Cửu Phẩm Liên Hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam


 
Đây là tên cuốn sách mới của tác giả Trang Thanh Hiền do NXB Thế giới ấn hành vừa mới được nhận giải đồng sách Hay và giải đồng sách Đẹp do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng.

 
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa Giám (Hải Dương).  Ảnh: Nguyễn Đức Bình

Sinh năm 1974, Trang Thanh Hiền là một cây bút trẻ trong ngành phê bình và lịch sử mỹ thuật ở Việt Nam.  Hànộimới Chủ nhật đã gặp gỡ và trò chuyện cùng nữ tác giả về công trình nghiên cứu nghệ thuật này.

 

- Cuốn sách được in rất đẹp và trình bày công phu. Tôi cũng đã đọc được 2 chương đầu, thấy thú vị và lôi cuốn. Xin chúc mừng chị! Vậy đây là cuốn sách thứ hai sau cuốn Hình tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở Việt Nam , chị công bố những nghiên cứu chuyên sâu về những hình tượng đặc sắc trong điêu khắc Phật giáo - một phần quan trọng trong điêu khắc cổ Việt Nam. Khởi nguồn từ đâu chị  đã đi sâu nghiên cứu tháp Cửu Phẩm Liên Hoa ?

 

- Khi còn là sinh viên năm thứ tư trường ĐH Mỹ thuật HN, lần đầu tiên tôi được đặt chân đến chùa Bút Tháp trong một chuyến đi thực tập dài ngày. Cái không khí trầm mặc uy nghi chốn cửa thiền và một nền mỹ thuật cổ xưa gợi lên trong tôi những tình cảm khác lạ. Ngày đó, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (CPLH) là chỗ yêu thích nhất của tôi suốt chuyến đi. Dường như sáng nào tôi cũng trèo lên ngồi trên đó để ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh xa xa, hay cắm cúi vẽ lại những bức khắc chạm ở chân tháp, hoặc thảng quay tháp một vài vòng mặc dầu chẳng hiểu gì cả, chỉ đơn thuần nó đem lại cho tôi cảm giác thanh thản. Lúc đó tôi cũng không biết tại sao lại gọi là tháp Cửu Phẩm ? Tại sao lại chỉ ở chùa Bút Tháp và một vài nơi nữa có, còn các chùa thông thường khác thì không ? Tại sao nó lại được đặt đằng sau chính điện, mà không phải ở một vị trí nào khác ? Lúc đó, tôi đem tất cả thắc mắc của mình để hỏi một số thày học của mình nhưng dường như chẳng ai trả lời tôi một cách thỏa đáng. Những người dân xung quanh chùa lại giải thích một cách đơn giản đấy là cối kinh với một truyền thuyết rất thần bí về một cái cối làm ra lúa gạo cho dân làng. Nếu xoay càng được nhiều vòng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu bởi nó đem lại của cải và sự giàu có như những hình chạm ở chân tháp mô tả. Tôi đã tìm sách đọc, tra cứu để giải tỏa những thắc mắc của mình. Các vấn đề càng khó, càng phức tạp, càng huyền bí bao nhiêu thì lại càng hấp dẫn tôi bấy nhiêu. Tôi nhận thấy chỉ có một vài bài viết, vài cuốn sách dành một số lượng trang nhất định đề cập đến hình tượng này mà hầu như chưa có một công trình chuyên biệt. Đó chính là lý do để tôi đặt bút viết cuốn sách này.

 

- Bằng việc tổng hợp liên kết các kiến thức được khởi phát từ các học giả đi trước và bằng các hiểu biết của mình về nghệ thuật tạo hình, chị đã đưa ra một cách nhìn khác về hình tượng tháp CPLH. Đó có phải là cách chị muốn tự mình trả lời các câu hỏi thắc mắc từ thời sinh viên và đem đến cho bạn đọc một cái nhìn sáng hơn về một hình tượng đẹp trong lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ?

