Núi Thái Bên Nguồn

Trong kinh Phật dạy: Tu bất cứ pháp môn nào của đạo Phật, hiếu vẫn là gốc, không thể thiếu được. Cho nên người xuất gia hay người Phật tử tại gia, chưa làm tròn được nhiệm vụ hiếu đạo này thì thật đáng thương xót! Chúng ta phải khởi tâm thương tưởng và cố gắng tạo những duyên thuận tiện để nâng đỡ, động viên, khuyến khích huynh đệ phải làm sao thực hiện xứng đáng phần Hiếu đạo này.

Trong kinh có dạy những lời tuy ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt thế này: "Nay an vui sau an vui,  Người tròn hiếu đạo đời đời an vui." Sở dĩ an vui là vì biết gầy dựng nền tảng đạo đức an vui, chắc thật của con người. Cho nên người hiếu đạo là người đã gầy dựng đầy đủ nền tảng đạo đức của con người. Đạo đức là phần quan trọng không thể nào thiếu, người có hiếu hạnh là người có đạo đức nên bản tâm của họ an vui ngay bây giờ và mãi mãi về sau.

Núi Thái Bên Nguồn

Tình Yêu Giữa Cha Mẹ Và Con Cái

Tác giả: Thích Nhật Quang

Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. PL. 2544 – DL. 2000

Mục Lục:

Lời Đầu Sách

Ân Nghĩa Con Người

Tiền báo, Hậu báo, Sinh báo

Mẹ Tôi

Lời Đầu Sách

Phật dạy:

Ví có người ân sâu dốc trả

Cõng mẹ cha tất cả hai vai

Giáp vòng hòn núi Tu Di

Đến trăm ngàn kiếp ân kia chưa đền.

Thật vậy! Ân nghĩa đó, công đức đó sánh vượt non Thái, sâu thẳm đại dương. Làm sao có thể đáp đền? Trong Phật đạo, chúng ta không thể đem thân tâm như trần sát phụng sự mẹ cha mà có thể trả hết ân sinh thành. Chỉ dùng thuyền từ đưa song thân vượt bể mê lên bờ giác mới mong nói đến hai chữ Hiếu đạo. Cho nên Hiếu tức là Đạo, Đạo tức là Giác; tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn. Bi trí tròn đầy.

Vì vậy nhớ đến mẹ cha là nhớ đến đạo lộ giác ngộ giải thoát. Mỗi chúng ta từ thuở nằm nôi đến khi khôn lớn, người cất bước vào đời, kẻ rẽ sang nẻo đạo… tao ngộ phân ly. Song không ngày nào mẹ cha không nhớ mong, không trông đợi, không thầm gọi tên con trở về đón cha yếu mẹ già dẫn lên đất Phật! Cha là trái tim, mẹ là đôi mắt luôn dõi theo bước chân con trong suốt cuộc hành trình. Cho nên những ai không nhớ đến cha là từ bỏ trái tim của mình, không nghĩ tưởng đến mẹ là đánh mất đôi mắt của mình.

Ở đây, xin gởi đến bạn lứa muôn phương trái tim và đôi mắt sắt son ngời tỏa ấy. Hãy vì cha mẹ trong hiện đời, nhiều đời mà chúng ta cất bước lên đường… Về với chính mình đích thực là trở về với hai đấng song thân.

Ân đức ấy ngàn đời không vơi…

Mùa An cư năm Quý Mùi - 2003

Thích Nhật Quang

Ân Nghĩa Con Người

Hôm nay là ngày rằm tháng bảy, là ngày lễ Tự tứ của chư Tăng. Ngày này mười phương các bậc Hiền thánh rất hoan hỷ. Đồng thời theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, ngày này còn gọi là ngày Báo hiếu hay ngày lễ Vu lan.

Riêng giới xuất gia, đây là ngày kết thúc thời gian tu hành trong ba tháng an cư. Một trăm ngày đó chúng ta tu hành tích cực, sáng đạo thì xứng đáng đối trước Tam bảo và các bậc Sư trưởng, do đó được nhận một tuổi Phật. Thời xưa ngày này chư Tăng từ các nơi tựu về Tinh xá Trúc Lâm đảnh lễ đức Thế Tôn, để trình lên công phu của mình sau khi được đức Phật trao cho các đề mục Thiền quán trong ba tháng an cư. Đa số các vị trình thành quả tu tập đều chứng Thánh quả. Không những ba tháng, mà có khi chỉ trong vòng một tháng, nhiều Thầy Tỳ-kheo rất trẻ, nhận pháp tu nơi đức Thế Tôn và thành tựu Thánh quả A-la-hán, tức là quả vị cao tột trong Tứ quả Thanh văn.

Chúng ta ngày nay cũng theo truyền thống xưa nỗ lực tu hành, không biết có vị nào chứng đạo không, nhưng chắc chắn chúng ta cũng hoan hỷ dự lễ Tự tứ, dâng lòng thành của mình lên ngôi Tam bảo, sau đó là dâng lên đảnh lễ bậc Thầy đã vì chúng ta chỉ giáo phương pháp tu hành. Để từ đó chúng ta được nghe những lời giáo huấn đầy pháp vị, giúp thêm sức mạnh trên bước đường tu học dài lâu của mình.

Vì nghĩ đến đời mình, thấy nhiều ân nghĩa liên hệ chằng chịt sâu dày, to lớn vô cùng cho nên chúng ta phải tu hành thế nào để đền đáp lại những thâm ân ấy. Có những ân nghĩa mà đời này ta không cách gì có thể đền trả cho cân được, chỉ khi nào sáng đạo mới có thể phần nào bù đắp lại những ân sâu nghĩa nặng đó. Cho nên trong kinh Phật dạy Hiếu là nguồn của trăm đức. Hiếu là nguyên ủy, là nền tảng, là nguồn gốc của tất cả các công đức. Hạnh là gốc của con người. Thành ra nói đến Hiếu hạnh là nói đến nền tảng làm nên con người hoàn chỉnh. Và từ con người hoàn chỉnh đó, từng bước chúng ta tiến lên Thánh vị. Do vậy người tu phải làm sao hoàn chỉnh, tròn đủ Hiếu đạo, thực hiện trọn vẹn hạnh hiếu của mình, không thể thiếu được. Vì vậy đề tài nói chuyện hôm nay là Hiếu đạo hay Ân nghĩa đời mình.

Ở đây có những lời dạy của các vị thánh, các bậc Thầy tổ, các vị tu trước chúng ta, từ kinh nghiệm sâu dày của các ngài, chỉ dạy lại cho mình cách thức làm thế nào để trôi tròn bổn phận hiếu đạo. Làm thế nào để chúng ta xứng đáng là một người tu, xứng đáng là một người đệ tử của Phật, xứng đáng là người học đòi theo lời dạy của Thầy tổ, theo gương hạnh của các bậc thánh. Để từ đó từng bước chúng ta thực hiện trọn vẹn Thánh hạnh. Tuy nhiên, có những điều nói thì dễ mà thực hành khó khăn vô cùng. Nếu nói mà không làm được thì lời nói ấy chẳng có ý nghĩa gì! Cũng vậy, nói Hiếu hạnh, Hiếu đạo thì ai là người thực hiện trọn vẹn hạnh này! Chúng tôi nêu lên sự kiện như thế để từng bước chúng ta cố gắng thực hiện tu tập cho được hạnh hiếu của người con Phật.

Trong kinh Phật dạy: Tu bất cứ pháp môn nào của đạo Phật, hiếu vẫn là gốc, không thể thiếu được. Cho nên người xuất gia hay người Phật tử tại gia, chưa làm tròn được nhiệm vụ hiếu đạo này thì thật đáng thương xót! Chúng ta phải khởi tâm thương tưởng và cố gắng tạo những duyên thuận tiện để nâng đỡ, động viên, khuyến khích huynh đệ phải làm sao thực hiện xứng đáng phần Hiếu đạo này.

Trong kinh có dạy những lời tuy ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt thế này:

Nay an vui sau an vui,

Người tròn hiếu đạo đời đời an vui.

Sở dĩ an vui là vì biết gầy dựng nền tảng đạo đức an vui, chắc thật của con người. Cho nên người hiếu đạo là người đã gầy dựng đầy đủ nền tảng đạo đức của con người. Đạo đức là phần quan trọng không thể nào thiếu, người có hiếu hạnh là người có đạo đức nên bản tâm của họ an vui ngay bây giờ và mãi mãi về sau. Tôi nói mãi mãi về sau là vì việc làm đó được thực hiện không phải chỉ đời này hay một đời nào, mà nó kéo dài mãi mãi nhiều đời, cho tới chừng nào thành tựu Phật đạo mới thôi. Giống như đối trước đức Thế Tôn, đối trước Tam bảo mình nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con.

Thành ra nói đến tu hành tức là nói đến hiếu đạo, nói đến hiếu đạo tức là nói đến nền tảng đạo đức của con người. Rõ ràng chúng ta thấy ngay nơi nhân luân, nếu chưa hoàn chỉnh được một con người tốt đẹp thì nói gì làm Phật làm Tổ! Trong giai đoạn làm người, mình phải là con người đầy đủ ý nghĩa, xứng đáng là một con người. Do đó các bậc thánh nói rằng là Phật tử, nếu như đủ duyên, có điều kiện, có niềm tin vững chắc đối với Tam bảo, thì chúng ta quy y Tam bảo. Sau khi quy y Tam bảo rồi, giữ được những điều giới Phật dạy là đầy đủ tư cách của một người con Phật. Sau đó, nếu chúng ta động viên những người thân trong gia đình như cha mẹ... hướng về Tam bảo, quy y Tam bảo như mình, cùng nhau hành trì những lời Phật dạy, giữ giới nghiêm tịnh để hoàn chỉnh một người hoàn bị. Như vậy mới là cách đền ân cha mẹ tròn đủ nhất.

Giữ được những điều giới đó là hoàn chỉnh tư cách con người. Tư cách con người hoàn chỉnh thì ngay đời hiện tại không gây tạo tội lỗi, không nợ nần với người, không mắc mứu chuyện gì hết, cuộc sống đã thấy phần nào tự tại rồi. Còn những người không đủ tư cách làm người thì lôi thôi với không biết bao nhiêu là dây mơ rễ má, nợ nần trăm mối, trong lòng mắc mứu đủ chuyện, nên gương mặt không vui, chúng ta thấy họ hiện rõ sự bất an trong từng tướng đi đứng. Đó là một điều hiện thực.

