18 tấm bia Nôm ở chùa Phật giáo

Ở giữa làng Vĩnh Linh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội có một ngôi chùa mà trên cổng tam quan đề ba chữ Hán bằng vữa: Phật giáo tự (chùa Phật giáo). Chùa này do hội Phật giáo của thôn xây dựng vào năm Quý Mùi 1943, theo lối kiến trúc hiện đại. Về hình thức thì chùa không phải là một cảnh quan nổi tiếng, nhưng đáng chú ý là chùa còn nhà bia giữ nguyên vẹn được 18 tấm bia Nôm.

cd08 13.jpg

Bia chùa. (Ảnh minh họa)

Tấm bia tiêu biểu được dựng ở nhà bia trước cửa nhà Tam bảo có đầu đề là Vĩnh Linh xã(1) Phật giáo hội kỷ niệm công đức bi ký (bia ghi kỷ niệm công đức hội Phật giáo xã Vĩnh Linh) khổ 12dm x 7,5 dm. Bia hai mặt, dựng năm 1945, chữ khắc sâu, nét to, không ghi tên tác giả, tấm bia trình bày đơn giản, nhưng về nội dung gồm những câu biền ngẫu Nôm có vần, diễn tả khá tỉ mỉ việc xây dựng chùa và tên tuổi, chức vụ từng người trong hội Phật giáo xã Vĩnh Linh.

17 tấm bia còn lại có 6 bia dựng năm 1943, 4 bia dựng năm 1945 và 7 bia không ghi năm dựng. Bia có cỡ lớn nhất là 75cm x 49cm, nhỏ nhất là 43cm x 31cm. Các bia này tuy có đầu đề khác nhau như Hậu kỵ bi ký; Kỷ niệm kỵ nhật bi ký; Kỷ niệm bi ký; nhưng nội dung đều ghi lại việc gửi giỗ của thiện tín thập phương. Ở mỗi bia đều mở đầu bằng 6 chữ: Nam mô a di đà phật và có một đoạn văn diễn Nôm khá uyển chuyển chẳng hạn như đoạn văn ở bia có đầu đề là Lập bi hậu kỵ (dựng bia gửi giỗ) dựng ngày 1-5-1954 có những câu:

"Tưởng rằng ngày tháng lâu dài,
Để lan quế xum vầy chăn gối;
Nào ngờ xe tiên bước vội,
Áng mây vàng che tối kẻ đầu xanh...
... Minh dương đôi ngả nỗi tình,
Lập bia ký kỵ để giành về sau".

Tất cả 18 tấm bia Nôm trên đây có văn phong khá nhất quán và lối viết chữ Nôm rất thông nhất, tuy không ghi tên tác giả, nhưng hầu như cả thôn ai cũng biết người soạn những bài văn bia này là cụ Lê Văn Khóm(2). Điều rất thú vị là tác giả hiện vẫn còn sống tại thôn Vĩnh Linh. Chính tác giả đã phiên đọc và giải thích những chữ Nôm trên văn bia cho chúng tôi. Theo cụ giải thích thì chữ Nôm được tạo nên chủ yếu dựa trên cơ sở những chữ Hán đồng âm. Tuy vậy khi viết chữ Nôm, cũng phải linh hoạt, bởi vì ngoài những chữ phổ thông, còn có những tiếng nói riêng biệt của địa phương. Đối với những chữ này người viết thường dựa vào những chữ Hán gần âm và có một số yếu tố biểu hiện ý nghĩa của chữ Nôm đó. Chẳng hặn chữ "tẻo" trong "tẻo tèo teo" thì chọn chữ Hán là "tiểu" (小) bởi vì giữa chữ "tẻo" và "tiểu" có phần căn bản giống nhau như cùng vần "t" và thanh điệu "?" (hỏi). Mặt khác, về nghĩa thì chữ Nôm "tẻo" trong "bé tẻo teo" có nghĩa là bé nhỏ, mà chữ Hán "tiểu" (小) cũng có nghĩa là nhỏ, nên "tẻo" và "tiểu" không chỉ gần nhau về âm mà còn gần nhau về nghĩa. Ba chữ "tẻo tèo teo" là một tập hợp từ để chỉ một nghĩa là nhỏ hoặc bé nên trong văn cảnh nhất định người ta có thể viết ba chữ "tiểu" vẫn đọc thành "tẻo tèo teo". Nếu trong trường hợp một chữ Nôm gần âm với nhiều chữ Hán thì phải căn cứ vào nghĩa của chữ Nôm mà chọn chữ Hán. Chẳng hạn nếu "lầm" trong "lầm đục" thì có thể chọn chữ "lâm" và thêm bộ chấm thủy cho dễ đọc là "lầm", nhưng nếu "lầm" có nghĩa là như "nhầm" trong "nghe nhầm", "tính nhầm" thì có thể chọn chữ "nhâm" và thêm chữ nhỉ, hoặc chữ khẩu. Chữ "chòm" trong "chòm xóm" phải viết trúc + chiêm, nhưng chữ "chùm" trong "chùm trưởng" mà thường đọc là "trùm trưởng" mang nghĩa chỉ người đứng đầu thì phải viết nhân + thượng.

Chữ Nôm trên những tấm bia này có một số mã chữ khá đặc biệt, dùng khác hẳn với những mã chữ được sưu tầm trong các bộ Từ điển An Nam – Pháp của J.F.M Génibrel. Nhà in Tòa thánh Tân Định, Sài Gòn, năm 1983; Tự vị Nôm của Vũ Văn Kính và Nguyễn Văn Khánh, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, năm 1970; và Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1976.

Dưới đây, chúng tôi xin trích nêu 14 chữ Nôm trong số 18 tấm bia Nôm nói trên, nhằm bổ sung một số dị thể chữ Nôm để bạn đọc có thể thấy được đôi nét về tính đa dạng của loại chữ này.

Số TT ÂM ĐỌC Văn Bia Từ điển Annam-Pháp TỰ VỊ NÔM Bảng tra chữ Nôm
1Bẽo (Nguyễn Thị Bẽo) 殍 莩  
2Vóc (Nguyễn Thị Vóc) 
3Xoen (Nguyễn Thị Xoen)穿.穿
4Kẹp (Nguyễn Thị Kẹp).
5Kép (Nguyễn Thị Kép)  报 夹
6Tẻo (Tẻo tèo teo) 
7Doành (Nguyễn Thị Doành)  
8Ếnh (Nguyễn Thị Ếnh)  
9Góp (Nguyễn Thị Góp)
10Chòm (Chòm xóm)
11Nhầm (Lỗi nhầm) 孾 林孾 林 淋 琳 駊 霖
12Chếch (Chênh chếch)折 隻
13Chiu (Chắt chiu)
14Ngơi (Nguyễn Thị Ngơi) 

CHÚ THÍCH

(1) Vĩnh Linh: trước kia là đơn vị xã, nay nhập vào xã Vĩnh Quỳnh, trở thành đơn vị thôn, thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

(2) Cụ Lê Văn Khóm năm nay 83 tuổi, nhà ở gần chùa, cụ là Thư ký của hội Phật giáo xã Vĩnh Linh từ ngày hội được thành lập. Trong văn bia cụ có ghi rõ: Thư ký Lê Văn Khóm, tự Gia Khánh, hiệu Minh Đức. Cụ là người trong làng nho học cũ, có vốn hiểu biết nhất định về chữ Hán và chữ Nôm. Hội Phật giáo của xã yêu cầu cụ viết văn bia bằng chữ Nôm cho dễ đọc, dễ nhớ và truyền được lâu dài.