Đại đàn chẩn tế Tây Nguyên

Thế là Đại trai đàn chẩn tế năm tỉnh cao nguyên và năm tinh duyên hải trung phần kết thúc khá tốt đẹp.

Hơn 4 tháng phát động, một trai đàn do một cư sĩ đề xướng, Đại Đức Quang Hạnh, ĐĐ Minh Thọ, ĐĐ Lệ Hưng, ĐĐ Minh Khương đích thân liên kết Ban Trị Sư năm tỉnh Tây nguyên đồng đứng đơn xin tổ chức. Đáng ra Đại lễ được diễn ra tháng 11 âm lịch năm Tân Sửu, nhưng thời gian quá cận, vả lại theo đề nghị của TT T.Thanh Phong, nên chọn ngày 15/3, ngày kỷ niệm Giải phóng Tây nguyên, tổ chức có ý nghĩa hơn.

Khởi đầu một đại đàn với tầm vóc toàn bộ miền trung Nam bộ như thế, kinh phí chưa có, nhân sự không đồng bộ, không có một cuộc họp sơ bộ cho năm BTS Tây nguyên và năm BTS duyên hải trung Việt. Không có một HT hay một vị có kinh nghiệm trong việc lập đàn, hướng dẫn. Không tới một tuần đến ngày khai đàn, thầy Quang Hạnh tuy tuổi trẻ, nhờ tính hoạt bát, lịch thiệp, đã được anh chị em Tăng ni sinh đồng khóa, quý huynh đệ trẻ hợp lực, nhóm Hoằng pháp thiện nguyện của thầy Minh Khương, các phật tử thân thiện, mỗi người một tay tạo cho buổi lễ thật hoành tráng. Các cụ ông cụ bà địa phương khuân vác, chính quyền cho xe ủi dọn sạch khu vực rừng, cho mượn các nhà bạt; nhà dù; các ban ngành yểm trợ những gì có thể, điện lực chu cấp điện ba pha. Chùa Vạn Phước cho một thầy trẻ đệ tử HT Minh Tâm vào thiết đàn, thoáng nhìn qua, ai cũng ngờ khả năng của tu sĩ đó; thầy đến bằng hai bàn tay không, tại chùa tháp Kỳ Quang xã Dakmar, huyện Dakha, Kon tum không có một cái gì để thiết lập đàn chẩn, ngay cả các thánh tượng cũng không có, thế mà, chỉ cần ba hôm thôi, mọi sự đã hoàn chỉnh với công sức quý thầy cô, quý Phật tử, các cấp chính quyền hổ trợ, mọi người vui vẻ nhiệt tình. Ông chủ tịch xã túc trực ngày đêm tại chỗ để đôn đốc nhân viên. Ông chủ tịch Huyện sáng chiều đến tận nơi quan sát giúp đỡ những điều cần thiết. Đồng bào ở thị xã và những vùng xa gần 30km cũng thường xuyên góp tay tham gia vào các tiểu ban. Anh em Gia Đình Phật tử Daknong, Kontum đắc lực trong việc trật tự, văn nghệ…Nhóm Bố Đại Hòa Thượng do anh Tâm Hải,anh Lợi, anh Nghinh, anh Tâm phụ trách cũng tham gia. Anh Sĩ, anh Hà, nhà thơ Trần Dzạ Lữ Kiều từ Daknong,Daklak cũng có mặt mấy hôm trước. Nhạc sĩ võ ngọc Toản hướng dẫn các em trong Câu lạc bộ thanh thiếu niên chùa tháp Kỳ Quang để trình diễn cho ngày lễ. Mọi người đều hồ hởi, vì đây là lần đầu tiên núi rừng Tây nguyên có lễ hội văn hóa tôn giáo tầm vóc vùng Trung bộ.

Những tiểu tốp đó, kết thành đêm văn nghệ lửa trại gồm 500 đồng bào sắc tộc,Gia Đình Phật tử, nhóm Bố Đại HT, câu lạc bộ thanh thiếu niên chùa Kỳ Quang Dakmar… biến một góc Tây nguyên thành một đêm dậy sóng núi rừng từng ngủ quên qua bao thế kỷ.

