Vân Thâm Xứ

Mấy hôm nay mây nhiều. Ngày nào mây cũng ôm lấy núi đồi, nhà cửa, rừng cây. Cái màn mây làm cho khung cảnh có vẻ sâu hơn. Mùa này là mùa mây. Xứ này là xứ mây. Mà nhiều mây quá, cho nên nó được gọi là "Xứ nhiều mây" - "Vân thâm xứ". Tôi đang ở Vân thâm xứ.

Có một câu chuyện về một vị khách đến thăm một vị Thiền sư tu trong núi sâu. Vị khách vào chùa nhưng không gặp vị Thiền sư đâu, chỉ gặp được chú tiểu dưới cội tùng già. Khách hỏi Thầy đâu? Chú tiểu đáp: Thầy ở Vân thâm xứ.

“Tùng hạ vấn đồng tử
Vân: Sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.”

“Dưới cội tùng chú bảo
Thầy vừa đi hái thuốc
Chỉ tại núi này thôi
Mây mù không thấy được.”

(Sư Ông Nhất Hạnh dịch)

Tôi thấy là mình vẫn còn đang bị “kẹt” trong Vân thâm xứ. Nói theo cách của Ôn Giác Viên, đó là một cái kẹt dễ thương. Đúng vậy, bởi vì ai bị “kẹt” trong đó cũng sẽ thấy mình có nhiều hạnh phúc. Mà bản thân từ hạnh phúc không thể diễn tả đúng tâm tư của kẻ đang ở trong Vân thâm xứ. Bạn hãy giúp tôi chọn một khái niệm khác đi.

Hôm nay trong lòng vui quá, hãy cứ gác mọi chuyện lại để tôi kể bạn nghe một chuyện vừa xảy ra trong Vân thâm xứ ấy. Đó là câu chuyện về một đôi bạn: một chú én nhỏ và đại dương mênh mông. Có vẻ như họ chưa hề quen nhau, họ chưa hề gặp nhau bao giờ trong cặp trục tung hoành của cái khung không thời cố định. Và đây là lời của đại dương:

“Ta đã ở đây tự ngàn xưa, mênh mông
Ngươi, rong chơi với trăng bạc, mây hồng.”

Mỗi bên có một cái thú riêng, mỗi bên đều thỏa mãn. Rồi một lúc:

“Bỗng giáp mặt
Òa vỡ hư không.”

Tôi cũng không biết là họ đã gặp nhau như thế nào, nhưng chắc chắn là họ gặp nhau trong Vân thâm xứ. Bởi vì họ đã không gặp nhau như một người gặp một người mà họ đã gặp nhau trong sự vắng mặt của không gian, thời gian. Và họ gọi tên nhau:

“Ta, biển xanh lồng lộng
Ngươi, con én nhỏ chiều xuân.”

Ai bảo biển xanh kia không phải là tri kỷ của chú én vàng bé nhỏ? Ai bảo cái trùng điệp oai hùng của triều dâng có thể át được tiếng hót dù mong manh của chú én nhỏ kia? Trong Vân thâm xứ không có ai đặt những câu hỏi ấy cả. Nếu mình còn thấy sự khác biệt nơi những câu hỏi trên đây thì mình biết là mình không đang ở trong Vân thâm xứ. Còn nếu như mình lắng nghe được sự oai hùng trong tiếng hót mong manh của loài én, lắng nghe được tiếng mong manh êm ái trong giọng thét gào hùng tráng của trùng dương thì Vân thâm xứ sẽ đón mình vào và sẽ mời mình cùng tham dự những hạnh phúc hồn nhiên của nó, rồi mình sẽ thấy đôi bạn thân én - biển kia chơi đùa. Đây là sự mời mọc của biển:

“Chao lượn đi cho sóng cuộn thinh không
Ta tung bọt, tan mình vào bãi vắng.”

