Tăng đoàn câu hội thắp sáng thành phố Ventura bằng năng lượng hòa hợp

(ghi lại Ngày Về Nguồn - Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ III, 18 – 20.9.2009 tại Tu viện An Lạc, thành phố Ventura, tiểu bang California, Hoa Kỳ)

Ventura, California. – Ngày Về Nguồn - Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư do Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại tổ chức nhằm hai mục đích chính: 1) Lễ Hiệp kỵ Lịch Đại Tổ Sư để tưởng nhớ, tri ân và nguyện báo ân chư Phật, chư Tổ, Thánh Tử Đạo đã hoằng truyền Chánh Pháp; 2) Tạo cơ hội cho Tăng Ni Việt Nam hành đạo tại hải ngoại được tương ngộ trong thân tình pháp lữ, trao đổi các phật-sự, tăng sự.

Ngày Về Nguồn lần thứ I được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Chùa Pháp Vân tại Mississauga, Canada vào tháng 9.2007; lần thứ II vào tháng 9.2008 tại Chùa Bát Nhã, thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ; và lần thứ III được tổ chức năm nay, 2009, tại Tu viện An Lạc, thành phố Ventura, tiểu bang California, Hoa Kỳ, từ ngày 18 đến 20 tháng 9.

Theo chương trình, chiều thứ Sáu ngày 18.9.2009, chư tôn đức Tăng Ni từ khắp nơi đã vân tập để ghi danh. Ngoài những vị ghi danh vào ngày này, Ban Tổ Chức cho biết phần lớn các đại biểu Đại hội Thường niên lần thứ I, nhiệm kỳ I của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hoa Kỳ (tổ chức ngày 17 & 18 tháng 9.2009 cũng tại Tu viện An Lạc) đều lưu lại để tham dự Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ III do Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại tổ chức. Trong số đại biểu ấy có các vị giáo phẩm thuộc GHPGVNTN Âu Châu, Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan, Canada và Hoa Kỳ. Điều này cho thấy giáo hội không tách rời Tăng-đoàn mà luôn gắn bó, hòa hợp. Từ lâu, nhiều người không quen sinh hoạt trong tổ chức Phật giáo, không nắm vững tinh thần và các truyền thống của Tăng-đoàn nên đã có những ngộ nhận, thậm chí đã lên tiếng phỉ báng, chỉ trích Ngày Về Nguồn của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại. Họ không biết rằng các giáo hội Phật giáo chỉ là những tổ chức riêng biệt và giới hạn, qui tụ những người cùng quan điểm và đường hướng hoạt động. Những tổ chức giáo hội chỉ là những nhánh sông chảy về biển cả Tăng-đoàn. Ngày Về Nguồn của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại được hình thành nhằm nối kết các tổ chức giáo hội, hệ phái, tông môn, cũng như cá nhân các tăng sĩ trong tinh thần hòa hợp của Tăng-đoàn; điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phật-sự và tăng-sự chung. Sự hòa hợp và cảm thông của các giáo hội trong Tăng-đoàn là chất keo gắn kết tình đồng đạo, cũng là phương thức tốt đẹp để củng cố nội lực của Phật giáo đồ. Chư tôn đức Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại đã ý thức sâu xa ý nghĩa này nên cùng có quyết tâm nhẫn nại và uy dũng để vượt qua các dư luận xuyên tạc đầy mưu đồ ác ý của ngoại nhân. Ngày Về Nguồn I và II của hai năm trước đều bị một số người vận động tẩy chay và chửi bới trên các phương tiện truyền thông, tạo nên nhiều ngộ nhận trong quần chúng, thậm chí trong giới tăng sĩ. Dù vậy, nhiều Tăng Ni xa gần khác vẫn tiếp tục ủng hộ, tán thán, tìm đến với nhau trong Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư. Đặc biệt là vị tăng sĩ đứng ra đảm nhận làm Trưởng Ban Tổ Chức. Việc đảm nhận trọng trách này không đơn giản chỉ là sự biểu lộ niềm kính tín tuân phục đối với sự ủy nhiệm của Tăng-đoàn, mà còn là một thái độ vô úy, can trường của một sứ giả Như Lai trước các hiểm nguy, chướng nạn do ngoại nhân và ác đảng cố tình gây ra cho Phật giáo.

Trưởng Ban Tổ Chức Ngày Về Nguồn lần thứ III là Thượng tọa Thích Thông Hải, Viện chủ Tu viện Chơn Không ở Honolulu, tiểu bang Hawaii và Tu viện An Lạc, thành phố Ventura, tiểu bang California. Thượng tọa là dịch giả của nhiều tác phẩm Anh và Hoa ngữ như: Thiền và Sự Thể Nghiệm Tâm Linh, Học Thuật & Tư Tưởng Thiền, Thiền tại Phật học Trung quốc… và mới nhất là bộ truyện tranh song ngữ Anh-Việt dành cho thiếu nhi (comic books) xuất bản cuốn đầu tiên ra mắt trong Ngày Về Nguồn lần III là “Truyện cổ tích Phật Thích Ca” (Buddha).

TT. Thích Thông Hải

Là một tăng sĩ chuyên tâm hành thiền, khiêm cung và đa năng, Thượng tọa Trưởng Ban Tổ Chức đã đóng vai trò then chốt dẫn đến thành tựu chung của hai ngày Đại hội Thường niên của GHPGVNTNHK và Ngày Về Nguồn của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại.

Sau đây là phần lược thuật các tiết mục quan trọng được diễn ra trong Ngày Về Nguồn III, tuần tự theo chương trình:

I. LỄ KHAI MẠC:

Sau lễ tác bạch tăng sự thật trang nghiêm tại chánh điện Tu viện An Lạc, TT. Thích Thông Hải cung dẫn phái đoàn chư tôn đức hướng về lễ đài để cử hành Lễ Khai Mạc, đúng vào lúc 8 giờ sáng thứ Bảy, ngày 18.9.2009.

Mở đầu chương trình, ban xướng ngôn do TT. Thích Minh Dung và TT. Thích Nhật Trí đảm nhận, cung kính giới thiệu sự quang lâm đặc biệt của chư tôn đức Tăng Ni từ châu Âu, châu Úc, Gia Nã Đại, và một số Tăng Ni phương xa, đến từ các tiểu bang miền Đông, Đông Bắc, Trung Tây và Tây Bắc Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có một số tôn đức từ quận Cam và các vùng phụ cận đến trễ không kịp dự Lễ Khai Mạc vào giờ giấc quá sớm theo chương trình. Trong số này có Đại lão Hòa thượng Thượng Thủ GHPGVN Trên Thế Giới. Như vậy, chính thức tham dự Lễ Khai Mạc gồm có 80 vị Tăng và 40 vị Ni, từ bậc trưởng lão tỳ-kheo đến chư Đại Đức Tăng-Ni thuộc các giáo hội và tông môn pháp phái Phật giáo Việt Nam (không kể trên 30 Tăng Ni trẻ trong các tiểu ban tiếp tân, thư ký, thị giả, trai soạn, vận chuyển, y tế, truyền thông báo chí, trần thiết, hành đường, nhiếp ảnh, âm thanh và ánh sáng, v.v…).

Nhị Vị Thượng Tọa Điều Khiển Chương Trình


Tiếp đến là lời chào mừng của TT. Thích Thông Hải, Trưởng Ban Tổ Chức. Với giọng truyền cảm, tha thiết, Thượng tọa bày tỏ niềm hân hạnh được Tăng-đoàn tin cậy giao phó trách nhiệm tổ chức. Thượng tọa cũng không quên sám hối trước với Đại Tăng nếu có những sơ xuất, thiếu sót trong việc cung đón, phụng sự. Cũng theo Thượng tọa, điều làm cho Ban Tổ Chức không biết mỏi mệt chính là nhờ sự cố vấn, động viên, khích lệ, an ủy của chư tôn trưởng lão và sự hiện diện đông đảo của toàn thể chư tôn đức Tăng Ni trong những ngày tương ngộ này.

Sau phần chào mừng chư tôn đức Tăng Ni của TT. Thích Thông Hải, ban xướng ngôn long trọng cung thỉnh HT. Thích Minh Tâm đọc diễn văn khai mạc. HT. Thích Minh Tâm, Chánh Văn Phòng Văn Phòng Điều Hợp GHPGVNTN Liên châu, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu châu, đồng thời là Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại. Hòa thượng vốn được sự kính quý của chư tôn đức Tăng Ni khắp các châu lục và quốc gia là do đạo hạnh khiêm cung, ôn hòa, biết tôn trọng quan điểm của các vị đồng viện và đồng sự, biết lắng nghe ý kiến của những người hậu học. Nhờ đức tính này mà được Tăng-đoàn ủy thác trọng nhiệm điều hợp.

HT. Thích Minh Tâm

Trước máy vi âm, Hòa thượng Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại đã cảm kích tán thán sự câu hội đông đủ của đồng đạo khắp nơi, và theo ngài, sự câu hội này đã là một thành tựu: “Chính sự ngồi lại với nhau trong tinh thần hòa hợp, chúng ta đã làm trang nghiêm bản thể của Tăng-đoàn, và chính từ bản thể ấy, mọi diệu dụng của Tăng-đoàn mặc nhiên tỏa sáng. Đừng hỏi biển lớn thanh tịnh có tác động nào đối với sự lưu nhuận của trăm sông và ao hồ khắp chốn. Chính nơi cái bao la vô ngại của thanh tịnh đại hải đã thành tựu mọi công đức bất khả tư nghì của hàng sứ giả Như Lai trên những dặm đường hoằng pháp lợi sinh, tiếp nối bước chân cao đẹp của chư Phật, chư Tổ.”

