng nhìn chung là còn khá tốt, chữ rõ ràng, dễ đọc. Người viết chữ để khắc là Hải Tịch (có lẽ là pháp danh của một nhà sư hoặc một môn đồ của bản chùa). Việc san khắc ván in do nhà sư Tính Mộ (1706 - 1755) trụ trì chùa Dâu lúc bấy giờ đứng ra trông coi, với sự đóng góp và trợ giúp của các môn đồ như Hải Mật, Hải Lệ, Hải Tố, Hải Nhiệm, Hải Bạch, Hải Ích, Hải Thản, Hải Ứng, Hải Dị. Công việc san khắc hoàn thành vào mùa Thu năm thứ 13 niên hiệu Cảnh Hưng (1752) triều Lê. Tất cả những thông tin này đều được khắc ghi ở những dòng cuối cùng của bộ ván khắc.

Nguyên văn chữ Hán tác phẩm Cổ châu lục dài ngót 2100 chữ. Những người san khắc ghi rõ đây là cổ bản, nghĩa là một văn bản từ xưa truyền lại. Ngay từ phần mở đầu, soạn giả (không rõ là ai) có cho biết câu chuyện được kể lại đây (về sự tích bà Man Nương thành Phật trên đất Cổ Châu) là dựa theo sách Báo cực truyện. Có thể Báo cực truyện là một bộ sách ở Trung Hoa, ghi chép các truyện thần nhân tiên Phật, nhưng nay đã thất truyền. Ta biết rằng trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (đầu thế kỷ XIV, đời nhà Trần, cũng có dẫn sách Báo cực truyện. Tuy nhiên, trong số 28 truyện do Lý Tế Xuyên soạn không thấy có chuyện bà Man Nương. Điều đáng lưu ý là ở phần cuối Cổ châu lục có nhắc đến và dẫn lời của Lý Tế Xuyên, chứng tỏ tác phẩm Cổ châu lục đã được soạn ra từ sau thời đó, và có thể soạn giả là người đã từng quen thuộc với sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên. Sau Việt điện u linh tập không lâu (khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV) xuất hiện sách Lĩnh Nam chích quái, trong đó có chép chuyện Phật bà Man Nương. Không rõ là soạn giả Cổ châu lục đã biết đến sách này chưa. Còn có thêm một căn cứ nữa để đoán định niên đại tác phẩm Hán văn Cổ châu lục là như sau: trong nguyên văn, sau phần kể sự tích bà Man Nương từ khi gặp thầy Khâu Đà La cho đến khi hóa thành Phật và sự hình thành nên hệ thống chùa Tứ Pháp ở Giao Châu, là phần ghi lại sự cảm ứng linh thiêng của Phật Pháp Vân chùa Dâu qua các lần cầu đảo (theo thứ tự thời gian triều đại) mà đích thân nhà vua hoặc hoàng hậu và các quan trong triều cử hành. Lần cầu mưa đầu tiên được ghi lại là vào thời Lý Nhân Tông, năm nhà vua mới lên ngôi (1072), và lần cầu đảo cuối cùng được ghi vào nguyên bản Cổ châu lục là vào năm Đại Khánh 9 (tức năm 1322), dưới thời vua Trần Minh Tông. Nếu văn bản này soạn ra khá muộn về sau này, thì những sự kiện cầu đảo linh ứng tương tự như vậy diễn ra vào những triều vua nhà Trần hoặc nhà Lê sau đó, ắt cũng phải được ghi chép đây. Thế nhưng, trong nguyên bản Cổ châu lục không thấy biên chép gì nữa sau thời nhà vua Trần Minh Tông (1314 - 1329). Mãi cho đến năm Lê Cảnh Hưng 13 (tức năm 1752), khi nhà sư Tính Mộ cho khắc ván in lại nguyên bản Cổ châu lục (kèm diễn Nôm), thì nhà sư mới cho soạn thêm hơn 100 chữ Hán nữa, phụ khắc vào cuối với tiêu đề Khánh Kim để “phản ánh kịp thời” những sự kiện cầu đảo linh nghiệm ở bản chùa vừa diễn ra không lâu dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Ta lại biết rằng (theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn): Lý Tế Xuyên soạn Việt điện u linh tập vào năm đầu niên hiệu Khai Hựu (tức năm 1329) thuộc triều vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341) kế tiếp sau vua Trần Minh Tông nói ở trên. Như vậy, có nhiều lý do để đoán định rằng, phần Cổ bản Hán văn trong Cổ châu lục đã được soạn ra không lâu sau cuốn sách Việt điện u linh tập và soạn giả có chịu ảnh hưởng từ cuốn sách nổi tiếng đó của Lý Tế Xuyên. Đó có thể là vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIV (cuối nhà Trần), hoặc muộn lắm là đầu thế kỷ XV (đầu nhà Lê).

