Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Về quê "giữ" chùa

Hàng chục năm nay, họa sĩ Phan Cẩm Thượng thường khóa cửa nhà ở Hà Nội chọn chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh) làm nơi "ở ẩn". Người ta thường nói là "đi chùa", còn Phan Cẩm Thượng lại nói là "về chùa".

Với anh, chùa mới thực là nhà. ở đó, anh viết, vẽ, ngồi uống trà, hút thuốc và gò lưng đánh cờ tướng với các cụ trong làng, ngồi thiền, ngắm tượng, làm công văn gửi Cục Di sản để xin được sửa chùa, sửa tháp bằng tiền túi của mình. Anh nói rằng, mỗi ngôi chùa Việt là một viên ngọc quý, trong số ấy anh chọn lấy một viên -  đó là Bút Tháp để bảo vệ, giữ gìn.

 

Một sáng xuân, tôi cùng một đồng nghiệp rời Hà Nội từ rất sớm để về Bút Tháp. Công-tơ-mét chỉ đúng 30 cây số. Về đến nơi, làng quê vẫn chìm trong một màn sương mờ ảo chùng chình chưa muốn tan đi để đón ánh mặt trời. Một chiếc xe du lịch chở khách đến thăm chùa cũng vừa dừng bánh. Khách túa xuống tìm chỗ nghỉ chân rồi vào thắp hương khấn vái một cách vội vàng để lại lên đường đến một địa điểm khác. Hình như với khách hành hương bây giờ, đi được càng nhiều chùa trong một ngày là chuyến đi lễ Phật càng thành công.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng đi bình lặng từ trong chùa ra cổng đón chúng tôi. Mái tóc, chòm râu lòa xòa điểm nhiều sợi bạc, nụ cười hiền khô. Anh ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đến đây được sớm quá. Biết chúng tôi chưa kịp ăn sáng, anh vẫy một anh hàng bánh cuốn bán rong lại và đãi chúng tôi món quà quê dân dã mà ngon miệng này. Chỉ với mười ngàn đồng cho ba người ăn mà không hết. Ăn xong, bên ấm trà nóng, chúng tôi cùng trò chuyện, những câu chuyện liên quan đến việc trùng tu, xây mới chùa chiền đang được làm một cách tràn lan và thiếu hiểu biết hiện nay. Anh bảo "trùng tu" có nghĩa làm lại như cũ, chứ không phải làm cho chùa chiền trở nên "mới toe" bằng cách lát gạch hoa bóng loáng, lợp ngói tây và sơn các pho tượng ngày càng lòe loẹt hoa hòe hoa sói như hiện nay. Anh cho biết: "Sơn lại một bức tượng nếu làm theo đúng kiểu cổ sơn son thếp vàng có khi mất đến 20 triệu, trong khi bây giờ, với số tiền ấy người ta sơn lại toàn bộ số tượng của một chùa! Trông thì rực rỡ đấy nhưng mau bong tróc dẫn đến hư hỏng lắm.

Dường như với Phan Cẩm Thượng, một công trình trùng tu bị làm sai, làm hỏng như một nỗi đau, một sự thương tiếc khó tả. Bởi vậy, làm được gì, giữ được gì còn lại của chùa Bút Tháp anh đều cố công làm. Hỏng đâu anh tìm cách sửa đó, có tiền đến đâu làm đến đó, khi thì thay cây cột bị mục, khi thay thanh đòn, thanh rui bị gãy, hay đơn giản vài viên ngói vỡ… nhưng anh luôn cố làm thế nào y như nó vốn có. Cho dù Phan Cẩm Thượng vốn xưa nay được biết là một họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật với ba đặc điểm nổi bật là: nghèo, cô đơn và luôn lang thang nay đây mai đó. Hiện anh đang đứng ra trùng tu ngọn "bút tháp" lớn thứ hai trong khuôn viên chùa với kinh phí dự tính khoảng 50 triệu đồng. Anh đã vận động được chính quyền sở tại cấp cho 20 triệu đồng, số còn lại là tiền từ bạn bè rủ nhau góp lại và một phần là tiền anh dành dụm từ bán tranh, viết sách báo một cách chuyên cần mà có. Từ ngày về ở đây, anh đã góp phần "ngăn cản" không ít việc trùng tu mà thành ra "phá" di tích của không chỉ riêng chùa Bút Tháp mà nhiều chùa trong khu vực huyện Thuận Thành.

