Tiểu Bộ Kinh chuyện tiền thân đức Phật Ja Vol. III 361-371

Tiểu Bộ Kinh - Tập VI

(số thứ tự 33)

Chuyện Tiền Thân Đức Phật - Jātaka

PTS:  Ja Vol. III 361-370

361. Chuyện Sắc Đẹp

(Tiền thân Vannàroha)

Có phải chăng Su-dà-tha nói...,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về hai vị Ðại đệ tử.

Một lần nọ, hai vị Chánh Trưởng lão quyết định suốt trong mùa mưa sẽ chuyên tâm độc cư. Vì vậy họ từ biệt bậc Ðạo Sư rời Tăng chúng, đi khỏi Kỳ Viên, tự tay mang theo y, bát và đến sống trong một khu rừng gần một làng ở biên địa.

Một người đàn ông nọ phục vụ hai vị Trưởng lão và sống bằng các thức ăn thừa của họ, cũng ở riêng một nơi trong khu ấy. Khi thấy hai vị Trưởng lão sống với nhau một cách hạnh phúc như thế, anh ta nghĩ:

- Chẳng biết ta có làm cho họ bất hòa không nhỉ!

Thế là anh ta đến gần Trưởng lão Sàriputta (Xá-lợi-phất) và bảo:

- Thưa Tôn giả, có thể có sự cãi cọ nào giữa ngài và Ðại Trưởng lão Moggallàna (Mục-kiền-liên) không?

- Vì sao ông bảo thế? Trưởng lão hỏi.

- Thưa Thánh giả, vị ấy chê bai ngài và bảo: "Khi ta vắng, Xá-lợi-phất có gì xứng đáng để so sánh với ta về đẳng cấp, dòng dõi, gia đình và xứ sở hoặc về năng lực chứng đạt các Thánh điển!

Vị Trưởng lão mỉm cười và đáp:

- Ði đi, ông bạn.

Một hôm khác người ấy lại đến gần Ðại Trưởng lão Mục-kiền-liên và cũng bảo như thế. Vị này cũng mỉm cười và nói:

- Ði đi, ông bạn!

Mục-kiền-liên đến gặp Xá-lợi-phất và hỏi:

- Ông bạn sống bằng các thứ dư thừa của chúng ta ấy có nói gì với Hiền giả không?

- Vâng, có đấy, Hiền giả ạ.

- Và ông ta cũng nói đúng như thế với tôi. Chúng ta phải đuổi ông ta đi.

- Tốt lắm Hiền giả, hãy đuổi ông ta đi.

Trưởng lão bảo:

- Ông không được đến đây.

Và búng tay tỏ ra khinh miệt anh ta, ngài đuổi anh ta đi. Hai vị Trưởng lão sống hạnh phúc với nhau, và khi quay về với bậc Ðạo Sư, họ đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư ân cần nói chuyện với họ và hỏi họ có sống thời biệt cư của họ một cách hỷ lạc không. Họ bạch:

- Có một anh hành khất kia muốn làm cho chúng con bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa rồi.

Bậc Ðạo Sư dạy:

- Thực thế, này Xá-lợi-phất, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng thế, anh ta đã nghĩ cách làm cho các ông bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa.

Rồi do yêu cầu các Trưởng lão, Ngài kể một chuyện thời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị Thần cây trong một khu rừng. Bấy giờ có một con Sư tử và một con Hổ sống trong một cái động núi ở khu rừng ấy. Một con Chó rừng hầu hạ chúng và nhờ sống bằng thịt ăn thừa của chúng, nó bắt đầu mập ra.

Thế rồi một hôm, nó chợt nghĩ: "Ta chưa bao giờ ăn thịt một con sư tử hay một con hổ. Ta phải làm cho hai con này bất hòa với nhau, và kết quả của việc tranh cãi nhau là chúng phải chết, bấy giờ ta sẽ ăn thịt chúng".

Thế là nó đến gần Sư tử và nói:

- Thưa ngài, có sự tranh cãi nào giữa ngài và Hổ không?

- Sao anh bảo thế?

- Thưa Tôn giả, Chó rừng hỏi - Hổ chê bai ngài và bảo: Khi ta đi vắng, tên Sư tử này sẽ chẳng bao giờ được bằng một phần mười sáu sắc đẹp của ta, vóc dáng và vòng ngực ta, sức mạnh và quyền năng tự nhiên của ta.

Bấy giờ Sư tử nói với nó:

- Xéo đi, Hổ sẽ chẳng bao giờ nói ta như thế.

Thế rồi Chó rừng cũng đến gần Hổ và nói theo cách ấy. Khi nghe nó nói, Hổ chạy đến Sư tử và hỏi:

- Này bạn, có thật rằng bạn đã nói về tôi như thế, như thế?

Rồi Hổ đọc bài kệ đầu:

Có phải chăng Su-dà-tha nói:
Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung.
Oai hùng, quyền lực trong vùng
Su-bà-hu cũng phải nhường thua tôi!

