Chùa Trăm gian: Nay khác với xưa?


Chùa Trăm gian (xã Tiên Phượng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), tọa lạc bên núi Trần, xung quanh bao bọc nhiều cây cổ thụ, sớm chiều trầm bổng tiếng thông reo.

Chùa là danh lam thắng cảnh độc đáo, nổi tiếng không phải chỉ ở trong nước. Bằng chứng hôm tôi đi thăm chùa gặp nhiều đoàn khách du lịch từ châu Âu, châu Phi, châu Á đến rất đông. Họ bị mê hoặc bởi cảnh quan đẹp, giàu yếu tố tâm linh. Họ đặt nhiều câu hỏi cho người hướng dẫn viên du lịch một cách hết sức cầu thị: Nào là “Tại sao chùa có tên Trăm gian?”, nào là “Đô đốc Đặng Tìến Đông là ai?”, rồi “Tại sao ông được thờ ở trong chùa”?... Nhưng rồi du khách gật gù, tán thưởng, có lẽ họ đã “ vỡ” ra nhiều điều thú vị qua cách trả lời ngắn gọn, khúc triết, có duyên của cô hướng dẫn viên


Từ trên gác chuông nhìn xuống, rất đông khách thập phương thành kính, miệng tụng kinh, tay lần tràng hạt, chân đặt lên bậc gạch xây nghiêng vững chãi, tìm về cõi Phật. Đặc sản ở chùa Trăm gian là món quà quê bình dị, rẻ, nhưng cũng có vị riêng của vùng “bán sơn địa” Quốc Oai, Sơn Tây mang đến: Chè lam được làm từ thứ nếp thơm trắng dẻo, ngào với đường phên, pha chút vị gừng cay cay lạ miệng. Kẹo vừng, kẹo dồi dân dã ngọt dịu, thơm, nhấm nháp với nước chè thì tuyệt.


Nói như nhà thơ Huy Cận: “Tôi đến thăm về lòng vấn vương”. “Vấn vương” rồi ước ao bởi đôi điều tâm huyết tự đáy lòng. Trước hết, tôi ước những bãi rác tự phát biến mất bởi nó cứ như chướng ngại vật đập vào mắt du khách khi đặt chân đến chùa. Những đống rác cao chất ngất, kéo dài, bắt đầu từ cổng chùa cho đền hồ nước rất đẹp ở chính diện chùa. Vệ sinh môi trường ở chùa Trăm gian không báo động đến mức du khách đi qua phải bịt mũi. Bãi xe ô tô trước cổng chùa xuống cấp trầm trọng, bùn lầy khi có mưa, bụi bẩn khi trời khô tạnh. Hình như hằng ngày không được quyét dọn nên lá cây úa vàng. khô héo, giấy loại, vỏ cam, vỏ bưởi, vỏ đồ hộp… cứ thoải mái phơi bày. Lại thêm các bà bán hàng tiện đâu ngồi đấy, hàng bầy ngay xuống bãi cỏ cũng chẳng có hàng lối, bạt che mưa nắng cũ, rách, phản cảm.


Gác chuông chùa Trăm gian vào loại cổ nhất còn lại, có hình chạm rồng xen lẫn mây lửa. Kiến trúc mặt bằng vuông, hai tầng tám mái, nhiều hoa đao uốn, hắt lên như một bông sen khổng lồ tỏa hương. Tại đây có một quả chuông lớn đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1894) rất điển hình cho loại chuông đồng thời Tây Sơn. Ấy vậy mà trưa hè, gác chuông là nơi tụ tập của bọn trẻ chăn trâu đến nô đùa, nghịch ngợm. Lúc nào “cái ngủ” đến thì tùy nghi ngả lưng theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa” làm mất đi nét uy nghiêm chốn chùa chiền. Có nhiều du khách thắc mắc, vào vãn cảnh chùa chỉ được đi lối cổng hậu, không được phép vào cổng chính để được từ tam quan - gác chuông đi qua 27 bậc đá lên sân chùa chiêm ngưỡng sập đá có đặt một bát hương to, rồi leo lên 7 bậc đá nữa để vào trung tâm chùa với tòa tiền đường, thiên hương và thượng điện. Đáng ra du khách vào chùa bắt đầu là tiền đường phía trước, hậu đường phía sau thưởng thức kiểu kiến trúc đóng hình chữ “quốc”, thuận hơn, tạo sự liền mạch tình cảm trang nghiêm khi vào cõi Phật.


Mươi mười lăm năm trước, tôi đã đến thăm chùa So, một tên khác của chùa Trăm gian. Tôi còn nhớ hệ thống tượng ở đây phong phú, đa dạng, đủ cho một Phật điện, từ tượng Tam thế, đến tượng Hộ pháp… Hôm rồi thăm chùa, tôi thấy số lượng còn lại quá ít quá, đặc biệt dãy hành lang dài hai bên, tôi nhớ mỗi gian thờ một pho tượng, hiện chỉ còn lác đác vài ba bức tượng làm tôi cảm nhận một tâm trạng trống vắng khi đi dọc hai dãy hành lang này.


Chẳng bao lâu nữa, Thăng Long - Hà Nội đón sinh nhật 1000 tuổi. Chùa Trăm gian giờ đã là một di tích quý của Thủ đô, điều ước ao trong tôi càng lớn dần thêm. Hẳn phải có cách nào đó để chùa Trăm gian nâng mình lên xứng tầm với di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia của thủ đô Hà Nội.

Lê Sĩ Tứ (KTĐT)