Tìm hiểu về nghiệp

http://dcuong.files.wordpress.com/2009/06/sen11.jpg
Chúng sanh vì nghiệp lực dẫn dắt mà trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, nhận lấy kiếp sống không sao tính kể. Dù sinh vào cảnh giới nào, cao hay thấp, tốt hay xấu, vui vẻ hay khổ đau thì đó cũng là quả báo do nghiệp của họ chiêu cảm tạo thành. Cho đến, muôn sai ngàn biệt của thế gian đều là sự thể hiện của nghiệp, như luận Câu-xá nói: “Thế gian do nghiệp sanh”[1]. Kinh cũng nói: “Chúng sanh chính là kẻ thừa tự những hành vi (nghiệp) nó đã làm trong quá khứ”.

Nghiệp, như thế, rõ ràng là không đơn giản và hơn thế nữa, nó còn được tam tạng Kinh điển nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Chính vì lí do ấy cho nên việc học tập giáo lý về nghiệp là rất cần thiết để ý thức và kiểm soát các hành vi của chúng ta, ngõ hầu sống đúng với đạo giải thoát.

Nghiệp, tiếng Phạn là karma, người Trung Hoa phiên âm là yết-ma, là năng lực dẫn sinh quả báo được hình thành do những hành động có ý thức; ở một chừng mực nào đó, nghiệp được đồng nhất với hành vi. Trong truyền thống tư tưởng của Trung Hoa và nước ta, khái niệm Nghiệp này vốn không có, mãi đến khi Phật giáo được truyền vào thì các nhà học Phật mới mượn chữ “nghiệp” trong khái niệm “nghiệp vụ, sự nghiệp” để dịch chữ “karma” mà hình thành. Karma (Pali: kamma) là một khái niệm rất thịnh hành của tư tưởng Ấn Độ và xuất hiện rất sớm trong các Thánh thư Vệ-đà và phi Vệ-đà,[2] nó gắn liền với một ngã thể (atman), tuy nhiên ý nghĩa của nó không giống nhau. Đến khi đức Phật xuất hiện, với giáo lý vô ngã, Ngài đã sử dụng khái niệm này với một nội dung hoàn toàn khác và đó là cái mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng.

Trong kinh luận, nghiệp thường được nói đến với nhiều hình thái khác nhau. Để làm rõ khái niệm này, dưới đây xin trình bày một số cách phân loại, mà chủ yếu là của Luận tạng.

Theo luận Câu-xá, xét về thể tánh của nghiệp thì có tư nghiệptư dĩ nghiệp. Mọi hành động của chúng ta đều bắt đầu bởi hoạt động của tư tâm sở. Khi hành động mới được suy tư tính toán, chỉ tồn tại ở dạng xung động thì gọi là tư nghiệp; một khi xung động ấy được thể hiện ra bên ngoài thành cử chỉ, lời nói qua trung gian của thân, miệng thì gọi là tư dĩ nghiệp. Đại thừa Phật giáo chia hoạt động của thành ba giai đoạn: thẩm lự tư: giai đoạn tính toán, quyết định tư: giai đoạn quyết tâm làm hay không, và phát động thắng tư: giai đoạn suy tư chuyển thành hành động (cử chỉ, lời nói). Thẩm lự tư và quyết định tư thuộc về tư nghiệp, phát động tư thuộc về tư dĩ nghiệp.[3]

