Về Yên Tử-Nhớ ơn Vua - Phật

Địa danh Yên Tử thuộc Quảng Ninh, núi Yên Tử giáp nhiều tỉnh. Nhưng Yên Tử mãi là non thiêng đại ngàn trong lòng người dân Việt, nơi ghi dấu sự tu hành của một đấng quân vương, anh hùng ngàn năm của dân tộc.
Ở Ấn Độ, có vị thái tử rời bỏ hoàng cung đi tu và thành phật Thích Ca của nhân loại. Ở Việt Nam, cũng có một vị vua quyền hành tối thượng, đã lãnh đạo nhân dân hai lần đánh tan đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, giữ yên bờ cõi, rồi ngài từ bỏ tất cả để đi tu và thành phật của Việt Nam. Đó là vua Trần Nhân Tông, vị vua anh minh trong suốt chiều dài lịch sử của nước Việt.


Tháp Tổ trong khu tháp Huyền Quang
Thăm Yên Tử mới thấy sự tu hành của Ngài thật giá trị, nơi rừng sâu u tịch này, Ngài đã lập nên một hệ phái thiền của Việt Nam với một triết lý sâu sắc, một con đường chính danh, tạo nét rất riêng cho Phật giáo Việt Nam.
Cách tu của ngài tóm tắt trong bài kệ:
Ở đời tu đạo khéo tùy duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm khỏi hỏi thiền
Đấy là phép tu thật dễ, rất thực tế, gắn liền con người và xã hội. Cứ vui trong cuộc đời mà tu; đói ăn, mệt ngủ; của báu trong tâm mình chứ tìm kiếm chi cho xa; nhìn cảnh mà tâm vẫn yên không vọng theo là tâm phật rồi, khỏi phải vào chùa.
Cách nhìn cuộc đời và triết lý sống của ngài thật vi diệu và gần gũi:
Thân như hơi thở ra vào mũi,
Đời giống mây trôi đỉnh núi xa,
Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,
Đâu dễ tầm thường qua một xuân.
Thân và cuộc đời con người là mong manh tạm bợ, tưởng nhàm chán và bi ai; nhưng sự tĩnh động thực thể đang tồn tại; mùa xuân của nhân loại mãi tràn về, sao lại cho trôi qua một cách uổng phí. Sống là còn thở, còn phải tích cực với mùa xuân tươi đẹp, không thể để trôi qua vô nghĩa. Cách nhìn của ngài là tinh thần nhập thế, gắn chặt và quý trọng cuộc đời, mến yêu cuộc sống, chứ đâu bi quan yếm thế. Bởi cách tu và hành đạo như thật nên ngài đã hiển Phật và truyền đạo giác ngộ đến muôn loài.

Tháp 7 tầng ở sườn Tây-Báu vật của quốc gia năm 2004

Bị đánh sập sau đó. Ảnh Yentu.net
Tiếc là những di tích quý báu lúc ngài giảng đạo và tịch diệt ở sườn tây Yên Tử bỗng trở thành hoang phế do những triều đại sau đó không quan tâm. Mãi đến năm 1988, vô tình những di tích này được phát lộ, báo chí đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ, người có trách nhiệm lại không nghe thấy, như chỉ đường cho nhóm người tham lam, vô tâm đào bới, phá nát, để tìm vàng bạc, của cải…

Tháp 7 tầng được dựng lại

Tháp Phật Hoàng nơi ngài tịch ở Ngoạ Vân am sườn Tây Yên Tử-Ảnh Yentu.net
Thật xót xa! ngài đã rời bỏ ngai vàng, là bậc chân tu làm gì có của cải đem theo mà tìm, chỉ thấy sự đập phá, sụp đổ đến đau lòng, làm những kho tàng quý giá của dân tộc bị hư hại thảm thương. Và cũng thật may, mọi người sớm ngăn được cơn đào bới khai thác than của tập đoàn TKV, nếu không Yên Tử khó bề trụ được dưới những mũi khoan tìm lợi nhuận.

Dấu vết đào bới của TKV
Tuy là một anh hùng dân tộc và một đấng minh quân nhưng những nhà sử học khi ghi chép về ngài vẫn có nhận định chưa toàn tâm ý lắm, họ nói ngài để tâm nơi kinh phật, đó không phải đạo trung dung của thánh nhân.
Thật ra, nước Việt đã bị phong kiến Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm. Thời thống trị, họ truyền dạy thứ văn hoá nô dịch, nhằm tiêu diệt bản sắc văn hoá Việt Nam. Họ cố tạo ra những người đầy nho học, làm tay sai phục vụ âm mưu đồng hoá. Do vậy những ông vua đầu, quý độc lập dân tộc, thường trọng dụng các thiền sư. Các ngài tu học, am hiểu Hán tự, nhưng học để hiểu kinh điển, biết độc lập, giữ được bản sắc dân tộc, chứ không phải học để bị nô dịch. Do vậy thời kỳ đầu lập quốc, phật giáo gắn với dân tộc là điều dễ hiểu.
Yên Tử ngày nay đã chuyển biến nhiều, vào dịp lễ hội, hàng vạn con cháu rồng tiên kéo về bái tổ thật đông và ồn ào. Nhưng đa phần đến nhằm cầu khẩn, xin xỏ lợi ích cho riêng mình, ít nhớ đến ơn xưa.. Trong khi ngài đã từ bỏ mọi quyền quý cao sang và ngài không phải là đấng toàn năng, thì có gì để cho. Học theo ngài, nên tu sửa mình thành người hướng thiện; bình tâm, dưỡng tánh để trí tuệ sáng suốt, góp cho đời chút hương chứ nào phải đi xin. Thành bại do mình tự quyết định.
Yên Tử đang phát triển rất nhanh, nhưng không theo đường giác ngộ sẽ dễ lạc bước, làm mai một tinh thần nhập thế, giúp đời đã có từ xưa.
Theo: Đôn thư quê mẹ