Thầy Thanh Từ và Thiền Duyệt Thất

Tôi nhớ suốt ngày mồng một tết các cậu dã chia thành hai ba toán rủ nhau đi chơi thám hiểm núi rừng. Đến đâu cũng đốt lửa, chặt tre làm pháo đốt vang cả rừng. Thầy Thanh Từ chưa có mặt ở Phương Bối trong cái tết thứ nhất ấy.

Nhưng trong cái tết thứ hai, thầy cũng tham dự những trò nghịch ngợm nhất của mọi người. Ở đây ai cũng dễ dàng sẵn sàng để mà “đồng sự”. Kiểu chào của thầy Thanh Từ cũng thay đổi như tất cả mọi người và cả đến những kiểu sinh hoạt khác như đi núi, trồng cây, cắm trại nữa.

Lần đầu lên Phương Bối thăm, thầy Thanh Từ đã tỏ sự ưa thích Phương Bối một cách mặn nồng. Thầy bảo chúng ta nhường cho thầy một ít vùng núi để làm thiền thất. Tôi nói: tất cả rừng núi Phương Bối là của thầy. Thế là sau đó vài ba tháng, nhờ sự giúp đỡ của vài người bạn thân của thầy, chúng ta đã dựng nên một thiền thất ở triền Đông Bắc của đồi Thượng. Nhà thiền này được đặt tên là Thiền Duyệt Thất. Duyệt có nghĩa là sự vui vẻ hoan lạc về tinh thần. Trong bài cúng dường của Nhị Thời Khóa tụng, ta thấy có câu thiền duyệt vi thực nghĩa là thức ăn làm bằng sự hoan lạc của thiền định. Thầy Thanh Từ nghe đặt tên cho nhà thiền như thế thì chịu lắm bèn chấp nhận ngay

Bên cạnh Thiền Duyệt Thất, chúng ta còn xây thêm một cái hồ chứa nước nữa và thầy Thanh Từ đã tự tay làm một chiếc giàn hoa leo thật đẹp phía trước. Hai bên con đường từ dưới đồi đi lên, thầy đã trồng những cây thông con bứng về từ Djiring. Thầy lại còn trồng thêm bao nhiêu là thứ hoa nữa xung quanh thất. Lúc Thiền Duyệt Thất làm xong, thì chiếc nhà Thượng cũng được khởi công dựng trên chót vót đỉnh đồi. Hai người có công nhất là Triều Quang và Nguyên Hưng. Hợp tác với anh Phương ở ngoài xóm và với hai người Thượng nữa Quang và Hưng đã hoàn thành được chiếc nhà duyên dáng ấy trong vòng một tháng. Vì đứng chót vót trên đỉnh đồi nên nhà Thượng phải được tạo dựng vững chãi. Tôi biết Nguyên Hưng đã tốn rất nhiều công phu vào ngôi nhà ấy. Tôi đã cùng Nguyên Hưng trang trí bên trong và bên ngoài nhà Thượng. Sau này chính nhà Thượng trở thành hình ảnh tượng trưng nhất của Phương Bối. Buổi chiều chúng ta hay quây quần bên nhà Thượng cho đến tối, và nhiều đêm chúng ta đem chăn ngủ ngay ở sàn nhà Thượng. Có đêm rét quá mà trên đồi thì nhiều gió, chúng ta bắt buộc ôm chăn rời nhà Thượng nửa đêm để về nhà cũ. Tôi không quên được những đêm chúng ta đứng trên lan can nhà Thượng ngắm sao ngắm trăng. Những đêm như thế thật là huyền diệu. Sao và trăng gần chúng ta quá. Nhất là sao Mai. Lớn gần bằng một mặt trăng. Không biết ở những nơi như Trúc Lâm, Toàn có thấy sao Mai lớn như thế không. Có những đêm tôi kéo Lý ra khỏi những đống bản thảo dày cộm của Lý để chỉ cho Lý thấy trăng sao thấy sao. Tôi thì cũng ham viết lắm, nhưng vào những đêm nhiều sao như thế này, tôi không thể nào viết được.

Nguyên Hưng, tôi nghe Phương Bối đã trở nên bất an quá, cho nên thầy Thanh Từ cũng đã rời Thiền Duyệt Thất mà về Phú Lâm rồi. Thật là buồn. Hôm tôi từ giả Phương Bối, tôi tưởng thầy Thanh Từ có thể ở lại Phương Bối bình yên. Nhưng mà không. Lâu nay Nguyên Hưng có tiếp xúc với thầy Thanh Từ bằng thư không? Hôm qua, tôi có viết cho thầy Thanh Từ một lá thư. Lá thư còn để đây, chưa có dịp gởi nhà giây thép. Tôi đã viết lá thư ấy trong một tâm trạng bình yên và yêu thương. Nhưng chỉ những người thuộc về “thánh địa” Phương Bối như thầy Thanh Từ, như Hưng, như Lý mới hiểu được tại sao tôi có thể viết như thế mà thôi. Thôi để tôi chép cho Nguyên Hưng đọc một đoạn trong lá thư đó. Đoạn này nằm ở giữa lá thư.

“Tôi đã tìm ra chân lý rồi. Trời ơi có phải là nghe câu ấy thầy đang ôm bụng cười tôi phải không? Tôi nói thật đó mà. Khi tôi thấy nó, tôi giật mình. Nó không phải là ai xa lạ cả. Nó là, thầy ơi, nó là kẻ mà tôi đã gặp từ lâu, đã biết rõ mặt mũi từ lâu. Nó không có chi mới lạ đối với tôi cả. Thế mà tại sao lâu nay, có tới ngàn vạn kiếp rồi, tôi không nhận diện được nó. Lần này thấy nó, tôi ngạc nhiên đến nỗi không biết làm gì hơn là phá lên cười. Cũng giống như bây giờ thầy đang ôm bụng cười tôi vậy.

