HẠNH XUẤT GIA

Chủ đề này muốn nói đến hạnh xuất gia, không phải hình thức xuất gia như nhiều người lầm tưởng. Người xuất gia trước nhất là Đức Phật. Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan và dấn thân trên con đường cát bụi để đi tìm chân lý, sống đời sống Sa môn hay hạnh Sa môn.

Hạnh Sa môn có trước Đức Phật, không phải Đức Phật ra đời đưa ra hạnh này. Chúng ta biết nước Ấn Độ phân chia bốn giai cấp và người dân Ấn phải chịu sự cai trị rất khắc nghiệt của bộ luật phân chia giai cấp. Bốn giai cấp gồm có trên hết là hàng Bà la môn chánh thống được hưởng chế độ tập ấm, tức cha truyền con nối, kế đến là hàng Sát đế lợi, tức vua quan cũng theo luật cha truyền con nối. Hai giai cấp còn lại là thợ thuyền và người làm thuê. Giai cấp thứ năm hoàn toàn bị bỏ rơi, không được xếp vô bốn giai cấp trên. Những người trí thức xuất thân từ giai cấp công nhân, thợ thuyền, làm thuê, phải chịu sự chi phối của luật phân chia giai cấp, họ cũng bị khinh miệt. Vì vậy, họ từ bỏ cuộc đời, làm tu sĩ lang thang gọi là Sa môn, còn Bà la môn là tu sĩ thuộc hàng quý tộc.

Đức Phật tu hành, đã chọn giai cấp thấp nhất là Sa môn mà xã hội thời đó xem thường để sống chung với họ. Và cảm động hơn nữa, Đức Phật còn khẳng định rằng không có giai cấp khi tất cả mọi người đều có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Như vậy, Đức Phật đã khẳng định việc xóa bỏ giai cấp, chứ không phải Ngài chọn giai cấp Sa môn nghèo khổ làm truyền thống như nhiều người hiểu lầm. Tại sao Đức Phật chọn giai cấp cùng đinh để đạo Phật thường được coi là đạo xả phú cầu bần. Nếu xả phú cầu bần không đúng pháp Phật, thì con đường này đưa đạo Phật về đâu?.

Cần hiểu rằng mục tiêu của Đức Phật là xóa bỏ giai cấp, tức không chấp nhận sự kỳ thị giai cấp trong xã hội, vì mọi người đều có quyền sống bình đẳng và đều có thể phát huy trí tuệ, làm giàu, nâng cao cuộc sống bản thân. Ngài không lập ra giai cấp ăn xin sống qua ngày chờ chết làm cho nhiều người nhìn đạo Phật thiếu thiện cảm. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta không nên từ bỏ khả năng để chấp nhận đời sống nghèo khổ, ngu dốt. Đức Phật sống chung với hàng Sa môn là những người thuộc giai cấp thấp nhất nhằm nâng họ lên vị trí cao nhất là Thánh nhân, tức thăng hoa trí tuệ và Ngài cũng đưa ra những khuôn mẫu sống để hàng Phật tử tại gia phát triển phước báu. Vì vậy, Đức Phật sống gần gũi với những người thuộc giai cấp thấp và sự chỉ dạy của Ngài đã chứng minh lời Ngài dạy hoàn toàn đúng đắn, tức mọi người đều có thể thăng hoa đời sống vật chất và tinh thần.

