giáo dục học đường và giáo dục phật giáo


alt

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Chư Tôn Đức giáo Phẩm
Kính thưa các vị Đại biểu
Kính thưa toàn thể Hội nghị
Học đường là một thiết chế xã hội, là nơi cung cấp những kiến thức và những chức năng cần thiết, nơi tạo cơ sở khoa học cho học sinh, sinh viên sử lý đúng đắn các mối quan hệ cho xã hội. Nhà trường là xã hội văn hóa, phổ cập hóa những kiến thức phổ thông cho những tâm hồn có ý chí hoài bảo và lý tưởng vươn lên đến vòm trời xa rộng. Mặt khác, nhà trường là nơi đào tạo, un đúc và phát triển tiềm lực của những tài năng trí tuệ và đạo đức con người. Mục đích của giáo dục thì giống nhau trong tất cả các loại hình đào tạo trong xã hội, kể cả dạng đào tạo trong các tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Các dạng đào tạo trong xã hội gọi vắn tắt là “Thế học” và trong Phật giáo gọi tạm là “Phật học”.
Giáo dục được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của Giáo Hội, giáo dục góp phần năng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; bởi có giáo dục đào tạo Tăng tài mới có người kế thừa liên tục mạng mạch Phật pháp. Đứng về phương diện lãnh đạo GHPGVN hiện nay nhằm cũng cố đội ngũ Tăng Ni trên ba quan điểm TU, HỌC, và HẠNH với bản nguyện tốt đạo đẹp đời trên cơ sở giáo dục Phật giáo. Do đó trường Phật giáo hiện nay được tái tạo và một số mớI được thiết lập đã được đưa vào qui chế học đường, Tăng Ni sinh được đi vào nề nếp sinh hoạt học tập đồng bộ và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Trong việc giáo dục đào tạo con người Phật giáo nhằm vào ba lãnh vực học để đào tạo chuyên ngữ Phật học gọi là Giới học, Định học và Huệ học. Ba lĩnh vực này ở phương Tây vào thế kỷ 19 các nhà giáo dục gọi là Đức dục, Thể dục và Trí dục. Phật giáo từ rất sớm đã chú trọng vào ba lĩnh vực giáo dục này mà còn cho thấy liên quan hữu cơ của ba môn học như “Nhân giớI sanh định, nhân định phát tuệ”. Vì chính nhờ ba môn học GIỚI - ĐỊNH - TUỆ này mà tất cả mọi người mới có thể tiến đến con đường giác ngộ, không còn bị khổ đau trong cõi Diêm Phù đề nữa. Do vậy, chúng ta phải công nhận rằng; Giới - Định - Tuệ là pháp môn tu hành trọng tâm của Phật giáo một hệ thống giáo dục của  Phật giáo mang tính: Từ bi – Trí tuệ - Bình đẳng - Tự do - Lục hòa – Bát chánh v.v… luôn luôn đi liền với nhau tạo nên một sức sống mãnh liệt với một tâm hồn thánh thiện trong cuộc sống thực tại tận nghìn xưa và mãi tận nghìn sau, vẫn là bài học phù hợp với mọi thời đại và môi trường. Như có một học giả nổi tiếng khoa sử Việt Nam nhận định về giáo dục như sau:
“Nền giáo dục Phật giáo của khối óc và con tim. Khối óc sáng suốt và con tim quả cảm. Tư tưởng giáo dục Phật giáo là tư tưởng giáo dục hiện thực và hành động”.