Liền sau diễn văn khai mạc của HT. Thích Minh Tâm là nghi thức lễ Phật cầu nguyện đơn giản, trang nghiêm. Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của chư tôn Hòa thượng thuộc các giáo hội và tông môn như HT. Thích Thắng Hoan, HT. Thích Trí Chơn, HT. Thích Minh Tâm (Pháp), HT. Thích Nguyên Lai, HT. Thích Bảo Lạc (Úc), HT. Thích Nguyên An, HT. Thích Tín Nghĩa, HT. Thích Minh Tuyên, HT. Thích Như Điển (Đức), HT. Thích Nguyên Hạnh, HT. Thích Nguyên Trí, HT. Thích Tánh Thiệt (Pháp), HT. Thích Quảng Bình (Đan Mạch), HT. Thích Minh Hồi; và do HT. Thích Phước Thuận chủ sám.

Lễ Cầu Nguyện

Nghi thức lễ Phật cầu nguyện kết thúc, ban xướng ngôn cung thỉnh HT. Thích Tín Nghĩa, thay mặt Tăng-đoàn tuyên đọc Bảy Pháp Bất Thối. Bảy Pháp này, theo lời HT. Thích Tín Nghĩa, do Phật chế định làm nguyên tắc nền tảng cho sự tụ hội hòa hợp và ổn định của các hội chúng tỳ-kheo, nên còn gọi là Bảy Pháp Làm Hưng Thịnh Chúng Tỳ-kheo. Nguyên văn Bảy Pháp Bất Thối do HT. Thích Tín Nghĩa tuyên đọc như sau:

HT. Thích Tín Nghĩa Tuyên Đọc 7 Pháp Bất Thối

“Hôm nay nhân có đại chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni, từ khắp nơi vân tập, tôi được tăng-sai xin long trọng trùng tuyên BẢY PHÁP BẤT THỐI do đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni giáo huấn trong Kinh Du Hành, bộ Trường A Hàm. BẢY PHÁP BẤT THỐI này từ hơn hai nghìn năm trăm năm qua đã là nguyên tắc nền tảng mang lại sự thanh tịnh hòa hợp cho mọi tụ họp, và cũng là giềng mối tạo nên sự đoàn kết, hưng thịnh của chúng tỳ kheo trong mọi thời đại. Xin đại chúng tịch lặng lắng nghe.

BẢY PHÁP BẤT THỐI hay BẢY PHÁP LÀM HƯNG THỊNH CHÚNG TỲ-KHEO:

1. Các tỳ kheo thường xuyên tập họp đúng theo các qui định bởi Luật tạng, để giảng luận Chánh pháp, khiến cho các tỳ kheo trong trú xứ cùng sinh hoạt hòa thuận.

2. Các tỳ kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp không tranh chấp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp không tị hiềm, nghi kỵ, và chấp hành các Tăng sự trong tình cảm nhiệt thành.

3. Chúng tỳ kheo không tùy tiện qui định và ban hành những luật lệ không đáng được ban hành, không thích hợp; cũng không được tự tiện sửa đổi, bãi bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước; sống đúng theo giáo huấn của Phật, và tùy thuận những gì mà Tăng già đã qui định, được truyền thừa qua lịch đại Tổ Sư.

4. Các tỳ kheo phải luôn tôn trọng, kính lễ các tỳ kheo trưởng thượng, mà phẩm hạnh và trí tuệ do công phu tu tập và học hỏi, xứng đáng là hàng Trưởng lão trong Tăng; luôn luôn nhiệt thành nghe những lời khuyến giáo của các tỳ kheo trưởng thượng như thế.

5. Các tỳ kheo sống không bị lôi cuốn vào những tham ái, những bận rộn thế tục.

6. Trú xứ của chúng tỳ kheo luôn luôn là những nơi nhàn tĩnh.

7. Các tỳ kheo sống an trú chánh niệm, tỉnh thức, tạo thành một cộng đồng thanh tịnh hòa hiệp, để cho các đồng phạm hạnh từ những nơi khác chưa đến thì muốn đến, đã đến thì muốn an trú lâu dài để tu tập, cùng sống hòa thuận và an lạc.

BẢY PHÁP BẤT THỐI đã được tuyên đọc, xin nhất tâm y giáo phụng hành.”

Theo các vị trưởng lão trong hàng giáo phẩm thuộc các giáo hội, nền Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng như trong nước bị phân hóa và xáo trộn trong những năm vừa qua cũng bởi một thiểu số lãnh đạo đã không tuân thủ Bảy Pháp Bất Thối do Phật dạy. Chư vị đã đặc biệt nhấn mạnh pháp thứ 3: “Chúng tỳ kheo không tùy tiện qui định và ban hành những luật lệ không đáng được ban hành, không thích hợp; cũng không được tự tiện sửa đổi, bãi bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước; sống đúng theo giáo huấn của Phật, và tùy thuận những gì mà Tăng già đã qui định, được truyền thừa qua lịch đại Tổ Sư.” Đây là lý do các Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư do Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại tổ chức mỗi năm đều có trùng tuyên Bảy Pháp Bất Thối này để nhắc nhở hội chúng trước khi khởi sự các cuộc tụ họp, hội thảo, sinh hoạt chung.