 

- Có được tư liệu đã khó, nhưng việc hệ thống các tư liệu đó còn khó hơn nữa. Để có được công trình này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ không nhỏ của các nhà sư, học giả, bạn bè gần xa. Họ là những nguồn trợ lực và động viên rất lớn đối với tôi trong suốt quá trình điền dã và lấy tư liệu cho cuốn sách. Trong hệ thống điêu khắc và kiến trúc chùa tháp Việt Nam, CPLH là một dạng tháp hết sức đặc biệt. Tháp nội tiếp trong một nhà phẩm thông 3 tầng, mỗi tầng 4 mái. Chúng được thiết kế dạng hình lục lăng hoặc hình bát giác với chín tầng hoa sen, trên một cái trục được nối từ đất đến trần của tòa nhà. ở các đỉnh của đa giác này thường được thiết kế những trụ chống đỡ, khiến cho toàn bộ tòa tháp có thể quay một cách dễ dàng. Chúng được chia làm hai loại, loại mô tả ở trên thường bằng gỗ, còn một loại khác bằng gạch đá, thì không quay. Các dạng tháp quay này được đoán định ra đời sớm nhất vào cuối thời Trần, và muộn nhất là thời Lê, cùng với sự thịnh hành của pháp môn Tịnh Độ, cho dù yếu tố Tịnh Độ đã được biết đến từ thời Lý với tín ngưỡng thờ Adiđà. Tuy nhiên các tháp CPLH tồn tại cho đến ngày nay cũng chỉ còn lại có ba ngôi. Đây cũng là ba ngôi tháp đẹp nhất, có niên đại nằm gọn trong thế kỷ XVII khi tình hình tôn giáo cũng như xã hội có rất nhiều biến động. Đó là các Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Đồng Ngọ, chùa Giám (Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).

 

-Trong quá trình điền dã thu thập tư liệu, chị đã nêu lên được những giá trị lịch sử, mỹ thuật và tín ngưỡng của các tháp CPLH. Chị có được những khám phá đặc biệt thú vị nào và  có những cảnh báo nào cho công tác bảo tồn những di sản nghệ thuật hiếm hoi này ?

 

- Khi bản thảo đã được lên market ở NXB Thế giới, đúng trước một tuần trước khi in, tôi  vẫn còn may mắn khám phá thêm tư liệu hình vẽ minh họa trong bộ kinh Adiđà để đối chiếu với những bức chạm khắc trên tháp CPLH chùa Bút Tháp. Thật thú vị khi khám phá ra sự trùng hợp giữa những cảnh giới trên các bức chạm khắc với những hình minh họa trong kinh Adiđà. Tư liệu này tôi tình cờ tìm được trong thư viện Viện Hán Nôm.

 

Tháp CPLH ở chùa Giám (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) vốn rất rực rỡ với 9 tầng cánh sen xếp lớp màu son trai được thếp vàng kim ở đầu cánh. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu và phục chế, nhưng do sức phá hoại của khí hậu và thời gian, khiến cây cửu phẩm mất đi vẻ lộng lẫy ban đầu. Các bức tượng gỗ nguyên bản đặt trên CPLH cũng đã bị mất hết, nay chúng được thế chỗ bằng những pho đúc khuôn thạch cao. Ba tháp CPLH bằng gỗ mà tôi giới thiệu trong sách là ba ngôi tháp còn lại duy nhất ở Việt Nam. Theo tôi, sự  xuất hiện của các tháp CPLH này không chỉ có ý nghĩa nhằm quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo đến quảng đại quần chúng nhân dân, mà còn thể hiện dấu ấn về lịch sử Phật giáo vào thời điểm chúng xuất hiện. Vì vậy việc bảo tồn những di sản nghệ thuật Phật giáo hiếm hoi này nên rất được coi trọng.

 

- Cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn!

Nguyễn Thu Thủy thực hiện

Nguồn: hanoimoi