Con cá mở mắt

concamomatTrong Phật giáo có hai từ thường xử dụng và nhắc nhiều nhất là Nghiệp và Duyên.

Nghiệp: Là hành động, trong hành động có thiện và có ác. Làm thiện gọi thiện nghiệp, làm ác gọi là ác nghiệp. Nhưng thường thường khi dùng từ nghiệp thì có khuynh hướng là xấu, là không tốt. Như tội nghiệp, mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ. Ông đó, bà đó nghiệp còn nặng quá! Còn Duyên: Là tổ hợp những điều kiện để thành tựu một cái gì đó, một vấn đề gì đó, hàm ý tốt đẹp. Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không. Duyên ai nấy gặp. Con đó không đẹp nhưng có duyên, gia đình đó thật có duyên phước.Chữ duyên thiên về may mắn, ít có yếu tố rủi ro hoặc xấu ác bên trong.

Cách đây 30 năm Sư có người đệ tử  ở Pleiku, giọng nói trong veo như chim hót, gương mặt như nụ hồng buổi sớm, lớn lên mẹ rất sợ cô con út có chồng xa, và cô út cũng vậy, rất sợ. Cứ luôn hát:  Chồng gần không lấy đi lấy chồng xa, mai kia cha yếu mẹ già, bát cơm đôi đũa kỹ trà ai dâng”. Nhưng rồi duyên mà, ai biết được, cô có chồng tít tận Cam Ranh, chồng làm nghề biển, nên cô út phải tùy thuận theo. Chồng đánh cá và cô ngồi bán cá ở chợ. Mỗi ngày cô đều nhìn những con cá chết, cá tuy chết nhưng mắt không hề nhắm, và cô vốn là phật tử từ thuở bé xíu xiu, nên cũng có nhiều suy tư, nhiều vấn nạn. Luôn tự hỏi vì sao cá chết rồi vẫn không nhắm mắt, tự hỏi nhưng không có câu trả lời.

Tháng năm trôi qua, một con, hai con, ba con  rồi bốn con. Hạnh phúc theo tháng năm cũng mỏi mòn mệt mỏi, vô vị, chán nhau. Nhẫn lắm, nhịn lắm nhưng rồi cũng chia tay. Duyên đưa đẩy qua một nước ở Bắc Âu, lạnh giá sinh sống cùng bốn con dại. Phật luôn có trong lòng, luôn nhớ thương Phật, bởi vậy không có khóa tu  phật pháp nào ở Châu Âu mà cô út cùng với các con vắng mặt. Cô mong những đứa con của mình có được đức tin nơi Đức Phật như mình đã từng tin. Cô ươm vào ruộng tâm của các con hạt giống từ bi trí tuệ của Phật, con mà tin nhân quả tội phúc thì đời con sẽ biết cách mà sống lương thiện, sẽ thành người có ích cho xã hội. Nghiệp đưa đẩy lần nữa, và lần này cô út cũng lại làm nghề cá, khác hơn một chút là không ngồi bán như hồi ở Việt Nam, mà chỉ bỏ cá vô bì ny lon, rồi đưa qua bộ phận ướp lạnh. Một lần nữa cô út lại nhìn vào  mắt  của những con cá chết ướp lạnh, mắt cứ mở trừng trừng, không nhắm.

Cô hỏi bạn đạo vì sao như thế ? Bạn đạo  trả lời: "Có lẽ kiếp trước nó làm lắm việc ác, nên mới đọa làm cá, đã làm thân cá rồi mà chết vẫn không nhắm mắt, chắc là nghiệp nó nặng lắm !”. Cô điện về thăm Sư hỏi vì sao như thế? Sư trả lời: "Con nhớ lại thử coi mõ chùa tụng kinh hình thù con gì ?” Út chợt nhớ ra: "Hình con cá” Sư tiếp: "Cá vốn không ngủ, đêm ngày sáu thời đều thức, nhà chùa chạm mõ hình cá là mong muốn những người đệ tử Phật luôn giữ tâm chánh niệm luôn thức tỉnh trước mọi cảm dỗ xa hoa của cuộc đời, không tỉnh thức thì sẽ chết chìm liền, chết chìm trong ngũ dục: “Tiền tài, sắc dục, danh lợi. ăn uống, ngủ nghỉ ”. Có thức tỉnh, có chánh niệm, mình sẽ biết dừng lại, biết điều phối tự chế cuộc sống của chính mình, an nhiên tự tại trong dòng đời sinh diệt vô thường. Con hãy nhìn mắt cá và quán chiếu như vậy hằng ngày, có khi con chứng ngộ trước thầy cũng không biết chừng.

Pleiku, tháng giêng, canh dần – 2010

Thích Giác Tâm