“Đại danh lam” hay… phế tích?

Từ dưới chân núi Dạm (xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh) nhìn lên, ngôi chùa từng được mệnh danh “Đại danh lam” chìm trong ngút ngàn màu xanh của bạch đàn và cỏ dại. Con đường đất dẫn lên chùa dốc, hẹp, khó đi, lổn nhổn đá... hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách cũng là hình ảnh nói lên nhiều điều về cái sự hoang tàn của ngôi chùa cổ nổi tiếng, có từ thời Lý này.

 

Các công trình ở chùa Dạm đều đã xuống cấp nghiêm trọng

Chùa cổ bị quên lãng?

Theo các thư tịch cổ, chùa Dạm được triều đình nhà Lý xây vào năm 1086, ròng rã 10 năm sau, chùa mới hoàn thành với 99 gian, dựa lưng vào núi Dạm, khi đó, chùa đã trở nên nổi tiếng bởi quy mô kiến trúc cũng như những nét tinh tế trong nghệ thuật chạm khắc đá, gỗ. Đến năm 1946-1947, thực dân Pháp về đây đóng đồn bốt, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, chùa đã bị đốt đi, để không cho giặc chiếm cứ.

Đến năm 1986, xót xa trước cảnh hoang tàn, người dân địa phương đã dựng tạm trên nền cũ gian tam bảo chừng 30m2, phía sau chùa là nhà mẫu thờ Nguyên phi Ỷ Lan cũng chỉ chừng hơn 20m2, với vì kèo bằng tre và gỗ xoan. Cũng từ đó cho đến nay, 2 gian thờ dựng tạm kia chưa một lần được tu bổ.

Không có sư trụ trì, trước đây, những người già trong thôn tự phân công nhau, mỗi người một buổi lên trông chùa, giờ việc trông chùa đã được giao hẳn cho bà Nguyễn Thị Thập và bà Nguyễn Thị Hạ. Bà Nguyễn Thị Hạ kể rằng, cứ trời mưa ở đây khổ lắm, dột khắp nơi. Cuối năm 2008, người dân trong thôn Tự Thôn quyên góp tiền, đảo lại mái chùa, nhưng chỉ một thời gian sau, dột vẫn hoàn dột. Lại cũng là chuyện không may, tháng 7-2009, trong một trận mưa, sét đánh trúng gian thờ mẫu, khiến cho tường sụt một mảng lớn. Cũng không kêu được ai giúp, người dân trong thôn lại bảo nhau tự sửa sang...

Hơn 10 năm nay, chính quyền và nhân dân xã Nam Sơn đã gửi đơn đi nhiều cấp để xin trùng tu lại chùa Dạm, nhiều cán bộ ở Sở VH-TT&DL, rồi UBND tỉnh Bắc Ninh cả Bộ VH-TT&DL cũng về thăm chùa. Ai cũng dặn bà Hạ bà Thập là “cứ yên tâm”. Nhưng ngôi chùa cứ xuống cấp từng ngày, đại danh lam một thời chìm trong hoang phế. Những minh chứng rõ nhất về quy mô của Đại danh lam chùa Dạm chính là các bức tường được kè bằng đá bao quanh 4 lớp nền cùng các đường lên xuống, với bậc thang được làm bằng đá nguyên khối... giờ cũng đã bị rêu phong, cây dại phủ đầy.

Đi một vòng quanh chùa, chúng tôi bắt gặp vô số những chân tảng cột khắc hình hoa sen, những phiến đá được khắc lõm ở giữa - có thể xưa là chân của các tấm bia. Rồi các mảnh gạch, ngói - những vật liệu kiến trúc chùa từ gần 1.000 năm trước còn vương vãi lại. Tất cả vẫn còn đó...

Cột đá chùa Dạm cũng kêu cứu!

Trong giới nghiên cứu lịch sử và cả giới nghiên cứu mỹ thuật, có lẽ không ai là không biết đến Cột đá chùa Dạm. Cây cột với hình ảnh đôi rồng cuốn lấy nhau, mềm mại, kiêu hãnh cũng hoa văn gợn sóng mây nước từ lâu đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho nền Mỹ thuật Việt Nam.