Qua những nận xét tổng thể được trình bày trên đây, chúng ta có thể thấy được tình hình Phật giáo hiện nay đã thấm nhuần trong từng hơi thở con người trong cuộc sống, như máu xương, da thịt liền nhau trong tình đời ý đạo. Nguyên lý cơ bản giáo dục Phật giáo không chỉ dừng lại nơi giá trị đạo đức Phật giáo mà còn gắn liền với vận mệnh dân tộc và lan toả khắp thế giới. Hòa Thượng Thích Minh Châu, viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, trong buổi lễ khai giảng năm học mới đã phát biểu:
“…Là sinh viên Phật giáo trong thời kỳ xã hội hóa, hiện đại hóa, tiến lên văn minh toàn cầu hóa. VớI tinh thần Duy tuệ Thị Nghiệp, sống bằng pháp hạnh vô ngã vị tha, bổn phận và trách nhiệm của chúng ta phải luôn luôn tinh cần phát huy toàn triệt khả năng “GiớI đức, Tâm đức và Tuệ đức” phải tập trung hơn nữa, nỗ lực chuyên sâu hơn nữa các môn Phật học lẫn thế học. Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời nêu cao gương hạnh Phật trong sứ mệnh lịch sử giao phó là “Truyền trì mạng mạch - tiếp dẫn hậu lai - hoằng pháp lợi sanh – Báo Phật ân đức” ngay trong cuộc đờI này.” Phải chăng đây chính là tâm huyết của bậc thầy đã trọn dâng đời mình cho sự nghiệp giáo dục đạo đức. Một lời khuyên nhũ chân tình của từ tâm đạo vị, như một di chỉ tốt cho đàn hậu tấn chung soi. Đây không phải là sự bắt buộc mà là phương châm hành động cho một thực tại sống, một giá trị đạo đức của nền tảng giáo dục Phật giáo mà Hòa Thượng là một điển hình. Điều này cho thấy lập trường nhất quán của giáo dục xuyên suốt quá trình trên 25 thế kỷ, trải bao dâu bể tang thương, thăng trầm biến đổI, tinh thần Giáo dục Phật giáo vẫn muôn đời chói rạng.
Về phương pháp giáo dục, trong một giới hạn nào đó thì nền tảng giáo dục là những nguyên tác cơ bản, đã được nung đúc thành hệ thống nhằm sinh sản hoặc tái hiện thành con người hoàn thiện đó chính là phương pháp giáo dục qua bài viết của giáo sư Lý Kim Hoa trên Báo Giác Ngộ số 2 ra ngày 20.4.1996. Ông đề cập đến một số nét cơ bản về lĩnh vực giáo dục và nền tảng xây dựng trong bài viết này ông cho rằng muốn đạt tốt hiệu quả giáo dục thì phảI tiến trình theo 3 lĩnh vực sau:
1.    Phương pháp soạn thảo chương trình.
2.    Phương pháp tổ chức các phương pháp giáo dục.
3.    Phương pháp giảng huấn và học tập.
Đây là ba lãnh vực mà chúng ta cần phải biết cách linh động và luôn luôn tiến đến để phù hợp với trình độ, nhằm đáp ứng nhu cầu đưa con người và xã hội đi lên. Đồng thời ông dẫn chứng và đối chiếu phương pháp giáo dục của Phật giáo phù hợp với khế lý, khế cơ và khế thời, phù hợp với yêu cầu và lý luận, sự thật, lẽ phải và thực tế. Đại ý ông muốn nói phương pháp giáo dục cần áp dụng lối giảng dạy, phù hợp với đối tượng hoàn cảnh, môi trường trong sự dạy cũng như sự học.
Qua đây ta có thể hiểu được nền tảng giáo dục hay nói cách khác hơn phương pháp giáo dục là nhằm đào tạo thế hệ tương lai. Thế hệ nắm vận mệnh quốc gia, dân tộc. Quốc gia thịnh hay suy, dân tộc cường hay nhược đều do giáo dục tốt hay xấu, đúng hay sai. Vì thế giáo dục là một công tác trọng đạI; một vấn đề cần được đặt ra, cần được nghiên cứu tỉ mỉ và cảI tiến kịp thời. Nhìn lạI quá khứ của nước ta thì việc giáo dục ngày xưa chỉ thiên về đạo lý văn chương, nhưng ngày nay lạI nặng về lý thuyết khoa học. Như vậy là phiến diện thiếu sót.