Đức Phật gia nhập hàng Sa môn của Ấn Độ thời bấy giờ. Lúc đó, Sa môn bị xem thường, nhưng đối với Sa môn Cù Đàm, mọi người phải kính trọng. Thật vậy, Đức Phật cũng mang bình bát đi khất thực, nhưng phong độ của Ngài hoàn toàn khác với những người ăn xin trong xã hội. Ngài khác người ở tư cách hoàn toàn thánh thiện, ở nhận thức về cuộc sống hoàn toàn đúng đắn, ở việc làm của Ngài hoàn toàn vì lợi ích cho thế nhân. Theo tinh thần Đại thừa, con người có thân tứ đại ngũ uẩn giống nhau, nhưng sự sử dụng tứ đại ngũ uẩn của từng người khác nhau, nên tạo thành sự sai biệt, nghĩa là mỗi người hoàn toàn khác nhau ở nghiệp bên trong là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Vì vậy, đừng hiểu lầm rằng sự bình đẳng là ai cũng như ai. Tuy mọi người đều như nhau, nhưng đó là bình đẳng trên chân lý, trên bản thể; còn trên hiện tượng giới, vì phát xuất từ nghiệp thiện ác khác nhau, nên loài người tạo thành xã hội trăm sai ngàn biệt. Không phải nói bình đẳng là tất cả mọi người già trẻ, giàu nghèo, trí ngu đều như nhau. Tuy nhiên, theo Phật, nếu biết chuyển đổi ba nghiệp thân khẩu ý theo hướng tốt đẹp thì người ngu sẽ trở thành người trí, người nghèo sẽ trở thành người giàu. Còn chưa chuyển đổi được thì trong cuộc sống thực tế vẫn có sự khác nhau giữa giàu nghèo, trí ngu. Trong loài người, Đức Phật cũng là người, nhưng khác với mọi người. Ngài cũng là Sa môn, nhưng không giống bất cứ Sa môn nào. Chúng ta nhận ra cốt lõi của đạo Phật ở điểm này.

Hình thức xuất gia và hạnh xuất gia khác nhau thế nào. Người từ bỏ đời sống vật chất, làm Sa môn, không giữ gìn tài sản, sự nghiệp, gọi là người xuất gia về hình thức. Nhiều người có hình thức xuất gia giống nhau, nhưng mỗi người xuất gia có khác nhau ở hạnh, tức việc làm của họ. Vì vậy, người mặc áo Sa môn, nhưng trải qua nhiều năm mà đời sống trí tuệ và đời sống đạo đức không thăng hoa; đó là người xuất gia hình thức, hay thân xuất gia nhưng tâm không vào đạo. Mang hình thức xuất gia, nhưng tâm thế tục, có phải là hạnh xuất gia hay không ?.

Thời Phật tại thế, người đi tu vì quyền lợi không phải không có. Vì người ta kính trọng Đức Phật, cho nên những Sa môn theo Phật cũng nương nhờ vào phước đức của Ngài mà được hưởng sự sung mãn vật chất. Từ đó nảy sinh những nhóm người bè phái gọi là lục quần Tỳ kheo, tức sáu nhóm Sa môn trong giáo đoàn Phật, thân xuất gia nhưng tâm của những người này không vào đạo, họ chỉ tranh giành quyền lợi, không quan tâm đến việc đoạn dục khử ái.

Hạnh xuất gia được đặt lên hàng đầu. Hạnh là do động cơ nội tâm thúc đẩy để trở thành hành động. Động cơ bên trong gọi là Hành uẩn. Nếu tu hành vì cầu trí tuệ thành Phật là động cơ và hành động của hành giả đúng đắn, cho nên cuộc đời tu từng bước thăng hoa. Người đặt mục tiêu như vậy, không làm Phật cũng làm Tổ, làm Hiền Thánh; vì đã đặt mục tiêu phấn đấu đi lên, nên không từ nan bất cứ việc khó nhọc nào trên cuộc đời và luôn nỗ lực làm được những việc khó làm.

Tôi may mắn từ năm 12 tuổi đã đặt mục tiêu này cho mình, cho nên tôi đi từ tỉnh này sang tỉnh khác để tìm đạo. Với mục tiêu luôn hướng tới như vậy, tôi nhường mọi quyền lợi cho người, nhưng trí tuệ thì không nhường và nỗ lực học, để có được trí tuệ và phước đức theo Phật. Đức Phật siêu tuyệt hơn tất cả mọi người, vì động cơ nội tâm và việc làm của Ngài hoàn toàn thánh thiện, tạo thành phước đức và trí tuệ viên mãn.

