Người mang hạnh phúc đến cho nhân loại

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo: Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai?

 

Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.

Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Người có chánh kiến, người không có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa phi pháp, an trú diệu pháp. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. (ĐTKVN, Tăng Chi Bô I, chương 1, phẩm Makkhali, phần Một pháp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.71)

LỜI BÀN:

Chánh kiến là sự thấy biết đúng đắn, nhận thức chính xác về nhân quả thiện ác, như thật tri về tính chất duyên sinh của hiện tượng giới và đặc biệt là liễu tri về Tứ diệu đế. Nhận thức đúng ắt hẳn sẽ hành động đúng và mang đến hạnh phúc, lợi ích, an vui cho bản thân cùng xã hội.

Lịch sử nhân loại đã cho thấy một cá nhân và cả xã hội sở dĩ rơi vào bất hạnh khổ đau, xét cho cùng đều do nhận thức chủ quan sai lầm hay bị chi phối hoặc tin theo những tà thuyết. Từ các cuộc chiến tranh thế giới, nạn diệt chủng, khủng bố, xung đột sắc tộc cho đến những loại hình tội phạm, các tệ nạn xã hội… đều có căn nguyên từ nhận thức sai lạc của một người hay một cộng đồng. Hiện trạng bất an của thế giới trên mọi phương diện ngày càng gia tăng hiện nay khiến chúng ta suy ngẫm nhiều hơn về giải pháp hòa bình, hòa hợp bằng cách phát huy tuệ giác - chánh kiến theo quan điểm của Thế Tôn.

Quan kiến phải được mở rộng ra đến tột cùng, vượt thoát cái tôi vị kỷ, thấy được tính cách bất nhị cùng với sự tương tác liên quan vô cùng tận, dung nhiếp được các phạm trù đối đãi mới là giải pháp thiết thực và bền vững cho các vấn nạn của nhân loại hiện nay.

Thế Tôn ra đời, thành tựu tuệ giác dưới cội Bồ đề, tuyên bố đầu tiên và xuyên suốt trong phương châm hành động của Ngài là tinh thần trung đạo, là tuệ giác, chánh kiến. Bởi người nào, cộng đồng nào có chánh kiến, tôn vinh trí tuệ thì người ấy và cộng đồng ấy có hạnh phúc, an lạc dài lâu.


QUẢNG TÁNH