Nguồn gốc sanh tử của chúng ta

http://kimvo.net/music/pictures/ChiecLaCuoiCung.JPG

Lới nói đầu

Điều cốt yếu của việc học Phật là muốn xa lìa khổ đau đạt được sự an lạc. Nỗi khổ đau sanh tử có liên quan đến tất cả và đồng thời cũng là gốc rễ của mọi khổ đau. Bởi vì tất cả mọi khổ đau đều do sanh tử mà hiện hữu. Nếu không có sinh tử thì không có mọi khổ đau. Sanh tử không chấm dứt làm sao chúng ta có thể thoát khỏi khổ đau đạt được an lạc? Bởi vậy chúng ta thường thấy một số người học Phật mỗi khi khai khẩu liền nói “Cần phải giải thoát thân mạng” Điều này cũng chẳng có gì lấy làm lạ cả. Sanh tử vốn dĩ là gốc rễ của mọi khổ đau.

Sanh tử chấm dứt thì thoát khỏi mọi khổ đau đạt được sự bình an vĩnh hằng tịch diệt. Bởi thế nên kinh nói rằng: “Vòng sanh diệt đã diệt thì tịch diệt là sự an lạc chân chánh”. Đây chính là mục đích cao cả của việc học Phật. Nếu chúng ta quán sát như vậy thì sẽ biết được việc giải thoát sanh tử là điểm mấu chốt của người học Phật. Nhưng muốn giải thoát sanh tử, chúng ta phải hiểu được căn nguyên của sanh tử và nắm được phương cánh để giải thoát sanh tử. Nếu không như vậy thì làm sao chúng ta có thể giải thoát sanh tử để đạt được mục đích vĩ đại của việc học Phật?

1. Duyên khởi của sanh tử

Vậy rốt cuộc cái gì là cội gốc của sanh tử? Phật giáo nói 12 duyên khởi nghĩa là duyên khởi của sanh tử có 12 loại. Nói cách khác 12 duyên khởi này cũng gọi là 12 nhân duyên. Vậy thế nào gọi là nhân duyên? Nhân tức là nhân duyên, giống như hạt giống. Vì hạt giống có thể sinh trưởng. Duyên là trợ duyên giống như mua nhân tạo, v.v.. Vì  cơ duyên giúp cho việc sanh khởi, cũng có thể nói là cái khởi nguyên của sự việc là Nhân, trung gian phụ trợ cho việc thành tựu là Duyên. Tổng cộng có 12 chi, đó là Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh và Lão tử. Đây là những gì được gọi là Vô minh duyên Hành cho đến Sanh duyên Lão tử. Nó cũng là căn bản sanh tử của tất cả mọi chúng sanh. Trước tiên tôi giải thích ý nghĩa của Vô minh.

1. Vô minh: Vô minh là không rõ ràng, là cách gọi chung cho tất cả phiền não. Do bởi một niệm vọng động ban đầu làm ngăn cản che lấp Bản giác diệu minh. Đối với giáo nghĩa về Chân không thật tướng thì chúng ta không có khả năng nhận thức được. Bởi vì do vọng mà sanh ra mọi sự chấp trước. Đây gọi là Vô minh. Nói tóm lại Vô minh chính là tâm mê hoặc? Vậy rốt cuộc mê hoặc cái gì? Mê mờ không nhận ra hai loại Ngã Pháp vốn là giáo lý rỗng không. Chúng sanh không hiểu được ngũ uẩn chỉ là huyễn hoá, không thật nên vọng chấp tứ đại là thân tướng của mình. Sáu trần duyên với ảnh tượng mà cho là tâm tướng của mình. Đây la Vô minh thuộc về Ngã chấp. Không hiểu được đạo lý của các pháp vốn duyên sanh, không có tự tánh mà vọng chấp hiện tượng vạn hữu là pháp chân thật. Đây là vô minh thuộc về Pháp chấp. Những gì cho là chấp về thân căn bên trong gọi là Ngã chấp, chấp về khí thế gian bên ngoài là Pháp chấp. Vì mê mờ không nhân ra được chân lý cùa Ngã và Pháp vốn không nên gọi là Vô minh. Đây chính là một niệm bất giác mê mờ nơi Chân như mà khởi ra.