HT. Thích Nguyên Hạnh

Sau phần tuyên đọc Bảy Pháp Bất Thối, Ban Tổ Chức đặc biệt cung thỉnh HT. Thích Nguyên Hạnh, Viện chủ Trung tâm Văn hóa Chùa Việt Nam, Houston, Texas có đôi lời cảm niệm. Hòa thượng là một trong số rất hiếm tăng sĩ quảng kiến đa văn của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Với đức khiêm cung, bình dị, dung hòa với mọi người, Hòa thượng đã từng tổ chức Lễ Hội Quán Âm mỗi năm tại Chùa Việt Nam, Texas, qui tụ hàng trăm Tăng Ni và hàng chục nghìn phật-tử. Điều này cho thấy trong ứng xử và nếp hành đạo của cá nhân Hòa thượng cũng như Tăng chúng Chùa Việt Nam đã không rời nền tảng của Bảy Pháp Bất Thối. Do vậy, Hòa thượng thật xứng đáng thay mặt Đại Tăng để nói lên ý nghĩa tương ngộ hòa hợp của Tăng-đoàn. “Nếu sự hòa hợp của Tăng già là hình ảnh lý tưởng đẹp đẽ cho sự hưng vong của Phật giáo thì chính hôm nay đây, trong giờ phút này, ở dưới hình bóng của Đức Phật, chúng ta đang chứng kiến một hình ảnh của tăng già hòa hợp như thế. Chính ở trong tinh thần hòa hợp của chư Tăng mà tất cả chúng ta về đây để cùng tìm lại cội nguồn của mình, cùng nhìn lại con đường đã đi qua và hướng về con đường sắp tới.” Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh cũng đã nhắc đến sự truyền thừa của Phật giáo qua các vị Tổ sư Thiền, từ Ca Diếp, Bồ Đề Đạt Ma, Khương Tăng Hội, Vạn Hạnh, Khuông Việt, Chân Nguyên, và các bậc Thầy của nhiều thế hệ đã nằm xuống cho sự trường tồn của Đạo Pháp. Hòa thượng cũng khẳng định con đường siêu tuyệt của người xuất gia, trưởng tử Như Lai: “Giữa những thời buổi nhân tâm ly tán, với bao nhiêu nhiễu nhương đảo điên của thế sự, nhân tình, chúng ta không cần phải tìm đâu nữa một con đường để đi, vì chúng ta đã có con đường của Đức Thế Tôn mở ra giữa thế gian này và chư Tổ bao đời đã đi qua để hôm nay chúng ta ở đây, tiếp tục nối bước. Giữa bao nhiêu những xung đột của chủ nghĩa, ý thức hệ, có con đường nào cao đẹp hơn? Có con đường nào giải thoát con người ra khỏi những ngục tù của vô minh và tà kiến như là con đường mà đức Phật đã mở ra? Đức Phật từng dạy: ‘Các con hãy lấy Chánh Pháp làm chỗ dung thân, đừng dung thân nơi nào khác.’ Chính nơi con đường của Chánh Pháp mà chư Tổ bao thế hệ đã nối tiếp đi qua; chúng ta cũng đang gặp nhau trên con đường Chánh Pháp ngày hôm nay, và chúng tôi tin tưởng, chúng ta sẽ còn gặp nhau nữa trên con đường Chánh Pháp ở ngày mai.”

Sau phát biểu chân tình, sâu sắc của HT. Thích Nguyên Hạnh, đại chúng cũng được lắng nghe cảm từ của HT. Thích Thắng Hoan. Theo Hòa thượng, dưới thời Pháp thuộc, Phật giáo Việt Nam cũng chia làm 3 miền theo sự chia cắt địa lý của đất nước, nhưng Tăng-đoàn vẫn là một thể bất phân, không có Bắc-Trung-Nam, để rồi sau đó tiến đến việc thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1951, với hậu thân là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964. Tổ chức giáo hội này được tồn tại và phát triển là do đặt trên nền tảng hòa hợp của Tăng-đoàn. Mục đích của Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư không ra ngoài ý nghĩa hòa hợp ấy, nhất là đứng trước một hiện trạng phân hóa, bất ổn trong nội bộ Phật giáo từ những năm gần đây.

Hòa thượng nói, “Các bậc Tổ đức ngày xưa đã lấy máu làm mực, lấy xương làm bút để viết nên những trang sử hoằng truyền và bảo vệ Chánh Pháp. Nối tiếp tiền nhân, các thế hệ đi trước đã cố gắng xây dựng nền tảng Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, mong rằng các thế hệ đi sau có thể kế tục để giữ gìn và phát triển đạo mầu ở ngoài nước. Nhưng dù bằng khuynh hướng nào, quan điểm nào, cũng phải lấy sự hòa hợp thanh tịnh làm nền tảng để củng cố nội lực Tăng đoàn và nối kết nhân tâm… ”

HT. Thích Thắng Hoa

Cũng với tinh thần đó, TT. Thích Bổn Điền, Phó Trưởng Ban Tổ Chức, đến từ Úc châu, đã tái khẳng định tầm quan trọng của hòa hợp khi ngỏ lời cảm tạ chư tôn trưởng lão và hiện tiền đại chúng. Theo Thượng tọa, chỉ có tinh thần hòa hợp mới đem lại các thành tựu tốt đẹp trong mọi phật-sự, nhất là trong sinh hoạt Tăng-đoàn, vì Tăng-đoàn là biểu tượng sống động và thiết thực của Tam Bảo.