Phần diễn dịch ra chữ Nôm trong bộ ván khắc Cổ châu lục tất cả gồm có 2360 chữ. Người thực hiện công việc diễn Nôm này là Viên Thái, có lẽ cũng là một nhà sư, mà hiện giờ chúng tôi chưa biết được đích xác lai lịch của ông (hay bà?). Cũng vậy, chưa có gì chắc chắn để xác định niên đại, khi Viên Thái thực hiện công việc diễn dịch từ Hán sang Nôm này. Xem xét sơ qua cách viết chữ Nôm trong bản khắc in, thì thấy ở đây có cả chữ giả tá ghi âm thuần túy, lẫn chữ hình thanh nửa ghi âm nửa ghi ý, song nhìn chung, chữ giả tá thuần âm vẫn chiếm ưu thế. Có không ít những chữ, mà các văn bản có niên đại muộn, vào cuối nhà Lê chẳng hạn, đã hầu như chuyển hẳn sang lối viết hình thanh, thì ở đây vẫn thấy viết khá nhất quán theo lối giả tá ghi âm đơn thuần (như BA chỉ viết đơn giản là Ba @, NGƯỜI chỉ viết là Ngại @, TÊN viết là Tiên @, NAY viết là Ni @, CON viết là Côn @ v.v…). Đáng lưu ý hơn là trong lời văn diễn Nôm của Cổ châu lục có khá nhiều những từ ngữ và cách diễn đạt cổ (như: Mày trong phép tao, Hay chưng thầy thửa ở, Tu Định xấu đấy, Thực thời lỗi ấy chưng ai, Đã mà cây lại hợp, Chẳng chẳng ngửa kính, Mặc trả oan gia đứa Khâm Ung, Bốn chùa mặc yên đặt đấy, Phới phới vậy cả mưa, Lánh chưng chăng khả… và những tiếng cổ như: cóc: biết, óc: gọi, ghín: gìn, hợp: nên, áng: đám, thốt: nói, tra: tìm, dức (thức): vang, vóc dáng: thân hình, la - đá: đá v.v…). Tình hình viết chữ và dùng chữ như thế là khá phổ biến trong văn xuôi diễn Nôm ở thế kỷ XVI và XVII, như có thể thấy trong phần Tăng bổ giải âm (của Nguyễn Thế Nghi, từng làm quan dưới triều Mạc) cho bộ Truyền Kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Riêng một từ LA - ĐÁ, ngoài các văn bản chữ Nôm từ thế kỷ XVII về trước, còn thấy ghi lại trong sách Hoa Di dịch ngữ biên soạn ở Trung Hoa vào thời nhà Minh (1368 - 1638), và cả trong Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes (xuất bản năm 1651). Sang thế kỷ XVIII, trong bộ từ điển Việt - La (Dictionarium Annamitico Latinum) viết tay xong (xong năm 1773) của Pigneau de Béhaime đã không có mặt từ song tiết LA - ĐÁ mà chỉ còn là đơn tiết ĐÁ. Lại nói, bản sáchin sớm nhất còn lại hiện nay của bộ Tân biên Truyền kỳ mạn lục Tăng bổ giải âm tập chú là từ bộ ván san khắc vào năm Cảnh Hưng 24 (1763), chừng mười năm sau bộ ván CỔ CHÂU LỤC. Xem ra, diễn Nôm theo kiểu “dịch đuổi” từng câu đối với nguyên tác văn xuôi chữ Hán có thể là phong khí một thời (vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII) trong bước đầu hình thành nền văn học chữ Nôm ở nước ta, và chính trong tâm thế chung đó, đã có sự góp mặt khiêm tốn của phần diễn Nôm trong Cổ châu lục do Viên Thái thực hiện.