Y cứ theo ý nghĩa của Vô minh thì có 2 loại. Đó là Căn bản vô minh và Chi mạt vô minh.

a. Vì chúng sanh không hiểu được cái “không” của Tánh giác nên gọi là Mê lý vô minh (không hiểu được Giáo nghĩa chân không, thật tướng, ly tướng). Đó chính là Căn bản vô minh.

b. Vì chúng sanh không hiểu được cái giả huyễn của sự tướng nên gọi là Mê sự vô minh (sự nhận thức sai lầm đối với vạn pháp cho là thật có). Đây chính là Chi mạt vô minh.

Mê lý vô minh tức chỉ cho một niệm nhận thức sai lầm làm chướng ngại giáo nghĩa Thật tướng Trung đạo khiến nó không thể hiển phát được.

Mê sự vô minh là chỉ những phiền não thuộc về Kiến hoặc và Tư hoặc làm chướng ngại việc giải thoát sanh tử, khiến nó không thể xa lìa. Hễ bên ngoài không hiểu được giáo nghĩa của Chân đế mà chấp trước vào tà kiến là vô minh thuộc về Kiến hoặc và Tư hoặc. Hàng nhị thừa không hiểu được giáo nghĩa của Chân đế và Tục đế mà chấp trước vào Không tịch thì gọi là Trần sa vô minh. Hàng Bồ-tát thuộc quyền và Giáo không hiểu được giáo nghĩa Thánh đế Trung đạo chấp vào Nhị biên thì gọi là Căn bản vô minh. Nói tóm lại, mê nơi Chân là Căn bản vô minh, khởi vọng tưởng là Chi mạt vô minh.

2. Hành: Có nghĩa là tạo tác, chỉ cho tất cả hành vi của chúng ta. Nó y cứ vào vô minh mà tạo ra  thiện nghiệp cũng như ác nghiệp.

3.Thức: là nghiệp thức, Thức thứ tám là chủ của tất cả quả báo của con người . Thức tuỳ theo nghiêp mà lãnh nhận quả báo. Vì nghiêp lực trong kiếp quá khứ mà có thân này. Nó duy trì chủng tử thiện và ác đã tạo mà đầu thai. Đối với cha mẹ có duyên lúc họ đang giao cấu, xung quanh đen tối, thức này chỉ thấy ánh sáng phát ra từ một màn kịch dâm đãn, thần thức lanh lợi trong chốc lát liền đến bên cạnh cha mẹ. Lúc đó thần thức trở nên hôn hôn mê mê liền khởi lên một niệm tham ái (người nam thì thương mẹ ghét cha, người nữ thì thương cha ghét mẹ).Tham ái luân chuyển tạo thành chủng tử, thức xâm nhập vào tạo thành thai nhi (một niệm ái dục phát khởi tạo thành chủng tử để thọ sanh, thần thức này ở trong tinh cha huyết mẹ mà hình thành bào thai. Nó nằm trong thai ngục rất là dơ bẩn). Thảm thương thay gốc họa của sanh tử lại hình thành từ đây. Tất cả mọi đau khổ sẽ theo sau. Đây gọi là một niệm ban đầu của sự đầu thai.