“Công tác giáo dục có nhiệm vụ song song vớI trình độ phát triển về vật chất và tinh thần, tạo sự thích ứng giữa đứa trẻ với những giá trị tinh thần mà hoàn cảnh đòi hỏi. Sự thành công phải lệ thuộc cách thức, phương pháp mà nhà giáo dục đã dùng để tạo sự thích ứng đó”.
Để đạt được phương pháp trên, người làm công tác giáo dục  cũng phải có phương pháp giáo dục. Tức là phương pháp truyền đạt thông tin kiến thức đến đốI tượng. Giáo dục không có nghĩa đơn thuần là dạy mà bao gồm cả sự học, do vậy phương pháp giáo dục chính là phương pháp dạy và học, nghĩa là bằng cách nào để truyền đạt tốt nhất có hiệu quả nhất và bằng cách nào có thể tiếp thu mau nhất, có kết quả cao nhất. Đức Phật được mệnh danh là bậc đạo sư, vậy phương pháp giáo dục của ngài là ứng dụng như thế nào trong suốt cuộc đời giáo hóa, và đến nay phương pháp đó hiệu quả như thế nào. Riêng Hòa Thượng Thích Minh Châu - Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, hiện là Hiệu Trưởng Trường HVPGVN hiện nay với niềm ưu tư thao thức vế sự nghiệp giáo dục qua bài viết “Một môi trường giáo dục tốt phải khởi nguồn xây dựng bởi những người có ý thức và trách nhiệm”  đăng ở trang 3 tập văn Thành đạo PL: 2538 nội dung với phương pháp giáo dục như sau:
“Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thành công chừng nào sự nghiệp ấy trở thành ý thức và trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Thiếu mất ý thức và trách nhiệm này, chúng ta không thể nói đến giáo dục hay xây dựng một môi trường tốt đẹp cho con người”.
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa quí liệt vị,
Hôm nay nhân ngày hội thảo về Giáo dục học đường, mục đích là làm sao để phát triển trường Phật học Đại Tòng Lâm trong tương lai, chúng con mạo muộI kính trình lên hội nghị một số ý kiến:
•    Theo hệ thống tổ chức của các trường Phật học trong nước hiện nay, vấn đề nhân sự còn quá hiếm hoi, công tác thì luôn bị ách tắc chưa được hoàn chỉnh. Phần lớn là do thiếu kinh phí, rất ít người quan tâm tài trợ cho công tác của ngành giáo dục. Một số điểm đáng nói là cá nhân lãnh đạo vì tư hữu riêng, chùa riêng, cuộc sống kinh tế riêng nên lo việc chung còn thiếu tinh thần đoàn kết nội bộ, hay một vài nơi có những vị là quá bao đồng dẫm lên nhiệm vụ của người khác, đại để tình hình hiện nay trên nguyên tắc chung thì công tác nhìn bên ngoài có lẽ trôi chảy, nhưng bên trong không kết hợp nhất quán cho lắm. Hơn nữa, vì lý do cụ thể có những vị đóng góp công sức rất nhiệt tâm nhưng trên cơ bản không học qua các lớp quản lý và xử lý hành chánh, một nghiệp vụ chuyên môn của bộ phận văn phòng, không trách gì công tác luôn bị đình trệ và chậm tiến.
•    Tổ chức hộI đồng giáo thọ và giáo sư là hậu thuẩn mạnh nhất do Ban giám hiệu, cho hội đồng điều hành của trường có đủ điều kiện hoạt động. Do đó, Ban giám hiệu, cho hội đồng điều hành trường mời các vị giáo thọ, giáo sư có những phiên hợp độc lập định kỳ để đóng góp ý kiến, phê bình và xây dựng cho nhau, đồng thời cũng để giải quyết kịp thời những phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của Tăng Ni sinh, đảm bảo chất lượng trao truyền, dạy đủ số giờ đã được qui định. Đặc biệt các giáo thọ còn phải đảm bảo khả năng chuyên môn, sư phạm của mình không những phản chiếu chất liệu người thầy giáo mà còn là bậc đạo sư gương mẫu để không gây ảnh hưởng không tốt cho từng đối tượng giáo dục hoặc có thể gây trì trệ cho sự nghiệp giáo dục của bản trường nói riêng và của Giáo hội nói chung.