Chùa Bút Tháp tọa lạc tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tựa lưng vào đê sông Đuống. Dòng sông ấy, họa sĩ Phan Cẩm Thượng và bạn bè anh mỗi khi về thăm vào mùa hè lại rủ nhau xuống ngụp lặn như còn tuổi thơ. Đó là miền quê "Bên kia sông Đuống" với "Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong… /Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen"… mang đậm dấu ấn văn hóa ngàn đời. Cách đó không xa vẫn còn dấu vết của thành Luy Lâu - nơi xa xưa triều đình phong kiến phương Bắc chọn làm nơi đặt bộ máy cai trị của mình với nước Nam ta. Bút Tháp là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam với hệ thống tượng đẹp, hoa văn được chạm trổ tinh xảo, độc đáo.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng dẫn chúng tôi đi thăm chùa, đến từng ban thờ, từng pho tượng giới thiệu rất chi tiết: tượng được tô sửa khi nào, bị làm sai hỏng chỗ nào, dự trù kinh phí cho việc sơn lại một bức tượng theo đúng kiểu cổ sơn son thếp vàng... Anh cũng giới thiệu thêm, chùa Bút Tháp là di tích Quốc gia có nhiều tượng quý, từng được Bộ Văn hóa trang bị một hệ thống chống trộm, nhưng chẳng được bao lăm đã hỏng lăn hỏng lóc. Anh cười tủm tỉm: "Báo động báo điếc gì  mà chuột chạy thì kêu còn trộm vào ôm tượng mang đi thì lại chẳng kêu tiếng nào. Thành ra giờ đây mình đi đến chùa nào cũng canh cánh nỗi lo mất tượng. Cách đây mấy năm, trộm vào chùa này "ôm" mất tượng Quan Âm Thị Giả", mình mới dành tiền làm lại rồi. Các bạn vào xem có phát hiện ra đâu là pho được làm lại thay thế hay không nhé!".

Chúng tôi dừng lại thật lâu ở khu vườn sau chùa ngợp xanh bóng cây, nơi có những ngọn tháp bút viết những thông điệp lên trời xanh đã được lấy làm tên chùa. Chỉ có điều, cả 3 ngọn tháp ở đây đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nên đều phải sửa. Trong đó, một ngọn tháp do xây ở cạnh ruộng nên đã bị sụt lún phần nền khiến nó nghiêng hẳn như sắp đổ xuống ruộng lúa, anh đã dỡ ra, kè lại nền rồi xây lại như cũ nhưng cũng mất đến 20 triệu đồng mới hoàn tất. May quá, năm ngoái, có một gia đình họ Nguyễn ở làng Đông Tác (Hà Nội), là hậu duệ của nhà sư được táng trong tháp đã bỏ tiền ra trùng tu và có nhờ Phan Cẩm Thượng đứng ra trông nom và tư vấn về kỹ thuật, mỹ thuật. Đến năm nay, anh quyết định sửa ngọn tháp lớn nhất và khó làm nhất: tháp bị một cây lớn mọc từ trong ra khiến phần ngọn tháp xô lệch, nghiêng nứt. Anh thuê thợ bắc giàn giáo chặt cây rồi dỡ phần ngọn tháp ra để đào bỏ cái gốc cây trong tháp rồi lại dựng lại. Toàn bộ tháp được xây bằng đá xanh rất nặng, tháp lại cao rất khó khăn trong việc hạ khối đá lớn như vậy xuống để sau đó lại đưa lên. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng và đội thợ đã qua nhiều lần bàn bạc mà vẫn chưa đi đến thống nhất xem phải làm thế nào. Nhìn anh đứng bàn cách làm, tôi như thấy anh lẫn vào cánh thợ ấy. Mộc mạc, thôn dã và phảng phất nét hoài cổ u buồn.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng tốt nghiệp chuyên ngành Phê bình mỹ thuật năm 1983 và đã có nhiều công trình nghiên cứu về mỹ thuật cổ được đánh giá cao và có những giải thưởng lớn. Nhưng thành tích đáng nể nhất của anh có lẽ là đã đi đến hầu khắp các chùa, các công trình kiến trúc cổ khắp chốn cùng quê. Ngày xưa, xe đạp cũng không có mà đi, vậy mà mỗi cuối tuần anh thường mượn xe đạp rong ruổi đi đến các chùa ở Sơn Tây, Bắc Giang, Hưng Yên… Nhiều ngôi chùa độc đáo của Việt Nam như chùa Mía (Sơn Tây), chùa Dâu (Bắc Ninh) anh có những thời gian "cắm trụ" ở đó để tìm hiểu, nghiên cứu. Ở chùa Bút Tháp hiện nay, nhà chùa "đặc cách" cho anh một căn phòng rộng chưa đến 10 mét vuông. Giường chiếu đơn sơ, lủng củng nào tranh, nào máy tính xách tay, nào sách báo, tạp chí…

Có một bộ quần áo nâu sồng treo nơi đầu giường, chắc anh thường mặc nó để ngồi thiền trong chùa mỗi khi đêm xuống. Nói là "ở ẩn" nhưng Phan Cẩm Thượng cũng chẳng "ẩn" được vì bạn bè, khách khứa tìm đến luôn. Có những anh bạn họa sĩ lại ở cùng luôn đó cả tuần để vẽ. Anh thường đãi khách bằng rau muống, rau ngót, rau rền hái từ vườn chùa. Phan Cẩm Thượng cho biết, đã từ lâu lắm rồi anh không ăn thịt. Anh bảo: "Mình cứ ăn cái rau cái củ lăng nhăng thế thôi. Chắc tại hồi nhỏ sống kham khổ quá thành quen, giờ không thiết gì đến thịt cá nữa!".

Với Phan Cẩm Thượng, chùa Bút Tháp từ lâu là nhà, còn nhà bên Hà Nội mới chính là nơi ở trọ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, có khi cả tháng mới "đảo" về giải quyết những việc cần thiết. Đã từ lâu, người dân nơi đây coi Phan Cẩm Thượng như một công dân của đất này. Họ yêu quý anh, tôn trọng anh và tự hào về anh, về tấm lòng anh với di sản quê hương họ. Những lúc không viết, không vẽ, không lau tượng quét chùa, anh lại ngồi bò ra đánh cờ tướng cùng các cụ ở thôn Bút Tháp. Anh cũng có điểm rất chung với người dân ở đây mê đánh cờ tướng đến lạ, từ đứa trẻ cho đến cụ già đều có thể xúm quanh bàn cờ từ sáng tới chiều. Mỗi năm đến ngày hội vào tháng 3 âm lịch, hội cờ được mở rất quy mô với các vòng đấu, bảng đấu gay cấn để tìm ra kỳ thủ xuất sắc lọt vào vòng chung kết.

Chia tay họa sĩ Phan Cẩm Thượng, chúng tôi quyết định men theo bờ đê sông Đuống, qua cầu Hồ rồi rẽ về đường số 1 mới mở thênh thang để về Hà Nội chứ không đi lối cũ. Bên bờ sông Đuống, nơi xưa kia "Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc…" thì nay thay vào là hệ thống lò gạch san sát ngày đêm phun thứ khói độc lên trời, đến cây trái cũng khó đậu quả. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng bắt đầu lan về làng quê, vậy mà đang có một nghệ sĩ của Hà Nội làm ngược lại chu trình này: bỏ phố về quê giữ chùa.