Một cựu Bí thư Tỉnh uỷ “đánh đường” tìm... chuông!

alt

Cách đây vài năm, tình cờ gặp ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hữu Điền đang đắm say với từng diễn biến ở hội bơi chải tối cổ vùng ngã ba sông huyền thoại Bạch Hạc, tôi rất lấy làm ngạc nhiên.

Bởi, hình như không phải ông đang làm các nghi lễ xã giao kiểu "bắt tay tặng hoa" của một quan đầu tỉnh đến chốn hội hè của bà con, mà ông cũng đang cuồn cuộn cơ bắp, đang gồng mình lướt sóng ở chỗ dòng đục dòng trong của sông Hồng và sông Lô đang nhập làm một.

Và giờ đây, khi đã nghỉ hưu, ông lại cạy cục theo các nguồn tin "thám tử", cùng hội đồng bô lão đi tìm 5 quả chuông khổng lồ, quý báu của vùng ngã ba Hạc đã thất tán gần nửa thế kỷ qua. Điều lâm ly hơn, là cái ngày rước "châu về Hợp Phố" đã đến...

7 năm "đàm phán", không "đòi" được 1 quả chuông


Vùng Bạch Hạc nổi tiếng cả trong sử sách và ngoài đời là chốn địa linh nhân kiệt. Sử cũ chép, từ thời nhà Đường còn đô hộ nước ta, Thông Thánh Quán đã được xây dựng ở ngã ba Hạc. Đền Tam Giang thờ Đức thánh Hạc (Thổ lệnh cao quan Bạch Hạc Đại vương), với bước chân khổng lồ in hằn năm ngón trước cửa đền và gót chân ở đúng vị trí ngã ba sông (nay mới được khôi phục).

Từ năm 1321, chuông “Thông Thánh Quán” đã được đúc, cúng vào đình Bạch Hạc. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Bạch Hạc thuộc đất Châu Phong, xưa có cây chiên đàn, chim hạc trắng về đậu, hạc mẹ, hạc con trắng xóa cả một vùng rộng lớn, nên gọi là Bạch Hạc - Bạch Hạc chính là cố đô của nước Văn Lang, nơi các vua Hùng tiếp nối 18 đời, khai phá đất đai dựng nên”.

Cụm di tích Bạch Hạc Tam Giang đã được Phủ toàn quyền Pháp ở Đông Dương ra quyết định liệt hạng năm 1925, Viện Viễn Đông Bác cổ đưa vào kiểm kê danh mục di tích từ 1937: Đình Tam Giang có 3 bia đá, 5 quả chuông đồng lớn (đại hồng chung).

Xuất thân trong một gia đình nhiều đời sống ở cố đô Văn Lang, từ khi còn làm cán bộ ở TP.Việt Trì (tỉnh lỵ Phú Thọ), ông Nguyễn Hữu Điền đã đau đáu với hệ thống di tích, thắng cảnh của vùng đất Tổ, đặc biệt là quê hương ngã ba Bạch Hạc của ông. Đó là miền đất thiêng của cả trời Nam này.

Cái việc ông Điền và những người có tâm với di sản cha anh đứng ra vận động, đi “xin” tài trợ ximăng và cát sỏi hàng trăm tấn đổ bệ đá hòng giữ lấy vết chân thần in trên bến nước, giữ lấy bến Bơi Chải... đã là một “chi tiết” quá lãng mạn. Nhưng, nếu biết rõ những “trường đoạn” ly kỳ về việc truy lùng các quả chuông cổ “mất dấu” khỏi cụm di tích Bạch Hạc từ nửa thế kỷ trước, các bạn sẽ còn phải ngạc nhiên hơn.

Từ trước năm 2000, bà con ở Bạch Hạc, đặc biệt là ông Điền đã có ý nhờ người dò la, tìm tung tích các quả chuông quý “không cánh mà bay”. Ông Lê Văn Vĩnh - 82 tuổi, Phó ban quản lý cụm di tích vùng Bạch Hạc - hào hứng kể: Chúng tôi nhờ tất cả mọi người, hễ có thông tin về các quả chuông là lập tức báo về “ban chỉ huy”, sẽ có trọng thưởng.

Cuối năm 2001, nhà báo Hà Tuấn Ngọc - làm ở Đài Truyền thanh TP.Việt Trì gọi điện thoại cho ông Điền, bảo: Ở chùa Hoà Phan (xã An Hoà, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) có một quả chuông Bạch Hạc. Thế là ông Điền và người tâm phúc liền sang đó.

Vừa vào đến cổng chùa, các bô lão lập tức ngăn không cho xem chuông cổ, bảo rằng, muốn xem cứ liên lạc với chính quyền. Bọn đạo chích cổ vật đang hoành hành, bà con đề phòng là phải.

alt

Lên gặp Chủ tịch UBND xã để xin phép, lại nhờ cụ Quỳnh - làm ở Sở VHTT Vĩnh Phú (cũ) có biết chữ Hán đến đọc hộ, biết được đấy là chuông của làng Bạch Hạc. Ông Điền mừng lắm, “Hội nghị Diên Hồng” được mở, các cụ làng Bạch Hạc ra nhời: "Thưa, chuông quý, người An Hòa đang giữ, chúng tôi rất tôn trọng. Nhưng sự thật là chữ trên chuông cho thấy, sử sách cũng ghi rõ, chuông “Phụng Thái Thanh Từ” này là chuông của làng Bạch Hạc đã lưu lạc sang đâỵ trong những nhiễu nhương ngày cũ, dám mong các cụ tạo điều kiện. Chúng tôi sẽ công đức lại cho các cụ một quả chuông khác, cũng bằng đồng, nặng 500kg như thế này, sẽ mang tên làng quê, di tích của các cụ".

