Sương Gió Trên Đỉnh Bà Nà

Không khí ướt đẫm, mây trắng là là giăng ngang đỉnh núi trông tợ như những tảng thiên thạch lớn thoạt ẩn thoạt hiện trong một buổi chiều đông giá tuyết. Nhưng lúc này đang độ vào thu, màu trời xen lẫn với màu xanh bạc của cánh rừng làm ánh lên chút sắc buồn thâm u diễm lệ; Cảnh sắc này ắt hẳn cũng từng ru hồn bao khách trần tìm đến để mong được khám phá và chinh phục một cõi thiên nhiên hùng vĩ giữa đất trời...Đỉnh Bà Nà là điểm dừng chân cuối cùng của đoàn trước khi rời thành phố Đà Nẵng, để đến với xứ Huế mộng mơ, vốn luôn nằm yên trong tiềm thức của tôi – một chốn quê hương vắng xa suốt cả thời thơ dại.

Từ chân núi lên đến đỉnh dài hơn mười lăm cây số đường đèo. Cả đoàn duy có tôi là người đầu tiên đi xe ra tuyến miền Trung này, thế nên mọi cảnh vật đối với tôi đều lạ lẫm nên thơ và thấm đẫm một mùi vị liêu trai như lạc vào cái thuở hồng hoang của trái đất. Khi xe bắt đầu leo đèo, tôi cố căng mắt nhìn cho hết cả rừng cây dày đặc trải dài quanh co theo triền núi, cùng những đoạn đường cua gấp gãy khúc làm cho khung cảnh đã ngoạn mục lại mang đậm tính chất của một cuộc phiêu lưu thời thượng.

Sương Gió Trên Đỉnh Bà Nà

Lam Khê

Không khí ướt đẫm, mây trắng là là giăng ngang đỉnh núi trông tợ như những tảng thiên thạch lớn thoạt ẩn thoạt hiện trong một buổi chiều đông giá tuyết. Nhưng lúc này đang độ vào thu, màu trời xen lẫn với màu xanh bạc của cánh rừng làm ánh lên chút sắc buồn thâm u diễm lệ; Cảnh sắc này ắt hẳn cũng từng ru hồn bao khách trần tìm đến để mong được khám phá và chinh phục một cõi thiên nhiên hùng vĩ giữa đất trời.

Chúng tôi là những du khách đặc biệt trên chuyến tham quan du khảo đường dài – vừa trải qua mấy ngày đi trong mưa gió tầm tã. Trừ tôi ra thì quý thầy cô đều nằm trong ban biên tập của tòa báo. Đỉnh Bà Nà là điểm dừng chân cuối cùng của đoàn trước khi rời thành phố Đà Nẵng, để đến với xứ Huế mộng mơ, vốn luôn nằm yên trong tiềm thức của tôi – một chốn quê hương vắng xa suốt cả thời thơ dại.

Từ chân núi lên đến đỉnh dài hơn mười lăm cây số đường đèo. Cả đoàn duy có tôi là người đầu tiên đi xe ra tuyến miền Trung này, thế nên mọi cảnh vật đối với tôi đều lạ lẫm nên thơ và thấm đẫm một mùi vị liêu trai như lạc vào cái thuở hồng hoang của trái đất. Khi xe bắt đầu leo đèo, tôi cố căng mắt nhìn cho hết cả rừng cây dày đặc trải dài quanh co theo triền núi, cùng những đoạn đường cua gấp gãy khúc làm cho khung cảnh đã ngoạn mục lại mang đậm tính chất của một cuộc phiêu lưu thời thượng. Xe chạy độ vài mươi mét thì phải bẻ cua nhanh, và cứ thế lao hết đoạn cua này đến đoạn cua khác theo mô hình chữ “chi” vươn cao và đẫm ướt vì mưa gió. Mỗi lần xe chồm lên bẻ ngoặt, thì mọi người cùng lắc lư nghiêng ngả theo. Ai nấy đều thấm mệt vì say xe. Tôi cũng hơi bị choáng một chút, nhưng thích ứng được ngay và có cảm giác thích thú của người mới được trải nghiệm lần đầu. Chỉ riêng thầy Hải Nguyện là người khoẻ nhất, vui nhất…nên nói nhiều nhất. Thầy không bỏ lỡ cơ hội để phát huy tầm kiến thức của nhà thông thái được đi đây đó nhiều nên sự hiểu biết cũng thuộc dạng tầm cỡ. Nhưng có lẽ chính là để khơi dậy cái không khí đang trầm lắng, nặng nề trong xe, giúp cho quý thầy cô quên đi cảm giác buồn nôn khi bị xe nhồi sốc liên tục.

