Sự linh cảm của Bồ Tát Địa Tạng

Một câu chuyện cảm động

alt

Lần này (năm 1961) giảng kinh Địa Tạng, tại Đại Nguyện Đài, Địa Tạng Điện, huyện Gia Nghĩa. Nghe nói miếu này đã được xây khoảng hơn ba trăm năm. Thuở đó, có một người từ Gia Nghĩa, tỉnh Đài Loan, đến hành hương tại núi Cửu Hoa, tỉnh An Huy, đã cung thỉnh một pho tượng Bồ Tát Địa Tạng trở về, liền xây một ngôi miếu để thờ, từ đó đến nay khách thập phương đến lễ bái tấp nập không dứt, những ghi chép về sự linh ứng cũng rất nhiều. Bút giả xin ghi lại một câu chuyện như sau.

I/ Lâm Đăng Chương hàm oan bị giam vào ngục, người vợ bán con chuộc mạng cho chồng.

Câu chuyện xảy ra khoảng hơn một trăm năm về trước. Có một người tên Lâm Đăng Chương, trú tại một làng cách Gia Nghĩa độ mười mấy dặm, là một người lương thiện. Chẳng may, bị một bọn lưu manh vu cáo, đưa đến cửa quan, rồi bị giam vào ngục. Người vợ, thấy chồng mình bị giam oan ức, cảnh nhà lại thanh bần, bèn đi bôn ba các nơi kêu oan cho chồng, bà ấy đem tất cả vật dụng trong nhà bán hết, lấy tiền lo lắng công việc, mà vẫn không thể nào lo cho chồng thoát tội. Sau đó, nghe tin quan huyện nhất định đòi bốn chục lượng bạc mới tha cho chồng, bà ấy trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, chỉ còn cách cắn răng nhắm mắt, đem đứa con trai cưng độc nhất đem bán lấy bốn chục lượng bạc, người mối lại lấy tiền huê hồng ba lượng, chỉ còn lại ba mươi bảy lượng, không biết có đủ để chuộc tội cho chồng hay không. Mỗi lần vào thăm chồng lại bị bọn giữ ngục chửi rủa, làm khó dễ, mục đích muốn vòi tiền. Bọn họ nói: “Dựa núi ăn núi, dựa nước uống nước”. Đúng vậy, kiện cáo đến cửa quan, có việc đến nha môn, nếu không có tiền, dù có lý do, cũng không vào được. Đây là điều xưa nay vẫn thế. Bà Lâm, mỗi lần đến đều phải cười nói đon đả, lại còn phải có chút quà cáp biếu xén, nếu không đừng hòng đến thăm chồng. Người xưa có câu: “Diêm vương dễ gặp, tiểu quỷ khó chơi.” Hôm đó đem bạc đến chuộc chồng, dĩ nhiên cũng không khác hơn mọi lần. Thuở đó, giam ngục ở tại Đại Nhai, hiện là đường Ngô Phụng. Gần đó có một tiệm bán trầu cau. Bà Lâm đến đó mua một ít để làm lễ vật làm quà cho bọn canh ngục. Nào ngờ, sau khi lấy tiền mua trầu cau, lúc gói lại thì túi đựng ba mươi bảy lượng bạc rớt lúc nào không hay. Sau đó, lúc đến giao bạc cho quan, đưa tay vào lấy túi bạc, mới phát giác túi bạc đã mất, bà Lâm kinh hoảng, mặt mày trắng bệch, không còn chút máu, hoảng sợ đến nỗi khóc không ra tiếng. Bán mất đứa con trai yêu, chỉ hy vọng chuộc chồng trở về, hiện nay bạc cũng đã mất, chồng cũng không thể ra khỏi ngục, chỉ còn có nước đi tự vận. Lúc đó, bà Lâm cũng chưa nản chí, bèn men theo con đường cũ để tìm, giả như không tìm lại được, thì chỉ còn con đường chết.