Hoàn toàn có thể khẳng định được rằng cũng chính nhà sư Tính Mộ cùng với các môn đồ kể trên là những người đứng ra san khắc tác phẩm tiếp theo: CỔ CHÂU HẠNH. Kích cỡ các tấm ván, cùng hình thức trình bày đến cách chia cột, khắc chữ ở bộ ván in này là giống hệt như bộ ván khắc CỔ CHÂU LỤC. Đã thế, giòng chữ ghi năm tháng hoàn tất việc san khắc bộ ván này cũng giống hệt như ở bộ ván CỔ CHÂU LỤC, đều là Cảnh Hưng thập tam niên chi Nhâm Thân (tức năm 1752), chỉ khác là bộ Cổ châu lục khắc xong vào “một ngày lành mùa Thu”, còn bộ CỔ CHÂU HẠNH thì khắc xong vào “giờ lành tiết Nhất Dương” (tức là khoảng tháng Mười Một ta). Như vậy, hai bộ ván được san khắc xong chỉ chênh nhau trước sau vài ba tháng mà thôi. Bởi vậy, mặc dầu ở cuối bộ ván CỔ CHÂU HẠNH không ghi rõ, chúng ta vẫn đoán nhận ra rằng việc san khắc hai tác phẩm CỔ CHÂU HẠNH và Cổ châu lục đã được nhà sư Tính Mộ đặt ra cùng một lúc và thực hiện công việc này gần như đồng thời với nhau.

Như đã từng nói ở trên, cũng kể về sự tích và truyền tụng công đức Phật mẫu A Man cùng chư vị Phật Tứ Pháp, song khác với Cổ châu lục là văn xuôi (Hán văn kèm diễn Nôm), CỔ CHÂU HẠNH là một tác phẩm văn vần lục bát bằng chữ Nôm. Toàn bộ CỔ CHÂU HẠNH gồm 246 cặp lục bát (ngót 3450 chữ), cũng được khắc trên 21 tấm ván, mỗi tấm sẽ cho 2 trang in khổ 15x22cm, mỗi trang chia thành 6 cột, mỗi cột khắc một cặp lục bát chữ Nôm cỡ to. Về cách viết chữ Nôm, có thể bắt gặp một vài sai biệt nhỏ ở một số chữ cụ thể so với chữ Nôm trong ván khắc CỔ CHÂU LỤC, song nhìn chung là khá thống nhất giữa hai bộ ván khắc này. Khi kể về sự tích bà Man Nương cùng sự hình thành nên hệ chùa Tứ Pháp, hầu hết các chi tiết trong CỔ CHÂU HẠNH là trùng hợp với CỔ CHÂU LỤC. Có khác chăng là ở CỔ CHÂU HẠNH, sự việc đôi khi được kể lại tỉ mỉ hơn (và do đó, có thể là dài dòng hơn). Nhất là quang cảnh lễ hội chùa Dâu đã được tác giả dựng lại khá sinh động với đầy đủ âm thanh, màu sắc và không khí rộn ràng náo nức của dân chúng. Rõ ràng là cảm hứng văn hoá dân gian của tác giả đã được thể hiện một cách thích đáng.

Rất tiếc là chúng ta không biết rõ tác giả CỔ CHÂU HẠNH là ai. Có thể là đã từng có ai dựa vào nội dung Cổ châu lục để diễn Nôm thành văn vần lục bát cho dễ phổ biến, dễ thuộc. Sau rồi qua truyền miệng dân gian, người ta không còn nhớ (và cũng không cần nhớ) tác giả đầu tiên của nó là ai nữa. Đó là số phận và đời sống chung của tác phẩm dân gian, mà các bài văn vần kể hạnh ở các nhà chùa như bài CỔ CHÂU HẠNH này chẳng qua cũng là cùng chung cảnh ngộ. Bởi vậy mà khi khắc ván tác phẩm này, người ta đã để trống mà không ghi tên tác giả. Trong khi đó, ở bộ ván CỔ CHÂU LỤC, tác giả phần diễn Nôm đã được ghi rõ là Viên Thái. Phải chăng có thể đặt một dấu ngang bằng hay dấu nối giữa Viên Thái và tác giả CỔ CHÂU HẠNH? Không loại trừ một giả thuyết như vậy, song chứng minh nó là điều không dễ gì thực hiện được.