Vị hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư của đoàn cứ thao thao bất tuyệt để mô tả cho hết bao cảnh quan kỳ thú của núi rừng. Nào là đỉnh núi Bà Nà khởi thuỷ do người Pháp khám phá từ hơn trăm năm trước, và họ đã cho khai thông con đường độc đạo này. Thầy còn khẳng định: “dù ngày nay người ta dùng máy móc hiện đại để đo đạc khám phá mà cũng không tìm ra con đường nào ngắn hơn được”. Rồi nào là chuyện về thầy Thiện Nguyện, người khai sơn ra ngôi chùa Linh Ứng toạ lạc trên đỉnh núi. Thầy cũng là người cất công tìm ra được mạch nước ngầm trên đỉnh và cho dẫn ống xuống để chùa và cả khu du lịch sử dụng. Toàn là những chuyện thoạt kỳ thuỷ có một không hai như ngầm nói đến công đức của bao người tiên phong trên bước đường khai sơn phá thạch ở đây.

Ai bảo lên Bà Nà vào trời nắng mới thú. Riêng tôi lại cảm thấy được đi trong cơn mưa nhẹ nhàng phơn phớt như thế này mới thật là thơ mộng. Mọi cảnh vật dù chưa phải là tuyệt tác của thiên nhiên, nhưng chúng vẫn có những góc hồn riêng trong sâu thẳm lòng người khi cảm xúc. Trời đất thì bao la như thế đấy, mà sao tâm tư ta vẫn cứ nhỏ hẹp mù tăm. Một lúc tôi lại nghe thầy trưởng đoàn lên tiếng: “Cô cứ nhìn những đoạn cua gấp này để mường tượng ra ngọn đèo Hải Vân cũng y như thế. Đèo Hải Vân thì góc cua rộng hơn, dốc dài hơn, lại một bên là núi đá rừng cây đầy mây mù sương khói, một bên là vực sâu với biển cả. Người ta gọi Hải Vân chắc là ý vậy. Một nơi chỉ thấy trên mây dưới biển”. Vâng, ngọn đèo nằm lưng chừng giữa mây và biển nổi tiếng từ bao đời nay, mà tôi chỉ thoáng thấy đôi nét từ xa trong lần về quê bằng tàu hoả mấy năm trước, chắc cũng sẽ mãi nằm trong trí tưởng tượng của mình và cũng chỉ biết mơ ước một lần đặt chân đến để thưởng ngoạn cho hết bao vẻ đẹp của chốn sương khói mờ nhân ảnh ấy.

Khi xe đến trung tâm du lịch Bà Nà thì trời đã xế chiều, gió thổi lạnh buốt và mây mù phủ kín cả một khoảng không gian rộng lớn. Cũng có khá nhiều khách du lịch từ các nơi tìm đến. Rời bãi đậu xe với những ngôi biệt thự nửa hiện đại nửa cổ kính, chúng tôi men theo từng bậc thang đá rộng để tìm đến ngôi chùa Linh Ứng, bản sao của chùa Linh Ứng ở Non Nước. Thầy phụ trách đi vắng, một chị Phật tử cũng là chị của thầy, ân cần ra hỏi thăm và mời đoàn nghỉ lại dùng bữa tối. Rồi chị lại nhanh nhẹn vào bếp lo sửa soạn nấu ăn. Gởi hành lý lại đó, chúng tôi tận dụng giây phút còn lại để đi tham quan một vòng, cũng do thầy Hải Nguyện hướng dẫn. Khuôn viên và ngôi chùa đều mang dáng dấp mới xây cất và còn nhiều nơi đang làm dở dang. Rất tiếc là thời gian không cho phép, nên tôi chưa xem kỹ hết mọi công trình kiến trúc của ngôi chùa. Tất cả đều do bàn tay và khối óc con người thời nay làm nên, khi mà vật dụng và cả thực phẩm phải mang từ đất liền lên. Ngôi bảo điện uy nghiêm trong màu nước sơn mới, mà vẫn toát lên vẻ cổ kính của chốn thiền môn yên tịnh vừa hài hoà thích ứng với cảnh quan và môi trường thiên nhiên, vừa mang bản sắc của đạo Pháp thời nay muốn du nhập vào lòng nhân thế. Một chốn non xanh núi biếc, một điểm du lịch đời thường, dấu chân người tu sĩ vì đạo quên thân đã không từ nan bất cứ sự khó khăn nào để xây dựng cho mình một chốn yên tu và lưu dấu lại cho vạn đời sau bằng cả niềm tin và ý chí từ một con người.