Nếu ngay bây giờ chúng ta có đủ phước duyên sống tốt trong đời hiện tại, không gây tạo nhân gì để phải khổ trong tương lai, thì chắc chắn khi bỏ thân này mình cũng tự tại, ra đi hiên ngang, đôi khi có người đón rước đàng hoàng. Chứ còn “mắc nợ”, người ta sợ mình “quỵt nợ” nên họ chỉ: “Phải đi ngay vô con đường đó”, tức con đường để trả lại nợ trước. Cho nên chư thánh có dạy Ta đã vay nợ rồi thì dù có đi ngả nào, cuối cùng cũng phải đối diện với nghiệp lực để bù đắp lại những nợ nần đó. Không thoát đường nào hết! Đây là những điều mà người Phật tử cần phải hiểu chín chắn. Nắm vững như vậy, chúng ta không sợ gì hết. Khỏi phải cầu khẩn ở đâu, bởi luật nhân quả đã quá rõ ràng.

Bởi nếu cầu khẩn mà những vị đó hóa giải, hỗ trợ được cho mình thì cũng nên cầu khẩn. Trái lại những vị thần thánh mà chúng ta cầu khẩn đó, mình không biết rõ lai lịch họ ra sao, ở đâu, tu hành kiểu gì... thì cầu khẩn họ là chuyện phiêu lưu quá, phải không? Giống như quý vị làm ăn thiếu tiền, thì phải kiếm người nào có dư tiền mới vay mượn được, chứ nhè người cháy túi mà hỏi mượn tiền chắc họ rầy mình thêm. Sự thực là như vậy.

Cho nên hiếu đạo ở đây là nền tảng của nhân luân. Đời này chúng ta tu hành được an vui, giúp cho cha mẹ cũng tu hành và an vui như thế thì đời sau mình và thân quyến cũng sẽ an vui. Là do ta gầy dựng được nền tảng đạo đức vững chắc. Có những người tìm đạo, tha thiết muốn hành đạo nhưng đôi khi cả đời họ chưa gặp được đạo lý hay vị Thầy nào sáng suốt để chỉ cho một phương pháp đảm bảo, thực hiện hết khổ, được vui. Có nhiều người, không hiểu nhân duyên của họ như thế nào, cả đời lủi thủi đi tìm chỗ này, nghiên cứu chỗ kia, nhưng cuối cùng cũng đi trật lất!

Nhiều người sau một thời gian gầy dựng viẹâc gia đình, đầy đủ tiền tài, địa vị, danh vọng… nhưng cuối cùng họ thấy tất cả những thứ đó không có chút gì đảm bảo cho sự an toàn của mình. Có tiền tài nhiều thì sợ trộm cướp, lo giữ gìn nên mất ăn mất ngủ. Có địa vị muốn giữ cho vững cũng không phải là chuyện đơn giản. Hết kẻ này tranh chấp, đến người kia dòm ngó. Chúng ta đọc lại cuộc đời của những vị quan ở Trung Quốc sẽ thấy, có người đang ở địa vị tại Trung ương thì bị nghi hiềm, tâu rỗi cho tới bị biếm truất, đày đi biên cương. Cuối cuộc đời không còn gì nữa. Con đường hoạn lộ là như vậy! Nên rồi họ phải tìm đến với Đạo để giải tỏa. Giải tỏa gì? Địa vị, tiền tài, danh vọng, những cái gọi là hạnh phúc của thế gian. Giải tỏa hết, bởi vì nó không có gì bảo đảm cả. Giữ cái gì cũng thấy mệt.

Một người quyết tâm đi tu, bỏ hết việc gia đình thì phải tu thế nào cho xứng đáng, để không bị mang tiếng làm hỏng đi nền tảng đạo đức của gia đình, của con người. Tu làm sao để chúng ta có thể cứu rỗi được cha mẹ, anh chị em cùng thoát ra khỏi vòng trói buộc của thế gian. Ân nghĩa này không phải đem thân ra phục vụ là đủ, mà phải tu tập khai sáng tâm trí cho mình và những người thân của mình mới mong đền đáp được.

Như Tôn giả Đại Hiếu Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ, biết tình huống của mẹ đang chịu khổ não bức bách vô cùng, nên Ngài nỗ lực tu tập và còn nhờ thêm sự trợ giúp của chư Thánh tăng nữa. Có sáng đạo mới có thần thông tìm đến chỗ của mẹ Ngài, từ đó cảm nhận hết nỗi thống khổ của mẹ nên Ngài mới quay về cầu Phật tìm phương cứu giúp. Chỗ mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên đang bị đọa, ai tới được? Chỉ có người bị đọa mới tới chỗ đó và các bậc Bồ tát vào trong ấy để phá vỡ xiềng xích vô minh, cứu họ thoát khỏi kiếp Địa ngục. Chỉ có hai trường hợp như vậy thôi. Tôn giả nhìn thấy mẹ đói khát quá sức nên về khất thực được một bát cơm, vội đem xuống Địa ngục dâng mẹ, nhưng mẹ Ngài dùng không được. Là tại vì lòng bà quá keo xẻn, chưa cởi mở ra nên tất cả thức ăn đều biến thành lửa than. Cho nên biết quan trọng là do tâm mà ra. Chỉ khi nào cởi mở được tâm này thì mọi cảnh duyên bên ngoài mới biến thành thanh lương được.

Sau khi được sự chỉ giáo của đức Thế Tôn, lễ Tự tứ trai tăng phải nhờ mười phương Tăng, các bậc Hiền thánh tu hành đầy đủ đạo đức, các vị Thiền định trên núi non... đồng hướng tâm cầu nguyện, bấy giờ lòng của mẹ Ngài mới mở ra, tâm rộng lớn như đại dương, muốn tất cả những tội nhân trong chỗ bà ở đều hết đói khát, không còn thọ cực hình nữa. Nhờ phát tâm từ như thế nên mẹ Ngài liền thoát kiếp ngạ quỷ và được sanh thiên. Tâm Từ bi quảng đại có một năng lực vô biên như thế.

Trong kinh nói từ khi bị đọa vào trong Địa ngục cho tới mãn hạn kỳ, tội nhân nghe thức ăn là nghe lửa dữ, nghe gươm đao, nghe những khí cụ giết hại, chứ không phải nghe mùi vị thức ăn. Cho nên vào giờ ăn chiều, trong chùa không cho khua động chén bát vì sợ loài quỷ đói nghe tiếng khua ấy, chúng rướn cổ lên thì bị đứt cổ chết. Bởi vì bụng của chúng to như cái trống, cổ lại bé như sợi tóc nên lúc nào cũng đói khát mà không ăn được gì. Cho nên nghe âm thanh chén bát khua rổn rảng họ rất khổ.

Nếu chúng ta cứ cố thủ, sợ thiếu thốn, sợ thế này thế khác... nên cắt đứt tâm rộng lớn, thì cuối cùng sẽ mất tất cả. Tu cho được sáng đạo, làm chủ việc sinh tử, không bị mắc mứu bởi những pháp trần, không bị kéo lôi bởi những cảnh duyên chung quanh thì mới mong độ mình và độ mẹ cha thoát khỏi ách trầm luân sanh tử. Người sáng đạo trước nhất là làm chủ được mình ngay khi đang sống đây và làm chủ được khi bỏ thân này. Nói một cách dễ hiểu hơn, người sáng đạo là người không còn bị ràng buộc, lệ thuộc, mắc mứu bởi những cảnh duyên bên ngoài.

Cho nên trong chúng ta đây, ai tự tại được với tất cả cảnh duyên thì có thể gọi người đó là người sáng đạo. Không bị lệ thuộc bởi việc ăn việc ngủ việc mặc, tiền tài sắc dục danh vọng... đó là người tự tại. Với người sáng đạo cần ăn thì ăn, cần ngủ thì ngủ, cần đi thì đi, bình thường an nhiên, không bị vướng mắc bởi quá khứ, không bận bịu bởi tương lai và hiện tại sống bình thản an nhiên. Huynh đệ nghiệm thử coi chúng ta có được phút giây nào như vậy không?

Hồi tưởng lại quá khứ, ngồi đó mà nhớ hồi xưa mình thế này thế nọ, mình cũng ông này bà kia, cũng lên võng xuống giường chẳng hạn, rồi sanh phiền não thì có lợi ích gì? Nếu bây giờ chúng ta làm chủ được thì những tưởng tượng đó không ảnh hưởng gì nổi ta. Ngược lại, nếu hiện tại mình đang bị bức xúc hay thiếu thốn gì đó thì càng tưởng về quá khứ hoặc tương lai chỉ càng khổ thôi. Tưởng đến quá khứ chẳng hạn như ngày xưa lớn lên, ta cường tráng đẹp đẽ, đầy đủ tất cả những tiện nghi, bạn bè thương yêu. Rồi đi học, đỗ đạt, thành tài, cái gì cũng như ý. Tưởng như thế trong khi hiện tại làm rẫy dang nắng, thiếu gạo, muốn ăn cơm không có nấu, muốn đi đâu không có tiền đi xe, những người chung quanh không phải là anh em ruột thịt… như vậy có phải càng tưởng càng khổ không?

Những gì mất mát, những gì đã qua rồi thì nó đã qua. Chúng ta sống theo tinh thần Phật dạy là sống mãnh liệt trong giây phút hiện tại. Sống bằng tinh thần của người Phật tử tin kính Tam bảo. Ta tin rằng với Trí tuệ và lòng từ bi, mình có thể gầy dựng được một nền tảng đạo đức vững chắc cho bản thân và mọi người nên mình cố gắng. Nếu quí vị có tưởng tượng thì cũng tưởng chừng hai, ba mươi phần trăm thôi, rồi lo ngủ nghỉ cho khỏe, đặng ngày mai cuốc đất làm rẫy. Kệ nó! Có cơm ăn cơm, không có cơm thì ăn bắp ăn khoai, không bắp khoai thì uống nước, cũng cứ làm. Bởi ta tin chắc chắn ngày hôm nay ta làm khoảng đất này chưa xong thì ngày mai, ngày kia nó cũng sẽ xong. Quan trọng là có làm thì có kết quả, nhất định những ngày kế tiếp nó sẽ có hoa màu, đáp ứng lại tâm nguyện của chúng ta.