Có một vài chi tiết từ trong bản thân văn bản CỔ CHÂU HẠNH giúp ta căn cứ để đoán định niên đại ra đời của nó. Trước hết, đó là niên hiệu Hồng Đức (từ 1470 đến 1497) dưới triều vua Lê Thánh Tông được nhắc đến vào đoạn cuối tác phẩm với quang cảnh lễ hội chùa Dâu tưng bừng náo nhiệt. Sau đó là hết, không còn nhắc đến một triều đại nào tiếp theo nữa. Và đó cũng là chi tiết mới thêm vào so với nguyên văn CỔ CHÂU LỤC. Thứ nữa, để gọi tên nước Trung Hoa thời cổ xưa (thời nhà Hán, nhà Tùy v.v…), tác giả vẫn quen gọi là Đại Minh, theo cách gọi tên nước thời nhà Minh (1368 - 1644). Chỉ có người đương thời mới quen gọi tên nước như vậy. Từ đó suy ra, tác phẩm văn vần CỔ CHÂU HẠNH không thể ra đời muộn hơn năm 1644 (từ đó về sau không được gọi tên nước là Đại Minh nữa), và đương nhiên cũng không thể hình thành sớm hơn năm 1470 (trước đó chưa có niên hiệu Hồng Đức). Tuy nhiên, giới hạn thời gian đó vẫn còn quá rộng, nhất là đối với cái mốc khổi đầu. Có lẽ CỔ CHÂU HẠNH ít có khả năng xuất hiện trước phần diễn Nôm văn xuôi trong CỔ CHÂU LỤC, mà khả năng nhiều nhất là đồng thời hoặc sau một chút, tức là cũng vào khoảng từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII.

CỔ CHÂU NGHI, như tên gọi của nó (Hiến Cổ Châu Phật tổ nghi ) đã chỉ rõ, là một tập hợp có hệ thống các bài văn tụng niệm khi cúng dâng hương hoa trước anh linh các vị Phật tổ chùa Dâu và cả các vị Phật thuộc hệ Tứ Pháp. Ở đây, trong các bài văn cúng lần lượt có nhắc đến tất cả các “nhân vật” chủ yếu đã xuất hiện trong Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH: Phật mẫu A Man, chư vị Tứ pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, cùng Thạch Quang Phật. Rồi đến thầy Khâu Đà La, ông bà Tu Định, và cả sĩ Vương. Các vị Phật tổ bản chùa, ngoài Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi (? - 594), Thiền sư Pháp Hiền (? - 626) còn có Thiền sư Sùng Phạm (1004 - 1087).