•    Các khóa nên thành lập Ban đại diện Tăng Ni sinh riêng của khóa mình (Trung cấp có một Ban đại diện, Cao đẳng có một Ban đại diện do ban cán sự lớp của các khóa bầu ra đại diện cho các Tăng Ni sinh của trường, các khóa hiện đang học). Ban đại diện này; ngoài các phong trào chung của trường, Ban đạI diện còn có tiếng nói, phản ảnh chung của Tăng Ni sinh lên Hội đồng điều hành trường về nguyện vọng tu, học của Tăng Ni sinh và cách giảng dạy của  giáo thọ, giáo sư, cách làm việc của ban quản chúng nội viện để hội đồng điều hành trường kịp thờI giải quyết, sửa đổi và cải thiện cho tốt hơn.
•    Về quản lý Tăng Ni sinh thì Ban giám thị, Ban quản chúng có chức năng và trách nhiệm về học tập và sinh hoạt của Tăng Ni sinh, giám sát đạo đức kỹ luật của Tăng Ni sinh. Hội đồng điều hành trường cần lập hồ sơ liên lạc (có sổ liên lạc) để Ban Giám Hiệu phốI hợp với các vị Bổn sư, Y chỉ sơ của Tăng Ni sinh, quản lý chặt chẽ hơn việc học tập qua việt thông tin cập nhật về hạnh kiểm, học lực và chuyên cần của Tăng Ni sinh định kỳ (từng học kỳ).
•    Trong trường học phải có thư viện nội và ngoại điển, máy vi tính, mạng Internet, phòng đọc sách sau giờ học, phòng họp và các học cụ cần thiết cho các cấp học. VớI trang bị như thế giúp cho Tăng Ni sinh tham khảo nghiên cứu để mở rộng kiến thức, an tâm nộI trú học tập. Ngoài những môn học ấn định, Hội đồng điều hành trường cần mời dạy thêm các môn học như: Quản trị hành chánh, tâm lý học, xã hội học, tin học, nghi lễ, dẫn chương trình, anh văn, hoa văn,Pali và cần có những buổi học ngoại khóa các học giả và giao lưu với các trường v.v… Bên cạch đó trường phải có chỗ tập thể thao như: Bóng chuyền, bóng bàn, tập tạ, cầu lông, đá cầu… để Tăng Ni sinh có sức khoẻ và giải trí đỡ căng thẳng trong việc tu và học.
•    Trường chúng ta là trường nội trú, lo mọi sinh hoạt đời sống tu và học của Tăng Ni sinh mà không thu học phí, vì thế Ban giám hiệu phải có kế hoạch, đầu tư lâu dài, kêu gọi, thành lập ban bảo trợ cho nhà trường, mà trước tiên là Bổn sưcủa các Tăng Ni sinh, chư Tôn Đức các tự viện có nhiệt tâm và chư Phật tử hảo tâm ủng hộ thường xuyên cho nền giáo dục đào tạo Tăng tài bản trường ngày một ổn định và phát triển.
