Câu đối ở chùa Từ Hiếu

Chùa Từ Hiếu là một danh lam thắng cảnh của đất đô thành. Kể cả thời xưa cũng như ngày nay, nhiều du khách tới thăm Huế đều coi đây là một địa chỉ rất đáng lưu tâm. Chùa Từ Hiếu được khởi nguồn bắt đầu từ một thảo am nhỏ có tên là An Dương am. Am An Dưỡng do Hòa Thượng Nhất Định lập nên để an nhàn dưỡng bệnh và phụng dưỡng mẹ già. Hòa Thượng Nhất Định tuy tu hành đắc đạo, nhưng cũng không quên đạo hiếu. Đối với mẹ già, khi bị ốm nặng, Hòa thượng không ngại tiếng chê cười, dèm pha. Hàng ngày ông đi bộ xuống chợ Bến Ngự mua thịt cá về nuôi dưỡng mẹ già.

CÂU ĐỐI Ở CHÙA TỪ HIẾU

TRẦN THỊ THANH

Khoa Ngữ Văn - ĐHKH Huế

1. Vài nét về chùa Từ Hiếu và tình hình câu đối ở chùa Từ Hiếu

Chùa Từ Hiếu là một danh lam thắng cảnh của đất đô thành. Kể cả thời xưa cũng như ngày nay, nhiều du khách tới thăm Huế đều coi đây là một địa chỉ rất đáng lưu tâm. Chùa Từ Hiếu được khởi nguồn bắt đầu từ một thảo am nhỏ có tên là An Dương am. Am An Dưỡng do Hòa Thượng Nhất Định lập nên để an nhàn dưỡng bệnh và phụng dưỡng mẹ già. Hòa Thượng Nhất Định tuy tu hành đắc đạo, nhưng cũng không quên đạo hiếu. Đối với mẹ già, khi bị ốm nặng, Hòa thượng không ngại tiếng chê cười, dèm pha. Hàng ngày ông đi bộ xuống chợ Bến Ngự mua thịt cá về nuôi dưỡng mẹ già.

Việc này nhiều người không hiểu lý do, nhưng có một số vị thái giám ở gần chùa, hay ra vào nơi đấy nên biết rất rõ sự tình. Việc giữ đạo hiếu của Hòa thượng Nhất Định đã được vua Thiệu Trị khen ngợi. Sau này, vua Tự Đức cảm phục tấm lòng của một Hòa thượng trọng đạo hiếu nên đã cấp tiền của, ruộng đất để xây thảo am nhỏ thành một ngôi chùa lớn rồi sắc ban cho tên gọi là “Từ Hiếu”. Về sau chùa Từ Hiếu đã được nhiều lần trùng tu và chính các vị Thái giám triều Nguyễn đã tự nguyện đóng góp tiền của mở rộng chùa. Và nơi đây cũng là chính nơi họ gửi gắm thân xác mình khi về nơi vĩnh hằng. Do vậy, ngày nay ở đất vườn chùa hãy còn gần 30 ngôi mộ của các vị thái giám. Hằng năm các vị sư trong chùa Từ Hiếu lấy 2 ngày 2/10 và 6/10 âm lịch làm ngày giỗ chung để tưởng nhớ các vị Thái giám triều Nguyễn.

Như vậy, từ khi chùa Từ Hiếu còn là An Dưỡng am (1842) đến nay đã trải qua trên hai trăm năm. Trên hai trăm năm biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử diễn ra nhưng chùa “Từ Hiếu” vẫn là một ngôi cổ tự chứa đựng nhiều chuyện thế thái nhân tình cùng những giáo lý cứu đời diệt khổ của nhà Phật. Những chuyện đó hiện nay còn lưu giữ trong văn bản chữ Hán như văn bia, sách kinh kệ Phật giáo và những câu đối của chùa.

Có thể nói câu đối ở chùa Từ Hiếu không những làm đẹp thêm kiến trúc của chùa mà còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Nhìn toàn thể thì câu đối được trang trí trên chùa Từ Hiếu có ở khắp nơi. Từ cổng chùa, cổng tam quan, tiền đường, trong chính điện hậu điện cho đến tháp Hòa thượng Nhật Định, tất cả được trang trí bằng 25 câu đối. Phần lớn những câu đối này được viết bằng chữ chân, đắp nổi trên các cột trụ bê tông. Ngoài ra một số câu trong chính điện được viết trên những tấm gỗ sơn son thếp vàng rất đẹp mắt. Hòa với cảnh sắc thâm u ở chốn thiền môn, câu đối tạo nên một vẻ đẹp trang nhã, thanh thoát cho cảnh chùa khiến người vãn cảnh như đang được phiêu lãng trong thế giới hư không, và được tắm mình trong bể từ bi bác ái của đạo Phật.

