Khi Công án Thiền vào quán nhậu

Chẳng lẽ giới tu hành không nhận ra rằng nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức, Phật giáo đã suy thoái thành một thứ tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng, Bồ Tát chỉ còn là một vị thần giúp người ta trúng quả, vào cầu, đẻ con trai, trừng phạt ngoại tình... và thi đỗ đại học? Nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?

Khi Công án Thiền vào quán nhậu

 Phan Tấn Hải

Trong một quán nhậu, một dân chơi rót rượu vào ly chưa cạn của bạn và ngật ngưỡng bình luận rằng "Trên tuyết thêm sương..." như dường Công án Thiền đã trở thành một túi phi tiêu đeo bên mình của các tay võ hiệp, và khi gặp chuyện là các mũi phi tiêu Công án được phóng ra liền để diễn võ.

Đọc bài Bóng ma của các Công án Thiền (viết tắt: BM) của Nguyễn Bình (talawas, 19.03.2004), tôi đã biết thêm nhiều thông tin hiếm hoi, bất ngờ. Thiền, từ một pháp tu nghiêm ngặt của nhà chùa, rồi trở thành phong thái thời thượng của một số trí thức Việt Nam, và rồi khi cần thuyết phục nhau, thì "dùng công án Thiền dễ hơn nhiều..." Mặc dù tác giả viết trong một văn phong đùa giỡn, châm biếm, cho một đề tài khác - về một quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà tác giả mô tả khó hiểu như "cây bách trước sân" - nơi đây chúng ta cũng có vài điểm cần nói về Thiền, một mảng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Điều lý thú tác giả Nguyễn Bình nói là "cuối những năm 70, đầu những năm 80 ở Hà Nội có một cơn sốt các Công án Thiền." Đây hiển nhiên là một nhân duyên rất tốt, nhưng lại là một điều hết sức lạ lùng. Lúc đó, thực sự Thiền Tông ở miền Nam cũng vẫn chưa được hưng thịnh như các năm đầu thế kỷ 21. Cuối những năm 1970, đầu các năm 80, tôi bấy giờ là một tên thanh niên miệt mài đi gõ cửa các chùa để tìm học Thiền, và có vẻ như mặt ngoài đã khám phá ra rằng "cơn sốt Thiền Tông" của miền Nam thực sự hầu hết chỉ ảnh hưởng tới phong thái sống của một phần giới trí thức thành thị, và như dường được du nhập phần lớn từ sách vở. Đại đa số các chùa thực sự không theo Thiền Tông. Trừ các chùa Nam Tông theo nghi thức riêng, tương tự như Phật Giáo ở Thái Lan và Cam Bốt, còn hầu hết đều là các chùa Bắc Tông theo nghi thức tổng hợp cả Thiền Tông, Tịnh Độ và Mật Tông - nhưng lại lấy Tịnh Độ làm chính, và Thiền chỉ là phụ thôi, hoặc có thể bỏ hẳn luôn các quan tâm về Thiền. Lúc đó, nhiều người còn nghĩ, có lẽ Thiền Tông thất truyền rồi, hệt như một số môn võ công bí truyền của Chùa Thiếu Lâm.

Vài năm sau, tôi mới biết là Thiền Tông chưa thất truyền ở Việt Nam. Vẫn còn có những vị thầy của môn học khó nhọc này.

Nhưng sách vở để nghiên cứu thì nhiều lắm, đọc tha hồ. Lúc đó, Thầy Thích Thanh Từ đã dịch vài chục cuốn về Thiền rồi; nhưng cứ nghe nói là Thầy đang nhập thất liên tục ở Tu Viện Chân Không, Vũng Tàu. Trong khi đó, các nhà xuất bản khác cũng có nhiều tác phẩm, dịch phẩm.

