Nhạc Khai giác đón Vesak

Con đường giác ngộ từ thái tử Shiddarta trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Samkhia Munita) sẽ được tái hiện trong bản giao hưởng Khai giác của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Khai giác có số nghệ sĩ tham gia lớn nhất từ trước đến nay: 500 người, trong đó có 25 tăng sư và đích thân đại đức Thích Đức Thiện đảm trách vai trò solo...

Nhạc Khai giác đón Vesak

Con đường giác ngộ từ thái tử Shiddarta trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Samkhia Munita) sẽ được tái hiện trong bản giao hưởng Khai giác của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Khai giác có số nghệ sĩ tham gia lớn nhất từ trước đến nay: 500 người, trong đó có 25 tăng sư và đích thân đại đức Thích Đức Thiện đảm trách vai trò solo...

Thời gian của bản nhạc cũng đạt đến mức kỷ lục: 40 phút, ngang ngửa với bản giao hưởng dài nhất của nhạc giao hưởng Nga. Bản giao hưởng được ấp ủ từ gần một năm nay xuất phát từ bài kệ của một tín đồ Phật giáo và mang hy vọng sẽ là điển hình của sự biến chuyển của nền âm nhạc đầu thế kỷ 21.

Bản giao hưởng mang tinh thần nhạc vũ trụ với sự trình bày của dàn hợp xướng lên tới 500 người trong đó có 25 tăng sư sẽ được trình bày tại lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - LHQ (Vesak 2008) vào chiều 16-5 tới.
Ẩn hiện hư vô, tích linh khai giác

Cách đây gần một năm, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo được một nhà thơ, Phật tử Ngô Minh Thơm giới thiệu bài kệ (thơ) Ẩn hiện hư vô, tích linh khai giác mà ông vừa sáng tác. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, một thành viên Ban Chỉ đạo Đại lễ Phật đản LHQ 2008 đã đề nghị ông suy nghĩ, dựa trên cảm hứng bài kệ để viết một bản nhạc cho Đại lễ Vesak. Bài kệ viết từ tinh thần của Khóa Hư Lục (bàn về hư không) của Thái thượng hoàng Trần Thái Tông.

Sau nhiều trăn trở, 7 tháng trước, Nguyễn Thiện Đạo quyết định bắt tay vào việc viết bản giao hưởng Khai giác (Ẩn hiện hư vô, tích linh khai giác) dựa trên cảm hứng từ bài kệ và Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – bài kinh độc đáo và quan trọng của Phật giáo. Đặc biệt, ông đã quyết định lấy chính bản thân cuộc đời Đức Phật làm diễn biến cho 7 chương của bản giao hưởng – 7 tuần thái tử Shiddarta tham thiền nhập định, giác ngộ hoàn toàn trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Khai giác được viết cho giọng nam cao thể hiện sự điên dại của con người; giọng nữ cực cao thể hiện xuân thì mơn mởn và giọng nam trầm diễn tả sự thịnh nộ. Bảy chương của bản giao hưởng được chia thành: Thiền 1, Tử, Sinh, Trừ tà; Thiền 2, Bay lên và Niết bàn. Lời thơ được chọn lọc và quấn quýt nhau bằng phức điệu. Ở chương Tử, Nguyễn Thiện Đạo kỳ vọng đây sẽ là một chương cực kỳ phức tạp và tạo nhiều cảm xúc: khi Đức Phật sắp đạt chính quả thì ma chướng tìm mọi cách uy hiếp tinh thần, dùng sắc dục hòng dụ dỗ Người. Vì thế, dòng nhạc từ trầm lên cao vút trong tiếng hét, rồi xuống trầm để nổi lên tiếng ma hú rùng rợn. Chương Sinh lấy cảm hứng từ việc thái tử Shiddarta đi dạo ngoài thành Ca Tỳ Na Vệ và chứng kiến đủ kiếp người, đủ mọi hoàn cảnh sinh-lão-bệnh-tử, đủ mọi tham-sân-si-ái-ố-hỷ-nộ. Sinh sử dụng giọng nam cao, không có nhạc đệm, chỉ có tiếng than khóc điên dại của kiếp người. Giọng nữ cực cao diễn tấu một khúc nhạc xuân tươi cùng hợp xướng nữ bằng kỹ thuật điêu luyện. Giọng nam trầm được dùng để biểu thị sự thịnh nộ của con người với giai điệu được dùng những quãng cách xa nhau cùng tiết tấu khác lạ. Bay lên lại có đàn dây trữ tình nổi lên dần dần, tiếng vang phím đàn vibra và tiếng cồng ngân nga từ không trung rơi xuống rồi chuông đổ lưng trời.
Ở Thiền 2, hợp xướng của 25 tăng sư sẽ tụng kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – đưa người nghe từ những đem lại sự độc đáo đột ngột: Một giọng thơ và hợp xướng tăng ni quyện nhau cùng dàn nhạc. Cuối cùng một cụm nốt đẹp của hợp xướng nữ lên cao vút.