Chả thế mà, cách đây vài chục năm, Bảo tàng Mỹ thuật đã cho đúc phiên bản F1 của cột để đặt ở nơi trang trọng nhất của bảo tàng. Xét về niên đại, tất cả các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, cột chùa Dạm được tạc từ thế kỷ XI. Cho đến giờ, chức năng của cột đá này vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi. Có nhà nghiên cứu khẳng định, đây là một Linga - biểu tượng trong tín ngưỡng phồn thực dân gian có nguồn gốc từ văn hóa Chăm Pa.

 

Cột đá chùa Dạm nhìn từ đỉnh núi

Người thì lại đưa ra giả thiết, đây có thể là một liên hoa đài... Trải qua mưa nắng, sự bào mòn của thời gian, đôi rồng ngậm ngọc, cuốn vào nhau đầy kiêu hãnh đó chỉ còn lại phần đầu và phần đuôi. Trên hai thân rồng, ở các bộ phận như thân, đuôi, chân, móng, râu…, nhiều chỗ đã bị tụt, vỡ, bị ăn mòn trở nên mờ nhạt.

Vài ngày trước, Cột đá chùa Dạm cũng vừa may mắn thoát qua được một “kiếp nạn”. Hôm ấy, đúng vào ngày 7 tháng Giêng, có nhóm người gồm 5 thanh niên, lên chùa, bảo với bà Thập, bà Hạ rằng, họ là người được... “Nhà nước” phân công về in lại hoa văn trên Cột đá chùa Dạm.

Tưởng thật, hai bà cho mấy thanh niên kia mượn thang, rồi còn nấu cơm trưa cho ăn. Nhưng rồi, nhìn cái cung cách in hoa văn cẩu thả, thạch cao được trát bừa bãi lên thân rồng, bà Thập sinh nghi về báo cáo lại lãnh đạo thôn Tự Thôn. Ban chấp hành thôn lên chùa hỏi giấy tờ, đám thanh niên kia hứa hẹn là hôm sau sẽ mang về đầy đủ...

Thế rồi, “bỏ của chạy lấy người”, cũng chả thấy đám người kia quay lại nữa. Nhóm người đó ở đâu? Định đổ khuôn cột biểu với mục đích gì? Đó là câu hỏi cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Do sự việc được phát hiện kịp thời nên chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng rõ ràng, sự an toàn của Cột đá chùa Dạm đang có dấu hiệu bị xâm hại.

Việc phục dựng nguyên vẹn kiến trúc chùa Dạm là ước nguyện của rất nhiều người và vẫn chỉ là ước vọng xa vời. Điều cần bàn hơn cả đó là thái độ ứng xử với di tích và di vật ở nơi đây. Cột chùa Dạm - biểu trưng của nền mỹ thuật Việt đang ngày càng xuống cấp, trong khi đó, cây cột phiên bản được phục dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước (được coi là phiên bản hoàn hảo) đã bị đập bỏ để thay vào đó là cây cột với đôi rồng vảy cá chép, mặt mũi dữ tợn, không phải của thời Trần, không phải thời Lê, và nhất định không phải thời Lý. Sau gần 3 năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” giờ người ta lại bàn đến chuyện phục chế nó.

Nghe đâu, sẽ phải đổ lại bản mới, bởi cái bản “đời 2007” kia sai đến mức không thể sửa được. Lại sẽ có rất nhiều cuộc họp được tổ chức để bàn thảo việc sửa sai. Chắc chắn, ngân sách Nhà nước lại phải chi thêm một phần không nhỏ... Nhưng mâu thuẫn là ở chỗ, cột phiên bản thì được đặc biệt quan tâm, trong khi cột thật 100% đang xuống cấp thì không thấy ai nhắc đến. Nghĩ cũng lạ!

Quỳnh Vân (ANTĐ)