Tùy theo cơ quan tạo tác mà có thân nghiệp, khẩu nghiệpý nghiệp. Ý nghiệp là hoạt động của tâm, mà cụ thể là tâm sở tư ở giai đoạn thẩm lự và quyết định, cũng chính là tư nghiệp. Tâm sở tư vào giai đoạn phát động (tư dĩ nghiệp) sẽ dẫn khởi hoạt động của thân và miệng tạo thành thân nghiệp và khẩu nghiệp. Thành thật luận, phẩm Nghiệp Tướng nói: “Nghiệp có ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Những gì do thân tạo tác gọi là thân nghiệp...; tích tập thiện ác do lời nói gọi là khẩu nghiệp...; tâm quyết định giết hại chúng sanh lúc ấy tích tập thiện ác gọi là ý nghiệp”.[4] Xét theo khía cạnh biểu hiện ra bên ngoài hay không biểu hiện ra bên ngoài mà chia thành biểu nghiệpvô biểu nghiệp. Xung động của tâm biểu hiện ra bên ngoài tạo thành thân nghiệp, có lúc biểu thị rõ ràng, có lúc không biểu thị rõ ràng. Biểu thị ra bên ngoài rõ ràng khiến người khác nhận thấy được gọi là thân biểu nghiệp; không biểu thị rõ ràng ra bên ngoài thì gọi là thân vô biểu nghiệp. Ngữ nghiệp cũng có hai loại ngữ biểu nghiệpngữ vô biểu nghiệp như vậy. Ý nghiệp thuộc tâm pháp, không thuộc sắc nên không có biểu và vô biểu. Tuy nhiên, Thành thật luận, phẩm Vô Tác nói rằng ý nghiệp có vô biểu (vô tác).[5]

Xét về tính chất, hành vi được chia thành ba tính: thiện, ác, vô ký (không thiện không ác) do đó mà có thiện nghiệp, ác nghiệp, và vô ký nghiệp. Trong đó, chỉ có thiện, ác mới có năng lực dẫn sanh quả báo trong các cõi.

Lại nữa, thiện ác tuy nhiều nhưng đều phát sanh từ ba nghiệp thân, khẩu, ý. Kết hợp thân, khẩu, ý với hai tính thiện, ác tạo thành mười thiện nghiệp đạo và vô ái nhiễm đạo, gọi chung là mười nghiệp đạo. Trong đó ba chi đầu thuộc về thân, bốn chi tiếp theo thuộc về khẩu, ba chi còn lại thuộc về ý. Trước nói 10 ác nghiệp đạo, đó là: 1-sát sanh; 2-trộm cắp; 3-tà hạnh; 4-nói dối; 5-nói hai lưỡi; 6-nói thô ác; 7-nói thêu dệt; 8-tham dục; 9-sân hận; 10-tà kiến. Mười thiện nghiệp đạo là từ bỏ mười ác nghiệp đạo trên.[6]

Như trên đã nói về biểu nghiệp và vô biểu nghiệp, vô biểu nghiệp chính là năng lực tiềm tại khiến cho biểu nghiệp được hình thành. Vô biểu nghiệp phối hợp với tính thiện, ác, vô ký tạo thành 3 môn vô biểu như sau:

Luật nghi vô biểu: là vô biểu thuộc thiện. Gồm có ba: 1- Biệt giải thoát luật nghi vô biểu: là vô biểu thiện có được do thọ trì giới. 2- Tịnh lự luật nghi vô biểu: là vô biểu thiện có được trong khi nhập định. 3- Vô lậu luật nghi vô biểu: là vô biểu thiện phát sinh khi có tâm vô lậu (tâm không nhiễm ô). Ba loại vô biểu này chính là năng lực hộ trì giới, bảo vệ đời sống thanh tịnh.

Bất luật nghi vô biểu: là khả năng làm ác tiềm tại trong tâm, khả năng này hình thành do bởi huân tập hành vi ác hoặc lời thề làm ác.

Phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu: tức là loại vô biểu thuộc về vô ký, không thiện không ác.

Ở trong ba cõi, tùy theo tính khả ái và không khả ái của quả lãnh thọ mà chia làm 3 loại nghiệp: phước nghiệp, phi phước nghiệp, và bất động nghiệp. Ở cõi Dục, thiện nghiệp chiêu cảm quả báo khả ái ở loài hữu tình gọi là phước nghiệp; ác nghiệp chiêu cảm quả báo xấu (không khả ái) gọi là phi phước nghiệp. Thiện nghiệp chiêu cảm quả báo ở hai cõi sắc và vô sắc gọi là bất động nghiệp.