Tôi hỏi: “Tôi tưởng tên của cậu mày hay như thế thì mặt mũi cậu phải đẹp lắm kia chứ?”.

Nó hỏi lại: “Vậy thầy thấy tôi xấu hay sao?”.

Tôi giật mình nó lại, thì quả thực nó không xấu.

Nó lại hỏi: “Hởi người đã tìm thấy tôi, người sẽ làm gì chiều hôm nay?”

Tôi nghiêm trọng trả lời: “Ta sẽ đi ăn cơm khi ta thấy đói bụng, và sẽ ngủ khi ta thấy buồn ngủ.”

Thầy ơi, hôm từ giã phi trường Tân Sơn Nhất, tôi có mang theo một cái hột gà. Tôi như một con gà ấp trứng, và luôn luôn có một cái hột gà để ấp, đêm và ngày. Tôi mang theo qua bên này một cái hột gà đã ấp từ sáu bảy hôm nay, và những kẻ đưa tôi ra phi trường không có ai hay biết. Họ chỉ biết tôi mang theo một cái áo lạnh và một cây viết Pilot. Nhân viên quan thuế không biết, mà tôi cũng không biết phải khai báo ra làm sao. Tôi nín thinh. Nhưng mà tôi tin ngồi ở Thiền Duyệt Thất, thầy có thể biết. Tôi nhớ cũng đã từng nói cho thầy nghe và hứa với thầy là khi nào hột gà nở ra con gà thì tôi tin cho thầy hay. Thầy có nhớ điều đó không? Hôm nay tôi có thể tin cho thầy biết là thêm một năm ấp ủ, và do khí hậu thuận lợi, con gà đã mổ được vỏ quả trứng và chui ra ánh sáng. Ra khỏi vỏ nó lớn rất mau chóng, không khác gì cậu bé Phù Đổng năm xưa.

Đêm mồng bảy tháng năm vừa qua, tôi được chứng kiến một cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và Ma Vương Ba Tuần, Đức Thế Tôn tiếp Ma Vương Ba Tuần tại núi Linh Thứu với tư cách một thượng khách của Ngài. Thầy nghe không, một thượng khách của Ngài. Tôi thích thú lắm. Tôi định sẽ ghi tất cả nội dung của cuộc đàm thoại đó làm thành một cuốn kinh:

“Đức Phật: Xin mời Ngài ngồi.

Ba Tuần: Xin cám ơn Ngài. Gớm cái ông thị giả của Ngài khó tính quá. Khi tôi xưng danh hiệu, ông ta nhất định không cho tôi vào. Ông nói: Nhà ngươi còn đến đây làm gì? Ngươi không nhớ năm xưa dưới gốc cây Bồ Đề, ngươi đã bị đức Thế Tôn đánh bại hay sao? Ngài sẽ không tiếp nhà ngươi đâu. Nhà ngươi là kẻ thù của Đức Phật”. Tôi phải nói khích một câu ông ấy mới cho vào.

Đức Phật (cười): Ngài nói khích như thế nào?

Ba Tuần: Tôi nói: “Phật thì làm gì có kẻ thù. Phật mà còn phân biệt kẻ oán người thân thì đâu có phải là Phật”. Chừng ông ta đã được nghe đâu cái câu ấy của Ngài một vài lần rồi cho nên khi nghe tôi nói khích ông ta động lòng tự ái, cho tôi vào ngay.

Đức Phật: Cái kiểu của ngài thì muôn đời như vậy. Và cứ phải mưu mô mà đi đường cong như vậy thì mới thắng được thiên hạ. Nhưng mà thực ra có dám làm như thế mới được gọi là Ma Vương.

Ba Tuần: Đúng lắm thưa Ngài. Làm Ma Vương bực lắm. Mặc áo thì luôn luôn phải mặc áo giấy. Vẻ mặt thì khi nào cũng phải hoặc nham hiểm, hoặc độc ác hoặc u mê. Thở thì phải thở toàn khói nghi ngờ đen nghịt. Để có hình thức phù hợp. Để cho danh chánh ngôn thuân là Ma Vương mà. Đi đâu thiên hạ cũng tránh, cũng ghét, cũng sợ. Làm Ma Vương quả thực bực lắm.

Đức Phật: Vậy ngài tưởng làm Phật sung sướng lắm hay sao? Thiên hạ dán vào lưng tôi nhiều nhãn hiệu mà tôi không hề tự xưng bao giờ. Thiên hạ đem tôi ra bán buôn. Và cứ tưởng tượng ngồi trên xe hoa để thiên hạ rước đi từng bước gật gù qua các phố bán than, bán thực phẩm, bán nước mắm v.v… thì tôi tưởng Ngài sẽ chẳng bao giờ ước muốn làm Phật, Thế Tôn của nhân loại.

Nghe đức Thế Tôn nói xong, Ba Tuần cười ha hả…”

Nguyên Hưng ơi, tôi chỉ chép Nguyên Hưng đọc từng đó mà thôi nghe.

Không phải tôi sợ rằng Nguyên Hưng nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại hay trách móc đâu. Tôi đã nói với Nguyên Hưng rằng tôi viết lá thư đó trong tâm niệm an lành và thương yêu rồi mà. Mai sau nếu chúng ta được trở về Phương Bối thì bản thảo cuốn kinh kia sẽ được để trên bàn giữa của chiếc nhà Thượng. Và sẽ chỉ có những người có căn cơ đại thừa của đại thừa mới được đọc cuốn kinh đại thừa của đại thừa ấy có phải không?…


Trích từ Nẻo Về Của Ý (1962-1966)

HT Thích Nhất Hanh