Thiền tập trong ngành Tâm lý trị liệu của Hoa Kỳ

Ngày nay vấn đề thiền tập (tu tập thiền định theo Phật giáo) không còn là một vấn đề xa lạ trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Sự hiện diện của thiền tập như một phép mầu đã và đang làm thay đổi cái nhìn của người Tây phương, nhất là trong lãnh vực Tâm lý trị liệu. Riêng đối với dân tộc Việt Nam, thiền tập đã có mặt từ đầu thế kỷ thứ III Tây lịch. Tinh thần và hình thái của thiền tập đã thấm nhuần trong nếp sinh hoạt của người Phật tử Việt Nam. Thiền đã đi vào đời sống con người một cách nhịp nhàng uyển chuyển. Tuy nhiên, vấn đề được đem ra ứng dụng hằng ngày ngõ hầu đem đến kết quả tốt đẹp cho sự sống, đó mới chính là điều mà chúng ta cần tìm hiểu và thảo luận trong bài viết nầy.

Thống kê mới nhất của ngành Tâm lý học Hoa Kỳ cho biết rằng trong vòng 20 năm qua con số những người tự tử vì thất vọng và chán nản mà nguyên nhân chính là không tìm thấy một thế đứng quân bình trong đời sống tinh thần đã tăng lên gấp bội so với những năm về trước. Trong số những người tự vẫn nói trên hầu hết là sinh viên và lứa tuổi vị thành niên. Trong hai thập niên nầy đã có khoảng 5,000 người chết trong số 500,000 người đã có ý mưu sát. Điều nầy đã làm cho một số nhà Tâm lý trị liệu của Hoa Kỳ cũng như những nhà lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo lo lắng, lưu tâm suy nghĩ.

Nguyên nhân và tỉ lệ của những vụ tự vẫn đó được thống kê như sau:

Thất tình giữa trai gái (9%).
Mang thai lúc vị thành niên (7%).
Có cha mẹ quyên sinh (5%).
Có bà con và bạn thân tự tử (7%).
Cha mẹ ly dị hoặc mồ côi cha mẹ (17%).
Có cha mẹ ghẻ (mẹ ghẻ con chồng) (24%).
Cha mẹ tái hôn nhiều lần (13%).
Cha mẹ nghiện ngập rượu chè (5%).
Bệnh tâm thần nghiêm trọng (có cha mẹ săn sóc) (6%).
Bệnh tâm thần nghiêm trọng (không có cha mẹ săn sóc) (7%).

Những tệ trạng nêu trên cho chúng ta thấy xã hội Hoa Kỳ là một xã hội bệnh hoạn về mặt tinh thần mặc dù rất giàu có vật chất. Bị chi phối bởi nếp sống vật dục, người Mỹ bị cuốn theo vòng xoáy của đời sống vật chất ồn ào thác loạn. Họ phải làm việc cả ngày lẫn đêm chạy theo máy móc. Hãy nhìn cách đi đứng của người Mỹ chúng ta đủ thấy họ phải lo lắng như thế nào. Họ đi nhanh lắm, giống như chúng ta chạy vậy. Đối với họ, sự nghỉ ngơi yên tĩnh dường như bị khuấy động. Sự dừng lại của họ chỉ là một dấu hiệu mệt mỏi từ một công việc để rồi họ dần quên vun xới đời sống tâm linh. Đó là nguyên nhân đưa họ đến sự kiệt quệ lớn về tinh thần và sức khỏe.

Từ đầu thập niên 60 đến nay, với sự truyền bá của một số Thiền sư đến từ các nước Á châu như Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Tích Lan, Việt Nam, v.v… thiền tập đã bắt đầu chiếm một vị trí quan trọng trong lãnh vực Tâm lý học của người Tây phương. Áp dụng phương pháp thiền tập như là phương thức trị liệu tâm lý cho bệnh nhân đã giúp người Mỹ nhìn ra hướng giải quyết tích cực những tệ nạn nêu trên.

Bác sĩ Herbert Benson, giám đốc bệnh viện và hội đồng Y khoa kiêm giáo sư của trường đại học Harvard, qua một thời gian thực nghiệm đã cho biết: Thiền tập có khả năng làm giảm những dao động thần kinh mà đã đưa tới sự lo âu buồn chán. Thiền tập còn làm thấp mức độ tiêu thụ năng lượng khí Oxyen trong cơ thể, đem chúng ta trở về sự điều hòa trong nhịp đập của tim. Và thiền tập còn làm giảm bớt sự căng thẳng của hệ thống thần kinh giao cảm mà nguyên nhân của sự căng thẳng nầy có thể đưa tới bệnh cao áp huyết, bệnh ép tim và một số bệnh nan y khác.