Như những huynh đệ ở đây từ xưa đến nay thì thấy rõ, chỗ này lúc mới khai thiên lập địa toàn là rừng rú cỏ gai mịt trời, quí Thầy ăn độn khoai bắp, bo bo mỗi bữa. Đâu ai có thể tưởng tượng nổi bây giờ có đường đi, bà con đông đảo, chùa chiền khang trang như vầy. Cho nên chúng ta tin rằng mình cứ tu chân chánh như lời Phật dạy, còn việc đói no không cần phải bận lòng, rồi đâu cũng sẽ vào đó. Thực hiện đời sống tu hành như thế, chúng ta tin chắc rằng tương lai sẽ không tối.

Ngày xưa chính tay Hòa thượng trồng hàng dương đi vào Thiền viện, Ngài nói với chúng tôi:

- Chánh điện Thường Chiếu sau này nằm ngay chỗ đó.

Thầy nói như vậy và sự thực bây giờ đúng như vậy, chánh điện chùa nằm ngay vị trí Hòa thượng đã điểm gậy. Người con Phật chúng ta tin quyết liệt vào đời sống hiện tại đây là thiết thực nhất. Có niềm tin mạnh mẻ như thế mới gầy dựng được nền tảng vững chắc. Đã gầy dựng được nền tảng rồi thì tất cả những thứ khác sẽ theo đó mà hiện thành. Người xưa dạy “Sở dĩ được an vui là do tạo được phước hay khéo gầy dựng được nền tảng. Và đã tạo được nền tảng rồi thì chẳng những ngay hiện tại mà đời sau, phúc lành ngày càng tăng trưởng”.

Có vị tăng tu hành rất chân chánh, trở thành một người Thầy đầy đủ đạo đức Trí tuệ. Khi lớn tuổi, nhân một dịp Thầy trở lại quê hương, đi ngang qua vùng quê, bấy giờ những người thân quen khi xưa phần nhiều đã qua đời hết. Còn lại những em bé thì nó không biết ông Thầy là ai? Thầy đi lòng vòng trên các nền nhà của bố mẹ, của chú bác, ông bà ngày xưa… Bây giờ tất cả đều thay đổi hẳn. Những em nhỏ kéo tới nhìn Thầy một cách ngạc nhiên. Thầy thấy chúng có những nét hao háo giống chú mình, giống dì mình, giống ông nội ông ngoại mình… Chắc là đám nhỏ nó bà con với mình đây. Thôi thì gặp họ cứ “Mô Phật! Mô Phật!” là xong. Và Thầy nói với họ: - Có dịp tôi đi ngang qua đây ghé thăm. Nơi này ngày xưa là chỗ gia đình của tôi.

Đêm đó Thầy ở lại trên ngôi nền cũ. Là người tu hành sáng đạo, nên trong đêm có những thiên thần đến kính lễ Ngài. Vì vậy giữa đêm trời tối bà con chung quanh thấy chỗ đó sáng. Tự nhiên trong lòng họ thấy vui lên, rồi cùng bàn tán với nhau: Ông Thầy này tới hồi chiều, chưa nói bài kinh nào hết cũng không nghe Thầy tụng “Sám hối sáu căn” vậy mà sao có Thầy, tự nhiên chúng ta thấy vui quá. Thế là suốt đêm họ cũng không ngủ nữa, vì vui mà thức. Sáng họ rủ nhau chạy qua coi Thầy có bị gì không? Qua thấy Thầy vui vẻ, bình thường, bà con cũng vui theo. Bấy giờ Thầy nói:

- Bây giờ tôi muốn gầy dựng lại chỗ này. Bởi vì trước kia đây là nơi chôn nhau cắt rún của tôi. Do vậy, tôi muốn tạo một cái thảo am ở đây để có chỗ hương khói cho giòng họ.

Mọi người hoan nghênh, cùng nhau hỗ trợ Thầy gầy dựng thảo am. Sau khi thảm am được dựng xong, đêm đêm chư Thiên về đó, hào quang sáng tỏa cả vùng. Dù vị Thầy đó gầy dựng xong thì đi hóa đạo ở các nơi, không hề quay lại chỗ ấy lần thứ hai nữa. Nhưng nhờ phước đức Thầy đã gầy dựng được cảm nên như thế. Từ đó về sau bà con trong vùng không ai bảo ai, đều đến thảo am hương khói rất ấm áp. Họ càng phấn khởi khi đêm đêm thấy trên vùng thảo am có ánh sáng và ngửi thấy mùi hương lạ nữa.

Cho nên chỉ khi nào chúng ta sáng đạo, tự tại được với các pháp, làm chủ được mình thì mới thực hiện được “hiếu đạo” một cách trọn vẹn. Tôi nêu lên gương hạnh của những bậc đi trước để những ai muốn đền đáp ân thâm nghĩa trọng của song thân thì phải nỗ lực phấn đấu tu hành như những người xưa. Có tròn được nhân cách của mình, mới tròn đầy công đức. Đầy đủ công đức thì mọi sự đều viên mãn một cách tốt đẹp, giống như vị Thầy kia vậy. Thầy không nghĩ mình có duyên về được quê hương, cũng không nghĩ phát hiện ra chỗ chôn nhau cắt rún của ông bà cha mẹ ngày xưa, không nghĩ có chư Thiên theo hỗ trợ, nhưng Thầy thành tựu được tất cả. Bởi chư Thiên đó là ai? Là bà con giòng họ của Thầy, chứ không ai lạ. Do công đức tu hành của người đạt đạo, nên cửu huyền được sanh thiên. Cho nên nghe Thầy về họ tới hỗ trợ, thăm viếng. Ánh sáng của họ khiến cho bà con giòng họ phấn khởi, cùng nhau gầy dựng được ngôi Tam bảo nơi quê nhà.

Phật nói trong Tam thiên Đại thiên thế giới, cầm mũi dùi chỉa xuống đất, không nơi nào mà không đụng tới thân của Ngài. Tức muốn nói Ngài đã sanh đây chết kia, loay hoay luẩn quẩn trong Tam giới này nhiều đời nhiều kiếp. Ngài bỏ thân thọ thân, không có nơi nào là không có thân của Ngài. Chúng ta cũng là bà con ruột thịt của Ngài, chứ có ai xa lạ đâu. Nhưng tại lâu quá rồi không gặp nên quên! Đức Phật tự nhớ tự biết chúng ta là con cháu của Ngài, nên hết lòng chỉ dạy. Đứa nào khôn thì ráng tu tập lên, còn đứa nào dại thì cứ bì bõm trong chỗ sình lầy. Chúng sanh luân hồi sanh tử trải dài kiếp số vô tận, sanh đây chết kia, đổi thân đổi họ đổi hình đổi dạng, nhưng tất cả đều là bà con ruột thịt với nhau hết. Do đó chúng ta hãy sống thương yêu, hết lòng giúp đỡ nhau, chớ vì sao lại não hại nhau?

Phật dạy người tu tập thiện tâm, đầy đủ hiếu hạnh thì dù là tại gia hay xuất gia đều được an vui đời này đời sau. Do đó chúng ta nhớ hoàn thành hiếu đạo, đầy đủ thiện tâm. Kế nữa, phải biết mục đích của việc tu hành là để đạt được giác ngộ giải thoát, có giác ngộ giải thoát thì mới đủ năng lực đưa cha mẹ ra khỏi bể khổ sanh tử. Cho nên nói Hiếu là nguồn của trăm đức Hạnh là gốc của con người.

Muốn hoàn thành hiếu hạnh, chúng ta phải tu hành thế nào? Trong kinh Phật dạy Phải phát tâm Bồ đề. Điều này rất chắc thực. Người tu mà không phát tâm Bồ đề thì cứ luẩn quẩn trong vòng luân hồi mãi thôi. Sanh đây chết kia, trả vay mãi không thoát ra được. Tâm Bồ đề là gì? Có thể nói là mũi tên bắn thủng ngoài tam giới, không vướng mắc vào lưới phúc báo nhân duyên. Thành ra nói Phát tâm Bồ đề tức là Phát tâm cầu thành Phật.

Cầu thành Phật chứ không cầu thành Trời thành Thánh gì hết. Phát tâm cầu giác ngộ giải thoát, ra khỏi tam giới. Muốn vậy, điểm đầu tiên là phải tu Thiền định. Do Thiền định thân tâm yên lắng, được an vui. Ta có an vui mới đem nguồn an vui đến cho mọi người, trong đó có thân bằng quyến thuộc của mình. Như vậy mới xứng đáng là người biết ơn và đền ơn đầy đủ. Nói ngược lại người biết ơn và đền ơn là người có Thiền định, Trí tuệ, là người an vui giải thoát.

Có khi chúng ta biết ơn mà không đền ơn được, vì không có cái gì để đền. Như vị Thầy tôi vừa kể, nếu Thầy tu không ra gì thì về quê nói cái gì, bà con làng xóm cũng không ai nghe, bà con đã mất không được phúc báo sanh thiên, làm sao về hỗ trợ cho Thầy. Không có những sự hỗ trợ ấy, thì Phật sự khó thành. Quý vị nhớ ta làm nên một việc gì, luôn luôn nhờ có phúc hiện tại và luôn cả những duyên phúc trong quá khứ hỗ trợ nữa. Cho nên trong nhà Phật có nói: Một vị Phật ra đời ngàn vị Phật xuất thế để ủng hộ. Một vị Bồ tát thị hiện thì vô lượng vô lượng những vị Bồ tát khác cùng có mặt để hỗ trợ cho Phật sự của vị đó được thành tựu.

Muốn “sáng đạo”, người tu Thiền phải có Thiền định, có Trí tuệ, có an vui mới tự tại đối với các pháp. Như thế mới có thể làm những việc công đức để đền đáp lại ân nghĩa với những người mình đã thọ ơn. Bây giờ huynh đệ kiểm nghiệm lại việc tu hành của mình xem đã có Thiền định chưa? Ân nghĩa của chúng ta quá nhiều mà không biết mình ngồi Thiền có được định không? Hằng ngày mình tu có tích cực không, có quyết liệt không, có đảm bảo mình thực sự an vui không? Hay chúng ta còn nhăn nhó, còn lo lắng chuyện này chuyện nọ.

