Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động II

Nếu nói các truyền thuyết An Dương Vương là không có thật thì phải giải đáp như thế nào về Loa thành? Nếu nói nước ta đến năm 43 vẫn là nước độc lập thì các "thái thú" Tích Quang, Nhâm Diên sang "cai trị" ở đâu?

Tất cả những kết luận của giáo sư Lê Mạnh Thát đều được đưa ra kèm theo sự so sánh đối chiếu hết sức cẩn thận, kèm theo là các tài liệu dẫn chứng cụ thể có thể tra cứu đến tận gốc. Rất tiếc giới hạn của một bài báo không cho phép chúng tôi dẫn ra đây, vì nó quá nhiều.

Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động
00:33:00, 28/02/2008
Hoàng Hải Vân
h*ttp://www2.thanhnien.com.vn
(Tiếp theo Thanh Niên ngày 27.2.2008)

Nếu nói các truyền thuyết An Dương Vương là không có thật thì phải giải đáp như thế nào về Loa thành? Nếu nói nước ta đến năm 43 vẫn là nước độc lập thì các "thái thú" Tích Quang, Nhâm Diên sang "cai trị" ở đâu?

Tất cả những kết luận của giáo sư Lê Mạnh Thát đều được đưa ra kèm theo sự so sánh đối chiếu hết sức cẩn thận, kèm theo là các tài liệu dẫn chứng cụ thể có thể tra cứu đến tận gốc. Rất tiếc giới hạn của một bài báo không cho phép chúng tôi dẫn ra đây, vì nó quá nhiều. Về vấn đề chúng tôi đang đề cập, có thể xem: Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta - Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006.

Làm trong sạch những trang sử của tổ tiên bờ cõi

Như chúng tôi đã đề cập, giáo sư Lê Mạnh Thát đề nghị dứt khoát loại bỏ truyền thuyết An Dương Vương và nước Nam Việt của Triệu Đà ra khỏi lịch sử nước ta. Cần biết, toàn bộ cơ sở để dựng lên thời kỳ An Dương Vương và Triệu Đà trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ Đại Việt sử lược, rồi Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục... cho đến sử sách ngày nay mà chúng ta biết, là lấy từ 4 tài liệu cổ sử Trung Quốc, đó là Giao châu ngoại vức ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí và Nhật Nam truyện. Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, trong 4 tài liệu đó, 3 tài liệu không rõ nguồn gốc và niên đại (chỉ phỏng đoán được đại khái là vào thế kỷ thứ VI, thứ VII), riêng Nam Việt chí thì có nguồn gốc niên đại rõ ràng (thế kỷ thứ V), nhưng tất cả đều mơ hồ, mâu thuẫn và không đáng tin cậy. Trong khi đó, căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thống xưa nhất của Trung Quốc, cụ thể là Sử ký của Tư Mã Thiên và Tiền Hán thơ, chúng ta hoàn toàn không thấy có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương hay tương tự, mà các tài liệu đó còn có những thông báo xác định rõ ràng là cho đến hết thời Triệu Đà cùng cháu chắt ông ta làm vua Nam Việt bên đất Trung Quốc, nước ta vẫn đang có vua và đang là một nước độc lập. Nước ta chưa bao giờ thuộc Nam Việt của Triệu Đà bên Trung Quốc là điều đã rõ. Vấn đề là xác định đất đai Nam Việt của Triệu Đà đến đâu? Kết luận là: Nước Nam Việt không bao giờ lan ra khỏi địa phận tỉnh Quảng Đông, một phần tỉnh Hồ Nam và Quí Châu cũng như Quảng Tây ngày nay. Ông bảo kết luận này cũng không phải mới. "Tư không Trương Hoa đời Tấn viết Bác vật chí 2 tờ 4b11-12 cũng nói: "Nước Nam Việt cùng tiếp với Sở, Ngũ lĩnh về trước đến tới Nam hải, là nước tiếp giáp biển. Đất Giao chỉ gọi là Nam duệ". Viết như thế, Giao chỉ rõ ràng không thuộc đất Nam Việt. Một khi đã kết luận như vậy, Triệu Đà dĩ nhiên không quan hệ gì đến nước ta. Phần gọi là "Triệu kỷ" trong các cuốn sử ta từ Đại Việt sử lược trở đi do thế đáng nên loại bỏ" (sách đã dẫn).

Việc dùng những tài liệu không đáng tin cậy để ghi vào sử sách nước nhà, rồi cứ đinh ninh như vậy cho đến ngày nay, từ Đại Việt sử lược trở đi, theo giáo sư Lê Mạnh Thát, là do "những người viết sử đã không bao giờ chịu nghiên cứu và cân nhắc một cách kỹ càng những sử liệu mà họ dùng". Ông cho rằng, để viết lịch sử nước ta vào những thế kỷ trước và sau công nguyên, phải dùng "những báo cáo của Sử ký và Tiền Hán thơ như những tài liệu cơ bản cho việc kiểm soát..., dù biết rằng sự kiện của mọi cuốn sử chính thống Trung Quốc từ Sử ký trở đi không nên được chúng ta tin cậy hoàn toàn" (như trường hợp về Nhâm Diên, Tích Quang nói dưới đây và nhiều trường hợp tương tự khác). Tuy nhiên, theo ông, "nó vẫn có giá trị và đáng tin gấp bội lần" so với những thứ như 4 tài liệu đã dẫn, bởi vì ngay cả tài liệu có nguồn gốc rõ ràng như Nam Việt chí, nó cũng xuất hiện sau Sử ký đến những sáu trăm năm (sách đã dẫn).