Trên bước đường tu, tại sao Sa môn không nghĩ đến danh lợi vật chất, gọi là xuất thế tục gia, tức từ bỏ tất cả những ham muốn của người đời. Người đời thường tranh giành quyền lợi, danh vọng, địa vị đến mức phải giết nhau. Người tu không ham muốn vật chất vì để tâm sức vào việc phát huy tinh thần. Còn vật chất không có, mà tinh thần cũng không, thì thành cũi mục than nguội, không được gì cả. Vì vậy, người xuất gia phải dành tất cả thì giờ để học và tu. Đọc sách để phát triển kiến thức và Thiền quán để thâm nhập thế giới người tu.

Đức Phật được tôn danh là Thích Ca Mâu Ni. Mâu Ni nghĩa là tịch mặc. Ngài luôn sống trầm mặc, ít nói, không tranh cãi, vì Ngài chú trọng đến đời sống tâm linh, không để tâm đến ăn mặc ngủ nghỉ. Dành thì giờ cho đời sống nội tâm, theo Phật dạy, Sa môn thực hành 37 trợ đạo phẩm; đó là cội gốc của đời sống tâm linh, để giúp họ kiểm tra nội tâm, loại bỏ những tâm không tốt và phát triển tâm thánh thiện.

Trong 37 trợ đạo phẩm, bước đầu nỗ lực thực tập Tứ chánh cần là việc làm của Sa môn. Ngồi yên, quán sát tâm để dứt bỏ những ý niệm xấu ác; cho nên chúng ta tu hành mà người ngoài không biết. Đức Phật và chư vị Tổ sư cũng sống trầm mặc; không có vị Tổ nào không đọc nhiều kinh điển và không thực tập Thiền quán. Chúng ta thấy hành trạng của chư Tổ và Phật hầu hết là Thiền quán và nghiên cứu các pháp môn tu.

Đối với cuộc đời này, Sa môn coi là Không, phải đi vào Không môn, quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán thọ thì khổ, quán pháp vô ngã. Không quan tâm đến những gì không đáng quan tâm, chỉ quan tâm đến bốn việc là tất cả việc ác chưa sanh khởi thì không cho sanh khởi, tất cả việc ác đã sanh thì phải đoạn trừ, tất cả việc thiện chưa làm thì phải làm, tất cả việc thiện đã làm thì phải làm nhiều hơn nữa.

Thật vậy, khi ngồi yên tĩnh tâm, tất cả ác nghiệp từ quá khứ sẽ xuất hiện đầy đủ trong lòng ta. Người chọc chúng ta giận là vì túc nghiệp chúng ta đã có. Nếu không có túc nghiệp này thì không nổi tâm sân hận. Ý thức như vậy, người tu bị nói xấu, họ không phản ứng lại, nhưng lo kiểm tra xem lòng mình còn giận, còn bực tức hay không; nếu còn là biết nghiệp nặng, thì Ngài Huyền Giác dạy chúng ta phải lo giải cấu y, nghĩa là phải giặt sạch tâm nhơ bẩn ấy. Hòa thượng Thiện Hòa cũng thường nhắc nhở đại chúng rằng tâm sân hận nổi lên là biết nghiệp ác cần loại trừ bằng cách nhiếp tâm niệm Phật, không nghĩ đến nó nữa thì nghiệp này tự mất.

Đức Phật dạy Sa môn thọ ba pháp bất hoại là người đánh, ta không đánh lại; người nói xấu, ta không nói xấu lại; người hại ta, ta không hại lại. Ban đầu, chúng ta thường nghĩ hạnh này dành cho người xuất gia, nhưng kinh Duy Ma nói rằng đệ tử Phật gồm cả người xuất gia và tại gia đều phải tu hạnh này. Trong kinh Duy Ma, La Hầu La khuyên nhóm thanh niên đi xuất gia liền bị Duy Ma quở trách rằng ông đừng phỉ báng Phật giáo khi khuyên người đi tu; nghĩa là mang hình thức xuất gia nhưng tâm không vào đạo, không hiện tướng phước điền, khiến cho người khinh chê thầy tu, khinh chê luôn cả Thánh Hiền và đạo Phật.

