Vẫn đốt đồ mã tràn lan dù quy định xử phạt… sắp có hiệu lực

Hàng trăm tỷ đồng đốt trong một ngày. Nhiều tấn giấy, phẩm màu, công sức của hàng ngàn lao động… được dồn lại, phục vụ sản xuất một loại hàng đặc biệt để dùng gửi tới "cõi âm" trong dịp rằm tháng 7. Sự biến tướng, lạm dụng tín ngưỡng đã gây lãng phí lớn cho xã hội. Quy định xử phạt đốt đồ mã theo Nghị định số 75/2010/NĐ-CP sắp có hiệu lực thi hành song, việc triển khai thực hiện quy định này chưa được chú tâm.

Đốt hàng mã - tốn tiền tỷ

Sáng 23/8, khi đi qua phố Phan Bội Châu (Hà Nội), chúng tôi thấy khói bốc lên nghi ngút. Một chị phụ nữ vác chiếc thùng phuy sắt to ra giữa vỉa hè đầy chật xe máy và người qua lại. Bên cạnh là một chồng hàng mã, từ tivi, tủ lạnh, xe máy, ngựa đến tiền vàng… và bắt đầu đốt. Lửa, khói bốc lên ngùn ngụt đã gây sự chú ý đặc biệt của người đi đường.

Mang vàng mã ra đốt ở nơi công cộng như vỉa hè, lòng đường, ngõ xóm đã trở thành hình ảnh phố biến của nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là ở các khu tập thể, khu phổ cổ, phố cũ nhà cửa chật hẹp.

Những năm trước có "đại gia" còn đến vùng bãi sông Hồng đốt hàng trăm con ngựa hàng mã có giá trị tới vài chục triệu. Chỉ tính riêng sắm đồ mã đốt trong ngày rằm tháng 7 mà chị Bạch Liên ở phố Linh Lang, quận Ba Đình đã phải chi gần 10 triệu đồng.

 

Xếp hàng chờ hóa vàng.

 

Ảnh: K.H.

Có thể thấy sự lãng phí quá lớn khi hàng trăm tỷ đồng của người dân đổ ra mua vàng, mã để đốt trong dịp rằm tháng 7. Càng đồ vàng mã đắt tiền, mầu mè đẹp thì khi đốt mùi khét và sự ô nhiễm môi trường càng tăng. Đó là chưa kể đã xảy ra nhiều vụ hoả hoạn do đốt vàng mã.

Cần cụ thể hoá quy định xử phạt

Phủ Tây Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong những điểm thu hút nhiều khách đến cúng lễ, đặc biệt là vào dịp đầu năm và ngày rằm, mùng một hàng tháng. Khách đến lễ thường mang theo tiền vàng để cúng lễ và hoá vàng ngay tại Phủ.

Ông Trương Công Đức, Trưởng Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết: Vào ngày rằm, mùng 1 lượng khách đến Phủ có khoảng 5.000 - 6.000 người. Nếu tính mỗi khách có một lễ mang đến cúng thì một ngày cũng đã có 5.000 - 6.000 lễ. Theo đó, lượng tiền vàng được hoá ở đây cũng rất lớn. Ban Quản lý di tích đã cho xây lò hoá vàng tại khuôn viên của Phủ, đúc "ghi" (để đặt tiền vàng vào đốt) bằng gang nhưng vẫn không chịu được nhiệt do lượng tiền vàng đốt quá nhiều. Đó là chưa kể đến việc đốt cháy nilon bọc ngoài tiền vàng chảy vón cục, gây mùi khét lẹt, ảnh hưởng đội hại đến môi trường. Vào tối mùng 1 và ngày rằm, vách lò, ống khói, cửa lò luôn đỏ rực…

Nói về quy định xử phạt hành vi đốt đồ mã nơi công cộng, ông Đức cho rằng, các cơ quan chức năng cần cụ thể hoá quy định xử phạt. Ví dụ như: quy định thế nào là "vàng", thế nào là "mã". Từ nhiều năm nay Ban quản lý Phủ đã hạn chế, không cho khách mang "mã" (ví dụ như ngựa giấy, voi giấy, hình nhân thế mạng, ôtô, xe máy, nhà cửa bằng giấy…) vào lễ nên chỉ có tiền vàng được cúng và hoá tại Phủ. Vậy mà lò đốt cũng đã quá tải.

Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá có liệu lực thi hành từ ngày 1/9. Theo đó, mức xử phạt cho hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá và nơi công cộng khác sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay việc triển khai xử phạt hành vi đốt mã nơi công cộng chưa được sẵn sàng. Ông Đinh Hồng Phong, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin quận Hoàn Kiếm cho biết, có lẽ việc xử phạt từ ngày 1/9 là chưa thể. Vì hiện nay quận mới triển khai tập huấn về lĩnh vực này cho cán bộ cơ sở. Còn việc triển khai đến tận khu dân cư, đền, chùa, đình, miếu… sẽ phải thực hiện trong thời gian tới.

Ông Phong cũng nhấn mạnh: "Đối với thói quen đốt đồ mã trong nhân dân thì chủ yếu sẽ phải áp dụng biện pháp vận động là chính để làm thay đổi thói quen, nếp nghĩ của người dân".

 

Theo ông Trương Tiến Hồi, Phó Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ, để người dân thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, không đốt mã tại nơi công cộng theo quy định thì cần phải có cuộc vận động toàn dân, từ chi bộ tới các đoàn thể quần chúng, tổ dân phố thì mới có kết quả. Tuy nhiên, việc làm này cần phải có thời gian. Ông dẫn chứng: "Để vận động người dân chỉ thắp một nén nhang trong phủ, chúng tôi phải mất 10 năm. Vậy th()ì để tạo thói quen, nếp nghĩ cho người dân không sử dụng vàng mã chắc sẽ phải lâu hơn".


Việt Hà - Trần Hằng (Theo CAND)