II/ Đứa trẻ nhà nghèo thấy của không tham

Trong huyện Gia Nghĩa có một con phố, hiện nay là đường Quang Minh, có một miếu thờ Thổ địa. Trong miếu có một đứa trẻ ăn mày tên là Từ Lương Tứ trú ngụ. Nó không những mồ côi nghèo khổ, mà lại còn bị tàn phế. Một chân bị liệt, không thể cử động, thành thử phải lê trên mặt đất để đi. Ban ngày ở bên lề đường xin ăn, ban đêm về ngủ ở miếu Thổ địa. Hôm đó, đang lúc nó đang lết đi xin ăn, bỗng thấy từ phía xa có một phụ nữ đang mua trầu cau xong vội vàng bước đi, túi bạc rớt trên mặt đất. Nó bèn lết tới nơi, lượm túi bạc lên, định rượt theo để giao lại cho bà ấy, nhưng rất tiếc lại không thể theo kịp, mặc dù nó gọi lớn, nhưng người đàn bà cũng không nghe thấy, nó bèn mở túi bạc ra xem, thì thấy đựng ba mươi bảy lượng bạc. Thằng bè tuy đã từng thấy qua những lượng bạc sáng ngời như thế, nhưng cũng cảm thấy thất kinh. Tuy thế nó lại không khởi tâm tham muốn, mà lại nghĩ rằng người đàn bà lúc nãy dáng dấp rất vội vã, ắt là phải có một việc rất quan trọng, không thể tùy tiện lấy bạc đem đi, giả như người đó trở lại tìm kiếm không thấy, ắt có nước tự sát, bèn ở đó đợi người đàn bà trở lại. Đợi một lúc thật lâu, thì mới thấy một người đàn bả, vẻ mặt rất lo lắng, chạy đông chạy tây như đang tìm kiếm vật gì. Nó biết là khổ chủ trở lại, đợi khi người đàn bà đến gần, bèn lấy tay kéo vạt áo bà ấy. Bà Lâm tưởng là thằng nhỏ muốn xin tiền, bèn nhăn mặt quát lên: “Tao đang lo gần chết, làm gì có tiền cho mầy. Đi chỗ khác. Tao đang tìm món đồ bị mất.”

Thằng Từ Lương Tứ có lòng tốt, lại bị mắng oan, thế mà nó cũng vẫn trả lời nhỏ nhẹ: “Bà ơi, bà tìm vật gì mà gấp dữ vậy, nói tôi nghe, biết đâu tôi có thể giúp bà.” Bà Lâm nghe nói như thế, giống như người đang chết được cứu sống, bèn vui mừng hỏi đứa bé: “Thiệt sao!” Thằng bé trả lời: “Dĩ nhiên. Tôi mới lượm được một món, nếu bà nói đúng, tôi sẽ trả lại cho bà.” Bà Lâm mặt mày nhợt nhạt nói: “Tao đánh mất một bao vải, trong đó đựng ba mươi bảy lượng bạc. Đây là số tiền tao đã bán đứa con trai. Chồng tao bị vu oan, bị giam vào ngục. Quan đòi bốn mươi lượng bạc mới có thể chuộc tội. Bất đắc dĩ tao mới bán con, người mối lấy hết ba lượng, còn ba mươi bảy lượng. Tao không biết là có đủ để chuộc chồng hay không, nào ngờ lại bị rớt mất. Nếu như tìm không được, chồng tao không ra khỏi ngục, con tao đã bị bán mất, người của không còn, tao chỉ còn nước tự sát mà thôi!” Nói xong, bà ấy khóc ròng.

Lúc đó, có nhiều người háo kỳ vây quanh hỏi đông hỏi tây, Từ Lương Tứ cũng không còn nghi ngờ bèn nói với bà ấy: “Tôi cũng không quanh co, số bạc đó hiện tôi đang giữ. Đây là lúc bà mua trầu cau bị rớt. Tôi vì không chạy theo được, gọi lớn bà cũng không nghe, cho nên đã ở đây đợi bà trở lại. Hiện nay số bạc đang ở đây, bà thử đếm lại.” Thằng bé giao túi bạc xong, bèn bỏ đi không nói một lời.