Toàn văn CỔ CHÂU NGHI, gồm hơn 1500 chữ Hán, khắc trên 13 tấm ván khổ 30x20cm, in lên giấy gấp đôi lại sẽ có trang in khổ 15x20 cách mạng. Mỗi trang chia làm 5 cột, khắc chữ khá to và đẹp. Trong số 13 tấm ván khắc, có hai tấm là tấm thứ 5 và tấm thứ 12 có lẽ bị thất lạc hoặc hỏng nát, và không rõ từ bao giờ, người ta đã khắc bù lại vào mặt sau của những tấm ván còn lại, với nét chữ khô cứng và xấu hơn. Với hai mặt ván khắc bù này, tác phẩm CỔ CHÂU HẠNH coi như vẫn còn đầy đủ. Căn cứ vào những giòng chữ khắc ngay ở tấm ván đầu tiên, bên dưới tên tác phẩm, có thể nhận biết được rằng CỔ CHÂU NGHI vốn cũng là những văn bản chữ Hán đã được soạn ra từ xưa, nhưng không rõ là từ tác giả thời nào. Cho đến thế kỷ XVIII thì được nhà sư Thích Quảng Điều, ẩn tăng ở Viện Thiền Phong trên Tử Sầm (Sơn Tây) “dựa theo khoa nghi cũ mà sửa chép lại”. Nhà sư Thích Quảng Điều (còn gọi là Tính Quảng Thích Quảng Điều) vốn là một người hay chữ, từng soạn nhiều bài văn bia, như Liên Phương tháp ký và Tịnh Hạnh tháp ký tịnh minh đều dựng ở chùa Quang Khánh xã Dương Mông (Kim Thành, Hải Hưng) năm 1757. Như vậy, nhà sư Thích Quảng Điều cũng là người đương thời với nhà sư Tính Mộ ở chùa Dâu hồi ấy. Đúng 40 năm sau khi Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH được khắc in, thì nhà sư Chiếu Tuyên (1754 - 1801) kế tục công đức của nhà sư Tính Mộ, đã dựa vào văn bản do nhà sư Thích Quảng Điều “sửa chép” (tức là biên tập) lại đó, đem cho san khắc thành ván in. Một người họ Nguyễn ở xã Kiêu Kỵ viết chữ Hán, và hiệp thợ Hồng Lục khắc chữ. Công việc san khắc CỔ CHÂU NGHI hoàn tất vào cuối mùa hè năm Nhâm Tý, niên hiệu Quang Trung 5 (tức năm 1792), dưới triều Tây Sơn Nguyễn Huệ.

Nơi đến công đức của sư Tính Mộ và sư Chiếu Tuyên, có lẽ cũng cần phải nhắc dến ít nhất là một bài văn khắc trên bia và một bài văn khắc trên chuông nữa ở chùa Dâu.

Hơn 15 năm trước khi chủ trì việc san khắc Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH, nhà sư Tính Mộ đã đứng ra trông coi việc trùng tu lại tháp Hòa Phong, một kiến trúc cổ kính và nổi tiếng ở chùa Dâu. Khởi công tu tạo từ mùa Thu năm Đinh Tỵ (1737), và mùa Hạ năm sau (1738) thì hoàn thành. Việc này đã được ghi lại trong bài Hòa Phong tháp bi ký do một vị họ Nguyễn, cựu nhậm Tri huyện Thượng Nguyên soạn, khắc vào bia đá dựng ở chân tháp Hòa Phong, vào đúng năm ấy.

Hơn 55 năm sau, chùa Dâu tổ chức đúc một quả chuông to. Công việc này đến lượt do nhà sư Chiếu Tuyên trông coi. Điều thú vị là, sau khi chuông đúc xong, để ghi lại sự kiện đầy ý nghĩa ở chốn cửa Phật này, cũng chính nhà sư Chiếu Tuyên, mặc dù tự khiêm rằng đã không ngần ngại tự tay thảo nên bài minh tuyệt hảo, và đem khắc lên chuông với tên đề là Cổ Châu Diên Ứng đại thiền tự tạo chú đại pháp chung. Đó là vào một ngày đầu tháng Chạp năm Quý Sửu, năm đầu tiên thuộc triều đại vua Cảnh Thịnh (1793) nhà Tây Sơn. Ta còn nhớ rằng, mới chỉ hơn một năm trước đó, nhà sư Chiếu Tuyên vừa cho san khắc xong bộ ván CỔ CHÂU NGHI(2).

