Tăng ni theo Làng Mai 'xin tị nạn'

Đại diện cho nhóm tăng ni theo pháp môn Làng Mai, của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hiện đang tạm trú tại chùa Phước Huệ, Lâm Đồng, nói đang vận động để họ được Chính phủ Pháp cho tị nạn.

"Chúng tôi không còn chịu nổi sức ép liên tục của chính quyền để phải giải tán,'' người đại diện cho các tăng ni, nhà sư Thích Trung Hải viết trong lá thư gởi cho Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đăng tải trên website của pháp môn.

"Chúng tôi phải quay sang xin ngài cho tị nạn tạm thời tại Pháp để có thể tiếp tục ở với nhau.''

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Pháp Berrnard Valero nói với AP rằng chính phủ của ông theo dõi trường hợp này với ''nhiều quan tâm'' nhưng không phát biểu gì về việc xin tị nạn.

"Chúng tôi hy vọng các bên trong vụ này, các chùa [đang cho các tăng ni tạm trú], dân chúng cũng như chính quyền địa phương đi đến được một giải pháp,'' ông Valero nói.

Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng gì về đơn thỉnh cầu Tổng thống Sarkozy của đại diện các tăng ni ở Lâm Đồng.

Trong khi đó, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) ra thông cáo lên án các vụ sách nhiễu nhằm vào số tăng ni này.

Hôm thứ Tư, 16/12, các vị đại diện đã hội kiến bà Heidi Hautala, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền thuộc Quốc hội Âu châu tại Strasbourg, và tổ chức một cuộc họp báo để kêu gọi ủng hộ.

Kêu gọi ngưng 'sách nhiễu'

Tổ chức HRW trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, lên án việc mà tổ chức này gọi là chính quyền dùng chiến thuật mạnh tay để giải tán tăng thân theo Làng Mai.

Trong thông cáo mới ra, HRW gọi đây là minh chứng cho việc vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo của Chính phủ Hà Nội.

Các nhà tài trợ cho Việt Nam cần đòi hỏi chấm dứt các cuộc tấn công tăng ni ở Lâm Đồng và cho phép họ được hành đạo mà không bị buộc phải rời đi.

Bà Elaine Pearson, phó Giám đốc phụ trách Á châu, Human Rights Watch

Bà Elaine Pearson, phó Giám đốc phụ trách Á châu của HRW, viết: “Các nhà tài trợ cho Việt Nam cần đòi hỏi chấm dứt các cuộc tấn công tăng ni ở Lâm Đồng và cho phép họ được hành đạo mà không bị buộc phải rời đi."

Bà viết thêm: “Các chính phủ quốc tế cũng cần theo dõi tình hình một cách chặt chẽ."

Thông cáo của HRW có đề cập tới vụ thị sát tình hình của phái đoàn Liên minh châu Âu hôm 09/12, bị một nhóm người bên ngoài vào quấy rối làm gián đoạn.

Tổ chức này cho rằng EU, một trong các nhà tài trợ chính cho Việt Nam và mới đây cam kết 1 tỷ đôla ODA cho Hà Nội, cần gia tăng áp lực về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và quyền được bất đồng chính kiến một cách hòa bình.

Bà Pearson nhận xét những gì đang xảy ra đối với tăng thân theo Làng Mai là "cái tát vào mặt EU" và khối này cần có hành động.

Số tăng ni theo pháp môn Làng Mai đã chuyển sang tá túc tại chùa Phước Huệ tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, từ cuối tháng Chín, khi đám đông tràn vào Tu viện Bát Nhã, nơi họ tu tập và buộc họ phải rút ra ngoài.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu cho phép họ được ở lại đây cho tới tháng 12/2009, và hôm 30/11/2009 đã có công văn số 553/CV-HĐTS gửi Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu "tích cực vận động" các tăng ni trở về nhà.

Không muốn bị phân tán

Người đứng đầu, Thích Trung Hải từ Strasbourg, nói với BBC rằng vì bản thân ông đã được chính phủ Pháp “che chở” trong nhiều tháng nay, nên kêu gọi Paris giúp đỡ là điều đầu tiên ông nghĩ tới.

Gần 200 tăng ni theo Làng Mai hiện đang tạm trú những ngày cuối cùng tại chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, Lâm Đồng, sau khi bị buộc phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã là nơi họ tu tập trong thời gian dài hồi tháng Chín.

Thượng tọa Thích Thái Thuận, chủ trì chùa, đã ký cam kết để họ rời đi trước ngày 31/12, với điều kiện quá trình sắp xếp việc di chuyển của họ không bị gây khó dễ.

Tuy chính quyền muốn các tăng ni trở về địa phương của mình, thầy Thái Thuận cảnh báo trong một phỏng vấn gần đây với BBC rằng sẽ rất khó có việc họ rút đi một cách lẻ tẻ. “Họ muốn di chuyển như một dòng sông,” ông nói.

Thượng tọa Thái Thuận cũng kêu gọi chính quyền cho phép họ được cùng tu tập tại một địa điểm như ý nguyện của các tăng ni này.

Thế nhưng thời điểm 31/12 đang gần kề mà dường như chưa có giải pháp.

Thầy Thích Trung Hải nói ông hy vọng Chính phủ Pháp, nếu thực sự thông cảm và muốn giúp đỡ, dựa trên quan hệ tốt đẹp lâu nay với Hà Nội, có thể can thiệp một cách tích cực để bảo lãnh cho các tăng ni tới khi điều kiện ở Việt Nam thuận lợi cho họ về tu tập