Với những sử liệu đã dẫn, vấn đề An Dương Vương đã rõ là một phiên bản Việt Nam trong bản anh hùng ca Mahãbhãrata, thế thì xử lý như thế nào về quan hệ giữa An Dương Vương với thành Cổ loa? Giáo sư Lê Mạnh Thát viết: "Để trả lời câu hỏi đó, trước hết cần có một ý niệm tổng quát về quá trình hình thành quan hệ giữa các kỳ quan tự nhiên hay nhân tạo với các nhân vật kỳ vĩ, cụ thể là chuyện con trâu vàng của Không Lộ với Hồ tây. Không Lộ là vị thiền sư mất năm 1119, thế mà lại có một kết nối việc hình thành Hồ tây trong truyền thuyết dân gian như Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh đã ghi lại. Vậy, việc kết nối An Dương Vương với thành Cổ loa trong truyền thuyết không nhất thiết là một sự thật lịch sử, dù sau Lĩnh Nam chích quái, một kết nối như thế đã được Ngô Sỹ Liên đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư và khoác cho nó một bộ áo lịch sử chính thức". Dĩ nhiên triều đại Hùng Vương của chúng ta không thể nào không có thành quách, nên chắc chắn chúng ta có một cái thành như vậy, nhưng 4 tài liệu đã dẫn nói về An Dương Vương cũng không nói gì về tên thành Cổ loa,  do đó Cổ loa chẳng qua là một tên gọi được Ngô Sỹ Liên lấy từ truyền thuyết của Lĩnh Nam chích quái để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư gắn vào An Dương Vương mà thôi.

Như vậy, các triều đại An Dương Vương và Triệu Đà đã được các sử gia Việt Nam từ Lê Văn Hưu đến Ngô Sỹ Liên dựng lên từ những tài liệu không đáng tin cậy, kiểm chứng tới đâu thấy sai tới đó. Nay với những sử liệu tin cậy có thể kiểm chứng được đến tận gốc mà giáo sư Lê Mạnh Thát đã chỉ ra, chúng ta có đủ cơ sở loại chúng ra khỏi lịch sử, để làm trong sạch tổ tiên bờ cõi chúng ta. Một người thì tiêu diệt vua Hùng (An Dương Vương), một người thì chiếm nước ta (Triệu Đà), khi đã có đủ chứng cứ là không đúng sự thật, thì vinh dự gì mà vẫn để tồn tại trong những trang sử của dân tộc?

Nhưng khi khẳng định nước ta là nước độc lập cho đến năm Mã Viện đánh bại cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng, thì giải quyết như thế nào đối với các nhân vật như Tích Quang, Nhâm Diên được coi là các "thái thú" Trung Quốc cai trị nước ta trước đó? Hai nhân vật này được sử sách Trung Quốc cho là những người đến "khai hóa" dân tộc ta, bằng những lời lẽ vô cùng xấc xược, coi dân tộc ta là "mọi", là "cầm thú", là "sâu bọ chồn cáo" (lời trong Hậu Hán thơ). Bằng những  sử  liệu  khó  chối  cãi, giáo sư Lê Mạnh Thát chứng minh Tích Quang, Nhâm Diên chưa bao giờ làm thái thú ở nước ta cả, đó chỉ là sự "hư cấu lố bịch khôi hài". Lấy thí dụ như Nhâm Diên, Hậu Hán thơ viết ông này được cử làm thái thú Cửu Chân (nước ta) vào năm Kiến vũ thứ nhất (năm 25 sau dương lịch), nhưng thời điểm đó cũng theo Hậu Hán thơ, tình hình chính trị Trung Quốc từ sông Dương Tử về phía nam cực kỳ phức tạp, các tướng mỗi nơi chiếm một phương, thiên hạ loạn lạc đến nỗi "vua tự đem quân thân chinh mà còn bị cản đường, xe ngựa không tiến lên được", thì làm sao Nhâm Diên đến được Cửu Chân để làm thái thú ? Vả lại, chứng cứ đanh thép nhất mà sử gia Lê Mạnh Thát tiếp tục dẫn ra là, sau khi Mã Viện "chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, đưa đầu về Lạc Dương", Hậu Hán thơ viết: "Viện (Mã Viện) điều tấu Việt luật cùng Hán luật, sai hơn 10 việc, bèn cùng người Việt nói rõ để ước thúc". Như vậy rõ ràng nước ta đã có luật pháp. Bộ luật đó một chính quyền ngắn ngủi không làm nổi, nó phải là sản phẩm của một nhà nước độc lập tồn tại từ lâu đời. Nếu nói nước ta lúc đó chỉ là quận, huyện của Trung Quốc, do các thái thú của Trung Quốc sang cai trị, thì chỗ đâu để có bộ Việt luật cho Mã Viện điều tấu? Mà nếu có Việt luật, nghĩa là có một nhà nước độc lập, thì Tích Quang, Nhâm Diên "cai trị" ở đâu?

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân