Cúng Rằm sao cho phù hợp?

Rằm tháng 10 là một ngày Rằm lớn, vừa qua chư vị Tăng Ni và Phật tử chúng ta đã tổ chức lễ cúng khá xôm tụ trong cả nước. Có dịp tham gia rất nhiền năm trong các lễ cúng này, chúng tôi có một vài nhận xét xin được góp ý để tìm ra một mô hình thích hợp với đời sống mới.

altĐi một vòng các chùa thành phố, chúng tôi thấy đa số làm lễ cúng Rằm khá trang nghiêm và linh đình. Ngoài nghi thức cúng kiến, còn có một “bữa cỗ chay” xem ra lại chiếm phần “quan trọng” nhất. Quan trọng bởi vì nó tốn thời gian và công sức hơn cả chuyện cúng kiến. Khách quan mà nói, chùa nào làm cỗ cũng rất ngon, và được tiếng khen thì ai cũng “nở mày nở mặt”. Hầu như mọi người chỉ chờ dịp này là thi thố “tài năng” nấu nướng, bày ra nhiều món phong phú. Nào bún huế, bún riêu, gỏi, bì cuốn, kiểm, mì xào, khổ qua kho, rôti, lẩu, ragu v.v... Thực đơn của mỗi chùa ít nhất cũng phải 5 món, nhiều thì tới 7, 8 món. Đặc biệt những chùa Ni càng “thêm hoa vẽ lá” chứng tỏ sự khéo léo, đảm đang. Chính vì vậy, quý thầy quý cô đã quay đến chóng mặt, và sau khi cúng xong không ít người đã lăn đùng ra bệnh. Từ hai ngày hôm trước đã đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu. Nhìn thấy quý cô thức gần sáng đêm lo xắt rau củ, bào dừa, vừa làm vừa đấm lưng than thở, mới cảm thấy... xót ruột. Chưa hết, có chùa còn gói cả trăm đòn bánh tét để biếu Phật tử. Qua hôm sau, quý cô lại đứng bếp nấu nướng, chịu cái nóng hừng hực của lò lửa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhóm khác thì lo hành đường, chạy lên chạy xuống riết rồi “sụm” cả chân, đến trưa thì ăn hết nổi, đành múc đại một tô gì đó nuốt cho xong bổn phận với bao tử. Gương mặt nào cũng thỏm xuống vì mệt, vì mất ngủ. Sau đó là lau chùi, dọn dẹp, mất luôn một ngày nữa. Chúng tôi là khách, nhìn các cô như thế, đâm ra ái ngại, ăn hết ngon. Và chúng tôi cũng từng đến chùa phụ giúp vào những ngày cúng như thế, nên hiểu rất rõ sự vất vả ấy. Dĩ nhiên, dù có Phật tử đến làm công quả, nhưng vai trò chính vẫn là các cô. Mà Phật tử bây giờ cũng tất bật với đời sống công nghiệp, họ không thể phụ giúp nhiều hơn. Và chính các cô cũng tất bật vì chương trình học cơ bản, cao cấp, ngoại ngữ, vi tính... Cho nên tâm lý ai cũng muốn gọn nhẹ trong việc cúng kiến. Nhưng các vị trụ trì, ngược lại, hình như thích tổ chức xôm tụ để có uy tín. Lệnh trên ban ra, làm sao dám cãi! Thế là cứ phải làm, rồi than, rồi bệnh, rồi nghỉ học... Cứ tính thử mỗi năm một chùa có bao nhiêu lệ cúng, sẽ thấy nó ngốn đi bao nhiêu thời gian và sức khoẻ của Tăng Ni, mà lẽ ra thời gian và sức khỏe ấy nên dành vào việc tu học thì tốt hơn. Rằm tháng Giêng, tháng 4, 7, 10, thêm vài cái đám giỗ của các vị khai sơn lập tự, thêm vài đám thất của Phật tử gởi vong vào chùa, chưa kể còn trực tiếp đi tụng đám, đi dự lễ an vị v.v... Nghĩa là hầu như tuần nào, tháng nào cũng có “đám”, không lớn thì nhỏ. Trách sao nhiều vị muốn cất cốc ở riêng vì quá sợ chữ “đám”.

Xuất phát từ thực tế ấy, xin gợi ý một cách làm gọn nhẹ hơn để việc cúng kiến phù hợp với đời sống xã hội mới. Thứ nhất, thay đổi ý thức, cả chư vị Tăng Ni và Phật tử nên ý thức rằng, chúng ta đến chùa không phải để ăn cỗ. Ngày Rằm lớn, đi chùa để cầu nguyện cho chúng sanh, để tự nhắc mình hướng thiện bỏ ác, để gặp đạo hữu cùng nhau sách tấn chuyện tu hành... Món ăn chỉ là thêm hương vị cho “lễ hội” mà thôi. Vì vậy, nên gọn nhẹ, bớt khen chê thị phi, để nhà chùa đừng “bận tâm” mà vẽ vời cho vừa ý khách thập phương. Chúng ta ăn ngon miệng một chút mà các sư cô phải vất vả, ốm đau, bỏ học như thế, thì chúng bị tổn phước chứ chẳng ích lợi gì. Thứ hai, thay đổi cách làm. Thiết nghĩ, chỉ nên nấu 2 hoặc 3 món là vừa, thêm trái cây tráng miệng đủ rồi. Một món nước, một món khô, một món khai vị. Thí dụ, bún riêu, mì xào thập cẩm, bì cuốn. Và bày biện theo kiểu tiệc buffet hiện nay để đỡ công sức hành đường và rửa chén. Riêng chư Tăng đến dự thì dọn theo kiểu truyền thống. Dĩ nhiên, ban đầu sẽ không quen, nhưng vài lần sẽ quen. Vả lại, Phật tử bây giờ đi làm việc, ăn tiệc buffet rất nhiều, đâu lạ lẫm gì. Cách quản lý tiệc buffet cũng đơn giản hơn quản lý hành đường, bàn này réo, bàn kia kêu, chạy tới chạy lui lăng xăng cả chục người, bưng bê dễ đổ. Làm sao để xong một bữa tiệc, ai cũng vừa no vừa vui trong lòng, đừng có ảnh hưởng đến sinh hoạt tu học hay làm việc, thì lần sau người ta mới còn thích tổ chức nữa, chứ không miễn cưỡng, không “sợ”. Xin hãy lắng nghe nguyện vọng của Tăng chúng, Ni chúng. Hoạt động Phật giáo chúng ta phải cải tiến nhiều thứ để phù hợp với thời đại, trong đó không chỉ những mặt lớn như giáo dục, hoằng pháp... mà ngay cả những chi tiết nhỏ như ăn uống, tiệc tùng. Ngày xưa Đức Phật đi khất thực, có gì ăn nấy, đến các vị Tổ cũng muối dưa, đạm bạc, không lý gì ngày nay chúng ta lại làm phức tạp thêm ?

 

Thiện Hòa