4. Danh sắc: Danh sắc là chỉ cho tâm thức (tức thần thức lúc mới đầu thai). Sắc là chỉ hình thể (là do tinh cha huyết mẹ mà tạo thành khối thịt tròn). Do bởi một niệm ái nhiễm mà đầu thai vào người mẹ nên gọi là Danh. Nương vào tinh cha huyết mẹ tạo thành thai gọi là Sắc. Vậy cho nên chúng ta gọi Tâm -Vật hợp lại tạo thành thai. Khi hình dạng của thai nhi vừa tạo thành thì được gọi là Danh sắc (đây là tướng trạng mới vừa hoàn bị của vật chất lẫn tinh thần trong thai nhi). Vì lúc này vì mới đầu thai nên 6 căn chưa hình thành, tâm thức chưa có thể phát huy tác dụng hiểu biết và phân biệt nhưng có danh xưng thuộc về tâm mà chưa có tác dụng của tâm. Vì vậy không thể gọi là tâm mà chỉ gọi là Danh. Lúc mới đầu thai hình thể chưa đầy đủ, 5 căn chưa hoàn bị thì không thể gọi là Thân, nên gọi đơn giản là Sắc. Đây là giai đoạn thai nhi mới ngưng đọng lại vẫn chưa đầy đủ 6 căn. Người ta sinh trong thai theo thứ tự của việc sinh sản thì được chia làm 5 vị. Bảy ngày thứ nhất gọi laYết-la-lan vị còn gọi là Ca-la-la, dịch nghĩa là Ngưng hoạt (ngưng đọng) cũng gọi là Tạp uế (dơ bẩn tạp nhạp). Tinh huyết của cha mẹ vừa hoà hợp tạo thành một vật ô uế ngưng đọng lại thành một hình tròn. Bảy ngày thứ hai gọi là Át-bộ-đàm vị, dịch là Pháo (mụt nước). Trải qua bảy ngày thứ hai, thai nhi từ từ lớn dần thành hình trứng cá. Bảy ngày thứ ba gọi là Bế-thi vị, dịch là Nhuyễn nhục (thịt nhuyễn) Trải qua bảy ngày thứ ba, thai nhi trở thành chất như thịt nhuyễn. Bảy ngày thứ tư gọi là Yết-nam vị, dịch là Kiên nhục (thịt cứng). Trải qua bảy ngày thứ tư thì thai nhi dần dần trở thành khối thịt rắn chắc. Bảy ngày thứ năm gọi là Bát-la-đổ, dịch là Chi tiết hay Hình vị. Từ sau khi thần thức đầu thai cho đến 7 ngày thứ năm thì tạo thành hình dạng các căn, tứ chi khác nhau. Những điều trình bày vừa rồi đều thuộc Danh sắc vị.

5. Lục nhập: sáu căn. Trong thời gian 10 tháng trong thai mẹ thì 6 căn đầy đủ và sau khi được sinh ra 6 căn tiếp xúc 6 trần mà có tác dụng tương nhập lẫn nhau. Cho nên gọi là Lục nhập (từ sau Hình vị thuộc 7 ngày thứ năm thì thai nhi dần dần đầy đủ căn tướng cho đến 7 ngày thứ sáu gọi là Phát-mao-trải-xỉ vị. Bảy ngày thứ bảy gọi là Cụ căn vị, lúc này 6 căn đã thành tựu. Từ Danh sắc đến Lục nhập cho đến lúc ra thai, giai đoạn trung gian gồm có 38 tuần, đều thuộc về Thai trung vị. Đây gọi là tự thể thọ dụng của một đời chúng sanh.)

6. Xúc: Tiếp xúc. Căn và trần hòa hợp tạo thành xúc. Đây là chỉ cho hữu tình khi ra khỏi thai nhi thì có sự tiếp xúc giữa 6 căn đối với tất cả ngoại cảnh. Lúc còn là đứa trẻ 3-4 tuổi thì ngây ngô mộc mạt 6 căn tiếp xúc với ngọai cảnh chỉ khởi ra sự hiểu biết đơn thuần không có phân biệt yêu ghét. Đây là một loại tác dụng của 6 căn đối với tất cả ngoại cảnh.

7. Thọ: Lãnh thọ (lãnh thọ cảnh mà khi hữu tình tiếp xúc). Căn và cảnh cùng đối hai loại cảnh giới thuận và nghịch mà sinh khởi ra hai loại cảm giác khổ và vui nên gọi là Thọ. Lúc 4-5 tuổi đến 10 tuổi thì tuổi tác dần dần lớn lên, sự hiểu biết cũng tăng dần và biết tiếp nhận tất cả cảnh giới. Đối với những vấn đề ăn mặc, chơi giỡn v.v... đều có sự mong cầu và có thể phân biệt tốt xấu nhưng chưa phát khới tâm tham ái. Đây là một loại tình thức do đối với cảnh mà sanh khởi.