Nghe thế, Su-dà-tha (Răng mạnh, tức Sư tử) đọc bốn bài kệ còn lại:

Có phải chăng Su-bà-hu nói:
Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung
Oai hùng, quyền lực trong vùng
Su-dà-ha cũng phải nhường thua tôi!

Nếu lời bạn chê bai như vậy,
Thì bạn đâu còn phải bạn tôi!
Chuyện tầm phào, lắng nghe rồi
Sẽ gây tranh cãi với người bạn ta,

Và trong thù hận cay chua
Mối tình thân hữu sẽ là đứt ngang.
Ðã là bè bạn thương thân,
Ai đâu nghi ngại chẳng nhân cớ nào!
Ai đâu tìm vạch gắt gao
Những điều lầm lỗi của nhau làm gì!

Niềm tin bạn, ta thì vẫn giữ
Như trẻ thơ tin vú mẹ thân.
Chẳng gì kẻ lạ nói năng
Mà đành có lúc tách phân bạn lòng.

Khi bốn bài kệ ấy đã nêu lên phẩm cách của một bạn thân, Hổ nói:

- Tôi có lỗi.

Và nó xin lỗi Sư tử. Sau đó chúng cùng nhau sống hạnh phúc tại nơi ấy. Còn Chó rừng ra đi và tìm đến nơi khác.

*

Sau khi chấm dứt bài dạy, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, con Chó rừng kia là người hành khất sống bằng thức ăn thừa, con Sư tử là Xá-lợi-phất, con Hổ là Mục-kiền-liên, còn vị Thần sống trong rừng ấy và chứng kiến tận mắt toàn thể chuyện này là Ta.

-ooOoo-

362. Chuyện Thử Nghiệm Đức Hạnh

(Tiền thân Sìlavimamsa)

Ðức hạnh và kiến thức...,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn muốn thử thách năng lực của đức hạnh.

Người ta kể rằng, do ông nổi danh về đức hạnh, vua đã đặc biệt tôn trọng ông hơn hẳn các Bà-la-môn khác. "Ðức vua đặc biệt tôn trọng ta, có phải vì ta có đức hạnh hay vì ta đạt kiến thức cao? Ta sẽ thử nghiệm xem đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn".

Thế là một hôm, ông rút lấy một đồng trong kho tiền của vua. Người thủ kho vì kính ông đã không nói một lời nào. Việc ấy lại xảy ra lần thứ hai, người thủ kho cũng chẳng nói gì. Nhưng đến lần thứ ba, người thủ kho bắt ông ta như bắt một kẻ sinh sống bằng nghề trộm cắp và mang ông ta đến trước nhà vua. Vua hỏi người thủ kho ông ta bị tội gì, người ấy buộc tội ông đã ăn trộm tài sản của vua.

- Này Bà-la-môn có thật thế không? Vua hỏi.

- Tâu Ðại vương, tôi không có thói ăn trộm của ngài - Ông ta bảo,- Nhưng tôi nghi ngờ không biết đức hạnh và kiến thức bên nào quan trọng hơn, và khi thử nghiệm xem trong hai thứ đó, thứ nào là quan trọng hơn, tôi đã ba lần rút lấy một đồng tiền và thế rồi tôi bị bắt và mang đến trước ngài. Giờ đây tôi biết được rằng đức hạnh có hiệu năng lớn hơn là kiến thức. Tôi không còn muốn sống đời cư sĩ nữa, tôi sẽ trở thành một ẩn sĩ.

Khi được vua cho phép, chẳng cần phải nhìn tới cả nhà cửa, ông đi thẳng đến Kỳ Viên và xin quy y bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư truyền cho ông giới Sa-di và cả giới Tỷ-kheo. Ðược vào Giáo đoàn không bao lâu, ông đạt tuệ giác và đắc quả vị cao nhất. Sự việc này được bàn luận trong Pháp đường rằng Bà-la-môn nọ sau khi chứng nghiệm được năng lực của đức hạnh, đã thọ giới xuất gia và đạt tuệ giác đắc Thánh quả như thế nào.

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang ngồi bàn luận vấn đề. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:

- Không phải chỉ bây giờ người này làm thế, các bậc hiền trí ngày xưa cũng đã đem đức hạnh ra thử nghiệm và trở thành các ẩn sĩ đem lại sự giải thoát cho mình.

Rồi Ngài kể một câu chuyện ngày xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài học được mọi ngành văn học nghệ thuật ở Takkasilà và khi trở về Ba-la-nại, ngài đến yết kiến vua. Vua giao cho ngài chức giáo sĩ hoàng gia, và vì ngài giữ năm giới, vua đối đãi kính trọng, xem ngài là người một đức hạnh. Ngài nghĩ: "Phải chăng vua kính trọng đối xử với ta như một người đức hạnh hay như một người chuyên tâm đạt kiến thức?" Và toàn bộ câu chuyện cũng đúng như sự việc ngày nay, nhưng ở đây, vị Bà-la-môn bảo:

- Bây giờ tôi đã biết đức hạnh là quan trọng hơn kiến thức.