Thiền là gì? Là không dính cái này, không mắc cái kia. Người vào Thiền, được định, các pháp không làm gì được họ, người đó tự tại đối với tất cả cảnh duyên. Nếu kiểm nghiệm lại chúng ta chưa được Thiền định thì phải cố gắng. Làm sao đối với tất cả các cảnh duyên, ta không bị vướng mắc, không bị lụy bởi cái này cái khác. Người tu được như thế mới dám nói đến đền ơn.

Điểm thứ hai là không làm phiền chúng sinh, luôn sống trong niềm vui tu tập, gọi là người Biết ơn và đền ơn. Không làm phiền chúng sinh là thế nào? Tức là người có đầy đủ Trí tuệ, sống bằng Trí tuệ. Mọi sắp đặt trong đời sống đều được soi sáng bởi Trí tuệ nên cuộc sống yên xuôi. Người như thế có thể sống ở chợ, có thể sống trong rừng, có thể sống ở núi non, chỗ đông người cũng sống được, chỗ vắng người cũng sống được. Ở bất cứ chỗ nào cũng không làm phiền lụy đến ai hết.

Người tu hành mà còn làm phiền lụy người nọ người kia thì biết rằng người ấy chưa sống được với lời dạy của các bậc Thánh. Các Ngài dạy rất rõ ràng cụ thể, đời sống của người tu hành đầy đủ định tuệ thì không gây phiền phức nào đối với chúng sanh. Đó là người luôn luôn sống trong niềm vui trọn vẹn của sự tu tập. Do không gây phiền lụy đến chúng sanh nên công đức tăng trưởng, lại có duyên lành với mọi người nên hay giáo hóa được tất cả. Đó là biết đền tứ trọng ân.

Tôi biết có một vị cư sĩ không bà con thân tộc, nhưng họ sống an nhiên trong một vùng quê nọ. Không gia đình, không vợ con, không nhà cửa, không tài sản gì hết nhưng lúc nào vị ấy cũng vui vẻ. Vì thế bà con trong vùng xem vị ấy như là người thân của họ. Ai muốn làm gì vị ấy đến làm. Tới bữa ăn, ai cho ăn thì ăn, ai cho tiền thì nhận, không cho thì thôi, không phiền hà chi. Nhờ thế càng ngày mọi người càng thương mến. Nhờ được phước, vị ấy mạnh khỏe không có bệnh hoạn chi nên cuộc sống thật an ổn. Một thời gian dài như vậy, từ đời sống bình dị vị ấy tỏa ra một sức sống mãnh liệt đối với bà con xóm làng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến để nhờ vị ấy phụ việc này việc nọ. Vị ấy lúc nào cũng sẵn sàng, vui vẻ. Không biết người như thế có tu hay không tu nhưng rõ ràng là họ sống rất tự tại.

Cho nên có những người tuy không xuất gia, nhưng lại hành hạnh Bồ tát. Họ không nói mang chí nguyện cao cả chi hết, nhưng lại đem Từ bi Trí tuệ của Phật pháp đi vào cuộc đời. Quả thực hành động, việc làm, cuộc đời của những con người ấy rất dễ đi vào lòng người và có sức cảm hóa rất mạnh mẽ. Và trong cuộc sống quanh ta, thật ra có rất nhiều những con người như thế. Như những người phát tâm sưu tầm thuốc Nam, họ vào rừng vào núi kiếm thuốc về cho bà con, mà không cần một lợi nhuận nào. Tối đến anh em bạn đạo trao đổi đạo lý với nhau thật vui vẻ, hài hòa. Sống cuộc đời như thế thì hay biết mấy!

Trong kinh A Hàm kể lại:

Một hôm đức Thế Tôn đến xin nghỉ nhờ nơi chỗ của một tu sĩ trong khu rẫy vắng. Vị ấy nói:

- Ở đây, tôi nghỉ đơn sơ như thế này, chỉ có một vạt tre thôi. Nếu Ngài muốn ở thì cũng chịu cực nằm chung với tôi, chứ không thể hơn được.

 Đức Phật nói:

- Được rồi.

Tối lại, đức Phật quan sát xem vị tu sĩ này làm gì. Ngài thấy Thầy hướng về Tinh xá Kỳ Hoàn tọa Thiền. Chờ Thầy tọa Thiền xong, tới giờ nghỉ đức Phật hỏi:

- Ông tu theo ai? Thầy của ông là ai?

Vị ấy khai ra, Thầy của mình là đức Thích Ca Mâu Ni, nhưng lâu nay vẫn chưa được gặp Thầy. Chỉ nương theo pháp Phật dạy mà tu thôi, chưa đủ duyên về tới Tinh xá Kỳ Hoàn đảnh lễ Thế Tôn nữa. Đức Phật hỏi:

- Vậy ông có biết đức Thích Ca Mâu Ni chưa?

- Thưa Ngài, thuở nay tôi nghe nói chứ chưa từng biết. Nghe nói đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, là bậc Thế Tôn trời người đều quý kính, nhưng thực sự tôi chưa được gặp lần nào.

Bấy giờ đức Phật chỉ cho vị tu sĩ kia phương pháp tu hành, mà tuyệt nhiên không nói Ta là đức Phật. Song qua pháp tu của Phật nói, vị tăng kia nhận ra chính đây là đức Thế Tôn. Cuối cùng Thầy thưa cùng đức Phật:

- Xin hỏi, vậy Ngài là ai?

- Ta là Cù Đàm.

Bấy giờ vị tu sĩ kia mới đảnh lễ đức Thế Tôn trong niềm cảm kích và ngạc nhiên vô cùng. Tôi dẫn câu chuyện này để nói đến một điều là trong việc tu hành, có khi chúng ta không cần phải chứng tỏ mình là gì gì cả. Quan trọng là tư cách, phẩm hạnh đạo đức của mình có chân chánh hay không, tu hành có được giác ngộ giải thoát không, có Trí tuệ và Từ bi tròn đầy hay không? Đó là những pháp hành tiêu biểu cho giáo lý của đức Phật, mà đòi hỏi chúng ta phải trải nghiệm, thân chứng trong thầm lặng.

Lại một điều nữa, trong giáo pháp của Phật có rất nhiều phương tiện. Chúng ta không nên bị ràng buộc vào bất kỳ một phương tiện nào hay hình thức nào. Cốt yếu phải đạt được mục đích cứu cánh là giác ngộ giải thoát. Có người xuất gia vào Thiền viện tu tập, nhưng cũng có những vị cư sĩ tu tập rất đắc lực. Nghĩa là làm sao có an lạc thực sự là tốt. Sở dĩ có an lạc thực sự là do nền tảng tu hành đã vững chắc, họ làm chủ được, chớ không phải cái an lạc nói suông ở miệng.

Chúng ta thường nghe trong Phật pháp nói người tu hành chân chính, được an vui, làm chủ được mình là người được Niết bàn. Niết bàn đó ngay hiện tại và khi bỏ thân này cũng được Niết bàn an vui thực sự. Niết bàn là Thường Lạc Ngã Tịnh, là cái bất sinh bất diệt. Hòa thượng thường dạy chúng ta là hằng sống được với tánh giác bất sinh bất diệt của mình. Người nào không bị động, không bị lệ thuôïc, không vướng mắc vào tất cả cảnh duyên, người đó có thể nói là an ổn nhập Niết bàn ngay trong hiện tại. Nhà Thiền gọi là người đại lực lượng. Đảm bảo đó là người gầy dựng được Niết bàn vĩnh viễn.

Sau cùng, người tu hành sáng được việc của mình rồi, phải phát khởi lòng thương tưởng đến tất cả chúng sinh. Đây chính là tâm Từ bi rộng lớn. Tâm này không phải là tâm của người cứ ngồi đó mà nói “Tôi từ bi! Tôi từ bi”, mà tâm ấy phải được thể hiện cụ thể bằng hành động. Giống như chuyện bà Thanh Đề. Khi phát khởi được tâm lượng rỗng rang rồi, thì nó trùm khắp. Với tâm nguyện rộng lớn ấy, bà không chỉ muốn loài quỷ đói trong Địa ngục ấy mà tất cả các loại ngạ quỷ ở những nơi khác đều được hưởng những phúc lạc trong ngày Tôn giả Mục Kiền Liên cầu Thánh tăng cứu độ cho bà chuyển tâm. Nhờ thế mà bà mới được sanh thiên, tất cả chúng sinh cùng chung cảnh khổ của bà cũng được sanh thiên hết. Nếu không phát được tâm rộng lớn ấy, thì dù Bồ tát Địa Tạng có dùng tích trượng phá tan Địa ngục, Địa ngục ấy vẫn hình thành trở lại để giam giữ những chúng sanh không chuyển được nghiệp của mình.

Như tôi đã nói người gầy dựng được nền tảng đạo đức là người phát tâm Bồ đề, thành tựu được tâm Bồ đề viên mãn, người đó là người biết thương tưởng đến tất cả chúng sinh. Trong cuộc sống, huynh đệ chúng ta không ai được vẹn toàn trăm phần trăm cả. Người được cái này thì thiếu cái kia. Cho nên chúng ta hoan hỷ tha thứ, cảm thông, đùm bọc, để làm sao cùng được an vui. Mình được cái gì thì cũng mong muốn mọi người được cái ấy. Vừa được bát cơm ngon, mình muốn tất cả cũng đều được thưởng thức bát cơm ngon. Được đi trên cây cầu bình yên không sợ gãy, mình muốn bà con cũng được đi trên những cây cầu như thế.

Chúng ta cố gắng làm sao mỗi việc làm, mỗi lời nói đều không làm khổ mình khổ người. Cho nên cũng cần phải lưu ý đến khẩu nghiệp. Phật thường dạy, chúng ta phải biết tịnh khẩu nghiệp, tức là giữ trong sạch nghiệp miệng của mình. Khẩu nghiệp của chúng ta thật ra quan trọng vô cùng. Kinh nói “Phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trảm thân, do kỳ ác ngôn”, nghĩa là “phàm người xử thế, như búa bén nằm ở trong miệng, sở dĩ chém thân là do lời nói ác”. Trong mười điều thiện hay mười điều ác, miệng chiếm hết bốn. Cho nên tu cái miệng rất quan trọng.