8. Ái: Tham ái. Đối với cảnh  có thể phát khởi tâm tham ái. Lúc chúng sanh từ 11-12 tuổi đến 18-19 tuổi  là tuổi sắp thành người nên dục vọng đã bộc phát. Đối với năm món dục thì sanh sự tham trước, chỉ có điều chưa truy cầu khắp nơi. Nay đơn cử ví dụ về chữ “Ái”(yêu), kỳ thật nó cũng hàm tàng trong chữ “Tắng”( ghét). Điều này có nghĩa là: Khi gặp cảnh thuận thì khởi tâm tham luyến, khi gặp cảnh nghịch thì sanh tâm nhàm chán. Đó là một loại tâm tham nhiễm do đối với cảnh mà sinh khởi.

9. Thủ: Vọng thủ (nắm bắt cái giả). Sau 20 tuổi thì sự tham muốn của con người trở nên mạnh mẽ sẽ truy đuổi nắm bắt đối với những gì mà mình yêu thích. Nay chỉ đơn cử chữ “Thủ” thật ra thì chữ “Thủ” này cũng bao hàm chữ “Thập” (nhặt lượm) bên trong. Nghĩa là: Khi gặp phải cảnh vui vẻ đáng yêu thì mỗi niệm mỗi niệm đều tham cầu dù tâm lực kiệt quệ đi nữa cũng phải đạt được mục đích mới thôi, còn như gặp phải những cảnh khổ đau đáng ghét thì mỗi niệm mỗi niệm đều nhàm chán muốn xa lìa dù phải dùng cả trăm phương ngàn kế để loại bỏ được mới dừng. Đây là một sự truy cầu thuộc cảnh giới ái dục ô nhiễm (Vô minh được đề cập ở trước là sự mê hoặc trong quá khứ còn hai chi Ái và Thủ này là sự mê hoặc trong hiện tại, đồng thời nó cũng là nhân của vị lai).

10. Hữu: Nghiệp. Hễ có nhân thì có quả. Do cái nhân đời trước (ái thủ) mà có quả đời sau (sanh lão tử). Vì nghiệp lực dẫn dắt nhân và quả không mất nên tạo thành một sự thật luân chuyển trong ba cõi. Nói cánh khác, do hai chi Ái và Thủ sai khiến xác thân tạo nhiều nghiệp hữu lậu mà chiêu cảm quả báo sanh tử trong đời vị lai. Mặc dù phạm vi của quả báo rất rộng nhưng tóm lại cũng nằm trong Y báo và Chánh báo. Y báo là Dục hữu (cõi Dục), Sắc hữu (cõi Sắc),Vô sắc hữu (cõi Vô sắc) và Vô minh hữu (cảnh giới Vô minh). Chánh báo là Bản hữu (thân hiện tại), Trung hữu (thân Trung ấm. Khi thân này đã chết, thân sau chưa hình thành, trong khoảng trung gian đó mà thọ nhận hóa thân nên gọi là Thân trung ấm), Hậu hữu (thân thọ sanh đời sau). Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu vàVô minh hữu là Y báo để thọ sanh. Bản hữu, Trung hữu và Hậu hữu là Chánh báo để thọ thân. (“Hành” nói ở trước là chỉ cho nghiệp trong quá khứ còn “Hữu” nói ở đây là chỉ cho nghiệp hiện tại. Tuy nói nó thuộc hiện tại nhưng lại là nhân của quả báo khổ đau trong đời vị lai). Đây chính là một quy định của sự tạo tác nghiêp lực mà phải nhận lấy quả báo.

