PHẬT GIÁO THỜI ĐINH , TIỀN LÊ TRONG CÔNG CUỘC DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC

 

Đạo Phật truyền vào Việt Nam cách đây 2000 năm, vì đạo Phật là đạo từ bi, bình đẳng, cưú nhân độ thế nên khi vào Việt Nam nó đã sớm được dân tộc hóa, đã mang được sắc thái của dân tộc Việt Nam, một dân tộc trọng nhân nghĩa, đạo đức, đoàn kết thương yêu nhau, một dân tộc kiên cường bất khuất, có lòng yêu nước nồng nàn. Đạo Phật đã hòa đồng với những đặc tính tốt đẹp ấy của dân tộc và đã góp phần vào lịch sử cứu nước, giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc.

Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt năm 938 đã chấm dứt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam: kỷ nguyên Độc lập và phát triển, dẫn đến thời Đinh và Tiền Lê làm tiền đề cho sự phát triển toàn thịnh thời Lý Trần.

Phật giáo thời Đinh, Tiền Lê

Trong thế kỷ X, nhà nước độc lập mới được xây dựng, đang dần dần tự củng cố, vừa phải chuẩn bị đương đầu với những cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài, vừa phải đối phó với những yếu tố phân tán cát cứ ở bên trong. Trong bối cảnh đó, tất nhiên bạo lực và quân sự là ứng sử ưu tiên của các ông vua và bộ máy nhà nước . Song cũng thật là kỳ lạ , đó cũng là thời kỳ bước đầu phát triển mạnh mẽ của Phật giáo. Chính những ông vua từng “ đặt vạc dầu giữa sân, nuôi hổ báo trong cũi” để trấn áp mọi chống đối, lại ủng hộ Phật giáo. Có hiểu được cái tình thế dường như mâu thuẫn đó, chúng ta mới thấy rõ được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ X.

Khi đất nước đã được độc lập, cũng là lúc uy tín và vai trò xã hội của Phật giáo được khẳng định. Nhà nước độc lập non trẻ lại đang cần một điểm tựa về ý thức, một công cụ tinh thần để xây dựng và quản lý đất nước. Trong khi đó các dường mối của Nho giáo lại chưa được phát triển đầy đủ. Trong tình hình đó, Phật giáo đã chiếm được ưu thế trong xã hội.

Theo cuốn lịch sử Phật giáo Việt Nam của Viện Triết thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam do giáo sư Nguyễn Tài Thư chủ biên thì khu vực Phật giáo được phát triển nhất trong thế kỷ X vẫn là vùng bắc Sông Hồng. Ngoài những trung tâm Phật giáo lâu đời như Luy Lâu ( Thuận Thành, Hà Bắc), Kiến sơ ( Phù Đổng, Gia Lâm), bấy giờ đã có rất nhiều chùa. Chỉ trong Châu Cổ pháp ( thời Lý đổi là phủ Thiên Đức), đã có nhiểu chùa nổi tiếng như chùa Kiến Dương ở hương Hoa Lâm, chùa Thiên Chúng và chùa Lục Tô ở hương Dịch Bảng, chùa Song Lâm ở hương Phù Ninh. Chùa Cảm Ứng ở trên núi Ba Sơn …Nhưng trong thế kỷ X, cũng có thêm những trung tâm Phật giáo mới. Đó là trung tâm Đại La, mà sau đó đã cho dựng chùa Khai Quốc ( tức chùa Trấn Quốc, Hà Nội ngày nay). Cho đến giữa thế kỷ X, chùa này là nơi trụ trì của Thiền sư Vân Phong , người thuộc thế hệ thứ 3 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Học trò của Vân Phong là Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu, vị Tăng thống thời Đinh , đã cho mở mang chùa Khai Quốc, biến nơi đây trở thành một trung tâm truyền thụ Phật giáo. Sách Thiền Uyển Tập Anh chép rằng : khi Đại sư Khuông Việt mở rộng Phật học ở chùa Khai Quốc,Thiền sư Đa Bảo đã đến dự học.

