Hương mùa hè

Nè mấy đứa, trưa nắng sao hông ngủ mà đi đâu dzậy. Giọng Bà Tư từ trong bếp vọng ra, bà đang xức thuốc cho con Vàng, con chó cưng được xếp vào hàng em út sau  ba đứa con là thằng Tí, thằng  Sún và con Tị . Con Vàng có bộ lông dài óng mượt lâu lâu lại xù lên như một con sư tử, vậy mà chẳng hiểu sao tự dưng lông lại rụng dần làm cho con Vàng mất hết vẻ kiêu hãnh, chỉ còn lại bộ da trắng hếu, thấy mà tội.

Dạ, tụi con đi đây chút xíu .

Chưa kịp cho bà Tư trả lời ba đứa đã dong chân chạy thẳng.

Mùa hè trời nóng chang chang như đổ lửa, thần gió hình như đã ngủ quên, cây cối đứng yên bất động. Những cánh quạt máy phát huy hết công suất vẫn không xoa dịu được cái nóng bức của khí trời, hầu như nhà nào cũng đem võng ra móc ngoài vườn, có người đem chiếu ra trải dưới gốc cây ngủ ngon lành. Ai cũng muốn chạy trốn cái nóng, chỉ có mấy đứa nhỏ là không quan tâm đến chuyện nắng mưa và ngủ trưa là điều “lãng xẹt” nhất trong những điều lãng xẹt.

Mốt bây giờ người ta ưa nhuộm tóc vàng, riêng thằng Tí nắng nhuộm cho nó cái đầu vàng hoe, là anh cả trong ba đứa, tính ít nói và lầm lì nhưng ngịch ngầm. Nó ghét nhất là đội nón, chẳng hiểu sao người ta cứ ưa chụp lên đầu ba cái thứ nóng bức tù túng đó. Thằng Tí là đứa đầu tiên khám phá có một lỗ nhỏ chui vô vườn chùa mà không cần qua cổng chính dù cổng chính không bao giờ đóng, đơn giản vì đâu có cửa lấy chi mà đóng . Nhưng đi cổng đó thì dễ gặp sư cô Tuệ Thông giám niệm, dù sư cô hiền, ít nói nhưng chúng vẫn thấy sợ sợ làm sao đó.

Quý sư cô đã nghỉ trưa, vườn chùa im phăng phắc mấy trái ổi hình như cũng chờ tụi nó lâu rồi. Tí leo thoăn thoắt lên cây. Thằng Sún căng cái áo thun màu mỡ gà hứng lấy hứng để mấy trái ổi chín, non lẫn già, Bé Tị thì mãi mê nhặt những bông hoa khế rụng đầy trên đất. Bỗng chúng giật bắn người khi nghe giọng nói ấm áp của sư cô vọng ra từ gốc mận gần đó.

Nè, mấy em sao không ngủ trưa mà leo lên cây làm chi đó? Bắt quả tang hái trộm ổi chùa nghe.

Mèn ơi! Nghi rồi mà, tụi nó biết rõ lắm sư cô Tuệ Thông cũng không ưa ngủ trưa như tụi nó, thỉnh thoảng hay thấy sư cô đi thiền hành, có khi ngồi thiền, khi thì nhổ cỏ hay tỉa cây chi đó, nên lúc nãy mới chui vô vườn tụi nó đã quan sát kỹ lắm lắm mà đâu thấy chi, tưởng bữa ni chắc là ngoại lệ ai dè…

Thôi được rồi, Tý trèo xuống đi cẩn thận kẻo té.

Ba đứa đứng xếp hàng trình diện trước sư cô, mấy trái ổi nằm lăn lóc dưới đất. Bẽn lẽn vì bị bắt quả tang, thằng Tý và thằng Sún dán mắt nhìn chăm chăm dưới đất, tuồng như dưới đó đang có hội chọi dế không bằng. Tị thì đút tay vô túi môi bặm lại im thin thít, mãi một lúc lấy hết can đảm mới lắp bắp được vài tiếng đứt quãng:

Con… con… xin… lỗi… sư… cô...! Thay cho hai ông anh đầy hào khí hôm nào bỗng dưng hiền lành hết sức.