11. Sanh: Thọ sanh. Lấy nghiệp tạo tác trong hiện tại làm Nhân, do có Nhân nên cảm thọ Quả. Vì thế nên phải thọ sanh trong đời sau - thọ sanh trong Bốn loài, Sáu đường- (chi “Sanh” này thông suốt cả nhân và quả, nếu lấy 3 chi Ái, Thủ và Hữu ở trước mà nói thì  nó thuộc về quả thọ sanh đời vị lai, còn như lấy chi Lão tử sau này mà nói thì nó thuộc về cái nhân cảm thọ quả báo trong đời vị lai.) Đây là một loại hoạt động cảm thọ quả báo trong đời vị lai.

12. Lão tử: Già nua và chết đi. Các căn suy yếu gọi là Lão. Thân hoại mạng chung gọi là Tử. Vốn đã có sanh thì phải có tử. Thân tứ đại giả hợp vận chuyển một cách tự nhiên từ trẻ đến già. Bởi vì vô thường chuyển biến nên phải đến lúc chết. Giống như chúng ta đốt hương dần dần nó cũng tàn rụi đi. Nếu chúng ta muốn sống hoài không chết, trẻ mãi không già thì tuyệt nhiên không thể được! (Lão tử vốn là hai loại khác biệt nhưng tại sao ở đây hợp thành một chi? Bởi lẽ Lão không nhất thiết phải có. Những người chết yểu thì không trải qua giai đoạn này. Vì vậy Lão và Tử hợp thành một chi). Đây là một kết quả để thọ nhận quả báo trong đời vị lai. Nói tóm lại Vô minh chính là một loại hư vọng, một niệm bất giác từ vô thỉ làm chướng ngại và che lấp chân tâm (sự mê hoặc thuộc quá khứ). “Hành” nương vào vọng hoặc vô minh tạo ra tất cả nghiệp nhân (nghiệp thuộc quá khứ). “Thức” chính là A-lại-da thức nương vào sự tạo tác nghiệp lực mà cảm nhận sự đầu thai trong đời này (chủ của nghiệp báo). “Danh sắc” là một trạng thái thần thức nương vào tinh cha huyết mẹ mà thân và tâm dần dần trưởng thành (đây nói về lúc mới thọ thai). “Lục nhập” là tên gọi lúc 6 căn mới tựu thành trong thai mẹ (khoảng giai đoạn trụ thai). “Xúc” là một loại tác dụng khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần sinh ra ý tưởng yêu ghét (sau khi xuất thai). “Thọ” là một loại cảm giác khi tiếp xúc với cảnh phân biệt khổ vui (đây là tác dụng của trẻ thơ hơn 5-6 tuổi). “Ái” là một loại dục vọng đối với cảnh giới mà sinh khởi (đây là tác dụng khoảng sau 14-15 tuổi). “Thủ” là tác dụng của sự truy cầu ngũ dục (tác dụng sau 20 tuổi). “Hữu” là một loại nghiệp lực do tham ái tạo thành (thành tựu sự tạo nghiệp). “Sanh” là một sự thật nương vào nghiệp lực đã tạo mà nhận lãnh quả báo đầu thai (nương nghiệp mà thọ báo). “Lão tử” là một hiện tướng do sự chuyển biến của vô thường nên các căn suy tàn thân mất đi (kết quả của sinh mạng). Chúng ta cũng có thể nói Vô minh là điều then chốt của tất cả phiền não. “Hành” là kẻ tạo nghiệp sanh tử. “Thức” là người phụ trách sanh tử. “Danh sắc, Lục