Nửa thế kỷ trước, ở nước ta không có tu sĩ Phật giáo có học và nói đến thầy tu là người ta nghĩ đến những người chỉ tiêu thụ mà không làm ra của cải, hay nói nặng hơn là người ăn bám. Đạo Phật bị đánh giá thấp như vậy đó. Hai vị Hòa thượng Khánh Hòa và Thiện Chiếu phải phát động phong trào học Phật và thậm chí Hòa thượng Khánh Hòa còn bán chùa để có tiền thỉnh kinh cho chư Tăng học.

Nếu có nhiều người tu không có học thì làm sao đạo Phật tồn tại được. Duy Ma khuyên không nên làm người tu như vậy và Ngài lại thuyết pháp giáo hóa họ nên xuất gia theo Phật. La Hầu La giựt mình, hỏi tại sao ông khuyên nhóm thanh niên xuất gia thì Duy Ma quở là phạm tội phá Phật, nhưng Ngài cũng khuyên người xuất gia là nghĩa thế nào.

Duy Ma giải thích rằng Ngài khuyên họ nên có hạnh xuất gia, chứ không phải xuất gia là cạo tóc, mặc áo phấn tảo rồi đi xin ăn qua ngày, vì làm như vậy là tự thủ tiêu khả năng của mình. Xuất gia theo Phật là để làm Phật, tức gạn lọc phiền não, chuyển hóa thân ngũ uẩn thành Pháp thân; đó mới là công việc của người xuất gia. Theo Duy Ma, không phải chỉ mặc áo Sa môn là xuất gia, mà các đạo hữu cư sĩ cũng xuất gia. Thể hiện ý này, người Trung Quốc định nghĩa cư sĩ như sau :

Cư tài chi sĩ

Cư gia chi sĩ

Tại gia chí Phật đạo giả.

Cư sĩ Phật tử được coi như xuất gia phải hội đủ điều kiện như trên, chứ không phải cư sĩ nào cũng có hạnh xuất gia. Người cư sĩ tuy còn ở thế gian nhưng được coi như người xuất gia thì họ có nhiều phước báu, dư thừa của cải vật chất, mà cuộc sống không lệ thuộc vật chất. Thời Phật tại thế, có cư sĩ Duy Ma Cật, hay ông Cấp Cô Độc, hoặc Thiện Đức, quanh năm những vị này chỉ bố thí, cúng dường mà vẫn giàu có. Phật giáo không có người giàu chuyên bố thí cúng dường thì đạo Phật không tồn tại được. Các vị cư sĩ này không ham mê vật chất, nhưng họ không hề thiếu tài sản để bố thí cúng dường. Họ có đầy đủ phước báu để mở Hội thí vô giá suốt một tuần cho tất cả mọi người, nhưng không vì thế mà họ trở thành nghèo. Hoặc Đức Phật Thích Ca cũng thể hiện mẫu người phước báu viên mãn, cho nên Ngài từ bỏ ngai vàng, sống đời xuất gia làm Sa môn mà không hề bị thiếu thốn gì cả và cũng không bị lệ thuộc vật chất. Thật vậy, cuộc đời giáo hóa độ sinh của Đức Phật đã cho chúng ta thấy rõ Ngài không giữ tài sản thế gian, nhưng phước báu của Ngài lớn lao vô cùng, nên khi Đức Phật đến Ma Kiệt Đà, vua Tần Bà Sa La phải phát tâm cúng dường khu vườn Trúc Lâm và ông Cấp Cô Độc cúng dường tịnh xá Kỳ Hoàn. Đức Phật đi đến đâu thì tịnh xá hiện hữu nơi đó, nghĩa là Ngài đến nơi nào thì phước lạc có đầy đủ nơi đó. Vì vậy, người tu đi theo dấu chân Phật được xem là phúc lợi cho thế gian.