Theo sự quan sát của một nhóm nghiên cứu tại bệnh viện Beth Israel ở Boston cho biết họ đã theo dõi một nhóm người đang thiền tập 2 lần trong một ngày, mỗi lần 20 phút. Họ đã thử nghiệm bằng cách theo dõi nhịp đập của tim, hơi thở và mức độ lưu lượng máu trong cơ thể của những thiền sinh với những thời khắc khác nhau tùy theo sự hoạt động của họ như khi đi, đứng, nằm, ngồi, nghỉ ngơi và làm việc… Kết quả cho thấy kích thích tố giữa những tế bào trong cơ thể của những thiền sinh nầy thực sự yên tĩnh thoải mái trong suốt thời gian nầy. Những kích thích tố nầy sẽ tăng trở lại tùy theo mức độ thay đổi những hoạt động của họ.

Thí nghiệm trên đưa tới kết luận: Thiền tập sẽ làm vơi nhẹ những ảnh hưởng của những kích thích tố trong cơ thể, giúp cho chúng ta điều hòa hơi thở và nhịp đập của con tim đưa đến cho chúng ta một sự thoải mái trong tâm hồn. Bác sĩ John Hoffman, giáo sư ngành y học tại Viện đại học Harvard cho biết, khi mức độ kích thích tố trong cơ thể được điều hòa và ngưng đọng bằng phương pháp thiền tập thì mức độ lưu lượng của máu cũng như nhịp đập của tim sẽ được bình thường, khác hẳn với những lúc chúng ta mệt nhọc và những lúc cơ thể chúng ta có những đòi hỏi khác thường. Như vậy, thiền tập có thể giúp chúng ta bảo vệ được sự nguy hiểm cho tánh mạng của những người mang một số bệnh nan y như bệnh áp huyết cao, bệnh ép tim, bệnh AIDS và bệnh tiểu đường.

Bác sĩ M. S. Frebert và bác sĩ T. M. Mead, hai trong số 116 nhà nghiên cứu y dược của Hoa Kỳ đã cùng hợp tác theo dõi một cuộc thí nghiệm như sau: Chia hai nhóm sinh viên có cùng một trình độ, môn học, thời gian và sức khỏe giống nhau. Nhóm thứ nhất học hành và giải trí tùy theo sở thích. Nhóm thứ hai vừa học vừa có những giờ thiền tập được hướng dẫn chu đáo. Sau một thời gian theo dõi, hai bác sĩ nầy đã nhận thấy rằng khả năng ghi nhận về trí nhớ của nhóm thứ hai (nhóm được hướng dẫn thiền tập song song với việc học hành) được đầy đủ và rõ ràng hơn nhóm thứ nhất. Trong các kỳ thi khảo sát bài vở tại nhà trường, nhóm thứ hai nhận được một số điểm khá cao so với nhóm thứ nhất.

Lại có hai nhà nghiên cứu khác trong số 116 nhà nghiên cứu trên, ông Patel và ông Marmot đã chia một số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần có một căn bệnh tương đối giống nhau thành bốn nhóm và nhận bốn phương thức trị liệu khác nhau.

- Nhóm thứ nhất nhận sự chữa trị bằng thuốc men.

- Nhóm thứ hai nhận sự chữa trị trực tiếp của bác sĩ theo đúng chế độ ăn uống đã được quy định có đầy đủ dinh dưỡng. Nhóm nầy cần phải tập thể dục và ngưng hút thuốc.

- Nhóm thứ ba uống thuốc theo liều lượng của bác sĩ và nghỉ ngơi một nơi yên tĩnh.

- Nhóm thứ tư thiền tập đều đặn theo thời khoá quy định hằng ngày. Uống thuốc theo một liều lượng ít hơn so với 3 nhóm trên.

Sau một thời gian theo dõi, hai bác sĩ Patel và Marmot ghi nhận được rằng thiền tập đã đem lại một kết quả tốt đẹp cho nhóm thứ tư. Trong khi thiền tập, những bắp thịt trong cơ thể được trở về vị trí bình thường và tiếp nhận được sự lưu thông của máu một cách dễ dàng. Kèm theo đó, nhờ sự theo dõi và điều hòa hơi thở đã giúp cho nhịp đập của tim giữ được trạng thái bình thường. Những kích thích tố giữa các tế bào trong cơ thể dường như không có cơ hội để phát triển, do đó, cơ thể trở về sự thoải mái toàn diện.