•    CuốI cùng, thờI gian tuyển sinh giữa các khóa phải là 4 năm, sau khi phải hoàn thành xong khóa học đang đào tạo thì mớI được tuyển sinh khóa tiếp theo. Điều này đã tạo một sự gượng ép trong công tác tuyển sinh của trường, vì thực tế có thi thì có đậu và chắc hẳn có trượt. Tăng Ni sinh không thể gián đoạn việc học trong thời gian 4 năm. Hơn nữa mỗi lần tuyển sinh lại khóa mới là phải xin phép chính quyền, có quyết định chính quyền Ban giám hiệu mới tuyển sinh và khai giảng, điều này làm gián đoạn, chậm trể việc tuyển sinh khóa mới. Vấn đề tuyển sinh thì Tăng Ni sinh các tỉnh khác không được phép theo học. Thiết nghĩ, trường Phật học là nơi giáo dục như các trường thế học, tuyển sinh, khai giảng và ra trường đã có định kỳ, tất cả các Tăng Ni sinh các tỉnh điều có thể chọn ngôi trường mà mình cần đến học để thăng hoa học thức cũng như sự tu tập. Ban trị sự, Ban giám hiệu cần xin chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp cho phép trường tuyển sinh, khai giảng các khóa mới định kỳ ấn định, tuyển sinh khai giảng và mãn khóa đều đặn.Ban giám hiệu trường chỉ trình chứ không xin làm thủ tục xin giấy phép tuyển sinh khóa mới. Theo bản thân chúng con nên tuyển sinh gối đầu 2 năm một lần, điều này làm giảm áp lực tuyển sinh phải lấy hết thí sinh dự thi, làm giảm số lượng trúng tuyển thì việc đào tạo sẽ có hiệu quả nhiều mặt, Tăng Ni sinh bị yếu thi lại hoặc bị trượt thì có thể tham gia thi lại và tham gia khóa học sau thời gian ngắn chứ không phải đợi đến 4 năm. Việc tuyển sinh gối đầu 2 năm một lần còn ổn định trường học, lúc nào cũng học, cũng tu trong môi trường nội trú không làm thay đổi, xáo trộn với mọi sinh hoạt của trường. Ban giám hiệu cần xin chính quyền cho phép Tăng Ni sinh được thi tuyển vào các trường mà họ yêu thích đến học, cần loại bỏ tính phiến diện đào tạo địa phương hiện nay, mang tính cục bộ “tự cung, tự cấp”. Việc Tăng Ni sinh đến trường học thì Ban giám hiệu nhà trường trình lên chính quyền, chịu trách nhiệm và bảo lãnh. Đây là một khó khăn vướng mắc hiện nay khi tiến hành xin phép chính quyền cho Tăng Ni sinh ngoài tỉnh đến học.
Kính bạch Chư Tôn
Kính thưa Hội nghị,
Giáo dục thế học nhằm đào tạo một mẫu người lý tưởng để phục vụ cho đất nước đã có một việc khó, nhưng giáo dục Phật học lại càng khó hơn, vì vừa đào tạo một con người cho xã hội, cho đất nước, mà còn vừa đào tạo một vị thầy cho chúng sanh. Mẫu người như thế phải có học tập và đức hạnh toàn bích. Muốn có một thế hệ Tăng Ni ưu tú như thế, việc trước tiên chúng ta phải tôn trọng tính mô phạm, phải có môi trường học tập và không khí tu hành tốt theo mô hình nội trú. Muốn cho giáo hội hưng thịnh và giáo pháp Như Lai được trường tồn ngoài việc đoàn kết thống nhất ý chí hoạt động, chúng ta cần đặt công tác giáo dục đào tạo tăng tài lên hàng đầu. Đây là con người kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh mà bao đời chư Tổ đã thực hiện, những người thắp đuốc Như Lai tiếp nối con đường đấng Từ phụ mục đích giúp cho chúng sanh giải thoát khổ đau, an lạc Niết Bàn.
Trên đây là một số kiến thiết thô thiển, chúng con kính trình lên hội nghị. Ngưỡng mong Chư Tôn đức và hội nghị hoan hỷ lượng thứ.
Kính chúc Chư Tôn giáo phẩm, chư vị khách quý và toàn thể quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, vô lượng an lạc. Kính chúc hội nghị thành công tốt đẹp./.

Trường Phật Học Đại Tòng Lâm, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu


ĐĐ. Thích Quảng Ngôn