Câu chuyện cô Lộc Mẫu hơi dài, tôi lược kể đại khái thôi. Gia đình nọ có người con gái rất đẹp. Thường thường cô ở nhà giữ nhà, mỗi ngày bà mẹ đem thức ăn đến. Có một hôm bà già đem cơm tới trễ. Cô thán oán: “Mẹ ta ngày nay không biết vì lẽ gì mà không cho ta ăn, chẳng nhìn ngó đến ta, để ta chịu như thế này. Lại nói: Mẹ ta ngày nay không bằng loài súc sinh. Ta thấy loài súc sinh như con hươu, một khi con nó bị đói khát, lòng nó còn chẳng nỡ, nữa là mẹ ta!…” Chỉ vì bà mẹ đem thức ăn đến trễ mà cô nổi sân phát ra những lời nói ác như thế. Hậu quả là năm trăm đời cô bị đọa vào trong loài hươu nai.

Nhưng nhờ nhân duyên thế này. Sau khi cô phát ác ngôn, lúc đó có một vị Bích Chi Phật tu trong vùng ấy, đi ngang qua trong giờ ngọ, khiến cho cô thấy. Cô phấn khởi phát tâm cúng dường hết phần ăn của mình cho Ngài. Vị đại thánh kia cũng hoan hỷ nhận sự cúng dường này. Sau khi nhận rồi Ngài thuyết pháp cho cô nghe. Nên khi đã mãn báo sinh trong loài nai hươu, có một khoảng cô được làm Hoàng phi, sinh ra toàn là hoa sen, đi tới đâu dưới chân cũng có hoa sen đỡ. Đó là nhờ phúc cúng dường cho vị Bích Chi Phật.

Chúng ta thấy rõ, cúng dường thì có phước nên được quả phước, nhưng nói ác vẫn không tránh khỏi thọ nghiệp ác. Nhân quả lúc nào cũng phân minh như thế. Cho nên tôi muốn nhắc chúng ta nhớ Tu cái miệng. giữ cái ý của mình. Trong đạo Phật có những pháp tu lớn lao vô cùng, riêng tôi thì có những pháp tu rất bình thường mà tu cho trọn vẹn thì cũng thành Phật như thường. Huynh đệ chúng ta tu cái miệng, giữ cái ý, tức là tu cái tâm. Không có ác ngôn là do từ thâm tâm, từ ý niệm của mình thanh tịnh. Đó chính là nền tảng của việc tu hành.

Buổi nói chuyện hôm nay, để tỏ lòng biết ân và đền ân sư trưởng, cha mẹ, đàn na thí chủ của chúng ta, tôi xin nhắc nhở tất cả huynh đệ mình cùng nhau gầy dựng được nền tảng đạo đức cho mình thật vững chắc. Gầy dựng bằng cách nỗ lực tu tập cho sáng đạo, từ đó phát khởi đại Từ bi tâm giúp cho tất cả chúng sanh đều thoát khỏi lầm mê, để trở về nẻo giác. Đó chính là cách đền ân cao đẹp và tròn đủ nhất của người con Phật.

Mong tất cả quí vị nghe nhận, lãnh thọ và hành trì thật trọn vẹn, để hồi hướng phước báo này về cho song thân và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.


 

Tiền báo, Hậu báo, Sinh báo

Hôm nay nhân mùa Báo hiếu, quí Phật tử được sự hướng dẫn của quí Thầy ở Phước Kiểng về Thiền viện cúng dường, để hồi hướng công đức cho song thân đã quá vãng. Với công đức cúng dường này, một là quí Phật tử bày tỏ tấm lòng hiếu đạo của mình, hai là thiết tha mong cầu, nương tựa chư Tăng chỉ dạy phương thức tu hành.

Với tâm thành và việc làm này, chúng tôi xin tùy hỷ và có đôi lời nhắc nhở quí vị trong việc tu học Phật pháp, để bổ sung cho công phu ngày một thăng tiến hơn. Có thăng tiến thì việc tu học mới có niềm vui và đạt được nhiều lợi lạc. Với ý nghĩa đó, hôm nay chúng tôi sẽ nói về vấn đề tập nghiệp.

Nói tới nghiệp tức là nói tới một năng lực rất mạnh, có sức chi phối chúng ta mãnh liệt. Nhất là người con Phật, khi hiểu đạo rồi, có được chút chút công phu, chúng ta lại càng phải dè dặt đối với nghiệp, với hành động của mình. Làm sao để luôn luôn tỉnh táo sáng suốt, kiểm soát được tất cả những sinh hoạt, những tạo tác của chúng ta. Bởi vì từ thân miệng ý của chúng ta, sẽ tạo thành một năng lực, nó có sức mạnh thúc đẩy và dẫn đạo cả đời chúng ta. Nếu những năng lực này thiện thì chúng ta đi trên con đường sáng. Trái lại, nếu những năng lực này bất thiện thì chúng ta đi trên con đường tối.

Người đã gây tạo nghiệp nhân rồi thì quả báo sẽ đến. Nghiệp nhân không tốt thì nhất định quả báo không bao giờ tốt được. Đó là điều mà tất cả người con Phật chúng ta đều phải biết rõ. Tuy nhiên thắng được nghiệp của mình, kiểm tra từng ý nghĩ, lời nói, hành động trong hằng ngày, trong mọi sinh hoạt, quả thực là khó chứ không phải dễ. Như quí Thầy ở Thiền viện, được sự đùm bọc lo lắng gìn giữ của các bậc thiện hữu tri thức, được sự nhiệt tâm ủng hộ của quí Phật tử, sống trong điều kiện tốt như thế mà gìn giữ nghiệp của mình cho thuần thiện đã khó rồi, huống là quí Phật tử ở bên ngoài, phải đương đầu với trăm ngàn công việc, với cuộc mưu sinh đầy vất vả thì giữ gìn nghiệp cho tốt quả thật là gian nan. Vì vậy phải quyết tâm và sáng suốt, nỗ lực thực hành lời dạy của Phật nhiều lắm mới đảm bảo được tương lai của mình an lạc.

Chúng ta muốn tu tốt nhất là tu ngay từ nghiệp nhân. Vì nếu nơi nghiệp nhân mà không tỉnh không tu được, thì quả báo xấu đến là lẽ tất yếu. Nó như hình với bóng, như tiếng với vang, hễ có nghiệp nhân thế nào thì quả báo tương ứng thế ấy. Chúng ta sửa đổi, chúng ta hoàn chỉnh, chúng ta làm chủ được ngay trong lúc ý vừa dấy khởi. Đó là điểm quan trọng nhất. Cho nên nói đến nghiệp thì thường nhắc nghiệp nhân. Sau nghiệp nhân là nghiệp báo hay nghiệp quả. Nếu người nói những lời chân thật thì được mọi người tin tưởng, có uy tín. Trái lại, người nói lời không chân thật thì mọi người nghi ngờ, không có uy tín. Cho nên người con Phật phải luôn kiểm điểm thân, khẩu, ý của mình. Ban đầu gắng tập như vậy, về sau mới gầy dựng được nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tu hành.

Theo tinh thần nhà Phật, nghiệp có hiện nghiệp, hậu nghiệp, nghiệp vô hạn định. Trước tiên chúng tôi nói về những quả báo đối với hiện nghiệp. Quả báo đối với hiện nghiệp tức là quả báo ngay trong kiếp hiện tại này. Nếu chúng ta tỉnh táo sáng suốt, nghe lời Phật dạy áp dụng tu hành, chăn giữ được con trâu vọng tưởng của mình, nhất định chúng ta sẽ có được hiện nghiệp hay hiện báo tốt.

Trong kinh có dẫn câu chuyện thế này. Hai vợ chồng Phật tử nọ nghèo lắm, họ chỉ có một cái áo để thay đổi nhau dùng thôi. Hôm đó được tin đức Phật giáo hóa ngay khu làng họ ở, hai vợ chồng đều muốn đi nghe pháp. Thế là họ bàn nhau ai nên đi trước, cuối cùng người vợ nhường cho chồng đi trước. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp về công đức cúng dường và bố thí, anh chồng phát tâm muốn cúng dường đức Phật một cái gì đó. Nghĩ mãi, anh thấy mình chẳng có chi ngoài chiếc áo đang mặc. Ngặt nỗi, chiếc áo này lại là vật sở hữu của cả hai vợ chồng. Trong tình huống này, anh đã trải qua một sự phấn đấu dữ lắm. Về nhà hỏi ý kiến vợ, bà vợ lại ngại: “Tôi là người nữ, nếu ông phát tâm như vậy thì làm sao tôi đi đâu. Có khi hai vợ chồng chết đói cũng nên”. Lại có một sự cản trở. Tuy nhiên, sau đó bà cũng đồng ý với ông: “Nếu ông đã quyết như vậy thì thôi, cả hai chúng ta có thể nhịn đói miễn được cúng dường cho đức Phật”. Cho nên rồi qua một giai đoạn hai người hết sức phấn đấu, duyên lành đã đầy đủ chiếc áo duy nhất đó được dâng lên cúng dường đức Phật.

Sự việc này đến tai nhà vua, hiện báo tốt liền có ngay đối với hai vợ chồng Phật tử nghèo ấy. Đó là nhà vua bù đắp lại cho hai vợ chồng nhà cửa, y phục sang đẹp gấp trăm ngàn lần chiếc áo cũ xấu xí kia. Tuy nhiên hai vị Phật tử nghèo chỉ chọn hai bộ đồ thích hợp với mình thôi, còn tất cả đều dâng cúng dường Tam bảo hết. Chứng tỏ họ cúng dường bằng tấm lòng thành, chứ không phải vì toan tính lợi dưỡng đằng sau sự cúng dường đó. Nhờ công đức phát tâm cúng dường dõng mãnh ấy, về sau hai vợ chồng làm việc gì cũng đều gặp thuận lợi, họ sống rất hạnh phúc trong niềm kính tin Tam bảo.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy một khi đã phát tâm rộng lớn, trải qua nhiều phấn đấu, cuối cùng chiến thắng được những ích kỷ hẹp hòi thì chúng ta sẽ được quả báo hiện tiền hết sức tốt đẹp. Có rất nhiều Phật tử ưu tư: “Con muốn đi chùa lắm Thầy ơi, nhưng mà về chùa con không có cái gì để cúng dường, con thấy ngại quá. Thấy người nọ người kia cúng dường mà con không có gì để cúng quí Thầy, nên con ngại không dám đến chùa”. Quí vị đã có mặc cảm như vậy, cho nên ở đây chúng tôi muốn nói rõ để Phật tử hiểu, việc bố thí cúng dường, quan trọng là ở tâm của chúng ta. Cúng dường ít nhiều gì cũng căn cứ từ tâm, quả báo tốt đẹp có hay không cũng từ tâm mà ra. Những tịnh tài tịnh vật là biểu trưng của sự phát tâm. Nhưng tùy, không có tịnh tài tịnh vật nhiều nhưng lòng mình không vướng mắc, không thủ lợi, không vì bất cứ cái gì khác, phát tâm cúng dường để hồi hướng cho tất cả chúng sinh là tốt rồi. Như là lời của Bồ tát dạy, khi chúng ta ăn được một bữa ăn ngon, mình mong mỏi làm sao tất cả chúng sanh cũng được những thức ăn ngon như vậy. Đó là tấm lòng Bồ tát luôn rộng mở lòng. Không phải bỏ tài sản của cải ra thật nhiều, bố thí cúng dường với tâm cầu danh cầu lợi, như thế chẳng được lợi ích bao nhiêu.