Ấn tượng nhất là tượng Phật lộ thiên cao gần ba mươi mét, uy nghi giữa bốn bề lồng lộng mây trời gió núi. Tượng Phật được đúc bằng xi măng, ruột đúc đá xanh do thầy trò thầy trụ trì vào trong núi đục lấy về, bên ngoài là lớp áo sơn nước trắng buốt. Nhìn từ xa, qua làn sương bạc tượng Phật nổi bật lên như tranh tạc cứ ẩn ẩn hiện hiện một màu linh thiêng huyền diệu, khiến cho ai nhìn qua dù chưa thật phát đạo tâm vẫn kính cẩn hướng về để bày tỏ chút lòng bái ngưỡng tôn vinh. Từ Linh Ứng, chúng tôi lại leo lên những bậc thang đá quanh các ngọn đồi gần đó trong cái giá lạnh của buổi hoàng hôn đang xuống. Rải rác trên những ngọn đồi vẫn còn dấu tích đổ nát của mấy ngôi biệt thự có từ thời Pháp thuộc, nhìn nền mống hoang tàn trong cảnh chiều thu man mác, lòng du khách sao tránh khỏi đôi phút bâng quơ than thở:

“… Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Chúng tôi dạo qua căn hầm rượu cũng do người Pháp xây dựng vào thời hoàng kim của họ. Căn hầm bây giờ vẫn được sử dụng để chưng cất rượu và luôn mở cửa để khách vào tham quan, cùng uống vài chung rượu nho cho ấm tình người lữ thứ. Trời về đêm sương thu càng thấm lạnh, đoàn du khảo vẫn chưa muốn quay về vội, mọi người theo chân thầy trưởng đoàn dạo quanh khu trung tâm xem người ta đốt lửa trại vui chơi hát hò. Tôi đi một đoạn rồi lặng lẽ trở lại. Núi rừng về đêm chỉ đẹp khi hiện nguyên hình vẻ sơ khai hoang dã của nó. Đứng giữa không gian bàng bạc màu sương khói này, tôi mới có dịp lắng nghe được tiếng thì thầm của gió ngàn vi vút, và cảm nhận ra bao sức sống diệu kỳ của ngàn cây nội cỏ. Trong khoảnh khắc ấy bỗng khởi lên ý niệm về câu nói của một nhà văn nào đó “một chút tình yêu, một chút yên bình” chỉ cần một chút yên bình thôi… cũng đủ để lòng ta nhẹ vơi bao nỗi mệt nhọc đường dài, xua tan hết mọi sự sáo rỗng của tâm tư, và để cho tình yêu đến với muôn loài được thăng hoa theo cùng nhịp sống.