Nhìn tổng thể, một lễ hội vừa mang tính tôn giáo, vừa có tính văn hóa xã hội hài hòa rất thành công, ngoài sự có mặt phần lớn chư tôn đức Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự v/p 2, Thành hội PG TP HCM, Ban Trị sự mười tỉnh thành, chư Tăng Ni một số nơi, một vài quan chức chính quyền TP HCM, tại địa phương còn có ông chủ tịch Tỉnh Kontum, chủ tịch huyện Dakha, một số quan chức khác.

Khi nhận được danh sách thành phần Ban Tổ chức, ông chủ tịch huyện thắc mắc, từ đầu khởi xướng cho đến hoàn thành đàn tràng đều do thầy Quang Hạnh năng động, thế mà văn bản toàn những nhân vật mà ông ta chưa hề nghe tiếng, chưa từng thấy mặt tại địa phương. Từ trưởng BTC đến phó Ban, chỉ có HT Quảng Xã Trưởng BTS Kon tum là ông ta biết mặt. Đối với tinh thần Phật giáo, danh xưng không quan trọng, quan trọng là mình làm được gì cho cộng đồng hay không. Sự thành công của buổi lễ, ngoài sự nhiệt tình của quần chúng địa phương, ngoài sự hổ trợ của chính quyền Huyện, ngoài hợp pháp hóa từ Giáo Hội TW, tất cả phải nói đến công lao to lới của quý tu sĩ trẻ, quý Phật tử vô danh âm thầm đóng góp. Hình thức đại lễ nói lên sự thành công ngoài dự đoán. Tinh thần Đại đàn cũng đáp ứng được sự mong cầu của tín ngưỡng quần chúng. Trong nhà bạt dưới sức nóng trên 35 độ, thế mà ban kinh sư, do thầy Phước Trí chủ sám, y áo dầy cộm phải ngồi đàn chẩn suốt 5giờ liền. Trên năm ngàn người tham dự trong khu đất ba hecta cứ như chật hẹp, nắng và bụi thế mà ai cũng vui.

Một thất vọng nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đối với tinh thần bạt độ bình đẳng đúng theo tinh thần Phật giáo, trong nghi lễ hành chánh, hai tinh thần trái ngược nhau, đã làm một số quần chúng trí thức phải thốt: bỏ công việc, mất thời gian, tốn tiền bạc,vượt 700km đến để nghe những diễn văn sặc mùi thù hận từ cửa miệng của các chức sắc Phât giáo trung ương.Trong khi đó, đại diện chính quyền Kontum, ông chủ tịch Huyện lại có những lời lẽ quá ư hòa hợp, không hề nhắc đến đau thương và hận thù. Ta hãy nghe một đoạn trong diễn văn khai mạc của BTC Đại lễ Cầu siêu do HT Thiện Nhơn, V/P 2 đọc:

……Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng tỉnh Kontum, và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, tỉnh Kontum nói riêng, các tỉnh Tây nguyên nói chung đều tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của dân tộc như: 80 năm ngày thành lập Đảng, 35 năm giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, 120 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh. 1.000 năm Thăng Long Hà nội, Đại Hội Đảng các cấp hướng tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Đẩy mạnh tuyên truyền vận động” Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động” Người VN ưu tiên dùng hàng VN”…

Đọc đoạn văn trên đây tưởng chừng một cán bộ chính trị lợi dụng diễn đàn Phật giáo để nhắc nhở tu sĩ về quan điểm, chính sách nhà nước, kỷ niệm ngày thành lập Đảng, đại hội Đảng.!!!. Một trai đàn chẩn tế bạt độ lại kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, ( cũng rất may không đưa lên khẩu hiệu Hàng VN chất lượng cao);

Đạo từ của Trung ương càng nặng mùi tử khí hơn: …Trong hai cuộc kháng chiến,thống nhất tổ quốc, các dân tộc Tây Nguyên đã cùng các chiến sĩ giải phóng quân sát cánh bên nhau trong chiến hào để bảo vệ từng tấc đất, ngọn rau của Tây Nguyên.

Như chúng ta biết, vùng đất Tây Nguyên có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự đối với thế lực xâm lược và chính quyền SG, nhất là tài nguyên khoáng sản dồi dào, cho nên họ luôn luôn tìm mọi cách để thôn tính Tây Nguyên.

