"Tiếng chuông Phật" vang ngoài biên giới Việt

Cuối năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, làng nghề Phường Đúc ở Huế nhận đúc một đại hồng chung nặng hơn 3 tấn cho một ngôi chùa ở Nhật Bản.
Đại hồng chung Hoà Bình đúc theo đơn đặt hàng của hoà thượng Takaoka Shucho (Nhật Bản).
Vậy là sau những thời của "khí giới", "đại pháo", "pháp khí", "tượng Phật"... gây tiếng vang trong suốt mấy trăm năm lịch sử, đến thời điểm này, tài năng của những nghệ nhân Phường Đúc đã được ghi nhận vượt ra ngoài biên giới Việt... 

Phường Đúc của Huế xưa là địa bàn cư trú của những người thợ đúc đồng gồm những người họ Nguyễn có gốc ở Phúc Kiến (Quảng Nam); thợ Giang Dinh, Giang Tiền, Kinh Nhơn (Bắc Ninh); Bản Bộ (Quảng Bình)... đến cư trú trên đất làng Dương Xuân Thượng, thời các chúa Nguyễn (1558-1774). Nhưng mạnh và có truyền thống hơn cả là những người thợ đúc đến từ Kinh Nhơn - gốc ở làng Đông Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh - theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam.

Trở lại việc cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính ở Phường Đúc, lần đầu tiên nhận đúc một đại hồng chung có tên là Hoà Bình, nặng hơn 3 tấn cho chùa Đức Lâm (Nagoya) của Nhật Bản.

Cơ duyên để cơ sở này nhận đúc đại hồng chung cũng rất thú vị. Hoà thượng Takaoka Shucho - trụ trì chùa Nagoya, nơi có rất nhiều tăng ni, phật tử là người Việt - qua Cty cổ phần du lịch Hương Giang (Huế), cuối năm 2008, đã đến thăm đền thờ Huyền Trân Công chúa ở núi Ngũ Phong (TP.Huế).

Sau khi nghe âm thanh của một đại hồng chung cũng có tên là Hoà Bình - do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính đúc, đặt tại đền thờ - hoà thượng Takaoka Shucho đã "mê mẩn" vì "nghe như tiếng chuông Phật". Để rồi ông quyết định đặt đúc một quả chuông như vậy để đưa về chùa của mình, với lý giải: "Ở Nhật Bản hiện có rất nhiều cơ sở đúc chuông, nhưng không có nơi nào có thể vang lên được những tiếng "chuông Phật" như thế này, do ở Nhật người ta làm bằng máy hiện đại; còn ở Huế, các nghệ nhân làm bằng thủ công và có gửi gắm tâm hồn mình vào đấy...".

Thật ra thì không phải đến bây giờ, tài đúc chuông của cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính mới được biết tới. Những năm 1999 - 2000, Nguyễn Phùng Sơn - con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính - đã làm "rúng động" cả nước khi đúc thành công tượng đồng Trần Hưng Đạo cao 10,22m, nặng 22 tấn, hiện đặt tại công viên Vị Xuyên (TP.Nam Định).

"Rúng động" là bởi - theo thiết kế của Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng và tư vấn khoa học công nghệ (Viện Khoa học công nghệ - Bộ Công nghiệp) - thì pho tượng này muốn đúc thành công phải tạo 93 mảnh đồng để ghép lại; tuy nhiên, anh Sơn chỉ ghép với... 9 mảnh đồng!
 
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, anh Sơn đã làm lợi đến 40% nhiên liệu đốt và rút ngắn thời gian thực hiện hơn 60%, do sáng tạo ra một loại "khuôn sống" để đúc tượng thay cho "khuôn chín" truyền thống nghề đúc.

Cùng lúc tại Huế, Nguyễn Trường Sơn - một người con khác của ông Sính - cũng không thua kém anh mình khi đúc liền khối thành công quả đại hồng chung cao gần 14m, nặng 6,5 tấn - hiện đặt tại chùa Bát Nhã, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thời điểm đó, việc đúc được thành công quả chuông này là một kỷ lục. Những năm trở lại đây, Trường Sơn và cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính ở Huế liên tục đúc thành công những quả đại hồng chung thuộc loại để đời, mà điển hình là hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Đại hồng chung thứ nhất nặng 21 tấn, đại hồng chung thứ hai được đúc bằng đồng đỏ ngoại nhập, với trọng lượng trên 20 tấn; bốn mặt khảm chữ nổi chữ Hán và Việt trích từ bài kinh Chú đại bi, Bát nhã... Cả hai đại hồng chung hiện đặt tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) để chuẩn bị kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội...

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, thì có được những thành quả rực rỡ như hôm nay, một phần là dựa vào truyền thống lâu đời của Phường Đúc, nhưng quan trọng hơn cả là một quyết định sáng suốt của ông từ hơn 20 năm trước. Số là thời đó, trong khi cả đất nước đều mong muốn con em mình đi học đại học để về làm thầy, thì ông lại định hướng cho hai con ông là Phùng Sơn và Trường Sơn thi vào ĐH Bách khoa, để sau này về... làm thợ đúc đồng (!).

Chính anh Sơn đã nhiều lần tâm sự: "Nếu không có những kiến thức khoa học thu lượm được trong mấy năm ngồi ghế giảng đường, chắc anh em mình không thể nào có thành quả như ngày hôm nay. Bởi nếu so với công nghệ đúc đồng truyền thống thì cơ sở của mình có rất nhiều điểm khác biệt, nhờ ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật".

Còn nhớ tại cuộc hội thảo "320 năm Phú Xuân Huế - nghề truyền thống bản sắc và phát triển" nhân dịp Festival làng nghề truyền thống Huế lần thứ hai mới đây, nghệ nhân dân gian đúc đồng Nguyễn Văn Sính đã làm cả hội trường sững sờ khi đặt câu hỏi, dù không mới, nhưng lại rất thời sự, đại ý: Tất cả các làng nghề của VN hiện nay, có ai chịu đi học đại học để về... làm thợ, làm nghề hay không? Cả hội trường im lặng. Và câu trả lời gần như là không, bởi đó là một thực tế rất buồn.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các làng nghề "sống dở chết dở" như hiện nay là do những người có học vấn cứ mải đeo đuổi giấc mộng "làm thầy" mà không chịu làm thợ, còn những người chịu làm thợ thì ngược lại, không có học vấn...

 

Nguồn: Lao Động