Khoảng năm 1980, nghe dân tu học Sài Gòn loan tin rằng Thầy Thích Duy Lực sẽ phổ biến bản văn mới dịch của Ngài Trung Phong Bổn, một vị Thiền Sư Trung Hoa của nhiều thế kỷ trước, tôi đạp xe đạp tới Chùa Từ Ân ở Chợ Lớn để tìm mua. Tới vào buổi trưa, chùa đầy người, cúng lạy thành kính, mùi khói nhang và mùi đủ thứ làm ngộp thở. Tôi hỏi, và không ai biết chuyện dạy Thiền hay bán sách Thiền gì cả, may có một chức việc trong chùa chỉ tôi lên lầu 2 để tìm mua. Cuốn này lúc đó chỉ là một xấp giấy, hình như quay roneo hay chụp photocopy, đóng kẹp lại. Như thế thì thấy, Thiền cũng chỉ ở một góc lầu thôi. Nhu cầu quần chúng cần đủ thứ khác, phải có chuông, có mõ, có khói, có nhang, có tụng, có hát, vân vân. Tôi về đọc cuốn Trung Phong Ngữ Lục hoài vẫn không hiểu. Cho tới về sau, khi trực tiếp gặp một vị sư già ở một vùng quê - nhưng đây lại là chuyện khác.

Điều hết sức bất ngờ trong bài viết BM là hiện tượng Thiền Tông bỗng thành môn võ chữ nghĩa, để các cao thủ biến những câu nói đặc dị thành phi tiêu đụng đâu phóng đó nhằm biểu diễn võ công, cho dù ở quán rượu, quán bia... một hiện tượng khó thể hình dung được, cho dù trong cuốn tiểu thuyết giàu tưởng tượng nhất. Có phải đây là sự suy thoái của Phật Giáo, khi được quần chúng hiểu Thiền như một túi phi tiêu để phóng? Thử xem ông Nguyễn Bình mô tả hiện tượng tức cười này như sau trong bài BM:
"Từ chỗ là sở hữu vụng trộm của một nhóm trí thức văn nghệ cấp tiến và a-văng-gác mà phần lớn là không theo Thiền, chúng bước vào văn hoá đại chúng. Ở các quán bia, quán lẩu ngày nay, nơi dân chúng được "vô tư" bày tỏ phong độ anh hùng không thua ai của họ, những lời rút từ các Công án Thiền thứ thiệt (hay thứ rởm, tôi không kiểm tra được, vì tôi không biết hết 1700 Công án) như "Lấy đũa quơ trăng", "Thiền sư qua sông", "Quẳng dao giết lợn xuống là thành Phật", "Một được một mất", "Gãi ngứa trên giày" thành chuyện đầu môi. Ông bạn hàng này dốc thêm rượu vào cái li còn chưa hết của ông bạn hàng khác cũng ngật ngưỡng bình luận rằng "Trên tuyết thêm sương"! Nhưng kì diệu nhất là giới trí thức văn nghệ, kể từ phong trào về nguồn (đúng ra là tái về nguồn vì trí thức văn nghệ miền Nam trước 1975 đã về nguồn trước rồi), cũng cứ đem những "ngón tay trỏ mặt trăng", "mũi tên qua khỏi trời tây"... cùng là "vô minh", "vô ngôn", "vô thường", "vô ngã", "vô sở đắc", "vô sở trụ" dùng như dán bùa chú lên khắp mọi nơi. Cái khổ là bây giờ người ta có thể ít nhiều công khai dị ứng với chủ nghĩa cộng sản, nhưng dị ứng với...Thiền, Phật, minh triết phương Đông thì lại không xong!"

Tuy nhiên, công án Thiền không chỉ để các dân nhậu đem ra đùa giỡn trên bàn rượu, mà còn được nhiều vị trí thức lấy để phóng hỏa mù, để khỏi phải đưa ra các câu trả lời minh bạch. Phóng công án Thiền lên bàn nhậu thường là do cao hứng, để đùa giỡn cho vui. Nhưng khi dùng công án để tránh né trả lời, thì đây không còn là chuyện cao hứng mà chỉ là thủ đoạn đời thường, một thứ khôn lanh đường phố.

