Nhớ tiếng chuông xưa


alt
 

"Mẹ ơi, con xin mẹ!"

"Ba, con xin Ba, đừng cãi nhau nữa!"

Căn nhà chìm trong tiếng cãi cọ inh ỏi.  Con bé chạy tới chạy lui níu chân từng người nhưng tiếng kêu thống thiết của nó bị át đi bởi tiếng loảng xoảng của những mãng thủy tinh, đang rơi tung tóe các góc nhà. Con bé đành nằm dài thườn thượt trên chiếc sàn gỗ đã bạc màu sơn, mắt dán chặt lên trần nhà nơi vài con thằn lằn rượt đuổi nhau. Thỉnh thoảng giọt nước mắt ứa ra từ hai đuôi mắt. Nó mím chặt môi để khỏi bật thành tiếng.  Nhìn lên trần nhà một lúc-chán, nó xoay lưng qua vách tường theo dõi từng hơi thở thoi thóp của mình . Dường như có những mũi tên vô hình đang xâu xé trái tim nhỏ bé khiến nó cảm thấy nhói đau. Không gian trở nên nặng nề, và tất cả mọi thanh sắc không còn mang một ý nghĩa gì, ngoài tiếng ù tai o e.  Cảnh cũ lại tái diễn!  Lần đầu tiên ba mẹ nói cãi nhau, nó chui vô một xó nhà, vừa chứng kiến màn cãi vã đang tình tự diễn ra trước mặt nó . Mấy lần sau đó nó tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra . Hôm nay tự nhiên nó lại ứa nước mắt. Con bé không may được sinh ra ngay cái mốc của lịch sử.   Miền Nam thất thủ,  số phận của gia đình nó cũng bị ảnh hưởng  bởi bối cảnh lịch sử, như trăm ngàn gia đình khác -số phận của kẻ thất thế, sa cơ. Kẻ chiến thắng cười ngạo nghễ lên nổi thống khổ đọa đày.  Ai đã cướp đi tuổi thơ vô tư lự, khắc u buồn đậm nét lên đôi mắt thơ ngây. Nó không biết gì nhiều, chỉ hiểu man máng là từ ngày mất hết tài sản, gia đình nó bước qua một khúc rẽ mới. Cuộc sống đô thị được thay thế bằng khung cảnh tịch mịch của núi rừng. Căn nhà lầu cao sang, có nhiều người thuê mướn giờ đây chỉ là bốn vách đất èo uột, lắc lư theo từng cơn gió bão. Cơ hàn bắt đầu bám lấy gia đình nó kể từ khi món nữ trang cuối cùng ra đi. Từ đó, không khí trong gia đình nó trở nên ngột ngạt, và tuổi thơ của nó đong đầy nước mắt.

Tiếng kêu la càng lớn dần.  Con bé nảy ra ý định bỏ đi, mà đi đâu, nó chưa biết.  Nó tư lự một lúc rồi lững thững bước ra khỏi nhà. Chiều đang ngã bóng.  Đôi vai ốm o của con bé nhấp nhô dưới thân hình nhỏ bé.  Bàn chân xiêu vẹo dẫm lên hàng cỏ dại đang đứng mặc niệm dưới bóng chiều. Con bé bước đi mặc cho cái dòm ngó của những người hàng xóm.  Trong đầu nó chỉ nghĩ đến việc lánh xa tiếng cãi vã đã tạo nên vết thương lòng hằn sâu trong tâm khảm. Nó lầm lũi bước đi cho đến khi bóng chiều tắt lịm dần. Sương chiều lãng bãng rơi. Con bé đã thấm mệt và lạnh.  Nó dừng lại, nhìn những mái đầu đang quây quần bên mâm cơm chiều. Tiếng cười cười nói nói rộn vang trong căn nhà nhỏ.  Nó thèm cảnh ấm cúng đó. Nó ngồi bệch xuống đường, gục đầu bưng mặt khóc thút thít. Nó cảm thấy tủi thân vô hạn.