Phật nhạc, âm nhạc vũ trụ và tinh thần dân tộc

Khai giác cũng là chương trình giao hưởng lần đầu tiên được trình diễn trong Đại lễ Phật đản mà các đại lễ trước chưa từng có.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: Khai giác với sự giác ngộ và tài năng của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo xứng đáng là một đóng góp vào dòng chảy của Phật nhạc đã được khởi sự từ 70 năm qua, mà bắt đầu từ tác phẩm A Di Đà Phật của nhạc sĩ Thẩm Oánh được giới thiệu nhân tuần lễ khánh thành chùa Quán Sứ trước đây. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo tâm sự, ông đã phải trao đổi rất cặn kẽ với đại đức Thích Đức Thiện để lãnh hội được những tinh thần cơ bản nhất của văn hóa Phật giáo để đưa vào âm nhạc. Gần 70 tuổi đời, hàng chục năm làm việc tại Paris - một trong những kinh đô nghệ thuật thế giới, thừa tự tin để nhận viết tác phẩm này, nhưng ông vẫn thận trọng, bởi Thiên chúa giáo đã có dòng nhạc Thánh ca nhưng Phật nhạc có lẽ chưa đạt được điều đó như mức độ một “tiểu văn hóa” trong tôn giáo.

Sau nhiều đêm trăn trở, Nguyễn Thiện Đạo đã quyết định không viết bản giao hưởng theo 12 bán cung của âm nhạc phương Tây mà sử dụng ngũ cung được biến đổi, và từ âm nhạc dân tộc để viết nên Khai giác. “Âm nhạc thế kỷ 20 nhiều cụm nốt nghịch. Còn ngôn ngữ âm nhạc trong Khai giác tạm gọi là điển hình của sự biến chuyển của nền âm nhạc thế kỷ 21, âm nhạc vũ trụ” – nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo kỳ vọng. 
 
“Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

Đại lễ Vesak LHQ 2008 được Chính phủ Việt Nam đăng cai và chủ trì, sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, từ ngày 13 đến 17-5-2008. Đại lễ Vesak nhằm tưởng niệm 2550 năm đức Phật sinh, thành đạo và niết bàn. Đại lễ Vesak năm nay có chủ đề “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại lễ Vesak LHQ 2008 sẽ mời gọi trên 4.000 các vị lãnh đạo Phật giáo, các học giả tên tuổi, các nhân vật và các hành giả khắp thế giới và toàn Việt Nam trở về tham dự. Các đại biểu sẽ thảo luận các nhóm chủ đề: 1)Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh; 2) Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội; 3) Phật giáo nhập thế và sự phát triển; 4) Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu; 5) Vấn nạn gia đình và Giải pháp của Phật giáo; 6) Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển”; 7) Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.

Khai giác xứng đáng là một đóng góp vào dòng chảy của phật nhạc.

Thái An (Theo NLĐO)