Trong bài viết BM, tác giả Nguyễn Bình kể như sau:
"...Việc tụng niệm này tôi thấy đáng khó chịu vì nó tạo "điều kiện sang trọng" cho người ta lẩn tránh lời đáp rõ ràng, sáng tỏ cho những câu hỏi rất cần một lời đáp rõ ràng, sáng tỏ. Hỏi một nhà văn rằng vì sao anh ta cứ mài óc ra mà viết bài cho báo lá cải. Đáp: Phật cũng chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi tiếp: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Anh không biết Công án Thiền à? Thế là người hỏi cứng họng. Trao đổi với một trí thức khác: Bài viết này của anh toàn những nội dung chả nói được điều gì. Đáp: Nói được cũng bị ba mươi hèo, không nói được cũng bị ba mươi hèo thôi ông ạ. Hỏi tiếp: Ba mươi hèo ở đâu ra thế? Đáp: Thế là ông không đọc Công án Thiền rồi!"

Hiện tượng dân chúng đời thường và trí thức văn nghệ sử dụng công án Thiền như thế, vậy thì giới tu hành ra sao?

Tác giả Nguyễn Bình cũng thấy bi quan về các vị sư như sau:
"Lẽ ra các nhà nghiên cứu Phật giáo và giới trí thức tu hành phải có những tiếng nói phản tỉnh rõ ràng trong tình hình này. Tiếc thay, giới nghiên cứu Phật giáo nếu có...nghiên cứu thì chỉ dừng lại ở việc tán dương chung chung, sáo rỗng và nhàm chán những giá trị của Phật giáo như từ thuở nào. Tất nhiên tôi không phản đối các giá trị đó, nhưng tôi cho rằng để Phật giáo có thể sống một cách sinh động, gần gũi và là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống hiện đại của thời đại chúng ta thì người ta không thể giảng giải tán dương nó như ở thời Trung cổ được. Còn giới trí thức tu hành từng đóng những vai trò lớn trên phương diện xây dựng ý thức quốc gia và đóng những dấu ấn quan trọng trong diện mạo đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, nay đã mất hẳn vị trí. Ở nhiều chùa chiền hiện nay chỉ thấy những vị sư bận tiếp khách du lịch, chạy sô cầu kinh trong các đám hoặc lo cho nhà hàng cơm chay hơn là lo suy tư nghiền ngẫm kinh kệ. Chính mắt tôi chứng kiến cảnh người đi lễ Phật dâng lên cả con gà luộc mà sư vẫn tỉnh bơ nhận lễ. Chẳng lẽ giới tu hành không nhận ra rằng nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức, Phật giáo đã suy thoái thành một thứ tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng, Bồ Tát chỉ còn là một vị thần giúp người ta trúng quả, vào cầu, đẻ con trai, trừng phạt ngoại tình... và thi đỗ đại học? Nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?"

A ha! Có phải giới tu hành Phật Giáo đang mơ màng về những bóng ma? Có phải Phật Giáo đã suy thoái thành tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng? Có phải nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức? Đây mới là những vấn đề lớn, cực kỳ lớn cho cả giáo hội, cho tất cả những người quan tâm về Phật Giáo.

Hiển nhiên, cúng gà vịt rươụ bia thì người cúng đã sai, mà vị thầy nhận lễ còn sai lớn nữa. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ tình hình Việt Nam, thì thấy đào tạo các vị sư giới luật trang nghiêm, Phật Học uyên bác cho đủ các địa phương thì thật là khó. Và có lẽ sẽ không thể nào làm nổi trong vài thập niên tới.

Một bản thống kê trên báo Giác Ngộ năm 2003 cho biết có vài ngàn (tôi nhớ, hình như hơn 3.000) ngôi chùa tại Việt Nam thiếu sư trụ trì. Như thế là khủng hoảng thiếu Tăng Ni, ít nhất cũng là cả chục ngàn. Không phải Tăng Ni nào cũng đủ sức làm vị trụ trì. Vì từ chỗ xuất gia, tới chỗ thọ 10 giới sa di là mất vài năm rồi, sau đó tu học thêm vài năm mới thọ 250 giới của tỳ kheo... Còn bên Ni thì tốn thêm vài năm nữa, vì thủ tục phức tạp hơn. Nhưng tu học là một chuyện, còn làm trụ trì lại đòi một khả năng tiếp cận quần chúng phức tạp hơn. Có những vị sư chỉ ưa hạnh ngồi Thiền trong núi, có những vị chỉ thích ngồi tụng đọc kinh điển, có những vị chỉ muốn dịch kinh, và có những vị chỉ thích làm từ thiện xã hội. Và như thế, khi nói thiếu 3.000 sư trụ trì, có nghĩa là cần đào tạo ít nhất 15.000 sư cho công việc toàn bộ của giáo hội.

Trong tình hình thiếu tăng ni như thế, nếu có ai mặc áo nhà sư để dọn vào các ngôi chùa hoang phế kia mà nhận lễ gà vịt thì là bình thường. Chỉ sợ có khi họ còn làm tệ hơn thế.
Nhưng có phải Phật Giáo đã trở thành tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng? Thực sự, lời than phiền này không phải là hiếm. Thời nào cũng thế, và ở nước nào cũng thế, vẫn có những mảng Phật Giáo trở thành dễ dãi, có khi được linh động sáp nhập với tín ngưỡng dân gian. Thí dụ, Phật đâu có dạy xin xăm, vậy mà nhiều chùa vẫn cho xin xăm đầu năm, coi như tiếp nhận luôn các nếp văn hóa dân gian, nhưng nên nhớ, các cột trụ của giáo pháp vẫn giữ không đổi. Thế nên các sư mới nói "tùy duyên mà bất biến."

Còn nếu nói "nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức" thì đã là một nhận xét hết sức vội vã. Trong bài viết, tác giả Nguyễn Bình chỉ nêu lên một số chuyện mắt thấy tai nghe, và rồi rút ra kết luận như thế. Đó chỉ là vài chuyện trong môi trường mà tác giả tiếp cận, chứ không phải toàn cảnh Phật Giáo Việt Nam.

Có thật nền tảng của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ? Tác giả Nguyễn Bình đã đọc những sách nào, báo nào, thống kê nào của Phật Giáo để nhận xét như thế? Hay là chỉ nghe chuyện ở bàn rượu, ở một số nhà văn ưa phóng phi tiêu công án? Tác giả có biết Việt Nam hiện có bao nhiêu trường Phật Học, và chương trình dạy những gì? Tác giả có biết tại một số chùa thuộc các tông phái chuyên biệt, các sư phải tu học ra sao? Có phải là "nền tảng... không còn nữa"?
Còn hiểu kinh sách lơ mơ là sao? Kinh sách nào, và ai hiểu? Nếu mà hấp tấp kết luận như tác giả, thì chúng đã sẽ phủ nhận công sức của quý Tăng Ni đã và đang dày công bồi đắp cho nền Phật Học ở Việt Nam. Và nỗi nguy của nhận xét đó là, đồng bào Phật Tử sẽ hoang mang, biết có còn chịu theo quý Tăng Ni để tu học hay không, một khi "nền tảng Phật Học đã mất... và kinh sách lơ mơ"? Rồi ai sẽ đứng ra hướng dẫn Phật Pháp cho đồng bào nữa?

Thực sự, không hề có chuyện kinh sách lơ mơ gì hết. Hãy thấy, thời nào cũng có các vận động học Phật và tu trì. Cứ nhìn từng giai đoạn cũng thấy.

Như phong trào Phật Học của cụ Tâm Minh Lê Đình Thám thời Pháp thuộc đã đào tạo nhiều danh tăng hòa thượng, trong đó có những vị xứng đáng thuộc hàng Tam Tạng Pháp Sư như cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, hay như Hòa Thượng Thích Minh Châu. Cũng như bầu không khí say mê học Phật mà Đại Học Vạn Hạnh đã thổi bùng dậy trước 1975, đã dẫn tới cái mà có người goị là "thời thượng của Thiền Tông." Nhìn cho kỹ, Thiền chỉ là một mảng của toàn cảnh Phật Học lúc đó.

Hay như gần đây, tạp chí Giác Ngộ đã thực hiện chương trình Phật Học Cơ Bản Hàm Thụ (1998-2002), và in 4 cuốn sách theo thứ tự niên học cho chương trình này.

Chúng ta có thể hỏi, nếu kinh sách lơ mơ và nền tảng đã mất, thì các vị tinh thông tam tạng đã học gì, viết gì, dịch gì và dạy gì? Tương tự, cả một viện đại học không lẽ chỉ đưa sinh viên vào hội trường rồi dạy nhau "phóng phi tiêu công án Thiền"? Tương tự, không lẽ 4 cuốn Cơ Bản Hàm Thụ cũng toàn là chữ lơ mơ, câu lơ mơ, kinh sách lơ mơ... nói là cơ bản, nhưng đâu có dễ đâu.