Bà Lâm nhận được túi bạc, lòng mừng khấp khởi, quên bẵng thằng bé ăn mày, ngay đến tên họ cũng không thèm hỏi, vội vã đem món tiền đến cửa quan chuộc tội cho chồng. Ông huyện nghe câu chuyện, mới biết số bạc là do bán con mà được, lại nghe chuyện đứa bé ăn mày thấy tiền không tham, thầm nghĩ mình còn lương tâm nào lấy tiền bán con của người khác? Nhân đây, sáng hôm sau bèn ra lệnh thả người chồng, mà không đòi tiền chuộc. Đây là do câu chuyện của đứa trẻ ăn mày họ Từ, làm cho ông quan cảm động.

Sau khi ra khỏi ngục, Lâm Đăng Chương biết con đã bị bán, bèn đi tìm tung tích của đứa con, tốn cũng khá bộn tiền, nhưng rốt cuộc cũng vẫn không tìm ra. Hai vợ chồng bèn lập một tiệm bán đồ sắt gần chợ làm sinh kế sống qua ngày.

III/ Lòng tốt được quả báo tốt, hết bị tàn phế

Nói về Từ Lương Tứ, sau khi trở về miếu Thổ địa trú một đêm, sáng hôm sau là tiết Thanh minh. Sáng sớm nó ra khu mồ mả công cộng, gọi là “Đông Lang Phiền Gian” ở ngoại thành, xin bánh in mà mọi người đã cúng tổ tiên để ăn. Nhân vì đường xa lại trời mưa, trở về hơi trễ, nó lại lê lết chậm chạp, thành thử khi về đến cổng thành, thì cổng thành đã đóng kín. Bất đắc dĩ, nó bèn đến miếu Địa Tạng ở vùng phụ cận (Hiện nay là số 81 đường Dân Quyền), cầu khẩn ông từ cho nó được ngủ tạm một đêm tại chánh điện. Ông từ cũng biết mặt nó, bèn cho nó ở tạm. Nó ngủ đến nửa đêm, bỗng nhiên lớn tiếng kêu gào thảm thiết, van xin quỷ tha tội cho nó. Ông từ tưởng nó lên cơn, bên đến la nó hai lần, nhưng nó vẫn không nghe. Ông từ bị nó làm náo loạn cả đêm không ngủ được, giận muốn sôi gan. Sáng hôm sau, vừa thức dậy ông ta đã đi ra chánh điện định đuổi nó đi, thấy nó đang nằm ngủ say như chết. Ông từ bèn lớn tiếng kêu nó tỉnh dậy, mắng nó tại sao tối hôm qua kêu ma kêu quỷ. Từ Lương Tứ nghe tiếng kêu lớn bèn kinh hãi giật mình đứng dậy, chính nó cũng không biết, chạy đến trước mặt ông từ. Ông từ thấy thế cảm thấy vô cùng kinh ngạc đến đỗi phát run, vội vàng lùi bước. Không ngờ chỉ trong một đêm mà nó có thể đi lại tự nhiên? Ông bèn hỏi ra thì biết tối hôm qua nó nằm ngủ trước tượng ngài Địa Tạng, mộng thấy Bồ tát kêu hai con quỷ, một cao một thấp, một con quỷ giữ lấy thân trên, một con thì nắm lấy hai chân của nó, hai con quỷ bèn kéo mạnh ra, làm nó đau đớn kêu la không dứt. Hai con quỷ không đếm xỉa, cứ tiếp tục kéo cái chân què của nó, khiến nó đau đớn chịu không nổi bèn ngất đi. Sau đó thiếp đi lúc nào không biết. Hiện giờ, nó cũng chưa biết cái chân què đó đã trở nên bình thường. Sự vui mừng còn nhiều hơn so với hôm qua lượm được túi bạc. Ông từ thấy nó được sự linh cảm như thế, bèn không mắng nữa, mà cũng mừng lây cho nó. Từ Lương Tứ bây giờ mới biết Bồ Tát Địa Tạng hiển linh, trị lành sự tàn phế cho nó, bèn quỳ trước tượng ngài, nước mắt chảy ròng, cảm kích vô vàn, rập đầu lạy tạ.