Ngoan lắm, biết lỗi là tốt, lần này sư cô bỏ qua nhưng lần sau nhớ là phải xin phép đàng hoàng nghe, sư cô sẽ cho với điều kiện là tụi con chỉ được hái trái chín thôi, đừng hái mấy trái xanh non mà tội. Cây ổi nó buồn đó.

Dạ, tụi con nhớ!

Ba đứa đáp lí nhí nhìn nhau mà khó hiểu quá, cây ổi răng mà biết buồn chớ?!!!

Nghĩ vậy nhưng tụi nó vẫn không dám hỏi, mà sư cô này kể cũng lạ, tụi nó hái trộm sư cô chẳng la rầy chi, chỉ nhắc nhở bằng nụ cười rất tươi, cái nhìn thì dịu dàng mà thương yêu quá chừng.

Thôi được rồi, để xí xóa tụi con cho sư cô ăn với, chờ chút xíu sư cô vô lấy chén muối ớt.

Bốn cô cháu ngồi chơi dưới tàng cây mận, ai cũng xúy xoa vì muối ớt cay quá. Sự gần gũi, hiền hòa của sư cô làm tụi nhỏ quên béng mới mấy phút trước đây mình còn là “tội phạm”. Chẳng mấy chốc sư cô đã là bạn thân của tụi nhỏ.

Đột nhiên thằng Sún phỏng vấn sư cô.

Sư cô nè! răng sư cô đi tu rứa, sư cô chán đời hả?

Không nín được cười, Tuệ Thông không hiểu nổi ở đâu mà chú nhóc mới sáu bảy tuổi đầu lại bất ngờ hỏi mình một câu như ông cụ non vậy không biết.

Ờ! Vì thương ba má nên sư cô đi tu.

Sún lắc đầu nguầy nguậy tỏ vẻ không đồng ý, đâu có, đi tu răng đấm lưng cho ba được. Tối nào ba con đi làm về mệt, tụi con cũng thay nhau đấm lưng cho ba. Đi tu rồi đâu có đấm lưng cho ba được.

Tuệ Thông cười , ờ! thì sư cô “đấm lưng’’ kiểu khác.

Ba đứa nhìn nhau khó hiểu, khó hiểu như là cây ổi mà cũng biết buồn vậy.

Bé Tị hỏi tiếp,

Răng mấy sư cô đi tu cạo đầu trọc lóc hết vậy?

Ờ! thì cho mát và đỡ tốn xà bông, hết bị chí cắn.

Bé Tị hài lòng lắm, nó chớp chớp mắt nhè nhẹ đưa tay rờ lên đầu sư cô cười khúc khích…hi…hi…đầu sư cô êm như nhung.

À! Hồi nãy đến giờ tụi con hỏi sư cô rồi giờ sư cô hỏi lại tụi con nha, lớn lên tụi con thích làm gì, có thích đi tu như quý thầy, quý sư cô không?        

Sao hả Tí?

Dạ không, con thích làm cảnh sát, má con nói ban đêm sân nhà con có nhiều ma lắm, làm cảnh sát con sẽ bắt hết ma để ban đêm được ra sân chơi.

Còn Sún?

Con sẽ lấy vợ. Hồi giáng sinh rồi, con nói con thích chiếc xe hơi điều khiển từ xa như thằng cu Lành con ông Bá. Vậy mà ba con lại cho con bộ xếp chữ, nói con ráng học cho giỏi sau này mua luôn chiếc xe hơi to tha hồ mà đi, chơi gì mấy thứ đó. Nên con sẽ lấy vợ để mua cho con của con cái xe điều khiển từ xa giống hệt như của thằng cu lành vậy đó.

Cố lắm Tuệ Thông mới khỏi phì cười trước câu trả lời ngộ nghĩnh của Sún.

Vậy còn Tị thì sao?

Con hông biết! Tị phụng phịu.