Đó là nói về học, bây giờ sẽ nói về tu. Có thật là giới tu hành "nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?" Không phải thế. Vẫn còn rất nhiều người tu hết sức nghiêm túc.

Chỉ nói riêng về những chỗ mà tôi được đọc, được nghe kể, và có khi may mắn được tiếp cận, thì số người tu nghiêm túc nhiều không thể đếm nổi. Thí dụ, tôi được đọc trên trang web về dòng Thiền của Hòa Thượng Thanh Từ với các bản thanh qui, với chương trình học Kinh-Luận-Sử trong 3 năm đầu mới vào, thì thấy rõ phép tu, phép học rất nghiêm. Hay như dòng Thiền của cố Hòa Thượng Duy Lực, với pháp tham thoại đầu yêu cầu hết sức miên mật thì còn thì giờ đâu mà mơ với màng, thời với thượng (tôi may mắn có nhiều pháp hữu bên dòng này, nêu hiểu rõ là không có chuyện gì lơ mơ ở đây cả). Hay như pháp môn Tịnh Mật Song Tu do cố Hòa Thượng Thiền Tâm chủ xướng khi ngài về trụ ở Đại Ninh, Lâm Đồng, nơi tôi từng lên cầu pháp, thì trong 24 giờ mỗi ngày đều là nhập thất cả, đâu có chỗ để phải nói "đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức"... Hay như Núi Vải ở Bà Rịa, tôi được nghe nói hiện đang có 800 vị sư Nam Tông đang ngồi biệt tu ở các am cốc, hang động quanh núi.

Thêm nữa, khi xét theo kiến giải qua văn tự, trong những bài tôi may mắn đọc về Thiền Tông thì thấy trong nước rất nhiều bậc tôn túc, với những lời lời như châu ngọc của Hòa Thượng Minh Trực, hay Thầy Đại Lãn (tức Thượng Tọa Đức Thắng), cư sĩ Nhuận Bảo... thì ai dám bảo là Thiền Tông thất truyền rồi?

Nhiều nữa, nhiều nữa. Còn rất nhiều chùa, rất nhiều vị tăng ni đáng kính nữa mà tôi chưa biết hết, hoặc có biết nhưng không tiện viết lên giấy.

Bàn xong phần tu học, bây giờ chúng ta bàn qua khía cạnh xã hội của nhà chùa.

Với tấm lòng thiết tha với Phật học, Nguyễn Bình đã nêu lên hiện tượng nổi bật ở nhiều thành phố lớn, "nhiều chùa chiền hiện nay chỉ thấy những vị sư bận tiếp khách du lịch, chạy sô cầu kinh trong các đám hoặc lo cho nhà hàng cơm chay hơn là lo suy tư nghiền ngẫm kinh kệ..."

Sự thật đúng là có như thế, nhưng không phải tất cả như thế, và câu chuyện cực kỳ phức tạp hơn nhiều.

Khách du lịch tới thì tất nhiên phải ra tiếp. Vị sư có nhiệm vụ Tri Khách phải lo việc này. Nhưng không phải tất cả các sư trong chùa cần ra tiếp khách. Cũng không phải chùa nào du khách cũng tới, phải nằm trong danh sách các tour du lịch mới được, còn không thì chỉ có khách quen về tìm thăm thầy cũ thôi. Thêm nữa, việc quản chúng cực kỳ phức tạp ở thời này. Đâu phải vị sư nào muốn xin dời hộ khẩu về thành phố là được, mà có xin nhập chúng vào các chùa trong danh sách du lịch là cũng thiên nan vạn nan chứ.