Đó là trung tâm Hoa Lư đã được xây dựng thành kinh đô của đất nước trong hai triều Đinh và Lê . Vì các nhà vua của hai triều này đều coi trọng Phật giáo , họ đã cho xây dựng ở kinh đô nhiều ngôi chùa mà ngày nay chúng ta còn thấy được một số dấu vết . Chùa Tháp là ngôi chùa cổ mà nay chỉ còn thấy di tích nền cũ ở ven sông Hoàng Long . Trong số đá tảng chân cột, có viên hình vuông cạnh đến 1,06m và vòng tròn kê cột có đường kính 0,68m. Như vậy kiến trúc xưa hẳn là lớn lắm. Chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư hiện nay không còn giữ được dấu vết gì của kiến trúc cổ. Nhưng cây cột đá tám mặt cao 3m, khắc bài thần chú Kinh Lăng Nghiêm và các bài kệ, dựng khoảng năm 995 vẫn còn ở trước chùa, hẳn đã được dựng cùng thời với ngôi chùa cổ. Chùa Bà Ngô ở Hoa Lư tương truyền cũng được xây dựng từ thời Đinh. Tấm bia đá thời Nguyễn ở chùa này có ghi : “ chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam ở cố đô cũ nước Cồ Việt”. Chùa này thờ Bà Ngô, một nữ thần, phải chăng ở đây Phật giáo cũng gắn liền với sự sùng bái các nữ thần nông nghiệp như ở trung tâm Luy Lâu?.

Trong khi Phật giáo tỏa rộng và thấm dần vào đời sống nhân dân, thì giữa triều đình Phật giáo được công nhận như một tôn giáo chính thức. Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi, năm 971, đã quy định các cấp bậc Tăng đạo đồng thời với cấp bậc quan lại văn võ. Nhà sư Ngô Chân Lưu, được cử làm Tăng Thống và Tăng Lục là các chức quan dưới chức Tăng Thống, Tăng Thống và Tăng Lục là các chức Tăng quan mà các triều đại về sau vẫn dùng.

Việc quy định các chức quan Tăng đạo đồng thời với việc xây dựng bộ máy nhà nước, chứng tỏ vua Đinh rất chú trọng đến vị trí của tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Nhà Lê tiếp theo cũng theo đường lối đó của nhà Đinh.

Dưới triều Đinh, Tiền Lê nhiều nhà Sư đã trở thành cố vấn cho các ông vua về đường lối đối nội và đối ngoại . Tên hiệu Khuông Việt mà Đinh Tiên Hoàng đã ban cho nhà sư Ngô Chân Lưu đã nói lên điều đó. Khuông Việt có ý nghĩa “ giúp nước Việt”. Nhà sư Đỗ Pháp Thuận cũng là một cố vấn của vua Lê Đại Hành. Vua Lê Đại Hành kính trọng thường gọi Ngài là Đỗ Pháp Sư chứ không dám gọi tên và giao cho sư giữ việc Văn hàn. Các nhà sư như Ma Ha, Sùng Phạm. Vạn Hạnh cũng thường được vua Lê Đại Hành nhiều lần mời vào cung để hỏi ý kiến về việc đạo cũng như việc đời. Chẳng hạn như sư Vạn Hạnh đã được vua Lê Đại Hành hỏi về kết quả của cuộc kháng chiến chống Tống năm 980. Vạn Hạnh là nhà sư đã hoạt động tích cực trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi.

Phật giáo thời Đinh, Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước

Thời Đinh và tiền Lê cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI xuất hiện nhiều nhà sư tham gia công cuộc dựng nước và giữ nước trong đó tiêu biểu là Thiền sư Ngô Chân Lưu là vị Tăng đầu tiên đã nhập thế cứu đời. Với đạo cao trí lớn, Ngài là pháp tự thứ tư phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái truyền từ Trung Quốc vào Việt Nam và được vua Đinh Tiên Hoàng kính nể mời làm Thái sư trong triều để giúp vua dẹp loạn 12 xứ quân thống nhất đất nước và được vua phong là Khuông Việt Thiền sư ( vị Thiền sư giúp đỡ sửa sang nước Việt). Khuông Việt Thiền sư Ngô Chân Lưu ( 939 – 1011) tu ở chùa Phật Đà ( Phổ Đà) thuộc Hương Cát Lợi- Bắc Giang. Năm 40 tuổi, Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng mời làm cố vấn. Khi vua Lê Đại Hành lên ngôi , nhà vua vẫn kính trọng mời Ngài làm cố vấn và phong Ngài làm Quốc sư, do đó vua Lê Đại Hành đã đánh bại quân xâm lược Tống tại ải Chi Lăng, giữ vững được nền độc lập dân tộc. Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu cũng là người rất thông hiểu đạo Phật qua bài thi kệ mà Ngài đã để lại trước khi viên tịch, nói về mỗi chúng sinh đều có Phật tính, chỉ cần biết khai mở Phật tính đó thì con người là Phật:

"Mộc trung nguyên hữu hỏa,

Nguyên hỏa phục hoàn sinh.

Nhược vị mộc vô hỏa,

Toàn toại hà do manh".