Rồi ngài đọc năm bài kệ sau đây:

Ðức hạnh và kiến thức
Tôi đã thể nghiệm rồi.
Nay không còn ngờ vực,
Ðức hạnh tốt nhất đời.

Ðức hạnh vượt thiên phú
Ðẹp, sang suông đâu bí.
Khi ở xa đức hạnh
Kiến thức chẳng đáng chi!

Nông dân hay hoàng tử
Hễ đã vướng tội vào,
Ở cõi nào đâu chứ,
Thoát khỏi niềm khổ đau?

Dù thuộc hàng thấp kém
Hay ở lớp quý cao,
Nếu đời này đức hạnh,
Ở Thiên giới ngang nhau.

Dòng dõi và trí thức,
Thân tình, chẳng đáng đâu!
Chỉ riêng thuần đức hạnh
Ðem phước lạc mai sau.

Bậc Ðại Sĩ ca ngợi đức hạnh như thế, và sau khi được vua ưng thuận, ngay ngày hôm ấy, ngài đi vào vùng Tuyết-Sơn và sống đời Phạm hạnh của một nhà ẩn tu. Ngài phát triển các Thắng trí và các Thiền chứng rồi được sinh vào cõi Phạm Thiên.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy và nhận diện tiền thân:

- Bấy giờ chính Ta đã đem đức hạnh ra thử nghiệm và nhận lấy cuộc đời Phạm hạnh của một nhà ẩn tu.

-ooOoo-

363. Chuyện Hổ Thẹn

(Tiền thân Hiri)

Kẻ nào dù được kính vì...,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một vị phú thương bạn của ông Cấp Cô Ðộc, sống tại một tỉnh ở biên địa.

Cả câu chuyện khởi đầu và câu chuyện ngày xưa đều được kể đầy đủ trong số 90. Tiền thân cuối Phẩm thứ chín, Chương Một, nhưng ở đây khi vị thương gia ở Ba-la-nại nghe rằng những người hầu của vị thương gia xa lạ bị đoạt hết tất cả tài sản, và sau khi mất hết mọi thứ đã có, họ phải bỏ trốn, ông nói:

- Vì họ không làm điều mà họ phải làm cho những người xa lạ đã đến với họ, nên họ chẳng tìm thấy ai sẵn sàng đền đáp cho họ.

Nói thế xong, ông đọc các bài kệ sau:

Kẻ nào dù được kính vì,
Khi làm phận tớ, lòng thì ghét ta.
Chẳng làm việc tốt đâu mà,
Còn riêng lời nói rườm rà nhiêu khê,
Ta nên phải quyết một bề:
Người nào như thế, chớ hề kết giao.

Một khi đã trót hứa vào
Thực hành lời hứa làm sao cho tròn.
Việc nào chẳng thể làm xong,
Thì ta từ chối, quyết không hứa gì.

Người khôn quay mặt ngoảnh đi
Những khoa trương rỗng đáng chi để lòng.
Một khi bạn đã nhau cùng,
Thì không tranh chấp khi không cớ nào.

Chẳng hề tìm vạch gắt gao
Những điều lầm lỗi của nhau bao giờ.
Vững tin bạn, tựa trẻ thơ
Tin vào vú mẹ chẳng ngờ chút chi.

Dù người lạ nói, làm gì,
Cũng không hề muốn chia ly bạn lòng.
Tình bằng ai khéo chịu tròn
Hẳn đời tăng ích, cao khôn phước phần.

Nhưng người hưởng thú tịnh an,
Uống vào những ngụm lẽ Chân ngọt ngào.
Riêng người ấy biết làm sao
Thoát dây buộc tội, thoát bao khổ phiền.

Như vậy bậc Ðại Sĩ chán ngán tiếp giao với bạn bè xấu, do sức mạnh của độc cư, ngài đã đưa giáo lý của Ngài lên đến tột đỉnh và dẫn con người đến Niết - bàn vĩnh cửu.

*

Khi giảng xong Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Ta là vị thương gia ở Ba-la-nại.

-ooOoo-

364. Chuyện Con Đom Đóm

(Tiền thân Khajjopanaka)

Chuyện con Ðom Ðóm sẽ được kể đầy đủ trong số 546, Tiền thân Mahà-Ummagga.

-ooOoo-

365. Chuyện Người Luyện Rắn

(Tiền thân Ahigundika)

Này ta nằm đây, Khỉ xinh đẹp hỡi....,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một Trưởng lão.

Chuyện này đã được kể đầy đủ trong số 249. Tiền thân Sàlaka.

Ở đây cũng thế, vị Trưởng lão sau khi truyền giới cho một chàng trai trong làng lại la mắng, đánh đập anh ta. Chành trai ấy chạy trốn và hoàn tục. Trưởng lão một lần nữa truyền giới cho anh và lại la mắng, đánh đập như trước. Chàng trai trẻ sau khi hoàn tục ba lần, lại được khuyến dụ quay trở lại, đã chẳng còn muốn nhìn mặt Trưởng lão ấy nữa.