nhập” là thân nghiệp báo của sanh tử. Thức, Thọ, Ái và Thủ là kẻ tội phạm của sanh tử. Phàm là có nghiệp thì cò người nhận tội sanh tử. Sanh-lão là kẻ phải nhận lấy hình phạt của sanh tử. Ý nghĩa của 12 nhân duyên đại khái là như vậy. Nhưng tại sao gọi Vô minh duyên Hành cho đến Sanh duyên với Lão tử? Nói một cách vắn tắt, vì Vô minh bị bản tánh ngu muội của sự bất giác sai khiến mê mờ trong tài sắc danh lợi đeo bám một cách điên đảo. Bởi vậy nên tạo ra những việc làm không hợp tình, không hợp lý (‘Hành’ có mặt). Đó là vì Vô minh tạo ra tất cả mọi hạnh nghiệp (Hành). Cho nên nói Vô minh duyên với Hành (Duyên có nghĩa là Sinh khởi và Dẫn khởi). Hễ có tạo những nghiệp nhân trong quá khứ (Hành) thì buộc thức (nghiệp thức) nhận lãnh quả báo. Đây là sự đầu thai do Hành dẫn dắt nghiệp thức, cho nên gọi Hành duyên Thức. Có nghiệp thức thì đầu thai và tự nhiên sẽ tạo thành thân thể, cho nên gọi Thức duyên Danh sắc. Đã có Danh sắc thì tự nhiên 6 căn sẽ dần dần hoàn bị. Đây là sự kết hợp thành tựu do Danh sắc tạo ra Lục nhập, cho nên gọi là Danh sắc duyên Lục nhập. Đã có 6 căn thì tự nhiên sẽ tiếp xúc với tất cả cảnh bên ngoài. Đây là tác dụng do Lục nhập mà tạo ra sự tiếp xúc. Đã có tiếp xúc thì đối với cảnh thuận tâm ý sinh tâm vui mừng tiếp nhận, đối với cảnh trái ngược thì khổ đau. Đây là cảm giác do tiếp xúc tạo nên sự buồn vui (Thọ),cho nên gọi là Xúc duyên Thọ. Đã có cảm giác khổ vui thì đối với cảnh vui sướng nẩy sinh ra sự yêu thích, đối với cảnh khổ đau sinh tâm chán ghét. Đây là loại tình cảm do Thọ gây ra sự tham ái, cho nên gọi là Thọ duyên Ái. Đã có tham ái thì nẩy sinh lòng ham muốn nên truy cầu khắp nơi để nắm bắt cái giả huyễn. Đây là hoạt động do tham ái tạo ra vọng thủ, cho nên gọi là Ái duyên Thủ. Đã có vọng thủ thì tạo ra tất cả nghiệp bị sự chi phối của nghiệp lực. Đây là một qui tắt doThủ mà tạo ra nghiệp hữu lậu,cho nên gọi là Thủ duyên Hữu. Hiện tại đã có nghiệp nhân thì nhất định phải lãnh thọ quả báo trong tương lai (thọ sanh vào 6 đường). Đó là do “Hữu” tạo ra nghiệp để thọ sanh, cho nên gọi là Hữu duyên Sanh. Đã có sinh mạng thì từ lúc già đến khi chết không thể tránh khỏi tất cả mọi ưu bi khổ não. Đây là kết quả do “Sanh” mà tạo ra lão tử ưu bi khổ não, cho nên gọi là Sanh duyên Lão tử ưu bi khổ não. Đây là Duyên khởi để tạo thành sự sanh tử và cũng chính là ngọn ngành sanh tử của chúng ta. Bây giờ, nếu không nhàm chán sự rắc rối, tương lai kiểm tra suy gẫm lại sẽ khiến chúng ta hiểu một cách rõ ràng. Con người chúng ta tại sao có ưu bi khổ não? Nó từ đâu đến? Chính