(Trong cây vốn có lửa,

Lửa ẩn rồi lại sinh.

Nếu bảo cây không lửa,

Dùi cây lửa sao thành).

Theo Thiền Uyển tập anh, Đinh Tiên Hoàng thường mời Khuông Việt đến hỏi chuyện và rất mến phục Sư. Vua Lê Đại Hành lại càng kính trọng Khuông Việt. Những việc quân quốc đại sự, Sư đều được tham dự

Cũng dưới triều Lê Đại Hành , pháp sư Đỗ Thuận cũng được nhà vua mời làm cố vấn ngoại giao cùng với Quốc sư Khuông Việt. Thiền sư Pháp Thuận ( 915 – 990) họ Đỗ, tu ở chùa Cổ Sơn (Thanh Hóa). Ngài là học trò của Thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thụ. Theo Thiền Uyển tập anh, Ngài là người “ Bác học, hay thơ, có tài vương tá, hiểu rõ việc đời”. Khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Ngài đã trả lời bằng một bài kệ:

"Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên Lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh".

(Vận nước như mây quấn,

Trời nam hưởng thái bình.

Vô vi trên điện các,

Chốn chốn dứt đao binh).

Có lần tiếp sứ giả nhà Tống sang và sau khi ra về, sứ giả nhà Tống là Lý Giác đã khâm phục tài của Khuông Việt và Đỗ Thuận nên đã làm bài thơ tặng vua Lê Đại Hành để tỏ lòng kính mộ của mình :

"May gặp minh quân giúp việc làm

Một mình hai lượt sứ miền nam

Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ

Muôn dặm non sông mắt chưa nhàm

Ngựa đẹp mây bay qua suối đá

Xa vòng núi chạy tới giòng lam

Ngoài trời lại có trời soi rạng

Vầng nguyệt trong in ngọn sóng đầm”

(TT. Thích Mật Thể dịch)

Với sự kính nể nước Việt có nhiều nhân tài như vậy nên nhà Tống đã từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta.

Các nhà Sư trong thời Đinh Lê đã tham gia rất nhiều công việc trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc. Họ thường được nhà vua giao cho các công việc ngoại giao và cố vấn chính trị. Đặc biệt sư Khuông Việt và Pháp Thuận đã được nhà vua giao tiếp đón xứ thần Trung Quốc. Năm 987, vua Lê Đại Hành đã sai Pháp Thuận giả làm người lái đò để đón sứ là Lý Giác. Lúc Lý Giác trở về Trung Quốc, vua lại sai sư Khuông Việt làm bài từ Ngọc lang quy để tiễn biệt:

"Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,

Thần tiên phục đế hương.

Thiên trùng vạn lý thiệp thương lương,

Cửu thiên quy lộ trường.

Tình thảm thiết,

Đối ly trường,

Phan luyến sứ Linh Lang.

Nguyện tương thân ý vị

Nam cương,

Phân minh báo ngã hoàng".

( Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương,

Thần tiên lại đế hương.

Vượt sóng xanh muôn giặm trùng dương,

Về trời xa đường trường.

Tình thắm thiết,

Chén lên đường,

Viên xe sứ vấn vương.

Xin đem thân ý vì Nam cương

Tâu vua tôi tỏ tường).

Đó là bài thơ ngoại giao có lời đẹp và biểu hiện rõ ràng ý thức độc lập tự chủ. Cho tới nay, nhiều nhà sử học cho rằng đó là tác phẩm sớm nhất của văn học Việt Nam.

Các Thiền sư thời Đinh – Lê tuy không tham chính nghĩa là tham dự vào bộ máy chính quyền, nhưng qua việc làm và các hành trạng của các Thiền sư nêu trên ta thấy ảnh hưởng của họ đối với chính trị rõ ràng là lớn.

Phật giáo với sự tỏa rộng về mặt không gian cũng như sự thấm sâu trong đời sống tinh thần của người Việt, bước đầu đã chiếm được vị trí vững chắc trong xã hội thế kỷ X. Tất nhiên sự toàn thịnh của nó chỉ có được trong hai triều đại Lý -Trần tiếp theo. Nhưng giờ đây dựa vào các nguồn sử liệu hiện có, kết hợp với những tài liệu khảo cổ học tìm được ở Hoa Lư, chúng ta có thể nhận ra sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo thế kỷ X và sự đóng góp của Phật giáo vào công cuộc giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước thời Ngô- Đinh và Tiền Lê của dân tộc Việt Nam./.

 

Thượng tọa Thích Gia Quang

Phó Tổng Thư ký Hội Đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)