Chuyện ấy được bàn tán trong Pháp đường về một Trưởng lão đã không thể sống với chú tiểu của ông mà cũng không thể sống thiếu chú ấy, trong khi chàng trai trẻ đã thấy lỗi lầm của Trưởng lão vì thiếu điềm tĩnh, anh ta lại là một chàng trẻ nhạy cảm nên đã không muốn nhìn ông nữa.

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn đề mục gì. Khi nghe trình việc ấy, Ngài dạy:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng thế, chính chàng trẻ này đã làm một chú tiểu nhạy cảm sau khi quan sát thấy lỗi lầm của Trưởng lão ấy, đã chẳng muốn nhìn ông ta nữa!

Dạy thế xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, vào triều đại Brahmadatta, vua ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình làm lúa mì và khi lớn lên, ngài sinh sống bằng nghề bán lúa mì.

Bấy giờ, một người dụ rắn nọ bắt được một con Khỉ rồi huấn luyện nó đóng trò với một con rắn. Thế rồi khi một cuộc hội hè được mở ở Ba-la-nại, ông ta gởi con Khỉ cho người bán lúa mì và đi rong khắp trong bảy ngày làm trò với con Rắn. Trong thời gian ấy, vị thương gia nuôi con Khỉ bằng thức ăn loại cứng, loại mềm.

Vào ngày thứ bảy khi đã say sưa ở chỗ vui chơi hội hè ấy, người dụ rắn trở về và ba lần đánh đập con Khỉ bằng một thanh tre rồi đem nó theo vào trong một khu vườn, cột nó lại và nằm ngủ. Con Khỉ tháo được dây ra rồi trèo lên cây xoài, ngồi đó ăn trái. Khi thức dậy người dụ rắn thấy con Khỉ ngồi trên cây, liền nghĩ: "Ta phải bắt nó bằng cách tán tỉnh nó". Rồi khi nói chuyện với nó, ông đọc bài kệ đầu:

Này ta nằm đây, Khỉ xinh đẹp hỡi,
Như người chơi bị súc sắc phá tàn,
Hãy ném xoài đây; Ta biết rõ ràng
Ta sống được nhờ bạn nhiều mưu kế.

Khi nghe thế, con Khỉ đọc các bài kệ còn lại:

Lời bạn khen, âm thanh vô nghĩa thế,
Khỉ đẹp xinh: Bao giờ kiếm cho ra!
Xin hỏi ai trong hàng quán say sưa,
Nay bỏ đói và đánh ta đau vậy?

Anh dụ rắn hỡi, ta đây nhớ lại
Giường khổ đau nơi ta phải nằm vào.
Nếu có ngày ta lên nắm ngôi cao,
Chớ xin ta rỉ chút nào ân huệ.

Vì ta nhớ bạn từng hung ác thế,
Nhưng nếu ai vui vẻ sống trong nhà
Hạng thanh cao, chịu đem của trao ra,
Thì sẽ được người khôn giao kết chặt.

Nói những lời này xong, con Khỉ biến mất trong bầy khỉ bạn.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy ở đây và nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Trưởng lão này là người dụ rắn nọ, chú tiểu là con Khỉ, còn Ta là người bán lúa mì.

-ooOoo-

366. Chuyện Con Quỷ Gumbiya

(Tiền thân Gumbiya)

Thuốc độc giống như mật ngọt ngào....,

Cây chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo hối tiếc vì đã thọ giới.

Bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông đã hối tiếc như thế không.

- Bạch ngài, đúng thế. Ông ta đáp.

Bậc Ðạo Sư hỏi:

- Ông đã thấy điều gì khiến ông cảm thấy như thế?

Khi vị Tỷ-kheo đáp:

- Ðấy là do những vẻ duyên dáng hấp dẫn của một phụ nữ.

Bậc Ðạo Sư dạy:

- Năm thứ ham muốn giống như mật có rảy thuốc độc giết người do quỷ Gumbiya để giữa đường.

Rồi do yêu cầu của Tỷ-kheo ấy, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, dưới triều Brahmadatta, vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một thương gia mang theo năm trăm chiếc xe chở hàng hóa đi bán. Ðến đường cái, trước khi vào một khu rừng, ngài gọi các thành viên trong đoàn lại và nói:

- Này, trên con đường này có lá, hoa, trái vân vân, tất cả đều có thuốc độc đấy. Khi ăn, chớ ăn các thứ lạ mà không hỏi ta: Vì bọn quỷ đã để trên đường những rổ cơm mới và nhiều thứ quả hoang ngon ngọt và rưới thuốc độc lên. Hãy dứt khoát đừng ăn thức ăn ấy nếu không được ta chấp thuận.

Sau khi dặn dò như thế, ngài tiếp tục cuộc hành trình.

Bấy giờ một quỷ Yakkha nọ, tên Gumbiya, rải lá trên một khoảng đất giữa rừng và thả vài miếng mật, trên đó có thuốc độc giết người; còn nó đi đây đó trên đường, giả vờ vỗ vào cây cối, làm như đang tìm mật. Những người không biết gì cứ nghĩ: "Mật này được để đây, hẳn phải là một nghĩa cử". Thế là họ phải chết vì ăn mật ấy. Và bọn quỷ đến ăn thịt họ.