Ngược dòng thời gian, khi thực dân Pháp và sau nầy là đế quốc Mỹ hoàn tất việc xâm lược VN, đồng bào 5 tỉnh Tây nguyên đã cùng nhau kiên cường, bất khuất đấu tranh với kẻ thù chung vì độc lập, tự do của tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em Tây Nguyên đã tạo thêm sức mạnh để lập nên những chiến công hiển hách, những kỳ tích lịch sử để giải phóng quê hương, giành độc lập cho tổ quốc….

Kính thưa quý liệt vị,

Đại lễ tưởng niệm và cầu siêu bạt độ cho anh linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn hôm nay, là một trong những dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng nhau thực hiện một truyền thống tốt đẹp của Đạo Phật, của dân tộc về sự biết ơn và nhớ ơn đối với sự kiên trung, anh dũng hy sinh của các chiến sĩ giải phóng quân, những người con ưu tú của đất nước đã nằm xuống cho sự vẹn toàn Tổ quốc, cho sự bình yên của vùng đất Tây Nguyên.

Kỷ niệm 35 năm giải phóng Tây nguyên đã gợi lại trong ký ức nhân dân VN và đồng bào các dân tộc Tây nguyên về một chiến công hiển hách, thần kỳ và thần tốc của các chiến sĩ Giải phóng quân, nên chỉ trong 4 ngày đêm chiến đấu, Buôn mê Thuộc được giải phóng, tiếp theo toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên được giải phóng hoàn toàn, buộc quân đội viễn chinh Mỹ và SG phải tháo chạy về miền xuôi.. Kết quả cuối cùng là 50 ngày sau, chính quyền SG đã sụp đổ, sự nghiệp giải phóng miền Nam,thống nhất tổ quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn, Nam Bắc chung một bóng cờ, giang sơn VN nối liền một dãy…..

Một diễn văn gọi là Đạo từ, chẳng có chút gì tâm Từ của Đạo. Người viết không nắm vững giai đoạn chiến sử: lúc chuẩn bị kết thúc cuộc chiến, Mỹ đã rút quân, giao lại cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu Việt Nam hóa chiến tranh làm gì có việc buộc quân đội viễn chinh Mỹ phải tháo chạy về miền xuôi trong 4 ngày giải phóng Tây nguyên. Vả lại cuộc chiến diễn ra trên toàn bộ miền Nam chứ đâu chỉ riêng Tây nguyên mà gọi là: Tài nguyên khoáng sản dồi dào cho nên họ luôn luôn tìm mọi cách để thôn tính Tây Nguyên.

Sau ngày thống nhất tổ quốc, tinh thần hòa giải hòa hợp được đề cao, hà cớ đã hơn một phần tư thế kỷ, đất nước đang hội nhập thế giới mà cứ nhắc lại những khẩu hiệu khích động trong thời chiến bằng những ngôn từ vẹt của một chính trị viên nói về chiến sử của mình!!! Một trai đàn bạt độ theo tinh thần bình đẳng của nhà Phật, không phân biệt thân thù, sao lại phân biệt chính kiến và giới tuyến. Người nằm xuống không ai có tội vì ai ở trong hoàn cảnh nào phải theo hoàn cảnh đó!

Trái lại, chủ tịch huyện, ông Phạm Đức Hạnh thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh phát biểu: Kính thưa quý vị,

Việc tổ chức đại lễ “Uống nước nhớ nguồn, Đại trai đàn kỳ siêu bạt độ anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải trung bộ” là một hoạt động thể hiện những giá trị đạo đức nhân ái của Phật giáo Việt Nam, luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Truyền thống ấy đã và đang được nhân rộng, phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vun đắp cho khối đoàn kết, trách nhiệm giữa” việc đời- việc đạo”ngày càng đơm hoa kết trái. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dakha quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng danh anh hùng lao động ngày càng đổi mới…..