Một đêm trên đỉnh núi Bà Nà gần như là một đêm tôi thức trọn, có lẽ vì mấy chung trà uống cùng quý thầy hồi tốI, mà cũng bởi tiếng gào thét thâu canh của gió ngàn. Lần đầu tiên nghỉ đêm trên núi, lần đầu tiên nghe tiếng gió cuồng nộ đến kinh người thì làm sao tôi có thể yên giấc được. Trở dậy mấy lần gài then cửa mà cứ bị gió đánh bật ra, tôi đành để ngỏ cho gió mặc sức tuôn vào. Nhưng rồi không muốn bỏ qua cơ hội nhìn ngắm trời đêm, tôi vội mặc áo gió rồi bước nhẹ ra sân. Khung cảnh bên ngoài không thật sự lắng đọng như lòng tôi hằng nghĩ. Xa xa là thành phố biển ẩn trong sương mù, vẫn nổi bật lên với những sắc màu lung linh đèn đuốc huyền ảo như đêm hội hoa đăng. Còn nơi đây cảnh đêm khuya thanh vắng, khi mọi hoạt động của con người ngưng bặt thì núi rừng bắt đầu cất lên tiếng nói của riêng nó, một tiếng nói mang nặng âm sắc miền Trung được vang ra từ trong lòng núi. Phải chăng vì lòng người chưa thật sự bình yên, nên mới cảm nhận rõ ràng từng âm thanh khuấy động ấy. Trong khi mọi người vẫn bình thản trong giấc ngủ, nào có ai bị đánh thức bởi sự tung hoành của gió đâu, cả tiếng cánh cửa kêu cọt kẹt và tiếng nhạc chuông điện thoại reo vang trong lúc nửa đêm, cũng không hề lay động. Tôi thao thức bởi lòng tôi chưa yên tĩnh, mà yên tĩnh làm sao được khi ngay trong lúc này đây vẫn có người đang réo gọi tôi trở về. Thôi thì, niềm vui được sống với thiên nhiên cùng chuyến du khảo chưa hết nửa đoạn đường đành phải bỏ lỡ vậy… Ngày mai tôi sẽ trở về… trở về để làm tròn bổn phận với nơi mình đã ra đi. Miền quê hương xa mù vẫn cứ mãi mù xa… cả trong ký ức của người vốn cưu mang nhiều món nợ ân tình trong cuộc sống.

Sáng sớm hôm sau trước khi trở xuống núi, chúng tôi vẫn còn một chuyến thả bộ dạo xem gần hết mọi cảnh vật xung quanh khu rừng sinh thái. Buổi sáng gió chỉ gợn len đôi chút đủ để se lạnh, nhưng sương mù vẫn trắng xóa cả bầu trời. Đường lên các đỉnh đồi đều được lót đá, thềm bực thoai thoảI nên tương đối dễ đi. Khi đứng trên đỉnh núi Chúa, nơi có độ cao tuyệt đối, mới thấy rõ trời đất bao la đến dường nào. Nơi đây lộng gió và sương mù trắng xóa, ngay cả người đối diện vài ba mét cũng cảm thấy “mờ mờ nhân ảnh như ngườI đi đêm” bất chợt tôi reo lên nho nhỏ: - Đồi gió hú đây mà! Nơi đây quả thật chỉ có sương và gió, cảnh vật mờ ảo như thật như hư. Sương mù ở Sa Pa chắc cũng chỉ đẹp đến thế là cùng. Khi nắng lên cao mà sương vẫn cứ nhẩn nhơ bay cùng gió thoảng. Thiên nhiên tạo vật hay cảnh vật đang tạo ra chút hồn nhiên cho lòng người khi đến, và chút tình lưu luyến khi đi.

Đoạn đường đi xuống xe thoải mái phóng nhanh nên càng làm mấy cô trong đoàn mệt lã. Thức đêm, lội bộ leo núi, chỉ lúc được lên xe là tôi thoải mái hơn cả. Quay nhìn những bông hoa cẩm tú cầu to tướng được trồng dọc theo các đoạn đường tôi khẻ thì thầm nói vài lời từ tạ. Đỉnh đồi sương gió, khu du lịch Bà Nà ẩn khuất từ xa, còn biết bao cảnh quan mà chúng tôi chưa đi hết. Nhưng như thế cũng là quá đủ để biết về một xứ sở sương mù mang đầy phẩm chất diệu kỳ vì được thiên nhiên ưu đãi, một kỳ công của tạo hoá nhưng chính con người mới góp phần làm cho sức sống của nó hồi sinh. Một hồn thơ đi giữa muôn vạn hồn thơ cũng góp phần làm cho cuộc sống này thấm đầy ý vị.

Tạm biệt Bà Nà, tạm biệt một chuyến đi xa nhiều đạo vị thân tình và cũng thật thú vị. Ngày mai và ngày mai nữa… mọi người sẽ tiếp tục cuộc hành trình phía trước, còn tôi một mình một cõi trở lại chốn xưa. Mây ngàn gió núi thì nơi nào chẳng thế, vậy mà sao lòng vẫn bồi hồi với cảnh trời sương gió ở đây. Có lẽ vì lần đầu tiên tôi đến nơi này, để cùng thao thức một đêm cùng mây núi, để biết rõ hơn nhiều điều chưa thật biết. Con đường đi tới còn dài, nhưng lẽ tử sinh thì có hạn, nào có mấy ai đi trọn hết đường đời chỉ trong một chuyến du khảo trở về ngắn ngủi nầy đâu.