Quán Sứ - ngôi chùa linh thiêng

Hà Nội là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa-địa chỉ dành cho người dân nơi đây và du khách ghé thăm. Theo số liệu thống kê sơ bộ, Hà Nội có đến hơn 100 chùa lớn, nhỏ, nằm xen kẽ trong các phố phường tấp nập như Trấn Quốc, Kim Liên, Một Cột,Quán Sứ, Liên Phái...

Mặc dù không có lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo như nhiều ngôi chùa khác ở Hà Nội nhưng, chùa Quán Sứ lại được nhiều người Việt Nam biết tới, coi như một ngôi chùa thiêng bậc nhất của Thủ đô.

Chùa này được Hội Phật giáo Việt Nam lấy làm trụ sở, lại ở giữa thành phố Hà Nội và cũng có một lịch sử khá đặc sắc. Vào những ngày rằm, ngày mồng một, ngày lễ tết, đặc biệt là ngày Phật đản... các Phật tử, các thiện nam, tín nữ kéo về đây rất đông, tấp nập cả một đoạn đường Quán Sứ.

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương, ngày nay là phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội.

Nguyên xưa ở phường này chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu an gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống nước ta. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu tích khu nhà Quán Sứ xưa nhưng, ngôi chùa thì vẫn tồn tại.

Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở trung ương. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí trong chùa là sự kết hợp tất cả những tinh hoa các đại già lam miền Bắc. Chùa Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở nước ta mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Phải chăng vì ngôi chùa được xây dựng lại vào giữa thế kỷ XX và chùa đã trở thành trụ sở trung tâm của Tổng hội Phật giáo Bắc kỳ, nay là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên chùa được coi như ngôi Quốc tự chung của các thiện nam tín nữ trên đất Việt.


Chùa Quán Sứ được Hội Phật giáo Việt Nam lấy làm trụ sở . Ảnh VIT

Tam quan chùa có ba tầng mái, ở giữa là lầu chuông. Đi qua một sân gạch nhỏ, bước lên 11 bậc thềm là tới chánh điện. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy. Phía trong cùng, thờ ba vị Tam Thế Phật trên bậc cao nhất. Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ Phật Thích-ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đứng giữa tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình.

Các nhà chính và nhà phụ chùa Quán Sứ đều rộng rãi. Nơi đây từng là trụ sở báo Đuốc Tuệ và văn phòng Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hiện nay chùa có giảng đường, thư viện, là nơi đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam).

Nửa thế kỷ nay, chùa Quán Sứ đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong cả nước và sự hòa nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới. Chính nơi đây vào ngày 13-5-1951 (mồng 8-4 năm Tân Mão) lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng tọa Tố Liên mang về từ Colombo đã xuất hiện trên bầu trời Hà Nội.

Chùa là một quần thể kiến trúc khá độc đáo với sự kết hợp hài hòa của các tầng mái và lầu chuông trong một khuôn viên tương đối rộng rãi. Ngoài các vị Tam thế Phật, Phật Adiđà, Phật Thích Ca, Phật Quan Âm và các tôn giả, chùa còn là nơi thờ vị Quốc Sư triều Lý – Thiền sư Minh Không.

Chùa cũng là nơi lưu trữ rất nhiều tài liệu, thư tịch Phật giáo và là một trong những trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá Đạo Phật lớn nhất trong cả nước. Đây cũng là trụ sở của Phân viện Nghiên cứu Phật học thuộc Giáo hội và văn phòng đại diện tổ chức Phật giáo Châu Á tại Việt Nam.

Tọa lạc trên một tuyến phố trung tâm trong lòng thành phố Hà Nội nhưng ta vẫn thường thấy sự tấp nập khách thập phương, phật tử và người dân các vùng đến vãn cảnh, tế bái tại chùa, đặc biệt vào các ngày sóc vọng và các ngày lễ của Phật giáo. Đây cũng là một nét văn hóa rất riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Thùy Dung
Nguồn: VIT