Với những ghi nhận, thống kê trong ngành Tâm lý trị liệu, chúng ta thấy rằng thiền tập đã giúp cho ngành y học của Hoa Kỳ có hướng giải quyết tích cực cho một số bệnh nan y. Về lãnh vực tôn giáo, thiền tập lại càng có một giá trị cao hơn như chúng ta thường nghĩ. Người Phật tử quan niệm rằng thân và tâm là một (thân tâm nhất như). Sự hội nhập đó là một thực thể tương quan trên bình diện tâm sinh lý – không thể bảo rằng chúng ta có một thân thể bình an trong khi chúng ta có một tâm hồn bất ổn. Vì vậy, sự phát triển nội tâm rất cần phải được liên hợp với sự phát triển sinh lý. Sự liên hệ nầy được coi như là một sự liên cảm – khi tâm lý có những tiến triển rõ ràng và tốt đẹp thì đó chính là bước đầu của những tiến triển nội tâm – vượt qua những ức chế của những bệnh tâm thần và giúp chúng ta bảo vệ được sức khỏe, chống lại chứng bệnh cao áp huyết, chứng bệnh ép tim và điều hòa được hơi thở. Đó cũng là những nguyên tắc căn bản của đời sống nội tâm bắt nguồn từ những phương pháp thiền tập trong Phật giáo.

Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy rằng: “Trong các pháp, tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả…”. Đây là câu kinh vô cùng quan trọng liên hệ đến tâm sinh lý của con người. Để chứng minh điều này, các nhà y học đã dùng những dụng cụ y học để đo đạc những hệ thống thần kinh trong chúng ta vào những lúc thiền tập và những lúc bình thường (không thiền tập) đã đưa tới một kết luận rằng sự vui buồn, sầu đau, giận, ghét, v.v... đều là những nguyên nhân làm tăng trưởng những kích thích tố trong cơ thể con người đưa đến hậu quả có thể làm tăng nhịp đập của tim, có ảnh hưởng lớn đến sự hô hấp và cao áp huyết. Trong Phật giáo, thiền tập làm lắng đọng dòng tâm thức đang bị tán loạn, đưa tâm tư trở về niềm an định tự do thoải mái, sân hận được diệt hẳn và chỉ có sự bình an hiển lộ. Thực tập thiền như vậy là chúng ta đang nuôi dưỡng một thân thể bình an, tươi mát phát nguồn từ một tâm thức lắng dịu trong sáng.

Dưới đây là những trình tự mà Bác sĩ Herbert Benson cũng như nhiều bác sĩ khác đã dựa theo kinh điển của Thiền Phật giáo hướng dẫn những bệnh nhân của họ thực tập trong khi thí nghiệm bằng những dụng cụ y học:
1. Hãy chọn một chữ hay một câu ngắn đầy đủ ý nghĩa phát xuất từ đức tin của mình để thầm niệm trong khi ngồi thiền (nếu là Phật tử thì hãy chọn một câu thần chú hay danh hiệu của một đức Phật hay Bồ-tát).

2. Ngồi một cách yên lặng trong một tư thế tự nhiên, bất cứ tư thế nào mà mình cảm thấy thoải mái (nếu là Phật tử thì hãy ngồi trong tư thế bán già hay kiết già).

3. Khép mắt lại một cách tự nhiên (không cần nhắm kín, nên mở mắt chừng 3/10).

4. Để cho các bắp thịt thoải mái bằng cách buông thả –  không gắng gượng trong khi ngồi – và mặc áo quần rộng rãi.

5. Hít vào và thở ra thật đều và thật sâu trong khi đó lặp lại câu (thần chú) mình đã chọn.

6. Đừng để tư tưởng phóng ra ngoài vì bất cứ một điều gì. Giữ sự bình thản nhẹ nhàng và theo dõi hơi thở, chú ý vài điều đang lặp lại.

7. Tiếp tục như trên ít nhất từ 10 đến 20 phút.

8. Thiền tập thường xuyên mỗi ngày hai lần.

Nên nhớ rằng trong khi thiền tập theo những phương pháp trên đây đừng có ý niệm mong cầu cho một sự bình an hay chứng ngộ. Hãy thực tập như sự cần thiết của thức ăn cho cơ thể. Có như vậy chúng ta mới tự thân chứng nghiệm lời Phật dạy cũng như những lời tuyên bố của các bác sĩ trong ngành Tâm lý trị liệu Hoa Kỳ.

 

Thích Hạnh Tuấn



Tài liệu tham khảo
- Hales and Williams, An Invitation to Health, Benjamin , 3rd edition, 1986.
- Health Magazine, July 01st, 1982. p.16.
- New Scientist 21, February, 1988, pp. 38-39.
- American Medical News, May 5th, 1989, p. 34.
- Hebert Benson, The Relaxation Respond, William Morrow, New York, 1975.
- Psychology Today, January, 1981, p. 87.
- Guy and Claxton, Beyond Therapy, Wisdom, London, 1986.

Nguồn Tập San Pháp Luân 37

alt