Như vậy thì ai tu không được. Khi nào quí vị hơi chật hẹp về vật chất thì lại càng phát tâm dõng mãnh hơn. Vì biết do nhiều đời mình chưa chịu phát tâm, nên đời này không gầy dựng được tài sản sung túc. Do đời trước không biết tu tạo nghiệp nhân tốt, nên đời này quả báo chưa tốt. Bây giờ phát tâm mở rộng lòng mình ra, tức là tu tạo nghiệp nhân tốt. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của gia đình trong cuộc sống hiện tại, mình mở rộng lòng ra phát tâm dõng mãnh. Như đi trên một đoạn đường thấy sạch sẽ trang nghiêm, mình tưởng nguyện trong lòng, nguyện cho tất cả chúng sanh đều được đi những đoạn đường sạch sẽ tốt đẹp như thế. Tất cả những đoạn đường gồ ghề gai góc đều không có. Đó là mở rộng từ của mình. Đó là hướng tu hành của người con Phật.

Quí Phật tử còn có tịnh tài tịnh vật cúng dường nọ kia, chứ còn như chư Tăng chúng tôi có gì để cúng dường, phải không? Nhưng quí vị biết chúng tôi cúng dường thế nào không? Cúng dường bằng lòng mình, bằng sự phát tâm chấp nhận chịu đựng tất cả, tu tập mong sao sáng đạo để hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Khi ta sáng được đạo, được một phút an ổn lợi lạc trong chánh pháp, đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh cũng được như vậy. Phát tâm rộng rãi như thế. Tuy sự phát tâm ấy không có hình thức nhưng mà cả một sự phấn đấu.

Ví dụ như trong viện Thường Chiếu, tất cả chư Tăng đúng theo qui chế là 3 giờ khuya đều phải thức dậy ngồi Thiền. Dù chân đau, dù buồn ngủ, dù đói bụng, dù cho gì gì cũng phải tập trung ngồi Thiền. Để chi vậy? Để lắng yên tất cả những sôi nổi, cáu cặn, phiền não. Nếu lắng yên được rồi thì nguyện cho tất cả chúng sanh đều được lắng yên như vậy. Quí vị nghĩ tấm lòng ấy thật tốt đẹp biết là bao nhiêu. Điều này rất khó làm chứ không phải dễ, không phải niệm suông mà được. Ở đây đòi hỏi phải có sự phấn đấu, phấn đấu dài dài.

Cho nên có Thầy tu hai mươi năm, có Thầy tu ba mươi năm nhưng có vị nào thành Phật đâu? Mỗi ngày qua lọc được những cặn bã phiền não, yên ổn đôi chút, như thế cũng là hiếm là quí lắm rồi. Giới xuất gia chúng tôi đều nỗ lực tu tập, hướng về một điểm duy nhất như thế, nhất định ít nhiều gì chúng tôi cũng thành công. Và với tâm nguyện hồi hướng cho tất cả quí Phật tử cũng như chúng sanh đều hướng về con đường Bồ đề, đều được hưởng lợi lạc như nhau. Mọi người đều hưởng được lợi lạc đó là Niết bàn hiện tại. Việc tu hành của chúng ta hôm nay, với tất cả công đức có được đều nhắm đến chỗ cho mình và người đều hết khổ, được vui. Tập nghiệp rất nặng nề, chúng ta phải tu phải sửa, phải tận lực chớ không thể xem thường. Nếu chúng ta sửa được, tu được thì ngay trong hiện đời có quả báo cụ thể.

Tôi xin kể câu chuyện người thợ săn với bầy chó. Có người thợ săn nọ dẫn một bầy chó dữ đi săn trong một khu rừng. Khu rừng đó có một vị đệ tử Phật đang tu. Gã thợ săn lùng sục cả ngày nhưng không được gì hết, nên anh ta nổi bực. Săn lòng vòng cuối cùng rồi cũng lại gặp ông Thầy. Tức quá anh kiếm chuyện gây với ông Thầy. Càng gây anh càng sùng lên, sùng đến độ anh cho con chó cắn ông Thầy. Ông Thầy hoảng quá trèo lên cao để tránh bầy chó dữ. Gã thợ săn cũng chưa hài lòng, ở dưới gã cứ xuỵt chó chồm lên. Ông Thầy năn nỉ hết sức mà gã vẫn không nguôi cơn giận tức. Tức cái gì? Tức vì hồi sáng đến giờ đi săn gặp ông Thầy xui xẻo quá, săn không được gì hết. Ông Thầy ở trên thấy con chó làm dữ như chực ăn thịt mình, càng hoảng sợ hơn. Quả thực vậy, Thầy luýnh quýnh một hồi làm rớt cái y xuống. Nhè đâu cái y trùm ngay lên đầu gã thợ săn. Con chó tưởng là ông Thầy nên nó nhảy bổ vào xé xác ông chủ. Nhờ thế mà ông Thầy thoát nạn.

Câu chuyện này cũng nói lên hiện nghiệp hiện báo. Từ chỗ dấy khởi tâm niệm không lành của gã thợ săn đưa đến quả báo tương xứng. Hại người rốt cuộc chính mình bị tổn thương. Phật tử chúng ta, biết rõ như vậy cần phải dè dặt trong từng tâm niệm, từng hành động. Một tâm niệm không lành dấy khởi lên là các bậc thánh hiền đã thấy, đã biết. Cho nên người xưa thường răn nhắc: “Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát được từ tâm niệm mống khởi của mình. Hễ tâm mống khởi lành thì sẽ được phúc quả tốt đẹp. Còn như tâm mống khởi dữ thì sẽ bị quả báo xấu”.

Có những Phật tử đủ duyên đi chùa, học Phật pháp và phát tâm tu hành. Có vị sắp đặt được gia đình yên ổn rồi tiến đến giai đoạn xuất gia. Nhưng đâu phải xuất gia rồi tu một hai bữa, một hai năm thành Phật. Tuy nhiên người phát tâm xuất gia có được những phúc báo hiện tiền. Như trước kia cùng chung bạn đạo với nhau, bây giờ vị ấy đã thành người xuất gia, thì tất cả các Phật tử trong đoàn ai cũng hướng về vị đó, tìm phương tiện giúp đỡ cho vị đó yên tâm tu hành. Hoặc gia đình vị đó có sự cố gì thì huynh đệ cũng đùm bọc để vị đó yên tâm tu hành, với mong mỏi vị đó tu đến nơi đến chốn. Đó là phúc lợi hiện tiền.

Tôi nhắc lại một đoạn sử khi Lục Tổ Huệ Năng còn hàn vi, là một tiều phu đốn củi đổi gạo để nuôi mẹ già. Nhân một hôm nghe đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tụng kinh Kim Cang, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền nhận ra. Nhận ra cái gì không biết, nhưng rõ ràng Ngài rất phấn khởi. Sau đó Ngài hỏi thăm vị khách tụng kinh xem tên kinh là gì và kinh này phát xuất từ đâu? Sau khi được biết đó là kinh Kim Cang, do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền dạy, Ngài liền phát tâm muốn được đến học đạo tu tập với Tổ. Nhờ có túc duyên nên Ngài được người giúp đỡ phương tiện để lo cho mẹ già chu tất và thực hiện được chí nguyện đến chỗ Ngũ Tổ để học đạo.

Nếu không phát tâm mạnh mẽ như thế thì có lẽ Ngài sẽ không được người hỗ trợ, tạo thuận duyên để đi tu đâu ! Nhờ túc duyên một phần, nhờ sự quyết tâm tha thiết cầu đạo là phần lớn nên Ngài mới thực hiện được tâm nguyện của mình như thế. Sau thời gian tám tháng công quả ở nhà bếp, Ngài được Ngũ tổ gọi vào phương trượng giảng kinh Kim Cang và được truyền y bát làm Tổ thứ sáu. Ngay đêm ấy, Thầy lặng lẽ đưa trò rời khỏi Huỳnh Mai, để nối tiếp sứ mạng truyền đăng tục diệm của chư Tổ.

Ở đây, tôi muốn nói người phát tâm chân chính thì sẽ được nhiều người ủng hộ, chúng ta khỏi phải lo về điểm này. Huynh đệ chúng tôi ở đây cũng thấy rất rõ điều đó. Ví dụ như tại Thiền viện Thường Chiếu, hiện nay chư Tăng và Phật tử đến xin công quả tập tu gần một trăm năm mươi vị. Về phương tiện sinh sống hằng ngày chẳng có chi đáng kể. Ruộng cũng có, rẫy cũng có, vườn cây cũng có, nhưng chỉ giới hạn thôi, không thu hoạch bao nhiêu. Nếu tính ra thì với chừng ấy phương tiện chỉ dùng được khoảng ba tháng trong một năm thôi, chớ không hơn nữa. Như vậy còn lại chín mười tháng phải sống làm sao? Nhưng cuối cùng với tấm lòng, với nhiệt tâm ủng hộ cho chư Tăng tứ sự đầy đủ để tu hành của đàn na thiện tín từ các nơi, cuộc sống của chúng tôi tương đối không thiếu thốn. Cơm gạo đầy đủ, tương chao đầy đủ, áo quần y hậu lành lặn không thiếu. Đó là nhờ sự ủng hộ của thiện hữu và đàn việt xa gần.

Nhiều Phật tử đến nói với tôi: “Thưa Thầy, Thầy nói đạo lý như vậy nhưng tụi con áp dụng hoài vẫn trặm trầy trặm trật, khó quá chừng đi”. Thưa, khó thì khó, nhất định các Phật tử đó không nên nản lòng. Càng khó chừng nào càng nỗ lực tu tập chừng nấy, đồng thời ủng hộ giúp đỡ cho quí Thầy, quí cô tu hành tới nơi tới chốn. Nếu quí vị có tâm như vậy, nhất định sẽ được hiện báo tốt đẹp. Bởi vì chư Tăng Ni đủ duyên, đủ điều kiện chuyên tâm tu hành trang nghiêm thanh tịnh, công đức ấy sẽ hồi hướng về tất cả chúng sanh, trong đó có quí vị.

Như quí Thầy từ Phước Kiểng đến đây, trước kia quí Thầy cũng là Phật tử phát tâm xuất gia, sau mới làm tăng sĩ. Bây giờ quí vị vừa làm Thầy tu hành ở địa phương, vừa là điểm tựa cho Phật tử Phước Kiểng. Quí Phật tử muốn đi chùa thì có chùa gần nhà, có Thầy, đến đó được Thầy hướng dẫn đạo lý để tu tâm dưỡng tánh. Hoặc Thầy dạy quí vị phải ăn hiền ở lành v.v… Rồi Phật tử có các huynh trưởng, có những tấm gương đi trước cho mình noi theo. Đó là tôi nói quả báo hiện tiền của người con Phật tốt đẹp như vậy.

Đến phần hậu báo. Hậu báo này là những hành động do chúng ta gầy dựng ngày hôm nay, sẽ dẫn đến quả báo đời kế của mình. Ví dụ bây giờ Phật tử phát tâm tu tập và hướng dẫn gia đình cũng tu tập, như vậy ngay đời sống này sinh hoạt hằng ngày của quí vị đã tốt, lại còn đem những điều tốt đẹp ấy đóng góp, gầy dựng cho gia đình, xã hội ngay hiện đời. Sau này nếu quí vị có mất đi thì truyền thống đó còn ảnh hưởng đến con cháu những đời sau, dần dần lan rộng ra nhiều hơn nữa. Cụ thể như bây giờ mình là người Phật tử chân chính, sau này con trai con gái của mình cũng sẽ như vậy. Rồi con cái mình sẽ dạy dỗ cho cháu ngoại cháu nội của mình cũng như vậy. Người tu có Trí tuệ thì sẽ thấy rất rõ về hậu báo này. Với niềm tin vững chắc của người con Phật, chúng ta gầy dựng được những nhân tốt chắc chắn sẽ có quả báo tốt, không sai chạy đàng nào. Đó là luật nhân quả chứ không phải điều nói suông.

Nói về hậu báo, có câu chuyện thế này. Có người làm công cho một nhà giàu nọ. Chủ nhà là Phật tử, mỗi tháng cả gia đình họ phát tâm thọ Bát Quan Trai một lần. Hôm ấy, sau một ngày làm việc nhọc nhằn, anh trở về nhà nhằm hôm gia đình thọ Bát, cho nên không nấu thức ăn chiều. Khi biết như vậy rồi, anh không hề buồn bực cũng không thấy xót xa, cồn cào gì trong bụng. Anh liền phát tâm thọ Bát Quan Trai như những người ở trong gia đình, nhưng chỉ được nửa ngày. Không may, sáng hôm sau do một cơn bạo bệnh anh chết. Do bỏ thân này trong lúc giữ trai giới trong sạch, nên anh được tái sinh lên thiên giới. Bấy giờ anh trở về hiện điềm báo cho gia đình chủ nhân biết anh là người làm công trong nhà, do phát tâm mãnh liệt tu Bát Quan Trai trong lúc đi làm về mệt và đang đói khát. Nhờ phúc giữ giới và tu tập đó anh được sinh lên thiên giới. Bây giờ không còn khổ sở nữa, vì đã là một thiên tử rồi. Đó là nói đến hậu báo tương ưng với nghiệp thiện.

Chúng ta nên nhớ hiện báo hay hậu báo gì cũng căn cứ vào tâm của chúng ta. Nếu như anh chàng kia đi làm về đói khát, không có cơm ăn liền nổi bực lên, không phát tâm tu hành, lại phát ra những ngôn ngữ bất thiện thì làm gì được phúc báu sanh thiên? Việc tu trong những điều kiện khó khăn sẽ dẫn đến những kết quả lớn lao như vậy. Nếu chúng ta không phát tâm dõng mãnh tu tập, đối trước hoàn cảnh khó khăn là vô tình mình đánh mất cơ hội tốt cho bản thân.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy nếu sự phát tâm mạnh mẽ thì lúc nào mình cũng tu được hết. Cho nên Phật dạy một suy nghĩ bậy mà mình biết suy nghĩ đó bậy thì bỏ ngay đừng suy nghĩ nữa, hoặc miệng vừa định nói điều gì đem đến sự tổn hại cho người cho vật, thì ta đừng nói, đó là cách giữ giới tu hành. Quả thực nếu chúng ta chịu tu, biết tu thì trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu chúng ta cũng tu được. Trong đời sống hiện tại, một lời nói đem đến sự an vui cho người cho mình sẽ có công đức rất lớn. Có khi một lời nói thôi cũng cứu được mạng sống của người ta, thì tại sao mình không tu như vậy?

Nói tóm lại, người con Phật cố gắng làm sao tỉnh táo sáng suốt trong từng giờ từng phút. Đừng bao giờ nghĩ phải tới chùa, lạy Phật, đọc kinh hay ngồi lần chuỗi niệm Phật mới tu, mà chúng ta tu trong mọi hoàn cảnh. Làm ruộng tu cũng được, làm người công nhân tu cũng được, buôn bán ngoài chợ tu cũng được. Tu như thế nào? Vừa khởi nghĩ không tốt thì đừng nghĩ nữa. Ví dụ đang làm ruộng mà mình tính cuốc vào bờ người ta thì đừng cuốc, đó là tu rồi. Tu là nơi tâm, chỉnh đốn tâm lại cho ngay thẳng chân thật, đừng cong vạy méo mó. Như thế ai cũng tu được hết, hoàn cảnh nào cũng tu được.

Phật tử chưa xuất gia, phải vật lộn nhiều với đời sống nên cố gắng mãnh tỉnh mới tu được. Nên nhớ tu tâm là tu từ ý nghĩ của mình. Ý nghĩ tốt thì lời nói tốt, hành động tốt. Nhất là những vị có uy tín hoặc địa vị trong xã hội, nếu tin lời Phật dạy, biết áp dụng pháp Phật vào công việc của mình thì lợi lạc cho xã hội đất nước vô cùng lớn lao. Đạo Phật là đạo cứu sinh, là đạo giúp cho con người tu sửa ba nghiệp ngay trong đời sống hiện tại. Chúng ta hiểu rõ nhân quả, biết tu nhân là phải tu ngay hiện tại, chớ không phải đợi đến chết rồi, quí Thầy tới hộ niệm mới tu. Chừng đó chết rồi thần thức hôn mê, biết gì nữa mà tu. Còn sống là phút giây thuận lợi, có điều kiện tốt để mình tu, mà không chịu tu thì thật đáng tiếc. Cho nên tu được hay không là ngay trong hiện tại cuộc sống này, thì kết quả hiện báo tốt mà hậu báo cũng tốt. Đó là chúng tôi nói sơ lược về hiện báo, hậu báo.

Kế đến là nghiệp vô hạn định, còn gọi là sanh báo, nghiệp này đeo đuổi dai dẳng từ bây giờ cho tới ngày chúng ta thành Phật mới thôi. Nghĩa là nhân nào mình đã gây, thì phải trả dù không biết chừng nào mới trả. Nhưng đã gây nhân thì nhất định phải có hậu quả. Cho nên như Tôn giả Mục Kiền Liên là vị đại thánh, đệ tử thần thông bậc nhất của Phật. Khi Phật còn tại thế, hai vị phụ tá đắc lực nhất là Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên. Nhưng cuối cùng ngài Mục Kiền Liên bỏ thân tứ đại này trong trường hợp rất đau đớn. Ngài bị ngoại đạo đập chết trên đường du hóa, là vì quả báo này do nhân xấu Ngài đã gây tạo từ nhiều đời trước, bây giờ tới giai đoạn sau cùng không còn tái sanh nữa nên phải trả cho hết, không quỵt nợ được. Thế nên Phật dạy chúng ta phải tu ngay từ nhân, chớ quả báo đến rồi chỉ còn cách vui vẻ nhận chịu thôi. Lúc đó ta nên nói rằng: “Tôi đã gây nhân như thế, bây giờ quả đến tôi sẵn sàng trả”. Người sáng suốt biết rõ rằng trả hết nghiệp nhân là hết nợ, là khỏe. Còn người không chịu trả, muốn giấu giếm, nấn ná, quỵt nợ thì đi tới đâu người ta cũng lẽo lẽo theo sau đòi thôi, không thoát được đâu !

Từ đó chúng ta có nhận định, người con Phật không phải là người yếu đuối bi quan, mà là người có tâm mạnh mẽ, sáng suốt, làm bất cứ việc lớn nhỏ gì cũng đều trong tinh thần tỉnh táo sáng suốt, gọi là tu nhân. Nếu có những hậu quả không tốt đến thì cũng tỉnh táo sáng suốt chấp nhận đã vay thì phải trả, vui vẻ mà trả, không buồn bực cũng không gây thêm nhân xấu nữa. Ngược lại, nếu người không hiểu Phật pháp, chẳng những họ không muốn trả nghiệp cũ mà còn gây thêm nhân xấu nữa. Như mấy con gà, con chó chẳng hạn, nghiệp quả của nó hồi xưa xấu nên phải sinh làm kiếp súc sanh trong gia đình, giữ nhà đẻ trứng để trả nợ cho quí vị. Bỗng hôm nào đó trong nhà có đám giỗ đám tiệc, quí vị bắt nó làm thịt, tức là nó trả nợ cho quí vị rồi, bây giờ quí vị lại vay mạng sống của nó. Mà vay thì phải trả, đâu có chạy đàng nào được. Cho nên người con Phật phải dè dặt từng chút, quí vị nhớ.

Cho nên tu là phải kiểm điểm từ ý nghĩ, từ ngôn ngữ, từ hành động của mình. Ý nghĩ lớn nhỏ gì, lời nói lớn nhỏ gì, hành động lớn nhỏ gì của mình cũng đều được kiểm tra trong sự tỉnh táo sáng suốt. Đó là quí vị giữ giới của Phật trang nghiêm, nhờ thế việc tu hành tốt đẹp. Quí Phật tử là người con Phật, vị nào hiểu được Phật pháp rồi, nên áp dụng lời Phật dạy vào đời sống của mình để không bị chìm trong bể khổ luân hồi sanh tử nữa.

Tóm lại, đối với vấn đề nhân quả quí Phật tử phải nắm cho thật vững. Nắm vững phần này rồi quí vị khỏi phải đi coi tay coi tướng gì. Chúng ta biết rõ nhân như thế sẽ đưa tới quả như thế. Nhân đó của mình gây chớ của ai đâu mà chạy trốn. Ngày hôm nay trong từng sinh hoạt, mình tu tạo những nhân tốt thì biết sẽ có quả phúc tốt đẹp ở đời sau, tin chắc như vậy thì việc tu tập chắc chắn sẽ phấn khởi. Chúng ta cùng phấn khởi trong nhân tố tu hành, thực hiện những nhân tốt đẹp đảm bảo tương lai của mình là Niết bàn. Con đường chúng ta đi là đại lộ thênh thang sáng suốt, không ai khống chế được. Thì đó là cách tu thiết thực nhất. Mong tất cả quí Phật tử ghi nhớ và cố gắng thực hiện được những điều Phật dạy. Có thế quí vị vừa được lợi ích an vui, vừa đền đáp được ân sanh thành của cha mẹ. Tạo nhân tốt cho mình, đồng thời hỗ trợ cho cha mẹ cũng quy hướng Tam bảo, biết tu tâm dưỡng tánh, đó là cách báo ân sinh thành cao đẹp nhất của người con Phật.

Hôm nay nhân mùa Vu Lan, quí Phật tử về Thiền viện lễ Phật, cúng dường chư Tăng, chúng tôi có lời nhắc nhở như thế, mong tất cả ứng dụng tu tập được và thân bằng quyến thuộc quí vị luôn được lợi ích an vui trong chánh pháp.

Mẹ Tôi

Năm vừa bảy tuổi, từ lời nguyện của cha mẹ, tôi được đưa vào chùa. Và tôi nhớ không lầm, năm tròn ba tuổi cha tôi mất, mẹ tôi khóc hết nước mắt cho sự mất mát này.

Hồi ấy tôi còn quá nhỏ, chưa cảm nhận được nỗi đau thương của cuộc đời. Nghe mẹ kể lại, ngày mấy chị em đắp mộ cho cha, tôi lò dò bới ra và kêu cha dậy, khiến cả nhà không ai cầm được nước mắt. Riêng mẹ âm thầm trước nỗi bi thống lớn lao đó nên đã câm lặng, không còn khóc nổi nữa. Mẹ như chiếc bóng uất nghẹn, lẻ loi đứng ngồi một mình, chỉ có di ảnh cha lung linh hiển hiện trước mặt mẹ, hiểu cho mẹ cái nghĩa thương yêu phải xa lìa.

Cha tôi mất trong lúc đất nước lâm vào cảnh chiến tranh khốc liệt. Nghèo khổ ập xuống số phận những người dân vô tội. Nhà tôi ở trong quê, nghèo lại thêm nghèo. Mẹ tôi phải làm thuê làm mướn lo lắng gia đình thật gian nan khổ sở. Và hình ảnh đã để lại cho tuổi thơ của tôi một dấu ấn khó phai nhất, đó là lần mẹ bị người ta đánh đến mềm mình, máu chảy đầy người, rồi nhốt suốt ngày. Cha mất, tôi còn bé thơ, mấy chị yếu đuối, em nhỏ còn bồng trên tay, họ hàng chẳng một ai giúp đỡ. Biết mẹ tôi sức yếu thế cô, những kẻ nhẫn tâm tha hồ ra oai tác quái, hiếp đáp mẹ con tôi. Lúc ấy may nhờ tiếng khóc đòi bú của em tôi, mẹ mới được thả ra. Máu và nước mắt hòa lẫn trong bầu sữa mẹ, tất cả đều vì con. Mẹ ơi! Suốt đời con sẽ không quên được hình ảnh này đâu.

Rồi thời gian qua đi, tôi lớn lên trong chùa và luôn nghĩ nhớ đến mẹ. Vẫn tảo tần, vẫn năm tháng khom lưng cúi mặt, vẫn vì con mà mẹ bất khuất không ngã gục trước số phận của mình. Cũng vì thế mẹ đưa tôi vào chùa, thà người chịu khổ một mình chớ không muốn con bị khổ, bị người ta ăn hiếp. Nhưng mẹ tôi đâu có biết mỗi lần nhớ tới người, ruột tôi lại quặn đau. Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm !

Lần ấy, tôi đang ở trong một Học Viện Phật giáo. Bấy giờ mẹ từ trên quê tìm xuống thăm. Thấy từ xa, tôi mừng quá đi như bay về mẹ. Hai mẹ con gặp nhau nghèn nghẹn rồi dẫn ra ngoài ngồi. Mẹ chậm rãi rút trong giỏ một gói lá chuối đưa cho tôi. Giở ra, mấy củ khoai từ còn âm ấm, mẹ nói nhỏ:

- Ăn đi, khoai má trồng đó. Nhà không có gì, má luộc mấy củ khoai đem theo. Con ưa khoai.

Tôi cầm củ khoai trên tay chết lặng, nước mắt lưng tròng. Sợ mẹ thấy, tôi nuốt nước mắt vào trong, nói cười cho qua, nhưng vẫn không giấu được người. Hồi lâu, tôi hỏi:

- Lúc này má làm gì?

- Thì cũng làm mướn, ai kêu gì làm nấy. Nhớ con quá, muốn đi thăm, má phải làm cỏ thêm mấy ngày cho người ta mới đủ tiền đi xe.

Nói xong, chợt nhận ra như lỡ lời, mẹ giả sang chuyện khác. Nhưng tôi đã nghe và không thể nào quên. Là con trai, tôi biết mình phải làm gì trong hoàn cảnh này. Nhưng đã vào chùa theo nguyện vọng của mẹ, tôi đành khoanh tay cúi mặt. Khóc là yếu đuối nên tôi bất động bên cạnh mẹ, nhưng thật sự từ đáy lòng… Mẹ ơi...

Người đến rồi đi, để lại cho tôi niềm thao thức thâu canh, đêm ấy không sao ngủ được. Bật dậy, tôi viết bài thơ khá dài, bây giờ lâu quá chỉ nhớ có một đoạn:

Mẹ ơi, con thương mẹ thật nhiều,

Thương bằng tình mẹ với con yêu,

Công cha nghĩa mẹ con đầu đội,

Biết có đền bù thuở chắt chiu!

Thôi, viết đến đây có lẽ tôi không nên nhắc thêm nữa về những chuyện đã qua. Mộng mà chi.

Đến bây giờ tôi chợt hiểu, có những giai thoại rất riêng trong cuộc đời mình lại là cái chung của kiếp người. Đó là nhân sinh khổ, nhưng tất cả không ngoài lý nhân duyên. Nhân duyên gì tôi làm con mẹ tôi, nghiệp quả nào mẹ khổ con côi. Tất cả sự thăng trầm trong đời đều có nguồn tích của nó, chỉ tại ta không đủ mắt sáng để thấy thôi. Quả thật đức Phật cao minh lắm, nên Ngài thương chúng sanh vô cùng. Ngài dạy: “Hận thù nên mở không nên kết. Muốn hết khổ thì đừng tạo nghiệp nhân khổ. Muốn an vui thì đừng buông thả ba nghiệp của mình, lắng lọc tất cả cặn bã xấu, hình thành thật đầy đủ công đức Trí tuệ. Đấy là gốc diệt khổ, là nền tảng an vui”. Vì thế, thuở còn tăng sinh tôi đã viết hai câu thơ trên đầu giường để tự răn nhắc mình:

Đường đời vạn lối muôn sầu khổ,

Kiên chí ngày đêm Nhẫn, Nhịn, Nhường.

Có lẽ cũng nhờ chút chủng duyên Phật pháp nên mẹ đã cho tôi vào chùa. Để từ đó cả cuộc đời tôi gắn bó thấm nhuần nếp đạo và sau này theo bước chân tôi, mẹ được trở về với ngôi Tam Bảo. Tôi cũng nghe an ủi phần nào. Cứ mỗi lần nhìn mẹ ngồi thảnh thơi lần tràng niệm Phật, là tôi cảm thấy từng hạt công đức sáng ngời, là gia tài của mẹ để lại cho tôi.

Lạy mẹ,

Con hướng về tình mẹ, một thứ tình ban cho mà không bao giờ lấy lại. Con sống bằng tình thương của mẹ và con đường con đi hiện nay là con đường rộng thênh thang mẹ chọn. Mọi thứ vị kỷ buộc ràng được vứt lại sau lưng. Mẹ ơi, phước duyên của mẹ con mình là vậy. Mẹ đã sống và sống trọn vẹn cho con. Con trân trọng sự hy sinh cao cả của mẹ. Trên cuộc đời này chắc không còn nơi nào để chúng con nương tựa trú ẩn bằng tấm lòng của mẹ, bằng cuộc đời của mẹ.

Với thâm tình thiêng liêng cao khiết đó, không làm sao chúng con đền trả hết công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Phật dạy, muốn báo đáp thâm ân song đường chỉ có một cách duy nhất là tu đạo, sáng đạo, chứng đạo mới có thể độ mẹ cha thoát khỏi trầm luân sanh tử. Con nguyện ghi nhớ và vâng lời Phật dạy. Từng phút con cầu mong mẹ làm chủ được thân bệnh lúc tuổi già, sống lâu bên con, dưới bóng Thầy để hạnh phúc này của con được kéo dài trọn vẹn.

Một lần nữa, cho con được gọi hai tiếng mẹ cha như tiếng kêu đầu đời của trẻ thơ mà cũng là tiếng gọi sau cùng của đời người. Để trên một khoảng đường con còn có mặt giữa cuộc rong chơi này, con biết rằng con có mẹ và mẹ mãi mãi là điểm tựa của đời con.

Mẹ ơi, trong con luôn có mẹ,

Hình hài này của mẹ cho con,

Trong tim, nhịp thở, trong tất cả,

Cho mãi ngàn sau mẹ vẫn còn.