Chuyên trái khuấy, cán bộ nhà nước lại đề cao tinh thần nhân ái và trách nhiệm của Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong đại đàn kỳ siêu thì cán bộ Phật giáo trung ương lại đề cao những khẩu hiệu thời thượng để phân biệt kỳ thị các vong linh quá cố. Bình đẳng giải oan như thế sao??? Phật giáo đã từng đứng ngoài vòng danh lợi, đứng lên trên mọi tranh chấp đúng sai phải quấy, vượt khỏi sự cám dỗ địa vị mới đủ tâm từ ban rãi một cách khách quan đến mọi sinh linh. Còn bỉ thử, thân thù là tâm còn hẹp hòi làm sao đứng ở vị trí thầy của Trời người? Đáng ra, những quá khứ không đẹp, đừng nên nhắc lại.

Chắc chắn nhà nước không cần quý thầy nói vuốt đuôi cho vừa lòng họ mà hành xử không đẹp cho xã hội. Đất nước cần một Phật giáo khách quan, một tu sĩ chân chánh trung thực và một giáo hội tự chủ năng động để làm gương và nơi nương tựa cho quần chúng. Làm đẹp cho xã hội bằng giới đức. Bất cứ tu sĩ của một tôn giáo nào, không làm thầy thiên hạ thì cũng không thể làm tớ cho bất cứ ai, nếu làm tôi tớ thì là tôi tớ cho mọi chúng sanh chứ không riêng một lãnh vực nào, phạm vi hẹp, có thể làm tôi cho dân tộc, cho đất nước mà thôi. Một sĩ phu Nho giáo còn thẳng lưng chả lẽ tu sĩ Phật giáo lại cong mình vì địa vị chức danh?

Tuy một văn bản bằng những con chữ vô nghĩa, nhưng nó chuyển tải nhiều ý nghĩa đến với quần chúng. Quần chúng tham dự lễ tuy là tín đồ hay không tin đồ, họ đều biết nhận xét và có công tâm. Ngay cả một cán bộ trung chuyên, chắc gì họ không nhột nhạt trước những lời bợ đỡ rẽ tiền? ngược lại, đôi khi lời trung thực mất lòng vẫn tạo sự thích thú kiêng nể nơi họ. Trong cuộc sống cần có sự bình đẵng tuy vị trí có khác nhau. Bình đẵng nói lên trình độ hiểu biết, tính trung thực và tương kính. Khom lưng cúi đầu nói lên tính nịnh bợ, hèn nhác, thiếu tự trọng, không trung thực, che đây sự gian trá nham hiểm.

Kỳ siêu bạt độ, vừa chẩn thí vật thực, vừa pháp thí kinh văn, vừa chú nguyện thần lực Tam bảo gia trì một cách bình đẵng cho mọi oan khiêng uẩn khúc nơi vong linh, có như thế, mới nâng mọi linh thức lên một giai tầng bình đẵng, khai thị cho họ biết tính tham chấp phân biệt mang theo khi mãn phần là nguyên nhân của đọa lạc. Cho dù không là sám chủ hay hộ đàn, một vị chứng minh trong chẩn đàn còn có tâm phân biệt cũng làm trở ngại và vô hiệu hóa đại lễ. Hy vọng những lời Đạo từ, những lời khai mạc của chư tôn đức sẽ không lọt vào tai các anh linh, có lẽ phẩm vật và kinh kệ đối với họ quan trọng hơn những diễn từ hoa mỹ đó.

Một thiếu sót không kém phần quan trọng và khó hiểu, các BTS 9 tỉnh còn lại không hề rước linh, triệu linh tại địa phương mình về nhập đàn thính pháp. Phật tử và đơn vị GĐPT các tỉnh cũng không được thông báo quy tụ góp phần thêm khởi sắc.Có lẽ lần đầu tiên tổ chức với thời gian quá ngắn và chưa có cuộc họp thống nhất từ các BTS, tuy các BTS đồng đứng tên nhưng mọi sự do thầy Quang Hạnh và chư huynh đệ thực hiện, ngân khoản tài trợ không rõ ràng, nhân sự thiếu đồng bộ chuyên nghiệp, nhưng bù lại có sự yểm trợ tối đa của địa phương, được quần chúng nhiệt tâm công quả và huynh đệ đoàn kết nên Đại Đàn hoành tráng và thành công đủ lấp những khiếm khuyết đã nêu. Cầu chư linh siêu thoát và Tây Nguyên ngày một sáng sủa, phát triển.

Minh Mẫn

Theo minhmancusi.blog