bởi do Lão tử chuyển biến không ngừng mà có (điều làm người ta cực kì đau khổ xót xa chính là Lão tử). Nó (Lão tử) lại do đâu mà có? Chính bởi từ khi đầu thai (sanh) mà có (vì có sự sống chết của sinh mạng nên tự nhiên có Lão tử để kết thúc thân mạng). Tại sao phải đầu thai (Sanh)? Do nghiệp đã tạo và qui luật (Hữu) gây ra mà có (đã có nghiệp nhân thì đương nhiên nó nương vào nghiệp để đầu thai. Đó là cái nợ phải trả). “Hữu” do đâu mà có? Do vọng thủ mà có (vì có vọng thủ nên mới tạo ra nghiệp nhân thuộc hữu lâu.) Tại sao có Hữu? Vì chúng ta bị tâm tham ái bó buộc tạo ra (nếu không có tâm tham ái thì không có Thủ). “Ái” do đâu ma có? Do sự lãnh thọ mà có (nếu không có sự lãnh thọ thì tham ái sẽ không có chỗ nương bám để sanh khởi).”Thọ” do đâu mà có? Do 6 căn tiếp xúc với 6 trần (nếu căn không tiếp thu cảnh thì sẽ không có sự lãnh thọ). “Xúc” từ đâu đến? Do Lục nhập (nếu không có lục căn thì làm sao có thể tiếp xúc cảnh trần). “Lục nhập” lại từ đâu đến? Do Danh sắc (nếu không có Danh sắc thì sự hòa hợp giữa tâm và vật làm sao có thể thành tựu được tác dụng của Lục nhập?) “Danh sắc” do đâu mà có? Do A-lại-da thức đầu thai (nếu không có nghiệp thức nương vào tinh cha huyết mẹ tạo thành thai nhi thì làm sao có sự thành lập của Danh sắc?) Nghiệp (Thức) do đâu mà có? Tức là do hành vi của mỗi người tạo ra những nghiệp dĩ như trên nên thức bị nghiệp dẫn dắt mà nhập vào bào thai (cũng giống như căn cứ vào tộ trạng mà vào tù, nếu không có nghiệp lực thì đương nhiên sẽ không dẫn dắt thức lãnh nhận quả báo để đầu thai). “Hành” từ đâu đến? Do Vô minh-tâm mê hoặc bó buộc xác thân tạo những điều sai quấy gây nên những hành nghiệp (nếu tâm không mê hoặc thì sẽ không tạo tác những vọng nghiệp). Nói ngược lại, làm cách nào để không có Lão tử, ưu bi, khổ não? Muốn được vậy thì phải không thọ sanh, muốn không thọ sanh thì đừng tạo nghiệp (Hữu), muốn không có Hữu thì đừng có Vọng thủ, muốn không có Vọng thủ thì đừng tham ái, muốn không có tham ái thì đừng lãnh thọ, muốn không có Thọ thì phải không có Xúc, muốn không có Xúc thì đừng dùng 6 căn (6 nhập) một cách sai lầm, muốn không có Lục nhập thì đừng sinh ra Danh và sắc, muốn không có Danh sắc thì phải không có Nghiệp thức,muốn không có Nghiệp thức thì đừng tạo tác vọng nghiệp(Hành), muốn không tạo vọng nghiệp thì phải diệt trừ vô minh. Khi chúng ta đoạn trừ được Vô minh thì sanh tử sẽ tự chấm dứt. Biết được như vậy thì chúng ta không những hiểu rõ nguồn gốc sanh tử của chúng ta mà đồng thời cũng biết được tội lớn nhất của sanh tử chính là Vô minh.

