Đọc lại kinh sám hối

Từ hơn bốn mươi năm về trước, khi còn sinh hoạt trong Gia đình Phật tử, chúng tôi đã đọc bài Kinh sám hối nhiều lần. Thế nhưng phải đến một ngày gần đây, lúc tuổi đã ngoài sáu mươi, chúng tôi mới hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của bài kinh nhật tụng phổ thông ấy.

Vào một ngày đầu tháng sáu vừa qua, cháu nhỏ của chúng tôi là M.T bị bệnh nặng phải đi cấp cứu lúc ba giờ sáng. Tai họa ập đến quá bất ngờ! Chỉ trong một đêm mà bệnh tình của cháu đã trở nên nguy kịch: thân nhiệt lên rất cao, người co giật, mặt tím tái, răng cắn môi làm máu chảy lênh láng …

Nửa đêm về sáng hôm ấy, trong khi thân của cháu ngoại là MT đang đau đớn ở bệnh viện thì tâm của ông ngoại là chúng tôi đang khắc khoải, lo lắng, phiền muộn ở nhà. Không thể nào chợp mắt được, chúng tôi lên phòng thờ ở tầng ba để niệm Phật và đọc Kinh sám hối:

“Đệ tử kính lạy
Đức Phật Thích Ca
Phật A Di Đà
Thập phương chư Phật
...
Ngửa trông ơn Phật
Từ bi gia hộ
Thân không tật bệnh
Tâm không phiền não”

Hơn nửa thế kỉ vừa qua, chúng tôi đã dành tất cả thì giờ và công sức để học tập, làm việc mà tìm kiếm bằng cấp, của cải, quyền lợi và địa vị. Đến lúc này, khi chịu khổ đau vì bệnh tật đang có mặt và lưỡi hái của thần chết đang hăm dọa lấy đi mạng sống của đứa cháu thân yêu, chúng tôi đã tìm thấy ở Kinh sám hối một bài học tưởng là giản dị mà thật là sâu sắc: Mong ước khẩn thiết nhất của người ta ở đời không phải là giàu sang, phú quý, địa vị hay quyền lực; ước nguyện đích thực và vĩnh hằng của tất cả mọi người ở cõi trần gian nhiều khổ đau này là “Thân không tật bệnh; Tâm không phiền não”.

Như xem truyền hình mà chuyển kênh, khi có chuyện phải lo buồn mà ta chí thành tụng niệm thì phiền não sẽ tiêu tan và tâm trí trở nên an tịnh. Sau khi tâm trí đã thanh tịnh, chúng tôi đọc lại bài Kinh sám hối một lần nữa và tiếp nhận thêm một bài học thâm thúy:

“Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Tham giận kiêu căng
Si mê lầm lạc
Ngày nay nhờ Phật
Biết sự lỗi lầm
Thành tâm sám hối
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành”

Về mặt nhận thức, “tránh điều dữ, làm việc lành” là một bài học đạo lí có tính đời thường. Một người dân lao động thất học cũng biết phải tránh điều dữ, phải làm việc lành. Một học sinh lớp ba cũng có thể nói chúng ta nên tránh điều dữ, nên làm việc lành. Nhưng biết, nói là một chuyện mà làm được lại là một chuyện khác. Cho nên, về mặt hành động, tránh cho được điều dữ, làm cho được việc lành là công việc cực kì khó khăn. Trong đời sống, vì nhiều lí do mà có lắm khi biết rõ đó là điều dữ nhưng ta vẫn không tránh, biết rõ đó là việc lành nhưng ta vẫn không làm…

Luân lí, đạo đức và các tôn giáo thường phân biệt dữ lành, chánh tà, thiện ác. Tương ứng với các khái niệm ấy, luật pháp của quốc gia nêu rõ điều phải và điều trái để hướng dẫn hành động của mọi người dân. Đọc báo chí hàng ngày, ta thấy nhiều vị có chức có quyền, dù biết rõ điều gì là trái, điều gì là phải, nhưng vẫn phạm tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”! Thế mới biết phân biệt phải trái, lành dữ thì rất dễ, nhưng tránh cho được điều dữ, làm cho được việc lành là rất khó. Cho nên Kinh sám hối không nói tránh điều dữ, làm việc lành mà nói “Thề tránh điều dữ. Nguyện làm việc lành”. Nói tránh dữ làm lành là chưa đủ và không bảo đảm. Trước Tam bảo, mỗi Phật tử phải “thề” tránh dữ và làm lành để quyết tâm thực hiện cho được lời “nguyện” thiêng liêng ấy mỗi khi đối mặt với việc lành và điều dữ.

Sau nửa tháng chữa trị căn bệnh thập tử nhất sinh, cháu MT mạnh khỏe trở về và mang theo niềm vui lớn cho gia đình. Tận hưởng trọn vẹn niềm vui ấy, chúng tôi hiểu sâu hơn vấn đề khổ đau và hạnh phúc. Không có hạnh phúc từ trên trời rơi xuống. Hạnh phúc đích thực xuất hiện khi con người vượt thoát được khổ đau. Cho nên, nói về khổ và chỉ dạy con đường thoát khổ cũng có nghĩa là đức Thế Tôn đã vạch ra cho nhân loại đường đi đến hạnh phúc. Chúng tôi nghĩ rằng hành trang đầu tiên cần mang theo khi đặt chân lên con đường giải thoát ấy, là bài Kinh sám hối  mà mỗi Phật tử thường tụng đọc hàng ngày.

 

TP. HCM, ngày 12-9-2006


Diệu Hữu

Nguồn Tập San Pháp Luân 30