Chủ nhân & người làm

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, Gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.

Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:

Này Gia chủ tử, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc: Giao việc đúng theo sức lực của họ, lo cho họ ăn uống và tiền lương, điều trị cho họ khi bệnh hoạn, chia sẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ, thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép.

Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được Thánh chủ nhân đối xử với năm cách như trên, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách sau: Dậy trước khi chủ dậy, đi ngủ sau chủ, tự bằng lòng với các vật đã cho, khéo làm các công việc, đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.

Này Gia chủ tử, vị Thánh chủ nhân đối xử với các hàng nô bộc theo năm cách, và nô bộc có lòng thương tưởng đối với Thánh chủ nhân theo năm cách, như vậy tất cả đều được an ổn, thoát khỏi các sự sợ hãi.(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.544)

LỜI BÀN:

Bàn về mối quan hệ giữa giới chủ với thợ thuyền, Thế Tôn đề cập đến trách nhiệm của giới chủ trước. Đây là một cách nhìn nhận vấn đề rất nhân bản và tiến bộ trong thời cổ đại, khi mà những người làm công luôn bị khinh rẻ, thậm chí bị xem như nô lệ, giới chủ được trọn quyền sinh sát.

Một người chủ muốn thành công, trước hết phải có khả năng quản trị, điều hành nhân viên. Bố trí người có năng lực chuyên môn vào đúng vị trí công việc. Không đúng người đúng việc thì cho dù người đông vẫn không chạy việc, về lâu về dài chắc chắn sẽ chuốc lấy sự tổn hại và thất bại. Mặt khác, phải luôn nghĩ đến quyền lợi của người lao động. Chế độ lương bổng hợp lý, ăn uống đầy đủ. Nhất là quan tâm đến người làm khi bệnh tật hoặc xảy ra tai nạn lao động. Trong những dịp lễ tết, cần ban thưởng hay thết đãi tiệc tùng để động viên, khuyến khích. Và nhất là chế độ nghỉ phép hợp lý để người làm được nghỉ ngơi hoặc có dịp đi xa thăm viếng, tham quan.

Hẳn chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi biết được hơn 2.500 năm về trước mà Thế Tôn đã có quan niệm về sử dụng lao động không khác mấy so với thời đại chúng ta bây giờ. Nếu giới chủ kiện toàn được những yếu tố trên thì lo gì những người làm công không gắn bó, làm việc hết lòng.

Một khi người sử dụng lao động và những người lao động đều được lợi ích, no ấm thì xã hội bớt mâu thuẫn, bất công, mọi người đều hạnh phúc, an vui. Chính điều này đã góp phần bớt khổ để con người có điều kiện hướng đến diệt khổ, mục tiêu của đạo Phật.

QUẢNG TÁNH