TT. Thích Bổn Điền


Lễ Khai Mạc kết thúc lúc 9 giờ sáng cùng ngày, sau lời cảm tạ ngắn gọn và chân tình của TT. Thích Bổn Điền.

II. CÁC KHÓA HỘI THẢO:

Theo chương trình, có hai buổi hội thảo (I & II) dành cho Tăng Ni trong ngày thứ Bảy, 19.9.2009. Tuy vậy, hàng cư sĩ cũng được dự thính với các hàng ghế được sắp cạnh hội trường.

Hội thảo I: Buổi hội thảo này bắt đầu lúc 9 giờ 30 sáng với chủ đề “Hiện tình cộng đồng Tăng-già Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.” Thuyết trình viên là HT. Thích Bảo Lạc, đến từ Úc châu, đương kim Phó hội chủ GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan.

Bài tham luận của HT. Thích Bảo Lạc đưa ra một số nhận định về hiện tình Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại với những nguyên nhân dẫn đến nhiều tệ nạn trong Phật giáo. Theo Hòa thượng, các nguyên nhân này bắt nguồn từ trong nội bộ Phật giáo nên không thể gọi là “pháp nạn”, mà chỉ là những “tệ nạn” do “sư tử trùng” quấy phá. Ý thức điều này, Tăng Ni và tín đồ Phật giáo cần: 1) củng cố tín tâm và vận dụng vốn liếng tài năng, vật chất của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam hải ngoại để hoằng truyền Phật Pháp; 2) xem các tệ nạn đã và đang xảy ra như là những thách đố của Phật giáo đồ Việt Nam, cần mổ xẻ, học hỏi để vượt qua; 3) nghiêm trì giới luật, thực hành kham nhẫn và vô chấp để thành tựu con đường cứu độ của Bồ-tát.

Đặc biệt trong giờ hội thảo I, có hai khách quí đến thăm viếng và được thỉnh mời phát biểu: một là Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu, Thượng Thủ GHPGVN Trên Thế Giới, hai là Tiến sĩ Mai Thanh Truyết. Ban Tổ Chức cho biết đã cung thỉnh Đại lão Hòa thượng đến chứng minh cho Lễ Khai Mạc vào 8 giờ sáng nhưng do đường sá xa xôi và kẹt xe, Ngài đã đến vào khoảng 10 giờ, khi Tăng Ni đang hội thảo; còn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết thì được mời thuyết trình về vấn đề bô-xít cho một buổi họp khoáng đại trong Đại hội Thường niên GHPGVNTNHK vào ngày hôm trước, nhưng có lẽ ông bận đi làm nên chỉ đến được vào ngày cuối tuần, và đã có mặt trong giờ hội thảo I dành cho Tăng Ni. Ban Tổ Chức linh động sắp xếp mời Tiến sĩ Mai Thanh Truyết phát biểu sau bài thuyết trình của HT. Thích Bảo Lạc.

Với tư cách của một nhà khoa học, cũng là một phật-tử, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết lược nói về nguy cơ xâm lăng của Trung Cộng đối với lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, sau đó thỉnh cầu sự xiết chặt hàng ngũ Phật giáo đồ để một mặt bảo vệ Phật giáo và hoằng truyền Chánh đạo, mặt khác có thể đóng góp thiết thực và hữu hiệu cho việc phục vụ Dân tộc. Cũng theo ông, Tăng-già là biểu tượng tôn quí của Phật giáo mà hàng thiện tín nam nữ đặt kỳ vọng, vì vậy, sự hòa hợp của Tăng đoàn là điểm son đáng mừng của nền Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.

Sau phát biểu của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, hội trường cùng trang nghiêm khởi thân cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu quang lâm với bahồi chuông trống Bát-nhã trang nghiêm, trọng thể.

