Di sản không phải đồ giả cổ

Năm qua, những tiếng kêu từ khẩn thiết đến phẫn nộ về ô nhiễm môi trường đã dẫn tới các vụ kiện giá bồi thường hàng trăm tỷ đồng. Những thiệt hại về di sản không quy được thành tiền nên dư luận bảo vệ di sản vẫn ứ nghẹn ở mức khẩn thiết, phẫn nộ “suông”. Rất lạ là chúng ta có Luật Bảo vệ di sản mà khi một di tích bị biến thành một cái lò gạch không ai bị cách chức, bị sa thải, phải bồi thường bởi các di tích là “vô giá”! Khai thác lậu, buôn lậu tài nguyên như quặng, than, vàng… thì bị bắt, bị tù, bị phạt tiền nặng nhưng tài nguyên di sản - di tích bị khai thác cạn kiệt, tàn phá, xóa sổ thì mọi bên trục lợi, gây hại vẫn bình chân như vại. Vì tài nguyên văn hóa không phải là “tài sản XHCN” chăng! Và “vô giá” được hiểu là chẳng đáng một xu tiền chăng!

Ngày xuân người dân tưng bừng hoan hỷ “sử dụng” di sản nhiều nhất, đời sống di tích - di sản sôi động nhất: thương mại, tâm linh, mê tín, tệ nạn… đều nhất ngay trên di tích, với di sản nên xin “thư ngỏ” đôi lời như sau:

Nước Việt Nam ta có thiên nhiên đẹp và đa dạng bậc nhất thế giới. Tổ tiên hơn năm mươi dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa đặc sắc và để lại một di sản phong phú bậc nhất thế giới. Hai loại tài nguyên văn hóa thiên tạo và nhân tạo ấy là hai thứ hàng đầu xác định vị thế và giá trị, thương hiệu và uy tín Việt Nam trên thế giới. Lãnh đạo và chính quyền từ cao nhất tới thấp nhất chưa nhận thức đúng và đủ cái “lợi thế cạnh tranh hàng đầu” này trong chiến lược phát triển quốc gia về kinh tế, chính trị và văn hóa.

Trong khi đó dân chúng còn tâm lý tự ty - vẫn tự coi mình là nhược tiểu văn hóa, sùng ngoại thái quá do không được giáo dục về tầm cỡ, giá trị của văn hóa dân tộc mình. Cửa miệng là chê bai, coi rẻ, coi khinh những gì mình sở hữu coi tất cả chỉ là “cái móng tay” so với Cố cung Bắc Kinh, Kim tự tháp Ai-Cập, Ăngco Cămpuchia.vv và vv. Dân làng không biết tới những giá trị tầm thế giới của kiến trúc và điêu khắc Chăm, của đình chùa làng thế kỷ XVII - XVIII mà làng mình đang gìn giữ, của đồ gốm Lý, Trần, Mạc, Nguyễn mà họ bán đổ bán tháo đi... Dân làng thờ mấy bản sắc phong ố vàng vốn chỉ là tờ giấybổ nhiệm, bằng khen, thờ mấy ông quan liêu phong kiến chả chắc đã thanh liêm nhưng lại sẵn sàng để người ta đập cả cái chùa, dỡ cả cái đình là kỳ quan mỹ thuật để làm lại như những thứ đố nhựa lòe loẹt rẻ tiền. Chẳng khác gì gìn giữ một viên thạch anh sặc sỡ mà đem vứt đi viên kim cương ngoại cỡ. Ối anh săn đồ cổ từng đổi mấy bộ chén bát mới (giá chỉ vài trăm nghìn) để được một cái đền Mạc, thạp Trần (giá hàng trăm triệu), từng cung tiến vào chùa, đình vài pho tượng bê tông nhố nhăng, vài cây gỗ để lấy được những pho tượng kiệt tác... Nghèo lại dốt thì khổ thế. Khổ nữa là do ta vốn không có giới quý tộc, không có văn hóa đô thị với các công trình quy mô toàn quốc, tập trung ở một vài nơi như các nước khác. Văn hóa ta là văn hóa làng rực rỡ, tản mát ở khắp nơi. Di sản quốc gia, quốc tế nhưng lại ở làng do cấp làng quản lý và dân làng sử dụng. Đó là đặc điểm nổi bật vừa là một thách đố vừa là một lợi thế của văn hóa và du lịch nước ta. Đặc điểm này chưa được nhận thức, điều tiết trong luật cũng như trong thực tế sinh hoạt văn hóa, tâm linh và kinh doanh du lịch. Di sản nước ta thường là một thể hữu cơ di sản thiên nhiên - di sản văn hóa: Danh lam thắng cảnh (chùa danh tiếng và cảnh đẹp) nên khi du lịch “ăn xổi ở thì” cỡ chuẩn chỉ “1 sao” thì cả hai thứ này bị tàn phá. Sản phẩm du lịch cấp thấp đồng nghĩa với phá hoại di tích, cảnh quan, gây ô nhiễm, gây tệ nạn, bệ rạc, u mê, hỗn loạn, “vô văn hóa”… mà tiền thu được chả là bao. Ở đầu kia của chuỗi giá trị du lịch thì những danh thắng đệ nhất (thí dụ các bãi biển, các khu rừng, núi, hồ, sông… mỹ lệ nhất) bị bán đứt cho các dự án phục vụ người giàu và khách nước ngoài. Bất công xã hội tới mức dân thường bị tước quyền hưởng cảnh đẹp và văn hóa quê hương thì thật là tàn bạo! Đồng thời các sản phẩm du lịch “cao cấp” này cũng hủy hoại không thương tiếc di sản thiên nhiên - văn hóa quốc gia. Hai vịnh loại đẹp nhất thế giới khai thác du lịch tàn bạo và rẻ rúng chục năm đã thành hai vịnh biển “tồi nhất” thế giới! Thật như vậy ở mọi di sản di tích chứ không thậm xưng!