IV/ Sau khi hết tật, gánh nước mưu sinh.

Sau khi Từ Lương Tứ hết bị tàn tật, có nhiều người đến chúc mừng, thế nhưng, nó lại bắt đầu cảm thấy lo lắng. Lúc tàn phế, thì còn có thể đi xin ăn, bây giờ thân thể bình thường, đâu còn có thể tiếp tục đi xin được. Nhất định phải tự lực cánh sinh. Thế nhưng, từ trước đến nay chỉ biết đi xin, bây giờ phải làm gì để giải quyết vấn đề cơm áo?  Đi buôn bán lại không có vốn? Rốt cuộc, nó cũng tìm được lời giải là đem một ít tiền mà nó đã dành dụm được xưa nay, mua hai thùng đựng nước, rồi đi gánh nước mướn để làm mưu kế sinh nhai. Hồi đó chưa có nước máy, những gia đình khá giả đều gọi người giao nước đến nhà họ mỗi ngày. Từ Lương Tứ từ một đứa ăn mày đã trở thành người gánh nước mướn.

V/ Gọi giao nước, gặp người ơn.

Lâm Đăng Chương sau khi ra khỏi ngục, được biết về việc vợ làm mất túi bạc, đứa bé ăn mày lượm được mà không tham, v.v… Ông ta cũng để ý tìm kiếm vị ân nhân này, thế nhưng, ngay cả tên họ cũng không biết làm sao tìm được. Gia đình họ Lâm lúc đó trú tại vùng quê, không biết đứa trẻ ăn mày đó ở đâu, trong lòng lúc nào cũng tưởng nghĩ đến. Ba năm sau, tiệm bán đồ sắt của họ Lâm càng ngày càng phát đạt, thì lòng tưởng nghĩ đến ân nhân của họ càng lúc càng sâu đậm.

Một hôm, nhà họ Lâm gọi Từ Lương Tứ gánh nước đem đến, Lâm Đăng Chương chưa từng gặp qua chàng Tứ, thành thử cũng không biết người gánh nước đến là ai. Thời đó, người nữ ít khi đi ra ngoài, mỗi khi có đàn ông đến nhà, bọn họ thường thường lánh mặt, cho nên mấy năm nay không tìm ra vị ân nhân. Cũng may, Từ Lương Tứ gánh nước đến nhà bếp, thì bà họ Lâm vô tình trong thấy, cảm thấy rất kinh ngạc. Người đàn ông này mặt mũi giống hệt người ơn của mình, không phải biết là nó không? Chắc chắn là không phải, bởi vì thằng bé đó là người què, không đi đứng bình thường được, còn người này tại sao lại giống hệt nó như vậy? Cả mấy ngày liền, bà ấy trong lòng nửa nghi nửa ngờ, không biết nghĩ sao, bèn đem sự việc ra nói với chồng: “Người thanh niên gánh nước này, mặt mày giống hệt vị ân nhân, không biết tại sao lại không què, mà lại có thể gánh nước. Ngày mai ông mời nó vào hỏi thăm tử tế, xem nó hồi trước làm nghề gì?”

Hôm sau, khi Từ Lương Tứ gánh nước đến, ông Lâm đặc biệt mời nó ở lại dùng cơm, sau đó hỏi đến tên họ, trước khi làm nghề gánh nước mướn thì làm nghề gì? Còn họ hàng quyến thuộc nào không? Từ Lương Tứ cũng thành thật trả lời không chút dấu diếm: “Thật là hổ thẹn, trước đây ba năm, tôi không thể gánh nước, mà cũng không thể đi đứng, trong nhiều năm, tôi chỉ có thể lết trên mặt đất, lúc đó chỉ còn cách đi ăn mày mà sống. Năm đó, vào tiết Thanh minh, tôi trú tại miếu Địa Tạng, mộng thấy Bồ Tát Địa Tạng khiến hai con quỷ điều trị cho tôi, từ đó không còn tàn phế nữa, cho nên đi làm nghề gánh nước để sinh sống.” Lúc đó, bà Lâm từ trong phòng bước ra, nắm lấy tay chồng, hai ông bà quỳ xuống đất, miệng kêu: “Ân nhân, xin nhận một lạy.”