2. Nội dung câu đối ở chùa Từ Hiếu

* Ca ngợi cảnh đẹp

Cũng như bất cứ một ngôi chùa nào khác, chùa Từ Hiếu cũng được xây dựng ở nơi rất đẹp, hợp với cảnh của cõi thiền. Chẳng thế trong bài văn bia “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bia ký” dựng ở khu mộ của các Thái giám trong vườn chùa có đoạn viết: “Kinh thành chi tây nam đột nhất phụ yên. Thảo thụ sầm tịch, cảnh trí u hương. Trung hữu tự yên viết: “Từ Hiếu”. Kim chi xứng Đô thành danh lam kỳ nhất thắng dã”. (phía Tây nam kinh thành đột nhiên nổi lên một gò đất. Cỏ cây um tùm, cảnh vật u nhàn, thanh nhã, trong đó có một ngôi chùa tên gọi “Từ Hiếu”. Ngày nay nó xứng đáng là nơi danh lam thắng cảnh của đất đô thành”. Quả thật địa thế của ngôi chùa này thật đẹp. Giữa rừng thông bạt ngàn vi vút là một ngôi cổ tự lấp ló ẩn hiện khiến cho du khách lãng đãng như lạc vào cõi mơ. Từ cổng chính “mở núi vào chùa” là một con đường nhỏ đất mịn, cây cối um tùm tốt tươi. Cùng với tiếng thông reo rì rào là tiếng suối chảy róc rách ngày đêm làm cho chốn thiền lâm thâm u tĩnh lặng như hoang sơ, như huyền ảo hơn khi chùa Từ Hiếu chỉ cách kinh thành một khoảng không xa. Từ thời các vua triều Nguyễn, chùa này không những là nơi tu hành của nhiều sư sãi, là nơi tụ họp của các tăng ni Phật tử về chùa để nghe thuyết pháp mà còn là điểm đến của nhiều du khách. Cảnh đẹp ở đây đã làm say lòng người. Chẳng thế, biết bao du khách, họ ngẩn ngơ như lạc vào cõi mộng và những ý thơ đã nảy ra.

四海名人題古寺

一山風物媚禪深

(Câu đối ở cổng tam quan mặt ngoài tầng trên)

“Tứ hải danh nhân đề cổ tự

Nhất sơn phong vật mỵ thiền thâm”

(Bốn bể danh nhân đề thơ về chùa cổ

Phong cảnh núi này làm đẹp chốn thiền môn)

Câu đối ở cổng tam quan đã nói đến cảnh đẹp của chốn thiền môn bởi phong cảnh. Nếu ai đến chùa Từ Hiếu, ngắm cảnh đẹp xung quanh, biết chữ Hán, đọc câu đối này lên mới cảm thấy ý nhị. Từ cổng tam quan theo con đường nhỏ dẫn lên chùa vào chính diện chúng ta lại đọc thấy câu đối.

慈孝表徽稱人心世道有關梵宇鐘聲宣大覺

楊春多美景古剎名藍所在如來慧日照中天

(Câu đối trong chính điện)

“Tứ Hiếu biểu huy xưng, nhân tâm thế đạo, hữu quan Phạm Vũ chung thanh tuyên đại giác.

Dương Xuân đa mỹ cảnh, cổ sái danh tam, sở tại Như Lai tuệ nhật chiếu trung thiên”.

(Từ Hiếu nổi danh thơm, lòng người đạo đời đều hợp. Tiếng chuông chùa ngân nga làm chợt tỉnh giấc mơ.

Dương Xuân nhiều cảnh đẹp, tạo chùa cổ chốn thanh lam. Trí tuệ Như Lai bừng sáng khắp cõi ba ngàn).

Câu đối này một lần nữa lại khẳng định, đất Dương Xuân, nơi chùa Từ Hiếu tọa lạc thực sự có nhiều cảnh đẹp. Cảnh đẹp đó đã làm nên danh thơm cho chùa. Nơi đây chốn thâm u tĩnh mịch, chốn thiền lâm huyền diệu đã tạo cơ duyên để “tuệ nhật” của Như Lai bừng sáng lên tận cõi ba ngàn thế giới. Tiếng thơm của chùa còn vang truyền mãi bởi chính nơi đây “đạo” “đời” hòa hợp. Những ai hãy còn trong u mê mờ tối, đang đắm mình trong bể khổ đầy dục vọng thì tiếng chuông chùa cất lên sẽ xóa tan niềm tục giúp người tỉnh giấc mơ.