Hệ thống các chùa Tứ Pháp hình thành trước tiên ở miền Cổ Châu xưa, thuộc huyện Thuận Thành (Hà Bắc) ngày nay. Song dần dần về sau, nhiều nơi khác ở châu thổ sông Hồng, và có thể còn lan xa hơn nữa, cũng hình thành nên các quần thể chùa chiền thuộc hệ Tứ Pháp. Ở những nơi đó, chúng ta có thể tìm thấy những tác phẩm chữ Hán chữ Nôm nói về sự tích Phật mẫu A Man cùng chư vị Phật Tứ Pháp. Chẳng hạn, tôi đã có dịp về thăm chùa Thành Đạo (tục gọi chùa Đậu) thuộc huyện Thường Tín (Hà Tây). Đó là một ngôi chùa nổi tiếng ở phía Nam Hà Nội, thuộc hệ Tứ Pháp, phụng thờ Phật Pháp Vũ (em Phật Pháp Vân). Ở đây tôi được tiếp xúc với một bản Thánh tích thực lục được khắc lên những tấm đồng mỏng, và xâu ghép lại thành tập sách đồng, được giữ gìn cẩn thận tại bản chùa. Đó là một tác phẩm Hán văn, nội dung về cơ bản giống như Cổ châu lục ở chùa Dâu. Có thể là khi soạn Thánh tích thực lục cho chùa Đậu, soạn giả (khuyết danh) đã dựa hẳn vào phần Cổ bản trong CỔ CHÂU LỤC, thậm chí nhiều đoạn, nhiều câu là sao y nguyên văn. Có khác chăng là ở Thánh tích thực lục của chùa Đậu đã lược bỏ đôi chỗ ít liên quan với Phật Pháp Vũ, trước hết là những đoạn ghi lại các cuộc cầu đảo linh ứng ở chùa Dâu. Đồng thời cũng có thêm thắt chút ít, như đưa vào chi tiết Quách Thông (Quách Qùy nhà Tống?) xin đất để dựng chùa Thành Đạo, cùng vài bài thơ ngự đề, có thể là thơ đề vịnh của các chúa Trịnh. Tại văn khố Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có lưu trữ một bản sao (từ đầu thế kỷ này, với nét bút lông rất cẩn thận) nguyên văn bản sách đồng Thánh tích thực lục nói trên (ký hiệu: A.1067).

Cũng tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể tìm thấy tập sách khác nhan đề là Cổ Châu Tứ Pháp phả lục (ký hiệu: A.2051). Tập sách này in từ một bộ ván khắc vào năm Khải Định Kỷ Mùi (1919), gồm 20 trang, cỡ nhỏ. Trong đó, sau Tiểu dẫn, có bài văn xuôi chữ Hán gọi là Tứ Pháp ngọc phả do Trần Đăng Thái dựa vào một bản Tứ Pháp cựu truyện nào đó ở xã Khúc Toại mà biên soạn ra. Bản ngọc phả này dài không quá 1000 chữ, kể vắn tắt về sự tích Phật A Man cùng chư vị Phật Tứ Pháp. Tiếp theo lại có cả bản diễn Nôm thành văn vần lục bát gồm 126 dòng (63 cặp), do Đỗ Huy Liêu soạn (gọi là Tứ Pháp ngọc phả quốc âm). Ở đây, cả trong văn xuôi “thực lục” lẫn trong văn vần “quốc âm”, nội dung câu chuyện vốn đã khá vắn tắt, mà ở một số chi tiết cũng có ít nhiều dị biệt so với Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH. Chẳng hạn, trong các văn bản ở chùa Dâu thì Man Nương bỗng dưng có mang và 14 tháng sau sinh ra một bé gái, còn trong Cổ Châu Tứ pháp phả lục do Trần Đăng Thái và Đỗ Huy Liên soạn thì Man Nương mang thai 10 tháng và sinh ra hòn đá (!). Chỗ giống nhau là sau đó nàng mang con (hoặc là bé gái, hoặc là hòn đá) vào rừng trao cho thầy Khâu Đà La, để thầy dùng phép lạ giấu nó vào trong thân một cây đa to, nhờ vậy mà giải được nỗi lo “khôn che tiếng tục, khôn cầm tiếng oan”. Xem ra, chuyện kể như trong Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH ở chùa Dâu có phần tự nhiên và hợp lý hơn, bởi vì một khi đã sinh ra hòn đá, thì có muốn giấu hòn đá đi cũng chỉ là việc đơn giản, hà tất phải mang vào rừng nhờ phép lạ của vị cao tăng kia mới thực hiện được. Ở Cổ châu lục và CỔ CHÂU HẠNH còn kể thêm rằng, bé gái được thu nạp vào lòng cây đa, trải nhiều năm, đã hóa thành đá trong đó, và sau này trở thành Bụt Đá (Thạch Quang Phật). Chuyện có vẻ thần kỳ, song cũng là hợp lý này, đã không được phản ánh trong sách Cổ Châu Tứ Pháp phả lục nói trên. Tóm lại, xét về căn cứ sơ thủy và niên đại của văn bản, về tính hoàn chỉnh và hợp lý của nội dung và hình thức văn bản, thì tất cả các tác phẩm và xem xét trên đây đều khó có thể tranh chấp được giá trị với bộ ba ván khắc CỔ CHÂU LỤC, CỔ CHÂU HẠNH CỔ CHÂU NGHI hiện đang lưu trữ tại chùa Dâu.

Chỉ với bộ ba ván in CỔ CHÂU LỤC, CỔ CHÂU HẠNH và CỔ CHÂU NGHI, chùa Dâu đã có được vẻ riêng của mình về phương diện văn hiến Hán Nôm. Vậy mà ở chùa Dâu không những chỉ có thế. Ở đây còn lưu giữ một loạt các bộ ván khắc in kinh sách nhà Phật, trong đó có những bản đã được diễn dịch ra chữ Nôm từ những thế kỷ trước (như Nhân quả kinh quốc, Kỳ vũ kinh, Tam giáo kinh …). Theo sự kiểm kê sơ bộ của chúng tôi thì ở đây hiện còn hơn 100 tấm ván in, chia làm 12 bộ sách khác nhau. Chỉ tiếc là nhiều bộ ván in đã bị tàn khuyết, không còn được trọn vẹn như CỔ CHÂU LỤC, CỔ CHÂU HẠNH, CỔ CHÂU NGHI. Mặc dầu vậy, tất cả những bộ ván khắc đó, cùng với mấy chục bài văn chữ Hán chữ Nôm khắc trên các tấm bia (gồm 9 bia đời Lê, 3 bia đời Tây Sơn, 15 bia đời Nguyễn), chuông (1 chuông đồng đường kính 84 cm đúc đời Tây Sơn), khánh (1 khánh đồng dài 186 cm đúc đời Nguyễn), biển gỗ v.v… hiện còn tại chùa Dâu đều rất đáng được chúng ta ngày nay trân trọng, giữ gìn và nghiên cứu. Đó trước hết là những chứng tích “biết nói” về chiều sâu lịch sử cùa chùa Dâu, về vị trí quan trọng của nó trong bước đầu hình thành nên Phật giáo Việt Nam, từ những năm đầu Công nguyên. Đó có thể cũng là vang bóng của những thời kỳ xa xưa du nhập, phát sinh và phát triển văn hiến chữ Hán (mà trước hết là kinh sách nhà Phật và kinh sách nhà Nho) trên đất nước ta, bắt đầu từ thế kỷ II đến thế kỷ VI và tiếp tục về sau, mà trung tâm là vùng Luy Lâu (cũng là Cổ Châu) xưa. Và hiển nhiên hơn và trực tiếp hơn, đó là nguồn tư liệu có thể giúp ích cho việc nghiên cứu về lịch sử đất nước và lịch sử văn hoá, về tín ngưỡng và sinh hoạt dân gian ở lưu vực sông Hồng, về ngôn ngữ và chữ viết ở nước ta trong quá khứ v.v…

CHÚ THÍCH

1. Gần đây, tôi được biết rằng từ những năm còn chiến tranh, một số nghiên cứu đã biết đến kho ván khắc chữ Hán ở chùa Dâu. Mặc dù vậy cho đến nay kho ván khắc này vẫn hầu như chưa được khảo sát giới thiệu, và các bộ ván khắc vừa được nhắc đến vẫn đang nằm im lặng trong tình trạng như chúng tôi đã chứng kiến.

Đầu năm 1994 chúng tôi bắt đầu giới thiệu với đông đảo độc giả một trong số ba tác phẩm kể trên trong kho ván khắc chùa Dâu là bài Cổ châu Phật bản hạnh qua một cuốn sách nhỏ (xem: Sự tích đức Phật chùa Dâu Nxb. Văn hoá thông tin Hà Nội (1994). Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị cho công bố toàn văn bộ ba ván khắc Cổ Châu và một vài văn bản khác có liên quan.

2. Về tiểu sử và hành trạng thiền sư Tính Mộ, thiền sư Chiếu Tuyên cùng các vị sư khác trụ trì chùa Dâu, xin xem: Nguyễn Tá Nhí, Dòng Thiền Đông Đô ở chùa Dâu, Nội san Phật học, Hà Nội, số 3 - 1994.