Trong thương đoàn của Bồ-tát cũng có một số người vốn tham ăn, khi thấy những thứ ngon này, không kìm lòng được liền ăn vào. Nhưng những người khác khôn ngoan bảo:

- Ta sẽ hỏi Bồ-tát trước khi ăn.

Và họ cầm các thức ăn ấy và đứng đó. Khi Bồ-tát thấy các thứ họ đang cầm trong tay, ngài bảo họ ném đi. Những người đã ăn trọn phần đều chết. Nhưng đối với mỗi người chỉ mới ăn phân nửa, ngài khiến họ nôn ra, và sau khi họ đã nôn hết, ngài cho họ bốn thứ thơm ngọt và do thần lực của ngài, họ được lành.

Bồ-tát đến nơi mà ngài muốn đến một cách bình an, và sau khi giao hàng, ngài trở về nhà.

Thuốc độc giống như mật ngọt ngào
Khi ta ngửi, nếm hoặc nhìn vào,
Gum-bi-ya đã bày ra đó,
Mục đích hại người thật hiểm sao!
Hễ kẻ nào ham ăn hưởng mật,
Ăn vào, phải chết giữa rừng sâu.
Những ai khôn tránh xa mồi nhử,
Giữ được an lành, khỏi khổ đau.

Tham dục cũng như mồi dục vậy,
Ðược bày ra để hại con người,
Tấm lòng tham ái thường khi vẫn
Phản bội, đưa người đến chết thôi.

Những hễ kẻ nào dù yếu đuối,
Tránh xa ác dục cuốn lôi người,
Chính là kẻ thoát dây ràng buộc
Của nỗi thương đau, thoát khổ rồi.

*

Sau khi đọc các bài kệ trên được cảm tác do trí tuệ toàn hảo, bậc Ðạo Sư khai thị Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo thối thất ấy đắc quả Dự Lưu.

Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, Ta là vị thương gia ấy.

-ooOoo-

367. Chuyện Vị Y Sĩ Già

(Tiền thân Saliya)

Kẻ nào khiến bè bạn....,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm, về một lời nói rằng Ðề-bà-đạt-đa đến cả kêu cứu cũng không thể được.

*

Khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia chủ ở làng. Khi còn trẻ ngài chơi đùa với các cậu trai khác dưới một gốc cây ở cổng làng. Bấy giờ có một y sĩ già nghèo khổ, không có việc làm, lang thang ra khỏi làng, và đến nơi ấy, trông thấy một con rắn nằm ngủ giữa nhánh chĩa của một cây nọ, đầu rúc vào trong. Ông ta nghĩ: "Ta chẳng được gì ở trong làng cả. Ta sẽ tán dụ tụi bé con này, khiến cho con rắn cắn chúng và thế là ta sẽ được thứ gì đó vì đã chữa chúng". Vì thế, ông ta bảo Bồ-tát:

- Nếu cháu tình cờ trông thấy con nhím, cháu có bắt nó không?

- Vâng, cháu bắt chứ. Bồ-tát đáp.

Lão già bảo:

- Xem kìa, một con nhím đang nằm giữa nhánh chĩa của cây này đấy.

Không biết rằng đó là một con rắn, Bồ-tát trèo lên cây và chộp lấy cổ nó, nhưng khi thấy rằng đấy là một con rắn thì ngài không để cho nó quay lại phía ngài, mà kềm chế lấy nó và ném vung nó ra. Con rắn rơi vào cổ của ông y sĩ già, cuốn quanh ông, cắn ông thật nặng đến nỗi răng nó cắm sâu vào thịt ông, lão già ngã xuống chết ngay tại chỗ, còn con rắn thoát đi. Mọi người xúm quanh bậc Ðạo Sĩ và khi giảng Pháp cho đám đông ấy, ngài đọc các bài kệ sau:

Kẻ nào khiến bè bạn
Bắt một con rắn độc tàn,
Bảo là nhím, chẳng hạn,
Chính kẻ ấy lãnh phần

Phải chết vì rắn cắn,
Như kẻ mong láng giềng
Gặp phải điều bất hạnh.
Ai muốn đánh một kẻ

Chẳng bao giờ đánh trả,
Sẽ bị đánh, ngã xoài
Như cú đấm chết người
Khiến kẻ ác thống khổ.

Như cát tung ngược gió
Bị thổi lại người tung.
Kẻ nào trao tai họa
Cho một bậc thiện nhân

Khổ ải quay trở lại
Cho chính kẻ điên khùng
Như cát bay trở lại,
Khi tung ngược cuồng phong.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây và nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, ông y sĩ già nghèo khổ là Ðề-bà-đạt-đa, và cậu thiếu niên khôn ngoan là Ta.