Đất Dương Xuân nhiều cảnh đẹp, đất thích hợp để dựng chùa. Nó là đất kinh đô nhưng cũng là đất Phật.

兜率天高京國同佛國

上方月出前溪肖後溪

(Câu đối ở cổng tam quan mặt trong tầng dưới)

“Đâu Suất thiên cao kinh quốc đồng Phật quốc

Thượng phương nguyệt xuất tiền khê tiếu hậu khê”.

(Đâu suất(1) trời cao, kinh đô của vua cũng là nơi đất Phật.

Thượng phương(2) trăng ló, khe suối trước sau đầu một vẻ giống nhau).

“Đâu Suất” là cõi Phật. Nó là cõi trời, chúng sinh tại cõi trời này nương vào không trung mà ở. Bốn nghìn năm ở cõi không gian này chỉ là một ngày một đêm ở cõi Đâu Suất. Vế câu đối trên ví đất Dương Xuân, nơi chùa Từ Hiếu tạo lạc là đất kinh đô nhưng cũng là đất Phật. Vì phong cảnh nơi này tuyệt đẹp nên nó như là chốn hư vô, mờ mờ ảo ảo, như có như không. Đặc biệt là khi trăng mới ló ra khỏi chùa thì cảnh đẹp ở chốn thâm tuyền trước sau đều huyền ảo giống nhau.

Nói chung câu đối ca ngợi vị thế và cảnh đẹp của chùa là một nội dung không thể thiếu được ở bất cứ một ngôi chùa danh tiếng nào. Vì chính nội dung của những câu đối này giúp cho người chưa tới đó có thể hình dung ra cảnh đẹp của chùa còn người tới chùa rồi thì được dịp thưởng ngoạn chốn thiền lâm và thẩm thấu được ý vị của các câu đối trang trí trên chùa.

Ca ngợi Phật pháp, ơn vua và các sư trụ trì

Đây là nội dung được thể thiện nhiều nhất trong câu đối ở chùa Từ Hiếu. Điều này thực sự dễ hiểu, bởi câu đối ở chùa thì tất nhiên phải ca ngợi Phật tổ, ca ngợi phép Phật, ca ngợi các vị sư trụ trì là một lẽ đương nhiên. Nhưng đặc biệt hơn cả, chốn thiền môn này lại nói đến phép nước ơn vua, nói đến trung hiếu, nói đến tình phụ tử và bằng hữu... Điều này cho chúng ta thấy rõ sự gắn bó chặt chẽ giữa đạo và đời - hiểu đạo để làm tốt việc đời, hiểu đời để làm tốt việc đạo hơn. Đây chính là nét đẹp tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo trên đất Huế nói riêng không rũ bỏ việc đời để ngồi tĩnh tâm tu thiền, cầu mong siêu thoát lên cõi niết bàn mà luôn quan tâm đến những nỗi đau khổ của con người, rồi tìm cách cứu vớt họ.

慈孝錫嘉名勸天下之為父為子

楊春成淨土忘斯世之如秋如冬

(Câu đối trước tiền đường)

“Từ Hiếu tứ gia danh, khuyến thiên hạ chi vi phụ, vi tử,

Dương Xuân thành Tịnh độ, vọng tư thế chi như thu, như đông”

(Từ Hiếu tạo tiếng thơm, khuyên thiên hạ cha con trọn đạo,

Dương Xuân thành cõi Phật, giúp người đời quên nỗi khổ đau).

Câu đối trước tiền đường chùa đã nói rõ vì sao chùa Từ Hiếu trở nên một ngôi chùa danh tiếng. Bởi vì nơi đây không phải chỉ biết nói về những giáo lý nhà Phật mà còn biết lẽ sống ở đời của những con người bình thường. Vì vậy mọi người trong thiên hạ đến đây đều được khuyên giữ đúng đạo làm người. Đó là làm cha phải ra cha, làm con phải ra con. Còn nếu có nỗi ưu phiền thì đến nơi này sẽ được xua tan hết. Bởi đạo Phật cho rằng: sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tự nhiên, giống như mùa xuân, mùa thu thay nhau luân chuyển trong một năm vậy.

移 孝 為 忠 得 其 門 而 入

緣 慈 悟 脫 于 彼 岸 先 登

(Câu đối cổng tam quan mặt ngoài tầng dưới)

“Di hiếu vi trung, đắc kỳ môn nhi nhập.