Đại lão Hòa thượng với tư cách là Chứng Minh Đạo Sư của Văn Phòng Điều Hợp GHPGVNTN Liên Châu, là hàng thượng thủ trong Tăng-già Việt Nam, đã nghiêm khắc và trung thực nêu thẳng một vài “tệ nạn” xảy ra đối với Phật giáo trong và ngoài nước, cho rằng đây là hệ quả từ một thiểu số đã vì những lý do riêng tư, cá nhân tạo ra. Đại lão Hòa thượng cũng không quên tán thán nỗ lực của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại nhằm tạo sự đoàn kết hòa hợp trong Tăng-đoàn qua Ngày Về Nguồn - Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư được tổ chức 3 năm qua. Ngài cũng thêm một lần nữa, giải thích hai chữ Về Nguồn, theo chữ Hán là “Qui Nguyên,” có nghĩa là trở về với nguồn cội thanh tịnh, hoàn nguyên chơn tánh, quay về với bản lai diện mục của mình. Xác định từ nguyên và ý nghĩa cao đẹp của Về Nguồn rồi, Ngài dè dặt đưa ra đề nghị bỏ đi hai chữ ấy, chỉ dùng “Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư” cho sáng tỏ, dễ hiểu, tránh những xuyên tạc và ngộ nhận đáng tiếc. Ngoài ra, Đại lão Hòa thượng cũng đề nghị mở rộng tầm sinh hoạt của các giáo hội (ở đây hiểu là GHPGVNTN Liên Châu gồm 4 giáo hội Âu châu, Úc châu, Hoa Kỳ và Gia Nã Đại) bằng một tổ chức giáo hội có danh xưng và tầm mức bao quát hơn. Kèm theo đó, Phật giáo cũng nên tiến hành thành lập một tổ chức ngoại vi do hàng cư sĩ điều hành với chủ trương đem Đạo vào Đời, trực tiếp gánh sứ mệnh phục vụ Dân Tộc và hỗ trợ Tăng Ni trong trách vụ Hoằng Pháp. Các đề nghị của Đại lão Hòa thượng đã được Tăng Ni và phật-tử hiện diện cung kính tâm lãnh.

Hội thảo II: Bắt đầu từ 2 giờ chiều ngày thứ Bảy, 19.9.2009 với chủ đề “Vai trò của người Tăng sĩ đối với vấn đề tổ chức.” Thuyết trình viên là HT. Thích Như Điển, đến từ Đức quốc, đương kim Tổng Thư Ký GHPGVNTN Âu châu.

Bài tham luận của HT. Thích Như Điển nói bao quát về đời sống phạm hạnh đơn giản của người xuất gia từ thời Đức Phật đến nay. Qua nhiều quốc độ và thời đại, đời sống Tăng-sĩ hiện nay không còn đơn giản nữa, nhất là đối với Tăng sĩ Việt Nam tại hải ngoại, đa phần là người tị nạn hành đạo nơi xứ người. Ưu điểm của hoàn cảnh tại các nước Âu-Mỹ là có nhiều tự do, nhiều cơ hội để học hỏi tiến thân, và bên cạnh là một đời sống vật chất sung túc so với các nước nghèo Á châu, trong đó có Việt Nam. Khuyết điểm là sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, khiến cho việc hành đạo bị giới hạn. Từ các ưu và khuyết điểm này, thuyết trình viên gợi ý một số điểm cần thực hiện để chuẩn bị cho tương lai Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Rất nhiều kinh nghiệm quý báu được thuyết trình viên trình bày cặn kẽ để chia sẻ với cử tọa. Trong đó, hai trọng điểm được nhấn mạnh là a) cần hệ thống hóa tổ chức Phật giáo, từ đơn vị cơ sở là một ngôi chùa, cho đến cơ cấu giáo hội; b) đào tạo Tăng sĩ trẻ ở thế hệ di dân thứ hai, thứ ba để gánh vác trọng nhiệm hoằng pháp trong tương lai.

Sau phần thuyết trình của HT. Thích Như Điển, một cuộc thảo luận chung cho cả hai đề tài được triển khai suốt những giờ còn lại. Những phát biểu thẳng thắn và đầy tình cảm đã được Tăng Ni của nhiều thế hệ trao đổi tận tình dẫn đến nhiều cảm thông, hiểu biết hiếm khi xảy ra trong các sinh hoạt tập thể. Có thể nói thành quả này được tác động từ năng lực hòa kính của hàng sứ giả Như Lai trong những ngày tụ hội truyền thống.

Trong những phút cuối của hội thảo II, các quyết định quan trọng được ghi lại như sau:

- HT. Thích Như Điển sẽ tổ chức Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ IV tại Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc vào năm 2010.

- Tất cả Tăng Ni Việt Nam hành đạo tại hải ngoại đều có thể gửi bài tham luận về Ban Tổ Chức trễ nhất là một tháng trước khi Ngày Về Nguồn IV diễn ra (thời gian tổ chức sẽ thông báo sau).

- Các bài tham luận cho Ngày Về Nguồn IV, nếu không được chọn để thuyết trình, sẽ đưa vào tập Kỷ Yếu Ngày Về Nguồn, đồng thời đăng tải trên trang lưới www.ngayvenguon.org . Các thuyết trình viên đã ghi danh là HT. Thích Tín Nghĩa, HT. Thích Như Điển, TT. Thích Nguyên Siêu, TT. Thích Quảng Ba và Ni sư Thích nữ Tiến Liên.

- Kỷ Yếu được giới thiệu và kính tặng Tăng Ni và đại biểu: ngoài một số ấn phẩm Phật giáo do cá nhân chư tôn đức biên dịch, được giới thiệu tại bàn thư ký ghi danh hoặc kính tặng trong buổi trai tăng sau Lễ Hiệp Kỵ, có hai tác phẩm sưu tập bài viết của nhiều Tăng Ni đáng lưu ý: 1) Tập “Kỷ Yếu Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư”, dày 216 trang khổ lớn, thực hiện nhân Ngày Về Nguồn III, do TT. Thích Thông Hải xuất bản và giới thiệu. 2) “Kỷ Yếu An Cư Kiết Hạ 2008” do chư tôn đức Tăng Ni Nam California thực hiện, 120 trang khổ lớn, Phật học viện Quốc Tế chịu trách nhiệm xuất bản và giới thiệu.