-ooOoo-

 368. Chuyện Dây Trói Buộc

(Tiền thân Tacasàra)

Bị rơi vào giữa tay thù.....,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về Trí tuệ Toàn hảo.

Bấy giờ bậc Ðạo Sư dạy:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia cũng vậy, Như Lai cũng đã chứng tỏ mình thông tuệ và nhiều phương tiện thiện xảo.

- Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, dưới triều Brahmadatta, vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình của một sở hữu chủ trong làng. Toàn bộ câu chuyện diễn tiến đúng như Tiền thân trước đây. Nhưng ở chuyện này, khi lão y sĩ chết, những người láng giềng của ông ta ở trong làng nói:

- Những thiếu niên này đã gây nên cái chết cho người ấy. Chúng ta sẽ mang chúng đến trình vua.

Rồi họ trói các chàng trẻ ấy lại và dẫn đến Ba-la-nại. Dọc đường, Bồ-tát an ủi và bảo các chàng trẻ kia:

- Ðừng sợ! Ngay cả khi các bạn bị đưa ra trước mặt vua, hãy tỏ ra không sợ hãi và lòng đầy hoan hỷ. Trước hết vua sẽ nói chuyện với chúng ta và sau đó, tôi sẽ liệu xem sẽ phải làm gì.

Cả bọn đều chấp nhận ngay lời khuyên bảo ấy và làm đúng theo như vậy. Khi vua thấy họ đều bình tĩnh và hoan hỷ, vua bảo:

- Những kẻ khốn khổ này bị xích trói và mang đến đây như những kẻ sát nhân, và dù phải khổ sở đến như vậy họ vẫn không sợ hãi mà còn hoan hỷ nữa. Ta sẽ hỏi họ lý do tại sao họ không buồn phiền.

Và vua đọc bài kệ đầu:

Bị rơi vào giữa tay thù
Bị dây tre trói buộc như thế này,
Vẫn trông tươi tỉnh mặt mày,
Làm sao người dấu được ngay khổ sầu?

Nghe thế, Bồ-tát đọc tiếp các bài kệ sau:

- Người kia than trách buồn đau
Có đâu thu được lợi nào mảy may!
Ðối phương thích thú lắm thay
Khi trông thấy nỗi khổ giày vò ta.

Thù nhân sẽ lắm ưu tư
Khi ta ngẩng mặt tiến ra số phần,
Chẳng lùi như một trí nhân
Khéo bề phán đoán tách phân mọi điều.

Dù nhờ bùa chú cao siêu
Thì thầm nho nhỏ, dù nhiều tài cao,
Người thân quyền thế giúp vào,
Mà ta thoát nạn cách nào cũng hay.
Ta nên nỗ lực cho tày
Chiếm phần ưu thắng về ngay phía mình.

Nhưng khi kết quả không thành
Nhờ người giúp hoặc riêng mình chẳng xong,
Thì ta nên vẫn một lòng
Sẵn sàng chấp nhận mà không đau buồn.
Số phần dù quá gian truân,
Ta đành nỗ lực gắng công tới cùng.

Nghe Bồ-tát giảng Pháp, vua điều tra sự việc và thấy các thiếu niên kia đều vô tội, liền sai cởi trói cho họ, ban thưởng Bồ-tát nhiều vinh dự và phong ngài làm cố vấn về thế sự và thánh sự kiêm chức đại thần cao quý. Vua cũng ban vinh dự cho các thiếu niên kia và chỉ định họ vào nhiều chức vụ khác nhau.

*

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, Ànanda là vua xứ Ba-la-nại, hàng phó giáo sĩ là các thiếu niên kia, còn Ta là chàng trai trẻ thông tuệ ấy.

-ooOoo-

369. Chuyện Chàng Trai Mittavinda

(Tiền thân Mittavinda)

Việc xấu nào tôi đã trót gây....,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phóng dật.

Sự việc đưa đến câu chuyện sẽ giống như ở Tiền thân Mahàmittavinda (các số 41, 82, 104 và 439).

*

Bấy giờ, khi Mittavindaka bị thả xuống dưới biển, đã tỏ ra tham ái vô độ và ngày càng thái quá như vậy nên anh ta đến một nơi hành tội của các chúng sinh bị đọa vào địa ngục. Anh ta đi vào địa ngục Ussada, nhầm tưởng đấy là một đô thị và ở đó anh ta phải mang trên đầu một bánh xe bén như lưỡi dao cạo. Lúc ấy Bồ-tát mang hình hài một vị Thiên tử đi thi hành một sứ mạng đến ngục Ussada. Khi trông thấy ngài, Mittavindaka đọc bài kệ đầu theo hình thức một câu hỏi:

Việc xấu nào tôi đã trót gây
Khiến trời nguyền rủa phận tôi đây?
Ôi, đầu tôi hẳn là nứt vỡ
Vì bánh xe quay hành tội này.

Nghe thế, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:

Từ bỏ cửa nhà đầy phước lạc,
Ðây thì dát ngọc, đấy pha lê,
Các phòng đều chói ngời vàng bạc,
Thảm cảnh do đâu đấy bạn về?

Thế rồi Mittavindaka đọc bài kệ thứ ba:

"Lạc thú nơi kia sẽ ngập tràn,
Chốn này kém cỏi chẳng so bằng".
Ðấy là ý nghĩ gây tai ách
Và đấy tôi vào cảnh thảm thương.

Bồ-tát đọc những bài kệ sau cùng:

Từ bốn lên thành tám,
Lên mười sáu, băm hai,
Lòng tham không biết thỏa
Cứ tăng trưởng lên hoài.

Và cứ thế đưa bạn
Sinh linh tham dục đầy
Ðến khi chịu đày đọa
Ðầu mang bánh xe nầy.

Vậy tất cả thế nhân
Cứ đeo đòi tham ái,
Mãi vẫn chưa thỏa lòng,
Vẫn đòi thêm, thêm mãi.

Ðường tham lam rộng lớn,
Họ vẫn bước chân vào
Rồi phải mang như bạn
Bánh xe này trên đầu.

Nhưng trong khi Mittavindaka đang còn nói thì bánh xe rơi xuống chà nát anh ta, khiến anh ta không nói thêm được nữa. Còn vị Thiên tử quay thẳng về trú xứ của mình ở trên trời.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Tỷ-kheo phóng dật là Mittavindaka, còn Ta là vị Thiên tử.

-ooOoo-

370. Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ

(Tiền thân Palàsa)

Ngỗng này nói với cội Ju-das...,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự khiển trách tội lỗi.

Sự việc dẫn đến câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Pannà.

Nhưng ở đây bậc đạo Sư bảo chúng Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, phải dè chừng tội lỗi. Dù tội lỗ nhỏ bằng một chồi cây đa, nó cũng có thể tỏ ra rất tàn khốc. Các hiền trí ngày xưa cũng dè chừng điều gì tỏ vẻ đáng nghi ngại.

Dạy thế xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, dưới triều Brahnadatta, vua ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Ngỗng vàng và khi lớn lên, ngài sống trong một cái hang vàng trong núi Cittakùta thuộc vùng Tuyết Sơn và thường đến ăn lúa hoang mọc ở trên một cái hồ thiên nhiên. Trên con đường ngài vẫn thường qua lại có cây Judas (Hồng Phượng vĩ) lớn. Cứ mỗi bận đi và về, ngài đều dừng nghỉ tại đó. Vì thế, một mối tình bạn nảy sinh giữa ngài và vị Thần sống trong cây ấy.

Thế rồi có một con chim nọ, sau khi ăn trái chín của cây đa, đến đậu trên cây Judas và rớt phân vào nhánh chĩa của cây ấy. Sau đó, một cây đa con mọc lên nơi ấy, cao tới một tấc và rực rỡ với những chồi đỏ, lá xanh. Ngỗng chúa thấy thế liền bảo với Thần giữ cây:

- Này Hiền hữu, hễ cây nào bị chồi đa mọc đều bị hủy diệt vì chồi ấy lớn lên. Chớ để cho nó lớn lên, nếu không nó sẽ phá hủy chỗ ở của bạn đấy. Hãy trở về ngay, nhổ nó lên và ném nó đi. Ta phải dè chừng thứ gì tỏ ra đáng nghi ngại.

Nói với Thần cây như thế xong, Ngỗng đọc bài kệ đầu:

Ngỗng này nói với cội Ju-das:
Chồi của cây đa bám bạn kia,
Vật bạn vẫn nuôi trong bụng ấy
E rồi sẽ xé bạn tơi ra.

Nghe như vậy, vị thần cây không chú ý đến những lời ấy, đọc bài kệ thứ hai:

Ðể nó lớn lên tôi sẽ là
Nơi nương tựa của một cây đa.
Tôi săn sóc nó, tình cha mẹ,
Phước lạc cho tôi, nó tỏ ra.

Thế rồi Ngỗng đọc bài kệ thứ ba:

Sợ rằng đấy là mầm tai ách
Sâu tận trong lòng, bạn vẫn nuôi.
Từ biệt bạn thôi, tôi bay vút,
Hỡi ơi, nó lớn, bực lòng tôi!

Nói xong những lời kia, Ngỗng chúa dang rộng cánh và bay thẳng về núi Cittakùta. Từ đó, Ngỗng không quay lại nữa. Thế rồi cây đa lớn lên. Cây này cũng có vị Thần cây đổ xuống cùng với một cành. Bấy giờ nghĩ lại những lời của Ngỗng chúa, vị Thần cây tự bảo: "Vua của loài ngỗng đã thấy được mối nguy hại sắp tới và báo cho ta biết nhưng ta chẳng nghe lời vị ấy". Sầu than như thế, Thần đọc bài kệ thứ tư:

Quỷ hung cao tợ núi Tu-di
Ðã đẩy ta vào cảnh khốn nguy;
Lời bạn Ngỗng kia ta miệt thị,
Giờ đây ta ngập nỗi sầu bi.