Duyên từ ngộ thoát, vu bỉ ngạn tiêu đăng”.

(Chuyển hiếu làm trung vào cửa Phật,

Dựa từ(3) ngộ đạo vượt bến mê).

Chùa Từ Hiếu trở thành cõi tịnh độ có nhiều thiện nam tín nữ đến như ngày nay là vì có vị Hòa Thượng thật có hiếu đối với mẹ già (Hòa Thượng Nhất Định). Nhận biết được tấm lòng hiếu đạo là cơ sở lòng trung quân nên vua Thiệu Trị đã ban lời khen ngợi và đến sau này vua Tự Đức lại ban tiền của, ruộng đất để mở rộng chùa rồi ban sắc cho chùa là “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Hai vế đối trên đã hàm chứa ý nghĩa đó. Vì “hiếu” và “trung” là hai điều trong “thập nghĩa” mà con người cần phải làm (phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, quân nhân, thần trung) theo quan niệm nho giáo. Vậy những ai giữ được đạo “hiếu” “trung” là có thể ra vào được cửa chùa để được hưởng tấm lòng từ bi của đức Phật. Đức Phật vốn sẵn lòng “từ” để thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng và giúp họ nhận ra đạo giải thoát, lìa được mọi phiền não, vượt được bến mê, sang bờ thực để chứng Niết Bàn. Cũng nội dung này câu đối ở cổng tam quan mặt trong tầng trên đã thể hiện.

善 信 有 良 緣 佛 恩 似 海

孝 慈 皆 福 果 帝 澤 如 春

(Câu đối ở cổng tam quan mặt trong tầng trên)

“Thiện tín hữu lương duyên, Phật ân tự hải,

Hiếu Từ giai phúc quả, để trạch như xuân”.

(Thiện tín có duyên lành, ân Phật tràn như biển,

Hiếu từ là phúc quả(4), ơn vua ban thắm tựa xuân).

Hay câu:

福果自圓成妙覺得聞丞佛力

善根皆偉應慈航濟渡荷天恩

(Câu đối bên tả chính điện)

“Phúc quả tự viên thành, diệu giác đắc văn thừa Phật lực,

Thiện căn giai vĩ ứng, từ hàng tế độ hà Thiên ân”.

(Phúc quả tự tròn đầy, đạo giác(5) diệu kỳ nhờ Phật lực,

Thiện căn(6) đếu ứng nghiệm, thuyền từ tế độ bởi Thiên tôn)

Con người ta hiểu được đạo giác để nhận phúc quả tròn đầy là nhờ Phật lực diệu kỳ. Phật có thể xua tan những tăm tối ngu dốt của chúng sinh, giáo hóa cho tâm trí của họ trở nên sáng suốt. Phật là bậc đại từ bi. Tất cả mọi chúng sinh đều được Phật giáo hóa. Do vậy, cái thiện căn (không tham lam, không sân khuể, không si mê) đã được ứng nghiệm. Từ đó tất thảy mọi điều kiện khác đều sinh ra. Cho nên Thuyền từ cứu vớt chúng sinh vượt khỏi bến mê cũng là nhờ ơn đức Phật.

法雨頻施天地蒼生咸霑德澤

慧燈遍照普天世界共沐恩光

(Câu đối bên hữu chính điện)

“Pháp vũ tần thi, thiên địa phương sinh hàm triêm đức trạch,

Tuệ đăng biến chiếu, phổ thiên thế giới cộng mộc ân quang”.

(Mưa pháp(7) thường tuôn, mọi vật đều thấm ơn đức trạch,

Đèn tuệ(8) chiếu khắp, ba ngàn thế giới gội ơn sâu).

Phép của Phật luôn được thi hành đối với chúng sinh nên mọi vật đều được hưởng ơn từ đức Phật. Ngọn đèn sáng trí tuệ của Phật đã phá tan tối tăm hắc ám, chiếu sáng khắp cả tam thiên thế giới, khiến cho mọi vật được tắm gội ơn sâu.

Câu đối ca ngợi Phật pháp, đức Phật ơn vua chiếm số lượng lớn trong toàn bộ câu đối ở chùa Từ Hiếu. Ngoài ra còn có câu đối ca ngợi những vị sư trụ trì ở chùa, đặc biệt là hai câu đối viết ở tháp Hòa thượng Nhất Định.

翠竹黃 花 霑 法 雨

長松細草蔭慈雲

(Câu đối ở tháp Hòa thượng Nhất Định).

“Thúy trúc hoàng hoa triêm pháp vũ.

Trường tùng tế thảo ấm từ vân.”