Cũng cần ghi nhận ở đây về một chương trình phụ trong ngày, đó là buổi trà đàm của Tăng Ni vào lúc 7 giờ tối thứ Bảy, 19.9.2009 tại hội trường Tu viện An Lạc. Bàn ghế đã được dọn ra khỏi hội trường, và chư Tăng Ni nhiều thế hệ, nhiều quốc gia, đã có dịp ngồi xuống đất, quay thành vòng tròn thân mật để đàm đạo, kèm theo là một chương trình văn nghệ “nhà thiền” với các tiết mục ca hát, ngâm thơ, kể chuyện. Có thể nói đây là một chương trình phụ, nhưng đóng vai trò khá quan trọng trong việc nối kết thân tình giữa các đồng đạo lớn-nhỏ, trước-sau. Những quan điểm dị biệt và sự “cách lòng” sau những năm tháng chia xa cũng nhờ đây được xóa nhòa.

III. LỄ BẾ MẠC

Theo chương trình, Lễ Bế Mạc sẽ tổ chức lúc 2 giờ chiều ngày Chủ nhật, 20.9.2009. Nhưng thời gian còn lại không cho phép, vì vậy Ban Tổ Chức đã cử hành Lễ Bế Mạc chung với Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư vào lúc 11 giờ sáng cùng ngày.

Trên 240 chư tôn đức Tăng Ni từ châu Âu, châu Úc, Gia Nã Đại và các tiểu bang Hoa Kỳ tham dự buổi lễ quan trọng này, trong đó có 25 chư Tăng ngoại quốc. Phía quan khách nước ngoài, Ban Tổ Chức ghi nhận các vị như: Đại lão Hòa thượng Dodamtahala Chandrasiri, Phó Tăng Trưởng Phật giáo Tích Lan, Tu viện trưởng Tu viện Tapovanaya, Comlombo, Tich Lan; Đại lão Hòa thượng Ahaneama Dharmarama, Tăng Trưởng của Phật giáo Tích Lan tại Hoa Kỳ và Gia Nã Đại; Bà Christy Weir, Thị trưởng thành phố Ventura, California; Ông Bà Pandu Bandaranaike, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Đặc trách Tôn giáo vụ, Tích Lan; Ông Asoka Godawica, Tổng Lãnh Sự Quán Tích Lan tại Hoa Kỳ; Bà Guru Audrey E. Kitagawa, Cố vấn Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đặc trách Tôn giáo, trụ sở tại New York, v.v…

Sau khi lần lượt giới thiệu chư tôn trưởng lão đại diện Tăng-già ngoại quốc, đại diện Tăng-đoàn Việt Nam hải ngoại, và quý vị quan khách, ban xướng ngôn cung thỉnh HT. Thích Minh Tâm, Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại, đọc diễn văn Bế Mạc.

Bài diễn văn ngắn của Hòa thượng đã khẳng định sự thành tựu trang nghiêm của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại qua Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ III như sau: “Chúng ta đã có những ngày tương ngộ ngắn ngủi nhưng thật sâu đậm tình pháp lữ. Từ bậc trưởng lão đến hàng tân tỳ-kheo, từ bậc Ni trưởng đến hàng tân tỳ-kheo ni, tất cả đều chung hòa và tỏa sáng năng lượng thanh tịnh, tương kính. Những thao thức, ưu tư về tiền đồ Đạo Pháp đã được trao đổi sâu xa. Những chướng duyên, nhọc nhằn và cô liêu của mỗi chúng ta trên các dặm đường hoằng pháp đã được cảm thông, chia sẻ. Những cách biệt về giới phẩm, hạ lạp, tông môn, trú xứ, đã được hòa nhập trong thâm tình thầy-trò, huynh-đệ, tỉ muội, để rồi, như những nhánh sông cùng qui về nơi biển lớn. Đây là thành tựu của Tăng đoàn. Đây là thành tựu của hội chúng tỳ-kheo hòa hợp.”

Các phát biểu tiếp theo của chư vị trưởng lão Tăng-già và quan khách đều tán thán tinh thần hòa hợp, đoàn kết của Tăng-đoàn Việt Nam, không những mang lại sự trong sáng cao đẹp cho đời sống tâm linh của người dân bản địa, mà còn cống hiến những sắc thái đặc thù của dân tộc Việt Nam đến với xứ sở đa văn hóa này.