Năm lần bảy lượt đi lại, “đàm phán”, nhờ cả GĐ Bảo tàng Vĩnh Phúc đến, kiểm tra toàn bộ hồ sơ “cổ vật”, thì oái oăm thay, chuông Bạch Hạc đã được đăng ký trong danh mục các di sản văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc. Suốt 7 năm đi lại, đến năm 2008, sự việc được báo lên cả Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng các cụ vẫn một mực nói với ông Điền: "Chúng tôi rất cảm kích trước mong muốn đem chuông thiêng về di tích quê hương của ông, vì thế, ưu tiên người làng Hạc có thể đến lấy mẫu chuông về... đúc quả mới".

Kỳ công học chữ Nho để rước "châu về Hợp Phố"!


Ông Điền và những con dân Bạch Hạc nặng lòng với các lớp lang văn hóa ngàn năm của ngã ba sông huyền thoại vẫn tiếp tục lên đường. Ông Điền nhờ tự học, đã có thể đọc được những chữ Hán thường gặp ở các văn bia để phục vụ việc đi tìm chuông, bia. Ngẫm mà buồn cho một thời, bao nhiêu tang thương, giặc giã và cả những mông muội với di sản văn hóa một thời đã xóa sổ di tích, đã ném những quả chuông quý vào luân lạc sau nhiều thế kỷ trở thành vật thiêng của làng. Tiếng chuông tràn ngập không gian cả vùng không còn nữa.

Chợt có anh xe ôm đến báo tin, có một quả chuông rất to, ở ngay xã Cao Đại, cách Bạch Hạc vài cây số, có chữ Bạch Hạc hẳn hoi. Ông Điền và người thân tín đi dò la. Đúng. Quả chuông ấy nằm lăn lóc ở nhà kho của xã bao năm, chả ai biết gì về nguồn gốc của nó. Gần đây, khi chùa làng được tu tạo, người trụ trì mới nảy ra ý định khiêng chuông về để... thỉnh.

Ông Điền vào chùa, đọc đúng là (chuông): “Phụng Thông Quán Chung”, ghi rõ ở xã Bạch Hạc. Vừa ngỏ lời, một cụ đã nổi nóng: “Chuông này từ nhiều chục năm qua, vẫn bảo là của Cao Đại, sao giờ lại nói của Bạch Hạc, vô lý!”. Có người bảo, cái ông đọc chữ Hán là người do làng Hạc tiến cử, chắc gì kết quả đã khách quan. Thế là cán bộ của ngành văn hoá Vĩnh Phúc được mời đến giám định thì bà con mới tin.

Kết quả là: Ngày 8.1.2009, trước sự chứng kiến của lãnh đạo xã Cao Đại và phường Bạch Hạc, biên bản đã được ghi: Người Cao Đại đồng ý trả quả chuông cổ nặng 500kg cho người Bạch Hạc; với điều kiện, người làng Hạc phải “cung tiến” cho người Cao Đại đủ để đúc một quả chuông mới nặng 500kg. Đang khi chưa thể ngã ngũ được, ông Điền đứng lên: Theo tôi, các cụ làng Hạc hỗ trợ 70% tiền mua đồng, làng Cao Đại góp công thuê đúc chuông mới, còn cá nhân tôi sẽ góp 30% trị giá quả chuông. Số tiền của tôi sẽ “cưa” đôi, công đức mỗi làng một nửa (15%). Tóm lại là làng Hạc phải bỏ ra 140 triệu đồng để được... rước chuông làng mình về.

Có Phụng Thông Quán Chung rồi, người làng quyên tiền, viết thư ngỏ kêu gọi tiền đúc liền tù tì hai quả chuông Phụng Thái Thanh Từ (bản gốc nằm ở xã An Hòa, Vĩnh Phúc); và Thông Thánh Quán (giờ không biết lưu lạc nơi nao!). Rất may, có tài liệu mô tả chi tiết của nhà sử học hàng đầu Việt Nam, GS Hà Văn Tấn và cộng sự đã công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử từ năm 1966.

Lại thêm thông tin rõ ràng về niên đại (thời Trần) của quả chuông, nên các chuyên gia ở T.Ư được mời về “dựng” phiên bản của Thông Thánh Quán đã làm việc một cách khá tự tin. Ngày hội đúc chuông được tổ chức, dự kiến sẽ phải mất hơn 300 triệu đồng phục vụ cho việc ra đời hai “đại hồng chung” (phiên bản) của người Bạch Hạc, thế nhưng, chỉ trong 1 tháng, số tiền quyên được đã lên tới 400 triệu đồng.

Trong niềm vui của đình chùa Bạch Hạc, có nỗi đau của hệ thống di tích, di sản nước ta. Làng Hạc tìm được chuông của mình, nhưng chính cái quả chuông mà người làng Hạc từng dùng làm kẻng hợp tác xã, dùng buloong đường tàu gõ cho rạn vỡ năm xưa, giờ nó ở đâu? Đất nước này, có bao nhiêu ngôi chùa, ngôi đình, bao nhiêu điệu hồn thương nhớ không gian làng quê xưa đang ao ước được “đánh đường” tìm (và tìm thấy) những quả chuông cổ (và các báu vật trong tâm thức cộng đồng khác) như ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Điền và bà con làng Hạc? Kể cũng là hiếm hoi lắm lắm.

Đỗ Doãn Hoàng
Theo laodong