(Trúc biếc hoa vàng đều thấm nhuần mưa pháp.

Tùng cao cỏ thấp được che bóng mây từ.)

Đây cũng chính là lời ca ngợi vị Hòa thượng đức độ. Khi pháp tướng của ngài đã vào bảo tháp, ngài cũng như là đức Phật đem phép Phật đến cho cả trúc biếc, hoa vàng, đem lòng từ bi bác ái phủ đến cả cỏ thấp tùng cao. Chính vì vậy nên trên núi Dương Xuân đã dựng bia đá để ghi ơn.

石碑只在春山上

金錫授飛樂國中

(Câu đối ở tháp hòa thượng Nhất Định)

“Thạch bi chỉ tại xuân sơn thượng.

Kim tích thụ phi lạc quốc trung.”

(Dương Xuân trên núi trồng bia đá

Tây Phương trong cõi truyền trượng vàng)

Dựng bia đá, ghi tên tuổi công lao của vị thiền sư có công giới thiền là một việc làm lưu lại hậu thế có ý nghĩa mà chùa Từ Hiếu đã làm được.

Nói chung Hòa thượng Nhất Định cũng như các vị thiền sư ở Huế đã đóng góp nhiều công sức cho đạo và đời. Hiểu thấu đáo giáo lý nhà Phật, các vị đã áp dụng trong cuộc sống hàng ngày để mọi người được sống tương thân tương ái. Vừa là con người với nghĩa vụ công dân của đất nước, vừa là người tu theo đạo Phật, các thiền sư đã góp công cùng nhân dân cả nước chống giặc ngoại xâm, xây dựng tổ quốc, tốt đạo đẹp đời làm cho cuộ sống của nhân dân bớt đi nỗi khổ đau. Do vậy, việc hiểu những câu đối(9) ở chùa Từ Hiếu giúp chúng ta hiểu đạo để làm đẹp đời hơn.

Chú thích:

1. Đâu Suất: Là cõi trời Tri túc, Hỉ túc, Diệu túc, là một cõi trời ở Dục giới, nằm giữa cõi trời Dạ ma thiện và Lạc biến hóa thiên. Tầng này chia làm hai cõi, phần nội viện là tựa độ của đức Di Lại, phần vại viện là cõi dựa giới của Chủ Thiên.

2. Thượng phương: Vốn chỉ chùa Phật ở trên núi. Nay dùng để gọi người trụ trì là thượng phương. Vì chỗ này ở là chỗ cao nhất trong chùa (Thuật ngữ).

3. Từ: Thương yêu chúng sinh mang lại cho họ niềm am lạc vui sướng gọi là Từ (Thuật ngữ).

4. Quả: Đó là từ đối lại với Nhân (nhân, duyên, quả, báo). Tất cả các pháp hữu vi là trước sau nối tiếp, cho nên đối với nguyên nhân trước mà nói thì các pháp sinh ra về sau là quả (Thuật ngữ).

5. Giác: Chi sự giác ngộ, tức là nhận biết các chướng ngại che lấp trí tuệ, lúc trí tuệ bị vô minh hôn ám xâm hại giống như giấc ngủ. Khi trí tuệ thần thánh khơi lên liền tỉnh ngộ, như đang ngủ say chợt tỉnh nên gọi là Giác (Thuật ngữ).

6. Thiện căn: Cái thiện của 3 nghiệp: thân, khẩu, ý. Cái bền chắc không nhổ lên được thì gọi là căn (gốc rễ). Lại nữa, cái thiện có thể sinh ra diệu quả, sinh ra các cái thiện khác cho nên gọi là căn (Thuật ngữ).

7. Pháp: Là từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật hiện tượng dù là to nhỏ hữu hình, vô hình, chân thực, hư vọng, đạo lý... tất cả đều là pháp. Điều đó có nghĩa là pháp chỉ những tiêu chuẩn, quy phạm, phép tắc, đạo lý, giáo lý, giáo thuyết, chân lý, đạo đức... của nhận thức (Thuật ngữ).

8. Tuệ: Là cái tác dụng phân biệt sự lý; quyết đoán nghi ngờ, thông đạt sự lý vô vi (Thuật ngữ).

9. Những câu đối ở chùa Từ Hiếu và đoạn văn bia trích dẫn trong bài là do chúng tôi đi thực địa và tự phiên âm dịch nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh. Hán Việt từ điển. Nhà xuất bản Trường Thi, Sài Gòn -1931.

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phân viện nghiên cứu Phật học. Từ điển Phật học Hán Việt. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1998.

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.480-490