Song song và phục vụ cho “chiến lược” biến di sản - di tích thành sản phẩm du lịch là “chiến lược” biến di sản - di tích thành đồ giả cổ. Ở đây tôi xin không nói tới các món đồ giả cổ khổng lồ phục vụ giải trí và tâm linh thời mới như Đại Nam hay Bái Đính… Chúng ta cũng đã có vài công trình phục chế tốt, mẫu mực như chùa Bút Tháp trước đây, Cung An Định và đình Chu Quyến mới đây. Bà tiến sĩ phục chế người Đức kể chuyện “vui” là sau 10 năm phục chế xong cung An Định thì nhiều người Huế thất vọng vì không thấy nó “mới hơn”, “đẹp hơn” trong khi các chuyên gia cố giữ từng xăng-ti-mét vuông tường cũ, từng mảnh gốm, viên gạch cũ! Các bên phục chế Lam Kinh, thành Sơn Tây, khu lăng Thoại Ngọc Hầu, thành nhà Mạc… và hàng ngàn đình chùa, miếu, nhà cổ… khác đều mắc sai lầm căn bản, chết người là tàn phá, biến dạng hoặc tiêu hủy cái cổ để làm một món giả cổ.

Tượng giả cổ bán cho du lịch giá bằng một phần triệu tượng cổ thật thì một chùa, đình, dinh thự giả cổ giá khó bằng một phần tỷ công trình thật! Ta nhạo báng tổ tiên mà kinh doanh thì “gậy ông đập lưng” ông vì du khách bị lừa. Họ không trả tiền để xem đồ giả cổ!

Không ngăn chặn thay đổi căn bản toàn diện hai “chiến lược kinh doanh - văn hóa” hiện nay là biến di sản - di tích thành đồ giả cổ và sản phẩm du lịch thì văn hóa và di sản Việt Nam còn bị “bức tử” nhanh hơn môi trường và tài nguyên!

Trước tết lên thăm Phan Cẩm Thượng ở Bút Tháp, nơi trước đây 30 năm chúng tôi nghiên cứu, làm tư liệu. Chúa được phục chế bài bản bằng 5 triệu Mác của CHLB Đức và các thợ phục chế hàng đầu của Việt Nam gần 20 năm trước. Nhìn chung khá ổn. Riêng một sai lầm “giết người” chúng tôi đã lưu ý mà không được để ý là việc tô tượng. Một số pho trong bảo tàng điêu khắc tầm cỡ thế giới của Trương Tiên Sinh sau khi phục chế khối đã bị tô màu rất vô trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp. Tượng gỗ - đất phủ sơn màu chỉ khi tô màu và điểm nhãn mới hoàn thành. Giá trị nghệ thuật ở bề mặt còn quan trọng hơn ở khối. Phục chế xong như thế cũng là phá xong các kiệt tác. Cũng là đã đập nát những viên kim cương to! Cả ban thờ chỉ còn là một dẫy thi thể không hồn (xin xem ảnh). Công trình mẫu, tầm quốc gia còn khó như thế thì nói chi tới việc phục chế, trùng tu, duy tu cấp tỉnh, huyện, xã thôn và dòng họ trên cả nước!

Vì vậy, cần xây dựng gấp nhưng bài bản một đội ngũ chuyên gia và thợ phục chế lành nghề tương thích với thực tế và đặc điểm nghệ thuật Việt Nam và ngăn cấm tối đa việc thợ vãng lai, chuyên gia dỏm và các nhà cung tiến không có chuyên môn “bén mảng” đến, tùy tiện “rờ” vào các di sản - di tích.

Nguyễn Bỉnh Quân
Theo Báo xây dựng