Vàng mã công sở: Tiền tỷ vẫn... cháy

Sau lệnh

 cấm in tiền vàng mã nhái đồng polymer đang lưu hành, không chỉ các nhà sản xuất “lách” mà ngay tại các công sở loại tiền này vẫn cháy trong các ngày rằm, đầu tháng, lễ, Tết.
Vàng mã công sở: Tiền tỷ vẫn... cháy
ảnh minh họa

Trong khi đó, nhiều sư thầy lại cho rằng, dùng tiền thật đổi tiền vàng mã để đốt không chỉ gây lãng phí mà cả người sống lẫn người chết đều mang tội.
Đến hẹn là đốt

Dù không nằm trong bất cứ quy định nào của cơ quan, công ty nhưng việc đốt tiền, vàng mã vào những ngày đầu tháng, rằm, lễ, Tết đã trở thành lệ ở nhiều đơn vị.
Bà Trần Thị Minh, Giám đốc một công ty tư nhân chuyên sản xuất thiết bị điện (phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cho rằng: “Trần sao âm vậy. Con người sau khi chết đi vẫn có những nhu cầu như người sống. Nên ở công ty tôi giao việc này cho một chị lớn tuổi đảm nhận, đến tuần rằm là phải thắp hương, tiến cúng chu đáo. Mỗi ngày rằm thông thường là 100.000 đồng. Còn những ngày đặc biệt như rằm tháng giêng, tháng bảy, Tết ông táo, Tết thì tiền triệu vẫn thấy thiếu. Vì đốt càng nhiều vàng mã thì các cụ càng được nhận nhiều và càng phù hộ độ trì cho mình làm ăn hanh thông, khấm khá hơn”.

Lễ lớn nhất từ trước tới nay tại công ty là rằm tháng Chạp năm 2009 với chi phí hơn 30 triệu đồng mua vàng mã để đốt cho người cõi âm. Bà Minh cho biết: “Đầu năm 2010 cũng là năm kỷ niệm 5 năm ngày thành lập của công ty nên tôi muốn nhân dịp này sắm đồ mới cho các cụ. Mua gần như đầy đủ tất cả những thứ đồ dụng mà công ty có. Tôi mua cả ngựa, xe máy, ôtô để các cụ có thể đi được nhiều địa hình ở dưới đó. Tất cả đều được đặt với các chi tiết như hàng thật. Lễ quá nhiều tôi không dám đốt ở công ty mà phải thuê một chiếc xe ôtô tải nhỏ chở các loại phương tiện, tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, ô sin, điện thoại, quần áo, biệt thự ra đường vành đai để đốt. Vì nếu đốt những thứ đó ở đây phải đốt ròng rã trong 2 ngày mới hết”.

Không chỉ riêng tại công ty bà Minh mà ở một số công ty khác nhân ngày lễ Tết hay dịp kỷ niệm của công ty người cõi dương được ăn uống linh đình, phân chia lợi lộc thì lễ tiến cũng người cói âm cũng diễn ra rất hoành tránh. Tuy nhiên, ở lĩnh vực tiến cúng đồ dùng cho người cõi âm này, có một “kỷ lục” đã được xác lập trong ngày lễ Vu lan năm 2009 tại Hà Nội mà đến thời điểm này chưa ai vượt qua được. Đó là một đại gia thầu cát xây dựng tại sông Hồng đã bỏ ra tới hơn 400 triệu đồng, thuê tới 6 nghệ nhân và hàng chục thợ hàng mã làm miết trong 2 tháng trời để làm 1.000 người - ngựa. Trong đó có 250 người - ngựa kích thước như thật, 250 cỡ lớn, 250 cỡ vừa, 250 cỡ nhỏ. Sau khi làm lễ, khấn vái Thổ công, Hà bá... số hàng vàng mã được đốt ngùn ngụt cháy sáng rực cả một vùng bãi giữa sông Hồng.

Để tiền làm điều thiện

Nơi hằng ngày vẫn nhiều người lui tới để đốt tiền vàng là chốn thiền môn, tuy nhiên nhiều sư thầy lại có quan niệm hoàn toàn khác, vì Kinh Phật không dạy đệ tử đốt vàng mã. Theo thầy Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn (Hà Nội) giải thích thì tục đốt vàng mã xuất phát từ tục lệ dân gian của người Trung Quốc, không phải bắt nguồn từ nhà Phật. Do đó, vung phí tiền bạc mua vàng mã để đốt là có tội, thậm chí khiến người cõi âm không lên được trời. Tại chùa Linh Sơn những người rước vong vào chùa chỉ đốt đúng một bộ quần áo sứ giả, không có bộ thứ hai. Khi có đám tang cũng không nên rải vàng mã trên đường như thế chỉ tổ lao công phải nhọc công quét dọn. Thay vì số tiền mua vàng mã đi đốt hãy dùng số tiền đó giúp đỡ những người gặp khó khăn thì không chỉ người sống mà người chết cũng được hưởng phúc theo.

Sư ông Nguyên Vĩnh, chùa Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) - nơi người dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề làm vàng mã cũng cho rằng: “Để báo hiếu cha mẹ và những người đã khuất nhiều người vẫn quan niệm đốt thật nhiều vàng mã để cha mẹ được nhàn hạ, hưởng phúc cõi âm do ngày sống họ chưa lo được. Thay vì đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí, thậm chí tội này có khi còn bị ghi vào “sổ Nam tào” vì vật chất hóa sự linh thiêng. Đây là việc làm hết sức lãng phí, thậm chí không có ý nghĩa vì người xưa đã có câu “Lễ nhạt lòng thành”, “Phật tại tâm...”. Muốn thể hiện lòng thành hãy làm những việc thiết thực hơn như phóng sinh, giúp kẻ bần hàn...

Với các công nghệ in ấn, chế xuất hiện đại, không có một vật dụng nào mà người làm hàng mã không làm được từ tiền giả đồng Việt Nam, vàng lá, vàng thoi, đôla Mỹ, cho tới nhà lầu, xe hơi... Quan tâm đến người quá cố để mang lại hạnh phúc cho người đang sống là suy nghĩ tốt, thể hiện tình cảm giữa người sống và người chết, duy trì truyền thống văn hóa của gia tộc. Tuy nhiên, ngày nay sự thể hiện đó đang được vật chất hóa một cách thái quá. Mỗi công ty, cơ quan đốt vài triệu đồng/lễ thì gộp lại có thể xóa nhà tranh tre dột nát, xóa sổ hộ nghèo cho cả nước. Hơn nữa, in ấn các mẫu tiền nhái các loại tiền tệ đang lưu hành là một hành động vi phạm pháp luật không ngoại trừ người sử dụng. Do đó, sự thành kính, quan tâm đến người đã khuất cần phải được chấn chỉnh theo chiều hướng tích cực hơn.
Theo xaluan