Bỗng tiếng chuông chùa vang vọng.  Âm thanh mỗi lúc một gần, gợi thêm nỗi bi ai vốn ẩn dật trong tâm tư của con bé. Nó nhớ đến người ni sư mà nó quen biết. Từ ngày đến thiền viện làm công quả, nó  bắt đầu rung động bởi tiếng chuông chầm chậm rơi vào mỗi buổi chiều.  Tính lầm lì ít nói nhưng siêng năng của nó làm các ni sư đều thương. Ngoài giờ làm công quả, nó thích lân la bên những ni sư,  ngồi miệt mài sao chép những kinh sư và truyện phật giáo. Vì vậy, dù nhỏ tuổi, nó được các ni sư thương yêu. Mỗi lần nhà có chuyện, con bé tìm đến sân chùa, ngồi bất động hàng giờ, và nó thấy  tâm nó tĩnh lặng, không vật vờ, không chao động, nhẹ thênh thang. Nó quán chiếu lại sự việc đã xãy ra. Trong bộ óc nhỏ bé, nó  lục tìm sự hiểu biết về nguồn gốc của khổ đau.  Bỡi lẽ, mỗi khi buồn bã, nó chỉ biết khóc. Suối nước mắt là liều thuốc hồi sinh, giúp nó vượt qua mọi phiền não, nhưng giờ đây có lẽ dòng suối đó đã cạn dần. Nó không khóc nữa nhưng trở nên trầm mặc. Tiếng chuông xoáy vào thâm tâm buồn bã.  Những ảo giác lạ lùng, huyền thoại như cổ tích, chập chờn như mộng mị từ cái âm thanh quyến rủ kia tìm đến nó vào những đêm cô tịch khiến có lần nó đòi xin mẹ đi tu.  Bây giờ trời nhá nhem tối, xóm làng đã bắt đâu lên đèn. Những ngọn đèn dầu leo loét tạo vệt sang lờ mờ hắt ra đường.  Con bé lê chân qua con đường mòn đến khu thiền viện. Nó đã bỏ đi từ ban chiều.  Sương thấm vào người làm tấm thân ốm o của nó run lên bần bật. Lã người vì mệt và lạnh nhưng nó cố lết đi, và cuối cùng đến vào dãy nhà kế bên Thiền Viện, nơi các ni sư ở, cũng là nơi nó thường đến làm công quả.

Con bé yếu ớt đưa tay gỏ vào hai cánh cửa đang khép kín, im lìm.  Bóng đêm đang nuốt chửng ngôi thiền viện.  Không gian im bặt, chỉ có tiếng côn trùng vọng xa gần. Khoảng vài phút sau, có tiếng chân người vang lên bên kia cánh cửa.

“Ai đó”

“Con .. con đây Sư Cô!” Giọng nó run lập bập.

“Con là ai”

“Hậu ..đây ..Sư ...Cô”

Im lặng …

Vài phút sau, cánh cửa hé mở. Ánh đèn yếu ớt hắt ra từ căn phòng, không đủ ánh sáng để người ni sư nhận ra khuôn mặt nhợt nhạt của con bé.

“Trời …Hậu, sao con lại tới giờ này?”

“…Con..con” Miệng con bé mấp máy, và nó ngã qụy xuống ngưỡng cửa ..

…..Cô ngồi miên man trước sân chùa nhớ lại ngày tháng cũ.  Trước mặt cô, ánh nắng bừng chiếu, hắt vào trong chánh điện.  Các em thiếu nhi của gia đình Phật Tử đang í ới réo gọi nhau trong tiếng cười đùa. Những khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ như những tờ giấy trắng tinh sơ,  những đôi mắt chưa  bao giờ biết sầu muộn.  Tiếng chuông ngân vang từ trong chánh điện, tiếng chuông não nề như muôn thủa, vẫn mời gọi. Cô chùng lòng. Khi đời lún cô sâu vào cõi tục lụy thì đạo mãi vòi vĩnh bờ tâm linh, và cô có lẽ chưa thoát hết nghiệp, mãi giãy giụa trong vô minh của chính mình. Nhưng bây giờ cô không còn chạy trốn đau khổ như thủa xưa, mà cô trực diện nó. Tiếng chuông giờ đây giúp cô cảm nhận ra một điều: hạnh phúc và khổ đau luôn đan xen như hình với bóng, để muôn đời trói buộc kiếp nhân sinh.

 

Jan 15th, 2010

Diễm Nghi