Người có phước báu dù mặc áo thế gian hay từ bỏ thế gian để mặc áo Phật, nhưng cốt lõi bên trong không khác; người tốt vẫn là người tốt, người ác mặc áo nào cũng ác. Vì vậy, quan sát một người, chúng ta không nhìn bề ngoài của họ mà hãy tập nhìn động cơ nội tâm của họ, mới thấy được phước báu hay nghiệp ác của họ, mà nhận ra tư chất Hiền Thánh hay ma quỷ bên trong họ. Từ nền tảng của tâm thánh thiện, chúng ta đóng vai cư sĩ hay Sa môn cũng đều vì lợi ích cho mọi người; do hành động của nội tâm bên trong mà hiện thành hành động cụ thể bên ngoài.

Người cư sĩ được coi là có hạnh xuất gia vì tâm đã chí đạo, hướng đến đạo, không màng vật chất, nhưng sử dụng vật chất như là phương tiện để cứu đời. Thân tứ đại tuy còn tại thế, nhưng tâm của họ đã xuất gia. Tâm là chính, tâm họ không bị vật chất làm đau khổ, không bị thế tục quấy rầy và trên thực tế cuộc sống họ làm được nhiều việc lợi ích cho xã hội. Thực tế lịch sử cho thấy ở quốc gia nào, ở thời kỳ nào mà có những người lãnh đạo đất nước có tâm chí đạo, thì họ đều đem lại cho nhân dân ấm no hạnh phúc, làm cho đất nước được thái bình, thịnh vượng. Điển hình là các vua đời Lý, đời Trần của đất nước chúng ta, sử sách vẫn còn lưu dấu ấn vàng son về công đức của các Ngài như vậy.

Tôi khuyên các đạo hữu nên ghi nhớ lời Phật dạy trong kinh Bát Đại Nhân giác rằng “Chí xuất gia tháng ngày giữ dạ. Phẩm hạnh lành đức cả cao xa. Sao cho trong sạch lòng ta. Từ bi cứu thoát hằng hà chúng sanh”. Làm được như vậy là xuất gia, không nhứt thiết phải mặc áo tu. Mặc áo tu như tôi, thì không được làm vua, không được làm quan, không được làm nghề nông, không được kinh doanh, v.v… , nghĩa là hoạt động bị hạn chế nhiều mặt. Phật chỉ cho người tu thuyết pháp lợi sanh, nói và làm đều thể hiện tấm gương tốt cho đời. Còn các đạo hữu cư sĩ làm nghề gì cũng được, miễn là sống lương thiện, lòng không phiền não, vượt được bốn cảm xúc là buồn, giận, lo, sợ, thì quý vị đã thể hiện thêm một yếu nghĩa nữa của hạnh xuất gia là xuất phiền não gia. Thành tựu cốt lõi của hạnh xuất phiền não gia, tuy quý vị còn ở thế tục, nhưng tâm đã vào đạo và khi bỏ thân này, sẽ ra khỏi tam giới, tức không còn tái sinh trong vòng sinh tử luân hồi; nếu có trở lại thế giới Ta bà này là vì nguyện độ sinh mà thôi.

“Xuất nhập cửu cư chung cứ thanh liên chi tòa” để chỉ cho các vị Bồ tát đã đắc pháp, hoàn toàn tự tại vào ra ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới vì hạnh nguyện cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh. Nhờ đắc đạo, đắc pháp, với trí giác viên mãn, nên các Ngài sống rất thanh thản giữa lòng thế gian này để cứu đời. Thiền diễn tả ý này là “Thỏng tay vào chợ”.

Tóm lại, theo tinh thần Đại thừa, để xếp vào hạnh xuất gia, không hạn chế vào chiếc áo hình thức bên ngoài. Việc quan trọng là có tâm xuất gia hay không, tức đã đoạn tuyệt được những tham vọng của người đời hay không, đã dứt sạch được phiền não hay không và tâm có chí đạo hay không. Chính những điều cốt lõi này mới là nhân tố quyết định xem hành giả có phải là Phật tử có hạnh xuất gia hay không. Tôi cầu mong tất cả đệ tử Phật từng bước tiến gần đến Bảo sở của Phật dạy./.

 

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc tại chùa Phổ Quang)

HT Thích Trí Quảng