Sau đó là Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, nói nôm na là nghi thức “Cúng Tổ,” do HT. Thích Phước Thuận chủ sám, với sự gia trì của chư vị trong ban Nghi Lễ đã được cung thỉnh trước. Văn Truy Tán Công Hạnh của Lịch Đại Tổ Sư được HT. Thích Tánh Thiệt tuyên đọc trong lễ Hiệp Kỵ này. Tiếp theo, HT. Thích Nguyên An thừa lệnh Tăng sai, đọc lên lời Tâm Nguyện của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại, với 3 lời nguyện nhất quán luôn được trùng tuyên trong các Ngày Về Nguồn như sau: “1) nguyện giữ gìn giới hạnh, nuôi dưỡng chí nguyện xuất trần để bản thể Tăng-già luôn được tỏa sáng, xứng đáng với ngôi vị chúng trung tôn, là bậc tai mắt của trời người; 2) nguyện đặt Tăng đoàn lên trên cá thể, để như biển lớn thanh tịnh, đem tinh thần tương ái, tương kính, tương sám và tương thuận mà sống chung với nhau, cùng nhau tụ họp trong hòa hợp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; 3) nguyện luôn ý thức vai trò và sứ mệnh của hàng trưởng tử Như Lai đối với mạng mạch Chánh Pháp và với cơ đồ của Phật giáo Việt Nam mà lịch đại Tổ sư đã dày công khai sáng và truyền thừa, để trên không phụ ân Thầy-Tổ, dưới cứu độ chúng sinh.”

Bế Mạc

Sau Lễ Hiệp Kỵ, một nghi thức bàn giao đơn giản được diễn ra giữa nhị vị Trưởng Ban Tổ Chức Ngày Về Nguồn III và IV. Long vị chư Tổ và bình bát biểu trưng sự truyền thừa đã được TT. Thích Thông Hải kính cẩn trao đến HT. Thích Như Điển.

Lễ Bế Mạc Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ III được kết thúc lúc 01 giờ trưa ngày 20.9.2009. Chư tôn đức Tăng Ni Việt Nam và ngoại quốc đã thọ trai chung tại chánh điện Tu viện An Lạc trong khi một chương trình văn nghệ đặc sắc do nghệ sĩ Chí Tâm và một số ca sĩ nổi tiếng khác trình diễn. Tiết mục xổ số cũng được xen kẽ trong chương trình văn nghệ, kéo dài từ 2 giờ đến 6 giờ chiều.

Sau chương trình văn nghệ, Tu viện An Lạc đã đại khai Trai Đàn Chẩn Tế để cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, đồng thời cứu độ cô hồn vạn loại. Ban kinh sư đã cử hành nghi cúng này bằng nghi lễ Bình Định, với ngôi gia trì là TT. Thích Phước Minh, cùng chư vị kinh sư hộ niệm là TT. Thích Đồng Trí, ĐĐ. Thích Nhuận Thành, ĐĐ. Thích Quảng Kim, ĐĐ. Thích Hoằng Đạo, ĐĐ. Thích Đồng Thanh, ĐĐ. Thích Quảng Minh, và ĐĐ. Thích Nhuận Hành.

Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ III đã thành tựu viên mãn. Ban Tổ Chức đã chân thành cảm tạ chư tôn đức, quý phật-tử và các huynh trưởng, đoàn sinh Gia Đình Phật Tử đã quang lâm chứng minh, tham dự, đóng góp tinh thần, thời gian, công sức, tịnh tài, để mang lại thành tựu này. Ban Tổ Chức cũng không quên nhìn nhận những sơ xuất khó tránh có thể đã làm phiền lòng người tham dự. Những khuyết điểm đã được ghi nhận để rút kinh nghiệm cho các lần tổ chức sau: nghi lễ cần giản lược, không nên đưa vào chương trình những tiết mục quá bất ngờ không được bàn trước.

Bên cạnh các khuyết điểm, không ai có thể phủ nhận một không khí trong mát, hòa hợp, tràn đầy hỷ lạc đã bao trùm hội chúng trong những ngày tương ngộ. Với địa điểm tổ chức xa xôi tại thành phố Ventura, cách quận Cam hai giờ đồng hồ lái xe vượt bao núi đồi, lần tổ chức này đã giới hạn một số chư tôn đức Tăng Ni tham dự; bù lại, có sự quang lâm đông đảo hơn của chư tôn đức tại Âu châu, Úc châu. Sự tích cực của chư tôn đức phương xa ngoài Hoa Kỳ đã khích lệ rất nhiều cho Ban Tổ Chức cũng như cho các thành viên Tăng Ni từng tham dự Ngày Về Nguồn hai năm trước. Đây là chứng minh hùng hồn cho đức nhẫn nại và tinh thần hòa kính của hàng Tăng sĩ Việt Nam hải ngoại trước những quấy phá của ngoại giáo và các thế lực vô minh.

Chư tôn đức Tăng Ni đã lục tục thu xếp hành lý và chắp tay chào nhau, hẹn ngày tương ngộ năm tới. Chia tay, nhưng như lời của Hòa thượng Trưởng Ban Điều Hợp đã nói trong diễn văn Bế Mạc: “Mỗi cá nhân chúng ta, sau giây phút này, sẽ hóa thân ứng hiện khắp các phương xứ để thực hiện hoài bão và tâm nguyện của hàng sứ giả Như Lai; nhưng kỳ thực, chúng ta vẫn luôn thường trụ nơi biển lớn vô tận.”

Nguyên Triều