2. Giải thoát sanh tử

Vô minh chính là tội đồ lớn nhất của sanh tử. Như vậy, muốn cầu giải thoát sanh tử thì trước tiên chúng ta phải hạ thủ công phu đoạn trừ vô minh. Ví dụ như, muốn bắt giặc chúng ta phải xông vào tận sào huyệt để bắt bọn đầu não của chúng mới có thể chiến thắng hoàn toàn. Đây là một thí dụ thích hợp nhất. Nhưng làm sao chúng ta đoạn trừ vô minh để giải thoát sanh tử? Để đạt được mục đích này, chúng ta phải dùng sức quán chiếu Bát-nhã để soi sáng tự tánh vô minh, nó chính là một loại hư vọng trên chân tâm vốn không có thật thể. Do bởi hàng phàm phu không giác ngộ bị nó mê hoặc tạo tác tất cả ác nghiệp mà phải gánh chịu những đau khổ sanh tử. Ngày nay chúng ta nhận chân được hư vọng của vô minh, đương thể tức không mà không bị nó mê hoặc nữa thì vô minh không còn cách nào để hoạt động. Như vậy chính là diệt trừ vô minh. Một khi vô minh bị diệt trừ thì chân tâm hiển hiện ngay lập tức, lúc đó đối với các sự lý chúng ta hiểu một chách rất rõ ràng không còn mê mượi nữa. Và lẽ đương nhiên chúng ta sẽ không còn mắc kẹt vào hai tướng Ngã và Pháp mà sinh ra các chấp thủ điên đảo tạo ra tất cả ác nghiệp-Hành- (Vô minh diệt thì Hành diệt). Không tạo nghiệp thì nghiệp thức không còn nương vào nghiệp để thọ báo (Hành diệt thì Thức diệt). Không có nghiệp thức thì sẽ không sinh ra Danh sắc trong thai (Thức diệt thì Danh sắc diệt). Không có Danh sắc thì làm gì có sự cấu thành của Lục nhập, Lục nhập đã không có thì lấy gì để tiếp xúc? (Lục nhập diệt thì Xúc diệt). Không có Xúc thì làm gì có sự lãnh thọ? (Xúc diệt thì Thọ diệt). Lãnh thọ đã không có thì không sanh tham ái (Thọ diệt thì Ái diệt). Không có tham ái thì làm gì có Vọng thủ? (Ái diệt thì Thủ diệt). Không có vọng thủ thì tự nhiên sẽ không có Hữu (Thủ diệt thì Hữu diệt). Không có Hữu thì cái gì đi đầu thai? (Hữu diệt thì sanh diệt). Không có đầu thai làm gì có Lão tử? (Sanh diệt thì Lão tử diệt). Những chi trước đã diệt trừ thì những chi sau sẽ không phát khởi. Cho nên nói Vô minh diệt thì Hành diệt cho đến Sanh diệt đến Lão tử diệt. Bởi vì Vô minh là căn bản của sanh tử. Vì thế một khi chúng ta diệt trừ nó (Vô minh) thì 11 chi khác không cần phải diệt trừ mà nó cũng tự diệt. Điều này cũng giống như chúng ta đốn cây chỉ cần đốn cái gốc thì cây sẽ đổ ngã. Nếu như những người  không giỏi về tu pháp quán này thì tôi nói về pháp môn Niệm Phật. Niệm phật là pháp môn thù thắng vi diệu trong việc đoạn trừ vô minh giải thoát sanh tử. Tham sân si là căn bản của vô minh, một lòng niệm Phật buông xả hết vọng duyên sẽ không khởi tâm tham. Một lòng niệm Phật thì tâm từ bi sẽ hiển hiện sẽ không khởi tâm tham. Một lòng niệm Phật thì chánh niệm rõ ràng sẽ không khởi tâm si. Niệm Phật có thể phá trừ phiền não vô minh chính là lý này. Nếu chúng ta nhất định phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ, đầy đủ tín nguyện một lòng chuyên niệm đức Phật A Di Đà thì lúc lâm chung nhất định được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh cõi Tịnh độ, hoa nở liền thấy được đức Phật mà chứng ngộ được Pháp vô sinh. Như vậy, chúng ta sẽ vĩnh viễn đoạn trừ phiền não, vĩnh viễn giải thoát sanh tử và sau cùng thành Phật. Ở quả vị này thì làm gì còn vô minh để mà đoạn, làm gì còn có sanh tử nữa nào nữa để mà giải thoát?!

Lời kết

Thân  người  khó được nay chúng ta đã được rồi, Phật pháp khó nghe nay đã nghe rồi. Vậy ngay thân này đời này chúng ta không độ thì đợi đến khi nào mới độ? Chúng ta đã biết nỗi khổ đau sanh tử, muốn cầu giải thoát thì phải ngay lập tức phát tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Lấy một kì hạn để cầu vĩnh viễn giải thoát sanh tử, vĩnh viễn đoạn trừ khổ đau. Nếu không như vậy thì chúng ta phải đi trong cảnh đêm dài luân hồi, trong biển sanh tử bất tận thì thật oan uổng vô cùng!.

Đại sư Bân Tông giảng
Tuệ Nhạc ghi chép
Thanh Quang chuyển ngữ

Bài pháp này Đại sư giảng tại Tịnh xá Đàm Vân vào ngày 30 tháng 12 năm Dân Quốc thứ 46 (1957)