Như vậy cây đa khi lớn lên làm đổ nguyên cả cây Ju-das xuống, làm cho nó chỉ còn trơ một gốc và chỗ ở của vị Thần cây bị tiêu mất hẳn.

Người khôn sinh sợ loài tầm gửi
Chèn nghẹt vật chi nó bám mình,
Bậc trí dè chừng nguy cỏ dại,
Diệt ngay rễ trước lúc mầm sinh.

Ðây là bài kệ được cảm tác do Trí tuệ Toàn hảo.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, năm trăm vị Tỷ-kheo đắc Thánh quả và Ngài nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Ta là Ngỗng vàng nọ.

-ooOoo-

371. Chuyện Hoàng Tử Kosala

(Tiền thân Dìghitikosala)

Người đang thuộc quyền ta sinh sát....,

Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một nhóm người tranh cãi nhau từ Kosambi.

Khi họ đến Kỳ Viên, giữa lúc họ hòa hợp lại với nhau, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, các ông là Pháp tử của Ta trong đạo, được sinh ra do những lời nói từ miệng Ta. Con cái không được dẫm lên lời khuyên của cha, thế mà các ông lại không theo lời khuyên dạy của Ta. Các trí giả ngày xưa, khi những người đã giết cha mẹ họ, đã chiếm vương quốc họ, rồi phải rơi vào tay họ ở trong rừng, họ vẫn không giết những người ấy, dù những người ấy bị kết tội phiến loạn, mà họ bảo: Ta sẽ không dẫm lên lời khuyên của cha mẹ ta đã ban cho ta.

Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ. Trong Tiền thân này, cả sự việc đưa đến câu chuyện và chính câu chuyện sẽ được kể đầy đủ trong Tiền thân Sanghabehedaka.

*

Bấy giờ hoàng tử Dìghàvu khi thấy vua xứ Ba-la-nại nằm bên cạnh mình ở trong rừng liền túm lấy chỏm đầu vua và nói:

- Bây giờ ta sẽ chặt tên cướp nước đã giết cha mẹ ta ra làm mười bốn miếng.

Và ngay khi chàng vung gươm, chàng nhớ lại lời cha mẹ đã khuyên dạy và tự nghĩ: "Dù ta phải hy sinh đời ta, ta cũng sẽ không dẫm lên lời khuyên của cha mẹ. Cứ dọa nó là thỏa bụng ta rồi". Và chàng đọc bài kệ đầu:

Ngươi đang thuộc quyền ta sinh sát,
Khi nằm đây úp mặt, vua kia,
Mưu nào ngươi tính nghĩ ra
Cứu ngươi ra khỏi tay ta hãi hùng?

Và ông vua kia đọc bài kệ thứ hai:

Nay ta chẳng còn phương cứu nữa,
Trên đất nằm lọt giữa tay người.
Cách nào cũng chẳng biết noi
Ðể mong thoát được ra ngoài khốn nguy.

Thế rồi Bồ-tát đọc các bài kệ còn lại:

Hỡi nhà vua, chẳng phải là của cải,
Mà chính là các lời nói, hành vi
Vốn thiện hiền mà ta đã thực thi,
Ðến giờ chết mới cho ta thư thái,

Nếu cứ bảo: "Ta đây từng khổ ải,
Kẻ này la, và kẻ nọ đánh ta.
Và kẻ kia cướp của đến thứ ba",
Những kẻ nào nuôi các tình cảm ấy

Chẳng bao giờ giận hờn nguôi lắng lại.
"Nó xưa kia từng đánh, mắng vào ta,
Nó đã gây lắm áp bức phiền hà",
Ý nghĩ ấy những ai không ham muốn

Giận sẽ nguôi và hài hòa chung sống.
Xóa căm hờn đâu phải bởi căm hờn,
Xóa căm hờn chính là bởi yêu thương,
Ðấy là luật niên trường cho an lạc.

Sau những lời ấy, Bồ-tát bảo:

- Thưa Ðại vương, tôi sẽ chẳng làm hại ngài đâu. Ngài cứ giết tôi đi.

Rồi ngài đặt cây gươm của mình vào trong tay vua ấy. Vua cũng bảo:

- Ta cũng sẽ chẳng làm hại người.

Vua tuyên thệ và đi đến thành phố cùng với Bồ-tát, đưa ngài đến gặp cận thần và nói:

- Này các khanh, đây là hoàng tử Dìghàvu, con trai của vua xứ Kosala. Người đã tha mạng cho ta. Ta quyết chẳng làm điều chi hại đến người.

Nói thế xong, vua gả con gái cho Bồ-tát và đưa ngài lên ngôi trong vương quốc trước đây thuộc về cha ngài. Từ đấy hai vua cùng trị vì một cách an lạc và rất hài hòa với nhau.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, người cha và người mẹ là những thành phần hiện nay trong hoàng gia; còn hoàng tử Dìghàvu chính là Ta.

Nguyên bản: Pali

Anh dịch: W. H. Rouse, H. T. Fransics & R.A Neil

Việt dịch: Trần Tuấn Mẫn dịch kinh số 264-371