Vâng, rõ ràng là có lúc sóng biển cũng thấy mình dịu dàng lắm. Và đôi cánh nhỏ của chú én mong manh kia có lúc lại làm chấn động thinh không. Trong Vân thâm xứ, những cặp khái niệm không hề kẹt vào nhau. Như chú én kia tuy không là biển nhưng đôi cánh chú lại gây nên sóng cuộn trùng dương. Và đại dương kia tuy không là tiếng hót, nhưng lại nhịp nhàng hòa vào sự vắng lặng của bãi cát vắng người.

Nhưng có lúc trong Vân thâm xứ mọi thứ trở lại bản tính hoang sơ của mình. Và đây là “ngôi nhà” của chú én:

“Ngươi, tựa vào mỏm đá
Nhìn xuống ngàn mây.”

Ngôi nhà của chú én không cao nhưng cái cao không định nghĩa được, không đo được tầm cao của nó. Chú én an trú nơi mỏm đá kia và làm các công việc muôn đời của mình:

“Cất giọng hót
Cho nắng sớm tung bay.”

Ở Vân thâm xứ, mặt trời sẽ chỉ chiếu sáng khi nào có tiếng lảnh lót của loài én nhỏ kia.

“Ta ôm lấy hoành sơn
Đêm ngàn giang rộng đôi tay
Lắng nghe trời đất
Lặng người soi đỉnh núi.”

Trong lòng sâu của biển khơi ta có thấy gì đâu, nhưng sự lặng lẽ của nó lại chứa đựng tất cả. Trong Vân thâm xứ, không có sự cạnh tranh ảnh hưởng; không có sự hưng phấn hay chán nản; không có thành bại, hơn thua. Trong Vân thâm xứ, những cặp đối nghịch kia không có đất biểu hiện. Trong Vân thâm xứ, mọi người đều sống hết lòng và ý thức về một cái chung không định giới.

“Này én vàng xứ lạ
Đất trời là đất trời chung
Hãy cứ hát ca đi
Như gió vào khoảng không.”

Có vẻ như biển xanh là một người anh có bản lĩnh và lòng bao dung. Nhưng quan trọng hơn cả là hình như người anh này không thấy sự khác biệt trong điệu hát của đứa em gió và đứa em chim. Và người anh này cũng rất chịu chơi:

“Ta sẽ mượn nắng
Chắp cánh những dòng sông
Bay vút tận ngàn cao
Cùng ngươi hợp tấu.”

Đã có lúc những dòng sông mây cùng hợp tấu khi quyện hòa nhịp múa của mình với gió, với chim. Hình như hôm qua, chính người anh này đã đến đây và mang đi những người hái chè vào Vân thâm xứ. Vậy thì chắc chắn trong Vân thâm xứ cũng có những đồi chè và chắc chắn là cũng có những kẻ uống trà. Hạnh phúc thay cho những ai từng một lần uống trà trong bản hợp tấu vô cùng nơi Vân thâm xứ. Đường đến có gần không, xin thưa không gần. Vậy thì chắc xa lắm? Thưa rõ rằng không. Xa, gần không quen Vân thâm xứ.

“Nẻo mây vạn dặm
Đường đời muôn trùng
Ngại gì một khoảnh thời không?”

Vâng, Vân thâm xứ nằm ngay dưới chân mình, nằm ngay trong trái tim mình. Hãy một lần về Vân thâm xứ, đừng ngại đường xa. Anh già, anh trẻ, anh xấu, anh đẹp, anh giàu, anh nghèo... anh đều thuộc về Vân thâm xứ. Anh hãy theo dấu của cánh én in nơi nền trời thăm thẳm kia mà về Vân thâm xứ. Và anh sẽ lắng nghe được tiếng sóng gửi lại lời nhắn từ muôn đời của người anh cả tự trùng khơi:

“Này én vàng xứ lạ
Đất trời là đất trời chung
Hãy cứ hát ca đi
Và ngước mắt nhìn trời cao
Cho lòng thêm lồng lộng.”

Bạn thương, ngoài trời trăng sáng lắm và đồng hồ đã điểm nửa đêm.

Tôi dừng đây, nhưng ta không cần phải rời Vân thâm xứ.

Thầy Trung Hải