Căn cứ trên ba thọ lạc, khổ và xả, nghiệp được chia thành thuận lạc thọ nghiệp: nghiệp dẫn tới quả báo lạc ở dục giới, sơ thiền, nhị thiền và tam thiền; thuận khổ thọ nghiệp: nghiệp ác dẫn tới quả báo khổ ở cõi dục; và thuận bất khổ bất lạc thọ nghiệp: nghiệp thiện dẫn tới quả báo bất lạc bất khổ ở cõi Tứ thiền trở lên trời Hữu Đảnh.

Theo thời gian thọ lãnh quả báo, ba loại thuận thọ trên mỗi loại đều có định và bất định. Câu-xá luận nói: “Thuận lạc thọ... được nói ở trên, mỗi loại đều có định và bất định sai khác. Thời gian thọ báo không nhất định nên gọi là bất định nghiệp. Định lại có 3: 1-Thuận hiện pháp thọ nghiệp, 2- Thuận thứ sanh thọ nghiệp, 3- Thuận hậu thứ thọ nghiệp. Ba loại định nghiệp này cùng với bất định nói trên tổng cộng thành 4 loại”[7]. Hình tướng 3 loại định nghiệp này như thế nào? Luận Tỳ-bà-sa, quyển 114 nói: “Nếu nghiệp tạo tác trong đời này tăng trưởng, ngay đời này thọ quả dị thục, gọi là thuận hiện pháp thọ nghiệp... Nếu nghiệp tạo tác trong đời này tăng trưởng, đời kế tiếp thọ quả dị thục, gọi là thuận thứ sanh thọ nghiệp... Nếu nghiệp tạo tác trong đời này tăng trưởng, đến đời thứ ba, đời thứ tư, hoặc những đời sau nữa mới lãnh thọ quả dị thục, gọi là thuận hậu thứ thọ nghiệp”.[8] Ba loại định nghiệp này dẫn sinh 3 loại quả báo tương đương: hiện báo, sanh báo và hậu báo.

Tùy theo nghiệp tương ưng với thân thọ hay tâm thọ mà phân thành thân thọ nghiệptâm thọ nghiệp. Tâm thọ nghiệp là nghiệp chiêu cảm quả dị thục do tâm lãnh thọ, đó là nghiệp thiện không có tâm sở tầm của loài hữu tình từ định Trung gian (giữa Sơ thiền và Nhị thiền) lên đến trời Hữu đảnh (Sắc Cứu Cánh Thiên). Thân thọ nghiệp chiêu cảm quả dị thục do thân lãnh thọ chứ không do tâm lãnh thọ, là nghiệp ác ở Dục giới.

Luận Câu-xá lại nói rằng thân khẩu ý mỗi cái đều có 3 pháp chướng đạo là khúc, uế và trược do 3 phiền não siểm, sân và tham gây nên. Do nơi tâm siểm mà khởi lên thân, khẩu, ý nghiệp gọi là khúc nghiệp; do sân khởi lên thân, khẩu, ý nghiệp gọi là uế nghiệp; do nơi tham khởi lên thân, khẩu, ý nghiệp gọi là trược nghiệp.

Dựa theo các loại tính chất khác nhau của nghiệp và quả, Kinh luận nói có 4 loại nghiệp: hắc hắc nghiệp, bạch bạch nghiệp, hắc bạch hắc bạch nghiệpphi hắc phi bạch nghiệp. Các loại ác nghiệp vì tính chất nhiễm ô nên gọi là hắc, quả dị thục của nó cũng gọi là hắc bởi vì nó gây ra sự không ưng ý, nghiệp đó gọi là hắc hắc nghiệp và chỉ giới hạn ở dục giới. Nghiệp thiện ở Sắc giới vì không tạp lẫn ác nên gọi là bạch, quả của nó cũng được gọi là bạch vì tính chất dễ chịu, đó là bạch bạch nghiệp. Ở Dục giới, thiện nghiệp thường bị ác xen tạp nên gọi là hắc bạch, quả của nó cũng xen tạp quả xấu nên cũng gọi là hắc bạch, đó gọi là hắc bạch hắc bạch nghiệp. Các nghiệp vô lậu có năng lực đoạn trừ vĩnh viễn 3 loại nghiệp đã kể, vì tính chất không nhiễm ô nên gọi là phi hắc; hơn nữa, nó không chiêu cảm quả bạch (quả thiện hữu lậu) nên cũng gọi là phi bạch; do đó gọi là phi hắc phi bạch nghiệp.[9]

Ba nghiệp mâu-ni: Bậc Vô học vì ý (tâm) xa lìa phiền não; mọi hoạt động của thân, khẩu, ý đều tịch tĩnh cho nên gọi là thân, ngữ, ý mâu-ni. Mâu-ni nghĩa là tịch mặc, không dấy động phiền não. Hoạt động của các loại chúng sanh thấp kém cho đến hàng Hữu học luôn luôn bị phiền não chi phối, móng tâm động niệm đều là tạo nghiệp sanh tử cho nên gọi là thân, khẩu, ý nghiệp. Bậc Thánh Vô học thì không như vậy, mọi hoạt động đều hợp với pháp tánh, tịch tĩnh không nhiễm trước cho nên thân hoạt động thì gọi là thân mâu-ni, miệng hoạt động thì gọi là ngữ mâu-ni, ý hoạt động thì gọi là ý mâu-ni. Lại nữa, do tạm thời và vĩnh viễn xa lìa các pháp ô nhiễm cho nên mọi hoạt động của bậc Thánh vô học đều trở thành diệu hạnh; ba diệu hạnh thân, ngữ, ý được gọi là ba thanh tịnh: thân thanh tịnh, ngữ thanh tịnhý thanh tịnh. Mâu-ni là thể, thanh tịnh là tướng, diệu hạnh là dụng.

Ba diệu hạnhba ác hạnh: Ba diệu hạnh là tất cả các thiện hạnh (thiện nghiệp) thuộc về thân, khẩu, ý của phàm phu và thánh giả. Câu-xá-luận-ký, quyển 16 nói: “Chánh cảm quả báo tốt đẹp, được người trí khen ngợi cho nên gọi là diệu; vận động chuyển đổi liền đem lại lợi ích nên gọi là hạnh”.[10] Trái với ba diệu hạnh là ba ác hạnh. Mọi ác nghiệp của thân, khẩu, ý được gọi là ba ác hạnh: thân ác hạnh, ngữ ác hạnh, và ý ác hạnh. Riêng ý ác hạnh bao gồm cả 3 phiền não tham, sân và tà kiến chứ không phải chỉ có ý nghiệp, vì ba phiền não này có tự thể riêng biệt đối với tâm sở (ý nghiệp).[11] Tuy nhiên, có chỗ nói rằng tham, sân và tà kiến chính là ý ác hạnh như các luận sư thuộc Thí dụ bộ (Kinh lượng bộ).

Tùy theo nghiệp lực chiêu cảm quả báo dưới dạng tổng thể hay chi tiết mà kinh luận nói đến 2 loại nghiệp: dẫn nghiệpmãn nghiệp. Nghiệp có năng lực dẫn sinh các loài chúng sinh trong các nẻo luân hồi gọi là dẫn nghiệp, còn gọi là tổng báo nghiệp bởi nó dẫn sinh quả báo tổng thể của bộ loại. Nghiệp có năng lực hoàn thiện các chi tiết của tổng báo, tạo thành sự khác biệt như xấu đẹp, cao thấp... trong mỗi bộ loại gọi là mãn nghiệp, còn gọi là biệt báo nghiệp. Như nghệ nhân, trước tiên tạo lập kiểu dáng của cái cần vẽ sau đó mới đi vào các họa tiết; dẫn nghiệp chiêu cảm quả báo ở dạng bộ loại chung chung, như loài người thì có dáng vẻ hai tay, hai chân, đầu, mặt, mắt, mũi...; căn cứ trên tổng báo căn bản đó, mãn nghiệp tạo nên những nét riêng biệt giữa những con người với nhau, như có người thì cao, có người thì thấp...

Ngoài ra, phái Tân thượng tọa bộ, đại diện là ngài Phật Âm (Buddhaghosa), còn căn cứ trên 3 bình diện: thời gian, hành tướng và quả báo nặng nhẹ mà chia thành 12 loại nghiệp như sau:

Chia theo thời gian: có 4 loại nghiệp: 1- Cấp hiệu nghiệp: là loại nghiệp chiêu cảm quả báo trong đời này nhưng nếu bị tha lực cản trở thì không còn hiệu lực nữa. 2- Hoãn hiệu nghiệp: là loại nghiệp chiêu cảm quả báo trong đời kế tiếp nhưng nếu gặp trở duyên mà không hiện hành thì vĩnh viễn không còn hiệu lực. 3- Vô định kỳ hiệu nghiệp: là loại nghiệp nhất định sẽ chiêu cảm quả báo vào thời điểm bất kỳ trong tương lai, trừ phi người tạo nghiệp chứng đắc Niết-bàn trước thời điểm thọ báo. 4- Bất hiệu nghiệp: còn gọi là dĩ hữu nghiệp, là nghiệp bị tiêu do bản thân nó yếu hoặc bị nghiệp khác mạnh hơn lấn át.

Theo tướng trạng hoạt động, nghiệp được chia thành 4 loại như sau: 1- Năng sanh nghiệp: là năng lực tiềm ẩn khiến cho “tưởng” phát khởi, đó cũng chính là hoạt động của “Hữu” trong 12 chi phần duyên khởi. Nghiệp này tiềm ẩn, chờ trợ lực bên ngoài mà phát thành hiện hành hoặc không. 2- Năng trì nghiệp: là nghiệp lực duy trì sự tồn tại của năng sanh nghiệp nói trên. 3- Năng tiêu nghiệp: là nghiệp có năng lực khiến cho 2 loại nghiệp trên không hiện hành. 4- Năng hủy nghiệp: nghiệp này mạnh hơn cả năng tiêu nghiệp, nó có khả năng nhổ tận gốc rễ của các loại nghiệp đang hiện hành hoặc sẽ hiện hành.

Căn cứ trên quả báo, có 4 loại: 1- Cực trọng nghiệp: là nghiệp có năng lực rất mạnh, có khả năng lấn át các nghiệp khác, bao gồm cả thiện hoặc ác. Nhưng bất luận là thiện hay ác, nó có thể hoặc là năng sanh nghiệp, hoặc là năng trì nghiệp, hoặc là năng tiêu nghiệp, hoặc là năng hủy nghiệp. 2- Cận tử nghiệp: là chỉ nghiệp lực được hình thành ngay trước lúc một chúng sanh nào đó chết. Nếu chúng sanh ấy không có cực trọng nghiệp để quyết định con đường tái sanh thì cận tử nghiệp sẽ làm nhiệm vụ như dẫn nghiệp để chiêu cảm quả báo đời sau. Tư tưởng niệm Phật vãng sanh chủ yếu dựa trên quan niệm này. 3- Tập quán nghiệp: là nghiệp được hình thành do tập quán hành động, suy tư; lúc gần chết, nghiệp này có thể chuyển thành cận tử nghiệp để tái sanh. 4- Tích lũy nghiệp: là nghiệp được tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp, chỉ chờ hội đủ duyên là biểu hiện, nó có thể trở thành tập quán nghiệp hoặc cận tử nghiệp. Du-già-tông nói nghiệp là dị thục thức (thức a-lại-da) là vì vậy, bởi vì thức a-lại-da huân tập chủng tử từ vô thủy trở lại, chỉ chờ cơ hội để phát thành hiện hành (phát triển thành quả).

Ngoài ra, Du-già-tông còn dựa trên năng lực biến tợ của tâm (năng lực biến thành cảnh tượng tương tợ, tức là căn thân và thế giới) mà chia thành cộng nghiệpbiệt nghiệp (bất cộng nghiệp). Cộng nghiệp là nghiệp dẫn đến quả báo chung mà mọi người cùng nhận lãnh, nó tương đương với cộng biến, như mọi người cùng sinh ra trên cùng một lãnh thổ thì phải nhận lãnh những điều kiện xã hội, tự nhiên như nhau. Tuy vậy, trong cùng một môi trường như nhau ấy vẫn có những sự khác biệt, như trong làng chài lại có người không làm nghề đánh bắt cá mà đi buôn, đó gọi là biệt nghiệp, tương đương với tự biến. Luận nói: “Thế nào là cộng nghiệp? Nếu nghiệp tạo ra khí thế gian với các thứ sai biệt gọi là cộng nghiệp. Bất cộng nghiệp là gì? Nếu nghiệp khiến tạo ra hữu tình thế gian với các loại sai biệt gọi là bất cộng nghiệp”.[12] Như thế, y báo (thế giới vật chất) được hình thành do cộng nghiệp của các loài hữu tình, còn thế giới chánh báo (nói rộng là mỗi cá nhân, nói hẹp là tâm thức của mỗi cá nhân trong thế giới này) là do biệt nghiệp chiêu cảm thành. Tuy phân chia thành 2 loại như vậy nhưng thực chất cộng nghiệp và biệt nghiệp vẫn thường đan xen với nhau tạo thành sự phồn tạp của thế giới.

Trên là những loại nghiệp mà kinh luận đề cập đến, tùy theo cách nhìn mà có nhiều cách phân loại khác nhau. Nghiệp tuy nhiều nhưng có thể nói gọn không ngoài nghiệp thiện ác của thân, miệng và ý, cụ thể là sự thực hành 10 nghiệp đạo như đã nói.

Nghiệp là năng lực tiềm tại được hình thành do hành vi của mỗi cá nhân và chính là năng lực dẫn thần thức đi tái sanh. Với giáo lý nghiệp ấy, đức Phật đã thật sự đưa con người ra khỏi vòng kiềm tỏa của thế giới vong thân mà ở đấy chỉ có quyền năng của đấng sáng tạo hoặc dòng chảy thác loạn của ngẫu nhiên tính. Giờ đây, con người làm chủ lấy bản thân họ, làm chủ vị thần sáng tạo của tự thân và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.

Hướng Thiên

--------

Chú thích

[1] A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận, Phân Biệt Nghiệp Phẩm, Đại 29, trang 0067b.

[2] Theo John Bowker, tác giả cuốn Dictionary Of World Religions, thì từ “karma” xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Rig-veda (khoảng thế kỷ 13 trước Tây lịch, cổ nhất trong văn học Veda).

[3] Du-già Luận Ký, quyển 5: Đại 42, trang 0360c.

[4] Thành Thật Luận, Nghiệp Tướng Phẩm: Đại 32, số 1646, trang 0289c.

[5] Thành Thật Luận, q7, Vô Tác Phẩm: Đại 32, số 1646, trang 0290a.

[6] Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh: Đại 15, số 600, trang 158a.

[7] A-tỳ-đạt-ma-câu-xá Luận, quyển 15: Đại 29, trang 0081c.

[8] A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa Luận, q 114: Đại 27, số 1545, trang 0592b.

[9] Xem Tăng Chi Bộ Kinh, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp, HT Minh Châu dịch.

[10] Câu-xá Luận Ký, quyển 16: Đại 41, số 1821, trang 0252c.

[11] A-tỳ-đạt-ma-câu-xá Luận, quyển 16: Đại 29, trang 0084b.

[12] Đại Thừa A-tỳ-đạt-ma Tạp Tập Luận, quyển 7: Đại 31, trang 0729a. Thành Duy Thức Luận Diễn Bí: Đại 43, trang 0868a.