Phật thuyết kinh Làm Con Năm Người Mẹ

http://vzone.vn/Resources/StyleOld/2009_03_30/2213/hoa%20sen%202.jpg

Dẫn nhập
“Một vật sinh ra, cái gì đích thân cho nó cường lực, đó gọi là Nhân; cái gì thêm thắt nhược lực vào thì gọi là Duyên.” Phải chăng Đại tạng kinh Việt Nam (cảo bản) lâu nay khép mình trong tủ sách Thư viện chùa Long Sơn Nha Trang, từ khi Hòa thượng Đỗng Minh thuận thế vô thường, quay gót về Tây, cũng đang chờ thêm thắt nhược lực nào đó để khẳng định mình với nền văn hóa Phật giáo nước nhà!?

Hoài bão của Hòa thượng muốn tiếp nối sự nghiệp phiên dịch, mong mỏi sớm hoàn thành Đại tạng kinh Việt ngữ mà các bậc tiền nhân còn dang dở; công việc bắt đầu năm 1993, dưới sự chủ trương và bảo trợ của Hòa thượng Tịnh Hạnh, Hòa thượng Đỗng Minh cùng một số học trò dịch từ tập 1 đến tập 24 thuộc Đại Chánh tân tu đại tạng kinh. Một số kinh, luật đã được ấn hành, còn một số vẫn là bản thảo (cảo bản) trước và sau khi Hòa thượng “dự tri thời chí”.

Nay chúng tôi xin phép giới thiệu cùng quí Phật tử, quí độc giả một số kinh mà chúng tôi cùng Hòa thượng phiên dịch trước đây chư
a đủ duyên in ấn, cũng là tỏ tấc lòng tri ân Ân sư và chia sẻ pháp vị giải thoát của đức Thích Tôn để lại.
Kinh đầu tiên mà chúng tôi giới thiệu là Ngũ mẫu tử kinh (Kinh làm con năm người mẹ) 1 quyển, Đại Chánh quyển 14 (Kinh tập bộ nhất), số hiệu 555a, 555b (biệt bản), trang 906, 907. Kinh này có hai bản đều do Cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ thứ 3) người nước Đại Nhục Chi dịch thời Ngô. Nội dung giống nhau nhưng cách hành văn và chi tiết có khác, chúng tôi dịch bản chính (555a).

Toát yếu nội dung kinh
Kinh kể về cậu bé mới bảy tuổi, hảo tâm đạo pháp, từ giã mẹ đi xuất gia, theo một vị A-la-hán sống trong núi cầu đạo tu hành, thọ Sa-di giới. Cậu bé tinh tấn tu hành không giải đãi, đến năm tám tuổi đắc được tuệ nhãn nhìn thấy xa vô cực, tai nghe rõ khắp, thấu triệt trời đất, hành động thiện ác ở đâu đều nghe biết, đầy đủ thần thông phi hành tự tại, phân thân biến hóa, không việc gì không làm được. Và quán biết túc mạng của mình, trước đây đã từng làm con của năm người mẹ nên tự nhiên mỉm cười.

Sư phụ thấy lạ hỏi, trong núi này không có ca xướng, kỷ nhạc… không có gì vui, vậy con cười cái gì, con cười ta chăng? Cậu bé ấy trả lời, con đâu dám cười thầy. Con cười vì con nhớ đời trước đã làm con năm người mẹ. Người mẹ thứ nhất mới sanh con, qua ngày hôm sau con chết. Trong xóm có đứa bé sinh cùng ngày với con, mỗi khi bà thấy đứa kia chơi đùa thì nhớ con khóc. Người mẹ thứ hai cũng vậy, con yểu mệnh chết sớm, thấy người khác cho con bú, bà nhớ con khóc. Làm con người mẹ thứ ba, năm con lên bảy tuổi thì mất, mỗi lần ăn cơm nhớ con bà khóc. Đến người mẹ thứ tư con cũng mất sớm, thấy những đứa trẻ đồng lứa với con trưởng thành cưới vợ, bà lại nhớ con khóc thương. Bây giờ, làm con người mẹ thứ năm, con chí hướng cầu xuất gia, mẹ con duy chỉ có mình con, thương nhớ không biết con sống trong núi nóng lạnh, đói no… ra sao nên ưu buồn khóc lóc sầu thảm… Con nghĩ một mình mà làm khổ năm người mẹ nên con cười.

Lời kết

Đôi khi cô đọng lời kinh vô tình khiến cho người đọc cảm nhận, như một câu chuyện cổ tích của mẹ hiền kể con nghe giữa đêm hè gió mát… hay hiểu theo tinh thần Đại thừa: Bồ-tát hóa thân thị hiện độ đời, hoặc nghĩ rằng đó là sự khát vọng tìm cầu giác ngộ của người con Phật… Tùy theo góc độ của mỗi người hiểu đều là những bài pháp sống động, song thay lời phẩm bình nội dung ý kinh, chúng tôi xin trích nguyên văn phần cuối bản Việt dịch giúp độc giả rõ lời Phật dạy hơn:

Con một thân một vía di chuyển cùng khắp, lần lượt làm con cho năm người mẹ. Năm người này vì nhớ nghĩ thương con, nghi hoặc cố chấp nên sinh ra đau khổ khóc lóc phát cuồng. Nay con dục vọng đã hết, vì vậy con cười. Con nghĩ ở thế gian, người ta không biết chết sẽ có chỗ đầu thai, sống cùng nhau nói chết là hết. Phàm người nào khéo biết chết có chỗ đến, nên sống làm thiện thì tự hưởng phước ấy. Làm ác thì tự chịu lấy sự tai ương, không ai thoát khỏi họa phước. Ở đời khi còn sống đều làm những nghiệp ác, không điều gì sợ sệt từ nan. Sau khi chết đọa trong địa ngục lớn chịu nhiều thống khổ, ăn năn không kịp. Con nhàm chán thế gian cố từ bỏ cha mẹ vào núi tinh tấn cầu đạo. Nay con thấy súc sanh, ngạ quỉ trong địa ngục chịu nhiều thống khổ sợ hãi. Con nhờ ân Phật được nghe kinh pháp. Ngày đêm con nhớ thương năm người mẹ đó chưa giải thoát. Con đã đạt được sở nguyện không còn ưu não. Con nghĩ người thế gian lần lượt tương sanh, vui cười trong luân hồi không có ngày chấm dứt. Thân này dù trả về cho cát bụi, thần thức vẫn còn hoạt động tùy theo thiện ác không tự cứu mình được. Con được giải thoát vì đã xa lìa tham dục, đoạn tận gốc rễ ái dục. Con không trở lại với sanh tử, con buồn cho mọi người thân đã đoạn mà không chịu gieo trồng đạo nghiệp tối lạc Niết-bàn, phải chịu nhiều đau khổ triền miên.

Sa di nói với thầy rồi liền bay đi.

Phật thuyết kinh Làm Con Năm Người Mẹ.

Thích Tâm Nhãn