Bốn cô cháu ngồi chơi với nhau thật vui, trời như dịu mát hơn bởi những tiếng cười giòn. Lúc bọn trẻ ra về Tuệ Thông lấy dĩa trái cây trên bàn tổ cho mỗi đứa vài trái. Không hết ngỡ ngàng, và như đọc được ý nghĩ của tụi nhỏ, nháy mắt với từng đứa Tuệ Thông thỏ thẻ:

Chủ nhật này tụi con qua chơi sư cô sẽ nói cho tụi con biết vì sao cây ổi biết buồn.

Không hẹn trước tụi nhỏ đồng thanh reo vang: hoan hô tụi con sẽ lại.

Bóng tụi nhỏ khuất dần trên con đường làng. Tuệ Thông vẫn còn đứng đó bất giác mỉm cười khi nhớ đến những câu hỏi ngây ngô của bọn trẻ và cũng mắc cười với chính những câu trả lời của mình. Với con nít không có những lý luận dông dài, không có những triết lý cao siêu mầu nhiệm, cái gì cũng đơn giản,đơn giản như nụ cười như tình thương. Đôi khi vì nó đơn giản quá người ta dễ coi thường, dễ quên.

Trưa nay, Tuệ Thông ra vườn để viết thư cho má. Ngày Tuệ Thông đi xuất gia má giận lắm, bỏ ăn, bỏ ngủ đòi từ con luôn. Tuệ Thông không trách má, vì thương con má đã hy sinh cả đời, má tần tảo sớm hôm nuôi dạy cho con ăn học nên người.Vậy mà con lại  bỏ má đi tu. Vô chùa rồi đâu còn được mặc áo đẹp, đâu được ăn cá ăn thịt, phải thức khuya dậy sớm tụng kinh gõ mõ…Càng nghĩ má càng giận, càng không muốn nhìn mặt con.

Bao nhiêu lần viết thư về nhà má cũng không chịu đọc nhưng Tuệ Thông vẫn kiên nhẫn, Tuệ Thông tin rằng vì thương con, nhớ con rồi má sẽ đọc. Tuệ Thông vẫn viết thư đều cho má, cám ơn má đã cho mình hình hài này, đã dạy dỗ trao truyền những hạt giống đẹp và lành nên mình mới có đủ duyên biểu hiện là một sư cô. Tuệ Thông cũng kể cho má nghe về những hạnh phúc của mình,  má đâu có biết từ khi được ăn chay con của má khỏe lên nhiều lắm. Ăn chay không chỉ được nuôi dưỡng thân thể bằng những thức ăn lành mạnh và tươi mát,  mà tâm mình cũng được nhẹ nhàng vì lòng từ được nuôi lớn khi mình không phải sát hại loài vật nào.  Mỗi khi được khoác lên mình chiếc áo nhật bình và đọc bài kệ:

“Mặc áo của người tu
Tâm tư thường khỏe nhẹ
Nguyện sống đời thảnh thơi
Đem vui cho trần thế.”


Tuệ Thông thấy lòng khỏe nhẹ và ý thức rằng mình đi tu là tu luôn cho cả gia đình giòng họ. Ngày xưa Bụt đi tu đâu có ai cho phép, cũng chưa có ai hướng dẫn, chỉ vì muốn giúp mình và chúng sanh thoát khổ mà một thân một mình đi tìm đường học đạo. Bụt đã thành đạo, báo ơn tổ tiên đất nước và nuôi dưỡng con cháu bao nhiêu đời cho đến nay. Bây giờ thì mình có Thầy, có Tăng thân, có pháp Bụt nhiệm mầu để nương theo tu tập.Nghĩ đến Bụt làm cho Tuệ Thông có nhiều sức mạnh và niềm tin để đi tới.

Trong vườn những cây dâu đã chín tím cành, từng cành dâu sà xuồng sát mặt đất, ngồi yên mình vẫn có thể đưa tay hái từng chùm dâu chín thơm. Hạnh phúc là cái đang có thật ngay trong tầm tay mình. Tuệ Thông mỉm cười và ăn những trái dâu ngon lành. Nắng đã nhạt dần, hương mùa hè dịu ngọt theo từng hơi thở vào ra.

 

Thích nữ Uyển Nghiêm