NỮ GIỚI XƯA VÀ NAY TRONG ÐẠO PHẬT

Khơi nguồn giáo đoàn Ni giới cùng với Bát Kỉnh Pháp mà đức Phật chế ra dành riêng cho người nữ xuất gia. Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề là một đương kim hoàng hậu, mẹ nuôi chăm sóc Thái tử, Bát kỉnh pháp cố nhằm vào Kiều Ðàm Di Mẫu để xoá bỏ ngã chấp, hầu vươn lên trong giáo lý Phật-đà.

Người nữ xuất gia ngày nay, khơi nguồn lại mạch sống tâm linh, nên đã không ngại “ôn cố tri tân”, đã tìm lại trang sử huy hoàng của Ni đoàn khi Phật còn tại thế. Trong số đông đảo phụ nữ xuất gia thời ấy có nhiều vị đã chứng quả vị A-la-hán, quả vị cao tột mà một vị đệ tử đương thời của đức Phật có thể chứng đắc, chứng tích còn ghi lại qua những bài kệ trong Trưởng lão Ni Kệ…

Cho nữ giới xuất gia, đức Phật không những mở cánh cửa giải thoát cho người nữ tu, mà còn giải thoát cho hàng phụ nữ sống đời thế tục. Ðương thời Phật tại thế có biết bao phụ nữ đóng vai trò khá quan trọng. Một trong những thí chủ hào phóng thời ấy nhý bà Visakha và Mạt Lợi phu nhân đã ủng hộ đắc lực cho Tăng đoàn Phật giáo. Các bà hộ trì chánh pháp không những bằng sự cúng dường vật thực, bằng lòng kính thành sùng đạo, quan trọng nhất là chính họ đã hướng dẫn gia đình theo chánh pháp, từ bỏ dị đoan, trở thành những đệ tử trung kiên của đạo Phật, như Mạt Lợi phu nhân đã hướng dẫn vua Ba Tư Nặc theo chánh đạo…

Trong hiện tại cũng thế, những công tác xã hội hàn gắn những vết thương của đồng loại trong lúc gặp chiến tranh ách nạn, phần nhiều là do Ni giới và nữ Phật tử với những công trình lớn của Giáo hội.

Về phương diện tinh thần, Ni đoàn là một tấm gương sáng, là niềm an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh trong sinh hoạt gia đình. Những lúc tinh thần căng thẳng rối loạn, họ đến chùa và được tăng thêm tự tin khi thấy có những người con gái đáng tuổi con cháu mình đang dạn dĩ bước đi một mình trên đường đạo, lấy chân lý làm bạn và lấy chúng sanh đau khổ làm gia đình. Họ bỗng nhận ra một gia đình nhỏ với dăm ba đứa con không phải là mục tiêu duy nhất của người phụ nữ. Biết bao nhiêu người đàn bà đau khổ đã được chư Ni cảm hoá cho họ hướng tâm về ánh sáng Phật pháp, thay vì quanh quẩn trong bóng tối của một bản ngã nhỏ hẹp với những vấn đề tất bật không thể giải quyết. Nhờ Phật pháp, nhờ chư Ni, họ đã vượt qua những đau khổ héo mòn trong tâm, họ đã đến với Phật giáo và đã tìm thấy con đường phục vụ, tham gia công tác cứu khổ của Phật giáo, để thấy khổ đế dẫy đầy khắp nơi chứ không riêng gì bản thân mình. Khi nhận ra điều này, cõi lòng họ sẽ lắng lại và trong họ nảy sinh một tình thương lớn, lan dần toả rộng ra đến tất cả mọi người và mọi loài đau khổ. Nói chung, chư Ni và Phật tử nữ ngày nay đã đóng góp một phần quan trọng cứu nhân độ thế và duy trì bảo vệ chánh pháp. Dưới ánh sáng tâm linh của đức Phật, không có vấn đề kỳ thị mà trái lại, mọi loài, mọi người đều được hiển lộ đúng chỗ của nó và đều quan trọng, đều cần thiết như nhau.

Ðức Phật đã cho nữ giới xuất gia dưới sự lãnh đạo của Ðại Ái Ðạo Tỳ-kheo Ni. Ngài từng nói: “Không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ”. Quan niệm bình đẳng giữa nam nữ càng được tỏ rõ trong đại thừa giáo như trường hợp Long Nữ thành Phật trong kinh Pháp Hoa, trường hợp Phật thọ ký cho Di Mẫu và Da-du-đà-la thành Phật. Trong kinh Duy Ma Cật với đoạn ứng đối hào hứng giữa tôn giả Xá-lợi-phất và Long Nữ. Ðức Thế Tôn có lần trả lời câu hỏi của tôn giả A-nan:

- Bạch đức Thế Tôn! Người nữ xuất gia có thể chứng đắc Thánh quả hay không?

- Này A-nan ở trong giáo pháp của ta, người nữ tu tập y theo pháp, nhất định ngýời nữ ấy sẽ chứng đắc Thánh quả.

Như vậy, lời nói hùng hồn quả quyết của đức Phật đã mở tung cánh cửa giải thoát cho nữ giới và chính những lời vàng ngọc ấy là bản khai sinh của những vị Phật tương lai./.

 

TN. Nguyên Bích

(Trích tham luận Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam)