Có tình trạng xuất gia "dễ dãi" ở nước ta hiện nay?

Ban biên tập xin giới thiệu bài viết với mục đích nghiên cứu, tiếng chuông cảnh báo và thử tìm một giải pháp: Tăng già Việt Nam ngày nay là sự kế thừa chính thống và xứng đáng của bao đời lịch đại Tổ sư. Trong nội hàm của khái niệm Phật giáo Việt Nam đương đại, về thông số có tới gần 4 vạn Tăng Ni trong nước và hàng nghìn Tăng Ni đang hành đạo trên thế giới; có tới hơn 1 vạn ngôi chùa trong nước và hàng trăm ngôi chùa Việt ở nước ngoài, có tới hàng chục triệu Phật tử tại gia.

Với một số lượng như thế, đòi hỏi một sự thuần túy về chất là điều không tưởng. Hơn nữa sự phức tạp, đa dạng, muôn màu, muôn vẻ của thế gian này, dù muốn hay không muốn, cũng xâm nhập vào đội ngũ những người xuất gia, cả mặt sáng và mặt tối của nó.

Có thể khẳng định rằng, đội ngũ Tăng già Việt nam ngày nay là rất đông đảo, hùng hậu và thanh tịnh.

Có tình trạng xuất gia "dễ dãi" ở nước ta hiện nay ?

Trần Đại Vĩ

Nguồn: http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=2521

Vào website Phattuvietnam.net, thấy Ban biên tập có cho đăng lại hai bài “Quá dễ dãi trong việc cho xuất gia” của tác giả Trịnh Xuân Lực và “Không dễ để được phép xuất gia” của tác giả Thích Lệ Thọ, từ trang Thư viện hoa sen, chúng tôi thấy, ở đây các tác giả đã đề cập đến vấn đề có tính chất nóng hổi và “dễ xảy ra va chạm” của Phật giáo Việt Nam.

Từ duyên khởi đó, trong bài viết này, chúng tôi có suy nghĩ về mấy vấn đề sau:

1. Phật tử tại gia có được bàn đến tư cách của người xuất gia hay không?

Thử trừu tượng hóa, chúng tôi thấy có 3 loại ý kiến trả lời khác nhau:

Thứ nhất, Phật tử tại gia không được bàn bạc, đánh giá, góp ý đến tư cách của người xuất gia.

Quan niệm này khá phổ biến trong cộng đồng Phật tử tại gia có mặt bằng tri thức tương đối thấp. Họ cho rằng, các vị xuất gia “đầu tròn áo vuông”, “linh thiêng”, thuộc về Tam bảo, là đối tượng không thể nghĩ bàn; nếu nói đến, nhất là phê phán, góp ý về những cái kém, cái xấu của các Thầy thì sẽ phạm tội bất kính, mà “kính Phật thì phải trọng Tăng” (số đông họ đồng nhất Tăng với cá nhân các nhà sư!); đó là vấn đề nội bộ của các Thầy.

Vả lại, họ cho rằng, mình đã là gì đâu mà dám góp ý! Cho nên thái độ tốt nhất là “không thể nghĩ bàn”, vừa không tổn “công đức” lại yên thân.

Hơn nữa, một số các Thầy cũng “khuyên răn” Phật tử theo hướng đó. Họ coi việc Phật tử góp ý hay phê phán các Thầy là “vạch áo cho người xem lưng”, là không thiện chí, là “nói xấu” Đạo.

Phải chăng ở đây, nói sai hay nói đúng về sự thật khách quan là không quan trọng, mà nếu nói (cho dù sai) nhưng có lợi thì được coi là “nói tốt”; còn nếu nói (cho dù đúng sự thật) mà không có lợi thì bị quy là “nói xấu”?

Thứ hai, Phật tử tại gia được phép bàn bạc, góp ý đến tư cách của người xuất gia mà không bị coi là phạm giới luật.

Tôi loại trừ ý kiến của các đối tượng ác tâm, cơ hội, giả danh Phật tử để chỉ trích, bôi nhọ, phá hoại hòa hợp Tăng; hay các đối tượng mắc “sở tri chướng”, có bản ngã quá to, tự cho mình là giỏi, là chuẩn mực, có quyền “lên lớp, chỉ dạy”, mà ở đây chỉ đề cập đến các Phật tử sùng kính Tăng bảo - tức là có thiện chí mà thôi.

Họ xác định rằng “tứ chúng đồng tu” theo tinh thần “ý hòa đồng duyệt, kiến hòa đồng giải”; Phật với chúng sinh còn bình đẳng, huống chi là đồng đạo! Khi đó, họ chân tình, thẳng thắn góp ý, phê bình cho các Thầy có khuyết điểm, có sai lầm, mà không  quải ngại. Và các Thầy được góp ý, phê bình cũng hoan hỉ, vô tâm tiếp thu, sửa chữa. Điều đó có gì là sai trái?

Thứ ba, Phật tử tại gia không nên đặt ra vấn đề về tư cách của người xuất gia.

Quan niệm này thường xuất phát từ những người “dĩ hòa vi quý” cực đoan. Ta chỉ nên biết đến sự tu tập của ta, không nên đa sự.

Họ tách bạch Tăng - Tục một cách cứng nhắc, coi đó là việc riêng của các Thầy, không nên xía vô, không khéo dẫn tới va chạm, thêm phiền não, thậm chí rước họa vào thân, v,v.

Những người viết bài này cho rằng, không có lý gì mà Phật tử tại gia lại không được bàn bạc, góp ý và phê phán về tư cách của các Thầy. Ngược lại, họ có bổn phận phải làm điều đó, nhất là những cư sĩ Bồ tát. Cố nhiên, cần xác định mục đích của việc làm đó là để thanh tịnh thế gian trụ trì Tăng bảo và với phương tiện khế lý, khế cơ. Nghĩa là mục đích phải thật trong sáng và cách thức tuy cương quyết nhưng cần tế nhị, tùy cảnh, tùy người.

2. Từ lời cảnh tỉnh của Phật

- “Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ tát rằng: … nếu muốn cầu được bậc Phật, phải y theo các điều sau đây:

Thứ nhất, phải trì trai giữ giới làm nền tảng,
Thứ hai, phải tìm minh sư chỉ dạy công phu,
Thứ ba, phải biết Tâm Tính rốt ráo tỏ rõ,
Thứ tư, phải làm các phúc lành giúp cho gốc Đạo được sung túc,
Thứ năm, Phải kết duyên lành cho gốc lành mỗi ngày mỗi thêm lớn,
Thứ sáu, biết rõ nhân quả đừng có vọng động,
Thứ bảy, trừ phá tà ma, xa lìa ngoại đạo…”.

- “Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: Trong thế gian có nhiều tà sư, ngoại đạo chẳng biết việc lành dữ nhân quả ra sao. Chẳng hiểu sự ứng hiện của luân hồi quả báo. Tâm cứ điên cuồng, tin theo tà kiến, tôn thờ Thần Quỷ, làm theo giáo Pháp tà mị, phỉnh gạt người đời, giết hại biết bao nhiêu trâu, dê, lợn, ngựa, v.v. Tham ăn rượu thịt, bày đặt gọi là cúng tế Trời, Đất, Quỷ, Thần để cầu phúc, cầu thọ, trấn giữ nhà cửa, thân mệnh. Lấy cớ dâng quỷ, thần, ăn lường của người. Lại thêm vẽ bùa, niệm chú truyền dạy người khác, nói gạt rằng: “bùa chú này có công năng cứu độ người sinh về cõi Trời”.

Bởi ham muốn tài vật của người, để nuôi dưỡng thân sống. Đều do tà kiến sinh ra. Như giết mạng mà cứu được mạng, thì  các bậc vương hầu thường sống đời đời không chết. Như vẽ bùa, niệm chú mà cứu độ được người thành Đạo, thì thầy Tà được lên Trời hết. Có lẽ nào lại được như vậy. Trong đời người mê tín những tà mị, cùng nhau mà dẫn vào địa ngục…

- “Bồ tát Văn Thù hỏi Phật: Sao gọi là Lục sư ngoại đạo?

Đức Phật dạy: Khi ta nhập diệt rồi, có nhiều thứ Ma ba tuần xen vào trong Pháp ta.

- Ở chùa, cạo đầu, mặc áo Phật, chung lộn với người đời, ăn thịt uống rượu, nhơ bẩn đất Phật. Đấy là ngoại đạo thứ nhất.

- Còn có người dắt vợ, đem con vào chùa. Học theo tà thuật cho là để truyền lại cho đệ tử. Ăn thịt uống rượu. Cũng đi làm chay, tụng kinh cho người. Không phải ông thầy, không phải người tục. Đó là ngoại đạo thứ hai.

- Còn có những người tà, trên thì không có thầy truyền, dưới thì không có thầy chứng, bị ma quỷ ám ảnh, mê muội. Trí biết bậy bạ, cho là thông minh. Chẳng có công tu, tự xưng thành đạo. Bên ngoài làm giống theo Phật, trong tâm làm việc tà mị, phỉnh gạt người đời, theo vào đường tà, diệt hạt giống Trí của Phật. Đấy là ngoại đạo thứ ba.

- Lại có người làm theo việc hữu hình, học phép hữu vi, vẽ bùa, thỉnh chú, đuổi quỷ, sai thần, phỉnh gạt người đời. Ác kiến càng nhiều thì chính kiến của Phật càng bị tiêu diệt. Đây là ngoại đạo thứ tư.

- Còn có người y theo việc tốt xấu, học theo chiêm quẻ, bàn luận cát hung, xem bói xem tướng, nói trước những điều họa phúc, dối chúng gạt người, tiêu diệt con mắt chính Pháp của Phật. Đây là ngoại đạo thứ năm.

- Lại có người sửa soạn hình tướng, bụng trống lòng cao. Mình không có tài năng mà lòng tự cao, cho mình là giỏi, chưa có chứng ngộ nói là đã chứng, đã ngộ.  Học được một hai câu nói của Phật, cho mình đã thấu lý. Chẳng ăn dầu, muối, trà, quả, tương, dấm. Chấp theo tà tướng, dối gạt người không trí. Chẳng cần xem Kinh, niệm Phật. Chẳng cần làm Phúc tham Thiền. Chẳng cần xuất gia thụ giới. Chẳng cần tìm Thầy học Đạo. Dám đem sắc thân uyển giả này mà ví cùng Phật không khác. Lừa gạt người không biết  vào nơi hắc ám. Dứt đoạn căn lành, tiêu diệt hạt giống Trí Tuệ. Hay chấp trược những sự khờ khạo, ngu si. Đây là ngoại đạo thứ sáu.

Sáu hạng ngoại đạo này là Ma ba tuần, đến thời mạt Pháp, xen vào giáo Pháp của ta, phá hoại Già Lam, huỷ báng chính Pháp của Phật, chê bai những giáo tướng, nghi thức tụng niệm.

Nên, Phật dạy các vị Bồ tát Đại thừa phải đem nguyện lực, tùy chỗ ứng hiện. Hoặc làm vị Đế vương, hoặc làm vị Tể quan, hoặc làm vị Trưởng giả, đều ở mỗi chỗ làm vị Đàn việt để tiêu trừ tà đạo, ủng hộ chính Pháp, không cho tà ma tự tiện quấy phá, y theo lời Phật dạy. Đây mới là Đệ tử của Phật. Còn như thuận theo tà là đồng với Ma ba tuần ngoại đạo, huỷ báng Pháp Đại thừa, đọa vào Địa ngục như tên bắn.

Hễ đã mất thân người, muôn kiếp khó trở lại được”.

- “Bồ tát Văn Thù hỏi Phật: Hoặc có Thiện nam Tín nữ căn tính chậm tối, phúc đức ít ỏi, tuy tin Phật tu hành mà lòng không tỏ sáng. Cái công phu chưa xong, làm sao độ được người ?

Đức Phật dạy: Căn tính tuy là chậm tối mà có tín tâm bền chắc chân thật, chẳng bỏ trai giới, thường thường phát nguyện sám hối, cái tội lỗi trước chẳng dám sai lầm. Đến khi tai nạn nghiệp chướng được tiêu diệt hết, lòng nguyện đủ rồi thì có Tuệ tính phát ra, hiện tiền được sáng suốt tỏ ngộ, thấy Tính thành Phật”.

- “Bồ tát Văn Thù hỏi Phật: Có người khi còn nhỏ tạo nhiều nghiệp ác, già rồi mới tu có được thành Phật không?

Đức Phật dạy: Biển khổ không bờ bến. Nếu quay đầu lại thì thấy bờ kia ở phía sau lưng. Nếu như có người hồi tâm phát nguyện tu hành, bỏ điều trái theo điều phải, cải ác làm lành, trường trai giữ giới, học hỏi chính Pháp. Bất kỳ già trẻ đều thành Phật đạo”.

- “Bồ tát Văn Thù hỏi Phật: Hoặc có Thiện nam Tín nữ một đời ăn chay giữ giới luật, gieo trồng căn lành. Đến già sa ngã, bỏ ăn chay, phạm cấm giới, sau bị quả báo gì?

Đức Phật dạy: Những chúng sinh như vậy, tuy có căn lành mà không có nguyện lực lớn, không có chính tri kiến, xa lìa thầy bạn, quên hết công lao tu hành khi trước, trở lại bị lục tặc lôi kéo, cướp đoạt công đức tu hành, tâm sinh điên đảo, không thành Phật đạo…
Hễ mất thân người, muôn kiếp khó trở lại được”.
(Theo “Phật thuyết Đại thừa Kim Cương Kinh Luận”)

3. Đến thực tế nhiều trăn trở

Phật giáo nước ta đã có lịch sử trên dưới 2.000 năm. Phật tử Việt Nam ngày nay hoàn toàn có thể tự hào về điều ấy, trong đó có niềm hãnh diện chính đáng về tầng tầng lớp lớp các thế hệ Tăng già - đội ngũ các nhà sư đã và đang hành đạo, “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh”.

Tăng già Việt Nam ngày nay là sự kế thừa chính thống và xứng đáng của bao đời lịch đại Tổ sư. Trong nội hàm của khái niệm Phật giáo Việt Nam đương đại, về thông số có tới gần 4 vạn Tăng Ni trong nước và hàng nghìn Tăng Ni đang hành đạo trên thế giới; có tới hơn 1 vạn ngôi chùa trong nước và hàng trăm ngôi chùa Việt ở nước ngoài, có tới hàng chục triệu Phật tử tại gia.

Với một số lượng như thế, đòi hỏi một sự thuần túy về chất là điều không tưởng. Hơn nữa sự phức tạp, đa dạng, muôn màu, muôn vẻ của thế gian này, dù muốn hay không muốn, cũng xâm nhập vào đội ngũ những người xuất gia, cả mặt sáng và mặt tối của nó.

Có thể khẳng định rằng, đội ngũ Tăng già Việt nam ngày nay là rất đông đảo, hùng hậu và thanh tịnh.

Song trong đội ngũ những người xuất gia ngày nay, cũng như bao đời trước và cũng là điều bình thường theo luật nhân quả, còn có một bộ phận tu sĩ, nhất là những người mới thọ giới xuất gia chưa đủ oai nghi, tế hạnh và trí tuệ mà lạm tham gia vào Tăng đoàn.

Đó là những hạt sạn, thậm chí là ung nhọt trong cơ thể cộng chúng Tăng già ngày nay.

Bản chất của Tăng bảo là thanh tịnh và hòa hợp. Đối với Tăng đoàn thế gian thì sự thanh tịnh và hòa hợp ấy mang khuôn mặt và dáng dấp của thế gian, vì việc đời thì còn đa đoan và các Thầy thì còn đang trong quá trình chuyển Phàm sang Thánh.

Đạo Phật là Đạo của từ bi, bình đẳng, trí tuệ…, do vậy cổng chùa luôn là rộng mở, hay nói đúng hơn là không có cửa, không có loại trừ một ai. Hết thảy mọi hạng người: sang hèn, giàu nghèo, hiền ngu, tốt xấu, trai gái, già trẻ, tàn tật, phi nhân, v,v, đều có thể đến với Đạo Phật.

Họ không đến đó thì ai đến đó? Nơi đó không đón họ, không dành cho họ thì đón ai và dành cho ai?

Chúng ta sẽ không xứng là Phật tử khi thấy khó chịu, bài bác, xua đuổi… những người ăn mày, bệnh hoạn, tàn tật, dốt nát, điên rồ… ra khỏi cửa chùa một cách tàn nhẫn và vô cảm.

Trong số họ, có một số người tá túc thường xuyên ở chùa, là người nhà chùa, chấp tác, ăn ngủ ở chùa. Nhưng họ đâu phải là người xuất gia.

Điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là có một số người chưa đủ tư cách mà bằng con đường nào đó đã len chân được vào hàng ngũ các nhà sư, gia nhập Tăng bảo thế gian, trở thành hạt sạn, thành ung nhọt trong chốn Thiền môn.

Ai cũng biết “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng đã là thầy tu thì phải có chiếc áo đặc trưng cho tôn giáo của mình. Quần chúng thế gian dựa vào đó mà phân biệt Tăng - Tục.

Hiện nay ở nước ta có một số (không phải là ít?) các “Thầy” đã thụ đại giới Tỷ khiêu, dự vào hàng “Thiên nhân sư” mà tư cách, phẩm chất không có đủ (ở mức tối thiểu cho phép), làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà sư. Chân dung của họ tạm được phác họa như sau:

Về trình độ hiểu biết: các vị ấy thường có nền tảng tri thức phổ thông rất thấp, có khi chưa tốt nghiệp lớp 12, hoặc có thì là bổ túc hay đỗ vớt.

Khi vào chùa, họ không muốn hoặc không có điều kiện “dùi mài kinh sử”. Thời gian trôi đi, cửa trí bị bịt lấp, nhìn thấy sách, nghe thấy học là toát mồ hôi. Gắng gượng lắm thì thuộc lòng được một hai bài Cảnh sách, Thỉnh chuông và mấy trang Kinh nhật tụng. Còn để hiểu sâu thì chắc khó vì đọc còn chữ nọ xọ chữ kia.

Một mẩu chuyện thật 100%, có vị Ni sư ở Đông Anh - Hà Nội, khi nói chuyện với khách du lịch đến thăm chùa Cổ Loa, đã rất tự tin mà nói rằng:  “thời Đức Phật còn sống, cách đây mấy vạn năm, ở Ấn Độ có cái đạo của Bà Na Môn, bà ấy giỏi lắm, là đàn bà mà sai bảo được cả đất nước, ….” Du khách tròn mắt thán phục!

Những trường hợp tương tự như thế không phải là ít! Điều đó không phải là khôi hài mà là sự thật lo buồn. U tối và mê tín là rất gần nhau!

Về công phu tu tập: người xuất gia là người khác thế tục. “Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia”. Xưa đã thế, nay và mãi mãi về sau vẫn thế.

Người xuất gia có thể còn là học giả, văn sĩ, nhà tổ chức, nhà xây dựng, nhà giáo, v,v, nhưng trước hết và sau cùng phải là hành giả. Nghĩa là việc hạ thủ công phu tu tập, hành trì Tam vô lậu học Giới - Định - Tuệ theo con đường Văn - Tư - Tu là bắt buộc và đó là cái làm nên tư cách người xuất gia.

Ngày nay, ở nước ta, chúng ta càng tự hào và tin tưởng nhiều vì đang có bao nhiêu hành giả nỗ lực ngày đêm tu tập, hạ thủ công phu theo chính giáo, thì càng phân vân, trăn trở vì cũng còn không ít chư vị giải đãi, buông lung.

Họ coi việc đã được thụ Tỷ khiêu giới, đã học xong trường cơ bản hay Học viện Phật giáo là “qua cầu thoát nạn rồi”. Bây giờ là đến lúc “làm ăn”: cầu cúng (thậm chí đồng bóng), năng lập đàn chay, lôi kéo Phật tử, khuyến hóa họ “cúng dàng”, tích lũy tiền bạc, xây dựng chùa cảnh thật to lớn, vừa là để hấp dẫn Phật tử, vừa là để “an cư lạc nghiệp”.

Cá biệt có vị (do có phúc báo lớn, được trụ trì ở chùa cảnh đắc địa, nhiều bổng lộc, có nhiều đệ tử tại gia là các nhà tài chủ giàu có) phấn đấu trở thành “phú tăng”. Họ dễ không làm chủ được mình, bị lối sống hưởng lạc lôi cuốn. Họ bất chấp nhân quả, giới luật, sử dụng tịnh tài của tín thí thập phương vào những việc “phi pháp”: ăn, uống, mặc, ở, xe cộ, điện thoại, đồ dùng cá nhân… thật cầu kỳ, thật sang, thật đắt, thật xịn, “sành điệu”… Họ bất chấp lời cảnh tỉnh rằng, “Lộc của Phật thì có gai, tịnh tài của thập phương thì có móc!”.

Họ ngụy biện rằng, thời đại phát triển thì phải “tùy duyên”, đó chỉ là “phương tiện”, còn tu là ở Tâm. Hơn nữa, “Phật tử họ cứ cúng dàng thì làm sao mà từ chối được. Mình không muốn thụ hưởng nhưng đành phải nhận, chẳng lẽ từ chối? Thôi thì phải nhận để chứng minh công đức cho họ!”

Dẫu vẫn biết rằng, nhà Phật không yêu nghèo và ghét giàu; người tu phải nương theo thế tục. Nhưng, ai cũng biết, “thiểu dục, tri túc” là căn bản của người tu hành. Nếu không khéo, nhà chùa có thể bị biến tướng thành một gia đình thế tục. Khi đó là sư mà không phải là người xuất gia.

Có một số vị coi cuộc đời tu hành như là một quá trình “câu giờ”. Thời gian cứ trôi đi. Mỗi năm họ có thêm một tuổi đời, một tuổi đạo. Rồi đến hẹn lại lên, mấy chốc mà họ chẳng được tấn phong lên các ngôi vị giáo phẩm cao cấp. Ai dám bảo họ không tu hành?

Nhưng dù sao, các chức danh đó cũng chỉ là các danh vị thế gian. Với người tu hành, điều quan trọng là nhân quả vẫn rõ ràng, không hề sai khác!

4. Thử tìm nguyên nhân

Thứ nhất, việc lựa chọn “đầu vào” chưa đảm bảo về chất lượng.

Vẫn biết, cửa Phật là bình đẳng và là người bình thường thì ai ai cũng có thể tu hành theo đạo Phật. Nhưng để trở thành một vị Sư - “bậc Thầy của Trời và Người”, thì như giáo luật đã quy định một cách đầy đủ, chi tiết, nghiêm ngặt -  không hề đơn giản và xuê xoa.

Thế mà trong những năm vừa qua, không ít trường hợp, có các vị chưa chín muồi, chưa hội tụ đủ các điều kiện tối thiểu mà vẫn lọt được “cửa ải” một cách ngoạn mục để thụ được Đại giới, cho dù có thi cử, có khảo hạch.

Có thể do nể nang, do quan niệm “thôi thì phiên phiến, rồi đào tạo sau”. Cũng có thể do sốt ruột vì “thực tế đang thiếu các Thầy quá!” Tình trạng chiếu cố, đỗ vớt, lấy cho đủ số không phải là không có.

Đâu đó có tình trạng chư Tăng yết ma tác Pháp truyền giới không thành tựu, giới tử không có đủ điều kiện để đắc giới, mà vẫn được coi là hợp pháp!

Thế là, trong số các vị Sư, có cả “vị kém chất lượng”, kiến thức phổ thông và giáo lý không đảm bảo ở mức tối thiểu; tư cách hành giả và nghi quỹ Thiền môn chưa đủ oai nghi, thậm chí có vị đồng bóng, ẻo lả mà cũng được “giám khảo” làm ngơ - “từ bi” chấp nhận.

Việc thụ giới vội để lấy tuổi, tính tuổi không phải là hiếm. Điều đó có thể xuất phát từ quan niệm sai lầm cho rằng, thụ giới sớm thì tranh thủ được thời gian để đi học, đi hạ; rồi sau này được tấn phong giáo phẩm sớm, kèm theo đó phải chăng là danh và lợi?

Thế là tình trạng chín gượng, chín ép trong số các Thầy, vô hình dung đã góp phần vào tình trạng “chất lượng đáng báo động” trong giới xuất gia ngày nay.

Nếu chúng ta thử tìm hiểu việc lựa chọn, xét tuyển, khảo sát, đào tạo, tu tập, truyền chức Linh mục bên Công giáo, thì có thể thấy được một số đối chiếu và gợi ý đáng suy nghĩ đối với việc truyền Đại giới của Phật giáo ngày nay.

Thứ hai, Công tác đào tạo và hướng dẫn tu tập cho các nhà sư chưa ngang tầm với thời đại và yêu cầu của giáo luật.

Sau năm 1981, lần lượt các trường Phật học thuộc GHPGVN được mở ra và đi vào đào tạo, từ sơ cấp đến sau đại học. Thành tựu ban đầu là rất lớn, rất đáng ghi nhận, nhưng bất cập thì cũng còn không ít. Ngày nay thử thống kê lại xem, số lượng các vị học xong, đi ứng cơ khắp nơi có bao nhiêu phần được thành tựu và bao nhiêu phần bị thui chột?

Nhưng điều chắc chắn rằng, những vị thành tựu ngày nay, phần lớn nằm trong số Tăng Ni sinh xuất sắc thời còn đang tu học trên các Phật học đường.

Dù muốn hay không thì hệ thống đào tạo thế tục bên ngoài xã hội cũng có ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực) đến các trường Phật học. Liệu có tình trạng gian lận trong thi cử không? Liệu có tình trạng xuê xoa hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá không? Liệu có tình trạng chạy theo thành tích, văn bằng không? v,v. Khó có thể nói là tuyệt đối không có được!

Tình trạng các vị sư trẻ ít trau giồi nội điển mà chạy theo thế học, không muốn làm hành giả mà muốn làm học giả, có thể nói là đang lan tràn.

Rồi tình trạng in ấn, phát hành “loạn” sách báo và băng đĩa của một số vị sư có “hảo tướng”, “lợi khẩu”, “giỏi xào xáo”, không phải là không nhức nhối. Họ biện minh rằng mượn phương tiện để hoằng pháp, nhưng ở đó khó có thể che dấu nổi động cơ “lăng xê”, “tạo thương hiệu”, “sao”, đầy mùi danh lợi cá nhân.

“Trước thư lập ngôn” ở thế gian vốn không phải là việc của người sơ học. Huống nữa, trong nhà Phật, các Tổ luôn răn rằng, đăng đàn thuyết pháp, chưa nói đến việc lớn như viết sách, dịch kinh, là việc phải cực kỳ thận trọng, phải rất dè dặt, nếu sơ sẩy thì hậu quả khôn lường. Có bậc đại sư, chỉ trả lời “liều” một câu mà còn bị đọa 500 kiếp làm hồ ly. Tích cổ đó, là Phật tử mấy ai không biết?

Sẽ là rất đáng trân trọng khi học cái đó, có văn bằng đó một cách quang minh chính đại, làm phương tiện để phục vụ Đạo pháp.

Nhưng sẽ là đáng xấu hổ khi “giả học” cái đó, có “giả văn bằng” đó để trang điểm cho bản thân, tăng trưởng bản ngã, cầu danh, cầu lợi trong đạo ngoài đời.

Thứ ba, cơ chế sàng lọc, làm thanh tịnh đội ngũ những người xuất gia còn nhiều lúng túng.

Có nhiều vị, mà tăng chúng và Phật tử xung quanh biết rõ là kém phẩm hạnh và trí tuệ, vẫn ung dung làm Thầy mà không sao cả! Nếu có thì chỉ là chuyện xì xào mà thôi. Và thế là những vị kém tư cách đó đương nhiên tồn tại ở ngôi vị đang có. Họ coi, và thực tế, chùa là của họ: hộ khẩu chính chủ ở chùa, họ đã góp công xây dựng, kiến thiết nhà chùa…Vậy thì ai làm gì được họ? Họ gần như là “sư tự do”, không cần thuộc về tổ chức nào cả. Ai đó đụng vào họ là “to chuyện”. Nan giải thay!

Thứ tư, Các thầy còn trẻ mà đã sớm xa rời đời sống cộng trụ, thiếu sự ước thúc, giáo dục của Tăng chúng.

Vấn đề này khá phổ biến ở miền Bắc, gọi là “cho ra ở chùa riêng”. Một sư một chùa, thậm chí vài chùa, khi công hạnh chưa cao thì nguy hiểm biết chừng nào? Các thầy “thích” được sớm ra ở chùa riêng, để được “tự do tự tại”, sớm được cọ sát, để sớm trưởng thành - với tư cách là con người trần tục! Sự khẳng định đầu tiên của nhiều vị là hưng công xây, sửa chùa chiền. Nhưng thực tế cho thấy, các công trình xây dựng đó, phần lớn ít giá trị tâm linh. Đức nhỏ thì khó ở ngôi cao cũng là điều dễ hiểu.

Đồng nhất công lao lo toan chật vật xây dựng là công phu tu hành của người xuất gia là điều đáng sợ. Trong lúc tuổi đang xuân, sức đang khỏe, chí đang hăng, nếu dồn năng lực đó vào tu tập thì sẽ thành tựu thuận duyên biết bao!

Trong lịch sử Phật giáo, chư Tổ cũng có kiến tạo chùa cảnh, nhưng, nếu không nhầm thì, tất cả các vị đều làm các việc đó, sau khi đã hạ thủ công phu trong nhiều năm khổ luyện. Cho nên, các công trình được kiến tạo có giá trị rất lâu bền và đặc sắc. Phải chăng đó là “y phục xứng kỳ đức” vậy.

Thứ năm, thiếu sự giám hộ của xã hội nói chung và các chúng tại gia nói riêng.
Trong lịch sử Phật giáo, đã có không ít trang viết về các sự kiện mà ở đó Quốc vương, triều đình đã phải dùng biện pháp mạnh để thanh lọc đội ngũ những người xuất gia. Những người không đủ tư cách qua khảo thí, thẩm tra, bị buộc phải hoàn tục, ra khỏi tự viện hoặc nếu được ở lại thì chỉ là người chấp tác, không được dự vào hàng Tam bảo.

Có thể, trong thời gian qua, do hậu quả của chiến tranh và sự cực đoan về tư tưởng, cho nên ở nước ta, nhất là ở miền Bắc, số lượng chư Tăng quá ít ỏi, chùa chiền tan hoang… Cho nên, “cứ có người ở chùa là tốt rồi!”. Sớm tối đèn hương, có câu kinh câu kệ cho vui cảnh, cho ấm cúng làng mạc, v,v.

Cố nhiên, điều đó, trong tình cảnh đó là rất đáng quý. Nhưng ngày nay, nếu chỉ như thế thì không đủ và không được. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân để dẫn đến hệ quả là xã hội và Phật tử tại gia quá dễ dãi chấp nhận các vị sư chưa đủ tư cách, để rồi việc truyền bá chính pháp gặp nhiều trở ngại.

Có thể ở đây đề cập đến chuyện đó, nhiều vị sẽ coi rằng đó là “phá đạo”, nhưng thử hỏi có tổ chức, đoàn thể nào, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình mà không cần thanh lọc, loại bỏ ung nhọt?

5. Mấy kiến nghị

Thứ nhất, GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ sớm đầu tư nghiên cứu làm sao để đảm bảo về chất lượng nhân sự đầu vào - giới tử khi tiến hành thủ tục cho thụ giới, nhất là Đại giới Tỷ khiêu.

Trừ các giới tử xuất chúng được ấn chứng bởi các bậc trưởng lão, còn lại để thọ Đại giới, nhất thiết các giới tử phải có thời gian tu tập có hướng dẫn trong chùa, ít nhất có 3 năm là Sa di, v,v.

Hơn nữa, các tiêu chuẩn đã được chế trong giới luật cần được thực hiện sít sao. Không thể châm chước, chiếu cố được. Không được thụ giới sớm, thụ giới ép để tranh thủ thời gian.

Cần có cơ chế làm sao để giám sát, ước thúc các vị tân Tỷ khiêu. Nên chăng, cứ sau 1 năm, cần khảo thí và kiểm tra lại trình độ và tư cách của người mới thọ Đại giới dưới 10 năm. Nên có cơ chế làm sao để có thể thanh lọc, loại bỏ được các vị “lục sư ngoại đạo” ra khỏi Tăng chúng.

Thứ hai, Nâng cao chất lượng đào tạo và tu tập ở tất cả các cấp học.

Nên có những công trình nghiên cứu làm sao để có thể kế thừa được các tinh hoa đào tạo của chư Tổ trong quá khứ ở các Tổ đình truyền thống.

Nên rất tỉnh táo và cảnh giác, không khéo trường Phật giáo bị biến thành trường thế tục lúc nào không biết.

Trong đào tạo nên “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Việc thi cử, nhất là đầu vào và đặc biệt là đầu ra cần thật nghiêm túc. Không nhất thiết phải tốt nghiệp 100%.

Người xuất gia, coi danh, lợi là “giặc”, cho nên không để trào lưu chạy theo thành tích (giả), văn bằng (giả) làm hoen ố của Thiền. Những danh hiệu học vị (Ths, TS…) không thể đặt ngang với các giáo phẩm (ĐĐ, TT, HT). Sự “oai” ở đây là không cần thiết, thậm chí phản cảm với cả đương sự và người nghe.

Thứ ba, có cơ chế, chế tài không cho phép các vị tân Tỷ khiêu xa rời đời sống cộng trụ của Tăng.

Những vị chưa đủ 30 tuổi đời và 6 tuổi hạ (chẳng hạn) thì chưa được phép ra ở chùa riêng, dưới bất cứ hình thức nào, kể cả danh nghĩa là đi trông chùa cho sư phụ. Và việc thu nhận đệ tử cũng vậy. Trong thời gian qua, một số nơi, một số Thầy đã “lách” giáo luật để thu nhận đệ tử “phi pháp”.

Thứ tư, Cần tạo ra cơ chế giám hộ của xã hội và các chúng Phật tử tại gia đối với các Thầy, đặc biệt là các vị Tân tỷ khiêu.

Làm sao để các Thầy có thể tinh tiến tu tập, trau giồi đạo hạnh, trí huệ, trì nhiếp tam nghiệp thân khẩu ý, đầy đủ oai nghi tế hạnh, xứng đáng là trưởng tử Như Lai, đúng trong hàng ngũ Tăng già - bậc Thầy của Trời và người./.

Hướng tới kỷ niệm ngày Quán Thế Âm Bồ tát xuất gia, 19/9/ Đinh Hợi

Trần Đại Vĩ