Từ Lương Tứ không biết ất giáp gì, bèn hớt hãi đứng dậy thối lui, hai tay phất lia phất lịa. Sau khi nghe hai vợ chồng họ Lâm giải thích đầu đuôi câu chuyện, mới biết câu chuyện xảy ra vào tiết thanh minh ba năm về trước. Lúc ấy mới biết rằng nhờ mình đã làm một việc thiện nên đã cảm động Bồ tát Địa Tạng hiển linh đến trị liệu sự tàn phế, trong lòng vừa mừng vừa sợ. Mọi người đều cùng nhau ngồi xuống tâm sự về những việc đã xảy ra ba năm qua. Từ Lướng Tứ đứng dậy xin cáo từ, thế nhưng hai vợ chồng họ Lâm nhất định giữ anh ta lại.

VI/ Lâm Đăng Chương Cảm Ân, Dự Mưu Báo Đáp

Ông bà Lâm Đăng Chương thành khẩn nói với Từ Lương Tứ: “Ân nhân đã cứu mạng hai vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi biết ân nhân không mong được báo ơn, thế nhưng, chúng tôi là người thọ ơn, không thể nào không thiết nghĩ rằng ân nhân là người bơ vơ, không có gia đình, mà cửa hàng chúng tôi đang cần người phụ giúp, chi bằng ân nhân hãy ở lại đây, chúng ta xem nhau là người nhà!”

Từ đó, Từ Lương Tứ không còn đi gánh nước mướn nữa, mà ở lại trong tiệm bán đồ sắt giúp việc cho hai vợ chồng họ Lâm. Trong vòng mấy năm, ông bà Lâm không những buôn bán phát đạt mà còn mua thêm rất nhiều ruộng đất. Họ cũng nhiều lần muốn giúp cho Từ Lương Tứ lập gia thất, thế nhưng đều bị anh ấy từ chối. Ông Lâm biết họ Từ là người ngay thẳng, nói một không nói hai, thành thử để cho anh ta tự nhiên quyết định.

Mấy năm sau, ông Lâm nhận được thư của ông chú từ Quảng Đông gửi qua, muốn ông ấy trở về cố hương kế thừa gia nghiệp. Hai vợ chồng ông Lâm quyết định trở về quê nhà, nhờ Từ Lương Tứ quản lý tất cả tài sản, không dám nói giao hẳn tài sản, để cho anh ấy tin rằng không bao lâu hai ông bà sẽ trở lại, nếu không Từ Lương Tứ sẽ không chấp nhận.

Từ Lương Tứ một mực đợi hai vợ chồng ông Lâm trở lại, thế nhưng chẳng nghe thấy tin tức gì cả. Sau đó nhiều năm, nhận được một phong thư của ông Lâm gửi sang, nói rõ tâm ý của hai ông bà là giao hẳn tài sản cho Lương Tứ, và khuyên anh ta sớm thành lập gia thất. Thế nhưng, Từ Lương Tứ vẫn ở độc thân như thế đến trọn đời. Anh ta tự xem mình là một người giúp việc thay mặt họ Lâm quản lý mọi việc. Cuối cùng, trước khi mất, Từ Lương Tứ làm di chúc đem hết tài sản cúng dường cho miếu Thổ địa, cảm tạ lúc bần hàn đã nhiều năm trú ngụ tại nơi này. Lúc Từ Lương Tứ còn sống, mỗi ngày mồng một, ngày rằm đều đến miếu Địa Tạng cảm tạ đức Bồ Tát đã cứu liệu sự tàn tật của mình. Nghe nói sau khi Lương Tứ mất, ông đã giao sáu mươi mốt mẫu đất cho chánh phủ địa phương quản lý.

Viết bởi Pháp Sư Chữ Vân Thuật