Cảm nhận đầu Xuân

Ngày mồng Một Tết ai cũng đi chùa, đó là truyền thống tốt đẹp của người Phật tử. Hình như những phút giây đầu năm tất cả đều mới, ngay tâm hồn cũng thay đổi, ta thấy trẻ ra, nhẹ nhàng và trong sáng hơn. Với cõi lòng bao dung rộng mở và hoan hỉ tha thứ, người Phật tử ai cũng muốn dâng hiến cúng dường tâm hương thanh tịnh lên ngôi Tam bảo.

Lẫn trong dòng người đi trẩy hội, tôi cũng đến chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm, không khí ở đây nhộn nhịp tưng bừng nhưng không kém phần trang nghiêm và ấm cúng. Những nén nhang dâng lên cúng dường với những đóa hoa lòng thanh khiết, khát khao niềm tin và hy vọng. Tôi bước lên sân thượng để chiêm ngưỡng nét kiến trúc đặc biệt và thưởng thức hoa thơm cỏ lạ ở đây. Dừng chân bên mái hiên nhỏ để đọc những bàt thơ Xuân mang hương vị thiền:

Xuân đi hoa vẫn nở

Xuân ở hoa vẫn rơi

Bận lòng chi rơi nở

Tự tại thả thuyền chơi.

(Thích Thông Bửu)

Bài thơ thật đơn giản nhưng đượm đầy triết lý của nhà Thiền. Tôi đọc đi đọc lại chợt nhớ đến bài “Cáo tật thị chúng” cua Thiền sư Mãn Giác:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

(Xuân đi trăm hoa tàn

Xuân đến trăm hoa nở)

Tôi tự nhủ có gì khác giữa cái nhìn của hai vị thiền sư của hai thời đại không nhỉ? Hồi lâu mới “ngộ” ra để thấy rằng khác mà không khác. Ngày xưa Xuân đến–có thể trong một dịp đầu Xuân–Thiền sư Mãn Giác nhìn cảnh Xuân với muôn hoa khoe sắc và bảo đồ chúng hãy nhìn kìa:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Xuân đi và Xuân đến là hiện tượng tuần hoàn của vũ trụ và  cũng theo lẽ tự nhiên xảy ra trước mắt, chắc ai trong chúng ta cũng biết, nhưng mấy ai thấy được đằng sau chuyện Xuân đi Xuân đến đó là cái gì. Thiền sư đã nhắc:

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thưọng lai

(Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi)

Xuân đi Xuân đến có nghĩa là thời gian đang qua, mỗi lần Xuân đến Xuân đi là chúng ta già thêm một tuổi, cũng có nghĩa là cuộc sống chúng ta ngắn đi một ít. Nếu chúng ta không biết quý thời gian còn Xuân xanh để tu thân hành thiện, một mai “lão lai tài tận” muốn tu cũng không kịp nữa.

Nhưng một Thiền sư lại bảo:

Xuân đi hoa vẫn nở

Xuân ở hoa vẫn rơi.

Đây cũng là một hiện tượng tự nhiên nhưng ít người cảm nhận được. Người ta cứ yên chí là muôn hoa chỉ khoe sắc khi mùa Xuân về còn khi Xuân qua rồi hoa sẽ tàn úa. Ngờ đâu Xuân đi vẫn có những cánh hoa nở và đang trong mùa Xuân có những cánh hoa tàn. Ở đây ta bắt gặp cái nhìn của Thiền sư Mãn Giác:

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai)

Thật ra hiện tượng sinh, trụ, dị, diệt đối với sự vật cũng như con người với sinh - lão - bệnh - tử không khác. Con người cũng có lứa tuổi ta gọi là tuổi xuân xanh với nhiều mộng ước hoài bão, dự phóng cho tương lai tươi sáng. Tuổi xuân ví như những nụ hoa khoe sắc sẵn sàng hiến dâng cho đời những hương thơm mật ngọt. Nhưng nếu chúng ta không biết lợi dụng tuổi Xuân tràn đầy nhựa sống để học tập, làm việc, đem hết năng lực để phụng đạo xây đời, một mai tuổi già đến sẽ ân hận. Cánh hoa phải theo quy luật nở tàn thì con người cũng bị chi phối bởi chuyện sinh tử. IIãy nhìn kìa có phải mùa Xuân lúc nào hoa cũng tươi thắm hết đâu, đó đây cũng có những cánh hoa tàn đang rơi rụng. Ai bảo không có hiện tượng tre già khóc măng non, ai bảo không có những người ra đi mãi mãi khi tuổi còn xuân xanh – cho nên bậc thức giả đã khuyên:

Chớ hẹn tuổi già mới học đạo

Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh.

Đó đây chúng ta bắt gặp những tư tưởng người đời:

Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi

Cái già sồng sộc nó thì theo sau.

Hay bi quan hơn:

Xuân đang đến nghĩa là Xuân đanq qua

Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già

Và Xuân hết nghĩa là tôi cũng chết

Những tư tưởng phiến diện và bồng bột đã một thời lôi cuốn thanh thiếu niên vào những cuộc vui mê say cuồng loạn, không biết đến ngày mai. Và ở đây cũng nói lên cái nhìn hạn chế tầm thường của một lớp người trong thời đại đó.

Ở một góc nhìn khác bao trùm lên toàn bô hiện tượng sinh diệt Thiền sư đã có một thái độ vượt thoát:

Xuân đi hoa vẫn nở

Xuân ở hoa vẫn rơi

Bận lòng chi rơi nở

Tự tại thả thuyền chơi

Đối với Thiền sư có thể lúc nào cũng là mùa Xuân nên ta cũng có thể nói hoa nở để làm nên mùa Xuân chứ không phải đến mùa Xuân hoa mới nở. Thế thì bận lòng chi rơi với nở khi mùa Xuân đã có mãi trong ta. Ở đây ta thấy sự tự tại của Thiền sư, các ngài cũng thấy Xuân đi, Xuân ở, hoa nở, hoa rơi nhưng không bao giờ dính mắc để vui khi Xuân đến, buồn khi Xuân đi. Và để phải thăng trầm với chuyện hoa nở, hoa rơi như là những thành công hay thất bại trong cuộc đời – Mặt khác nếu hoa nở, hoa rơi, là chuyện “sinh tử sự đại” thì các ngài cũng vẫn đến đi an nhiên tự tái có gì phải bận lòng.

Ta hãy nghe “Xuân đạo hạnh, Xuân vĩnh hằng” của một Thiền sư:

Xuân có đến rồi đi nhưng Xuân lòng bất diệt

Hoa có nở rồi tan, nhưng hoa đạo vẫn luôn tươi

Chúc cho người và cũng chúc cho tôi

Xuân Di Lặc là Xuân vui muôn thuở

(HT Trí Quảng,  Giác Ngộ 156)

Ngày xuân đi chùa lễ Phật và đọc thơ thiền để có một vài cảm nhận về nhân sinh thế thái, thịnh suy suy thịnh âu cũng là dịp chúng ta trở về nguồn cội tìm lại những phút giây thanh thản đã lỡ đánh mất trong những bôn ba của cuộc sống. Xin chia xẻ nhửng cảm xúc đầu Xuân với những ai đồng hành đồng cảm.

http://hatcat79.bravehost.com/Vanhoc/Hoadao_1.jpg

 

Tánh Cần