Còn tình hình "chạy sô cầu kinh trong các đám" chỉ nói lên hiện tượng thiếu tăng ni cho nhu cầu tang lễ của dân chúng. Vì thầy chùa mà không tụng kinh cho đám ma thì nên vào núi nhập thất là hơn. Khi Phật Tử tới gõ cửa chùa, xin tụng kinh cho ba mẹ vừa từ trần, cho dù có cảm cúm nhức đầu, quý thầy cũng phải đi chứ. Chỉ trừ trường hợp có thầy nào bày vẽ cho tang chủ tốn kém, phức tạp... thì mới là đáng trách. Nhưng hiển nhiên là ở đâu cũng có các vị thầy kỳ dị như thế, ưa bày chuyện.

Đặc biệt, cách dùng chữ "chạy sô" của Nguyễn Bình dễ làm độc giả khởi tâm bất kính với quý Tăng Ni, vì hóa ra việc tụng kinh đám ma cũng là một nghề như ca sĩ. Đây không phải là nghề. Tụng kinh đám ma không phải là nghề nghiệp gì cả, mà đây là việc cứu nguy khẩn cấp. Những hiện tượng này mắt thường đâu có thấy hết, mà chỉ có Phật mới thấy để dạy cho chúng ta thôi. Dù là Nam Tông hay Bắc Tông, đều có nghi thức tụng kinh cho người sắp chết và người mới chết. Quan trọng nhất là giây phút cận tử.

Thí dụ, như Nam Tông, vị thầy sẽ thuyết về tam pháp ấn, tụng các bài kinh ngắn để người bệnh giữ tâm bình an lìa trần, hy vọng kiếp sau có cơ hội tu học Phật nữa. Còn đối với người đã chết, nghi thức Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam ghi là dựa theo Kinh Hồi Hướng Vong Linh, khi vua Bim Bi Sa Ra nằm mơ thấy thân nhân quá cố bị đói lạnh, Phật mới "dạy cách tạo phước hồi hướng vong linh để thoát ly khổ ách."

Còn bên Bắc Tông, khi cận tử, người bệnh sẽ được tăng ni và các ban hộ niệm tới Niệm Phật và tụng Kinh A Di Đà, và có các nghi thức cầu siêu trong hạn 49 ngày sau khi chết với hy vọng vãng sanh về Cõi Cực Lạc.

Nên nhấn mạnh, tụng kinh đám ma không phải "chạy sô." Nói như thế, Phật Tử sẽ hiểu nhầm về nghi thức này.

Còn như việc "lo cho nhà hàng cơm chay" thì hẳn là ít thầy nào có doanh nghiệp như thế vậy. Chỗ này không có gì để bàn, vì giới luật không cho cá nhân quý thầy làm như thế, trừ phi tiệm cơm là tài sản của giáo hội, hay của một hội từ thiện.

Và bây giờ là một vấn đề rất là lớn: vai trò tăng sĩ trong việc xây dựng ý thức quốc gia. Nguyễn Bình viết trong bài BM như sau: "Còn giới trí thức tu hành từng đóng những vai trò lớn trên phương diện xây dựng ý thức quốc gia và đóng những dấu ấn quan trọng trong diện mạo đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, nay đã mất hẳn vị trí."

Các nhà sư xây dựng ý thức quốc gia? Vâng, đó là chuyện của thời Lý, Trần. Đó là chuyện mới hai thập niên trước, người ta còn cấm nhắc tới. Tu là tu đi, đừng bàn chính trị - đó là lời dặn dò của công an khu vực. Nhưng lúc đó tu cũng là vất vả lắm, cứ bị xem như ăn bám, xem như không chịu sản xuất của cải cho xã hội, vân vân... Thậm chí như bây giờ, giấy tạm trú, giấy hộ khẩu vẫn còn làm trở ngại cho việc quý thầy di chuyển, việc tìm nơi tu học mới, việc đổi trường, vân vân.

Phải thấy, nếu chính quyền Việt Nam không thỉnh ý, thì sẽ không một nhà sư nào dám nhắc đến chuyện "xây dựng ý thức quốc gia" nữa - không một nhà sư nào dám nữa. Phật Giáo thực sự đã "mất hẳn vị trí dấu ấn quan trọng" đó rồi. Có phải nhà nước thực sự chỉ muốn các sư chạy sô tụng kinh cho đám ma?

Câu trả lời chắc là kiếm không ra, bởi vì "hỏi ba lần đều bị từ chối mà không chịu tự mình ngộ ra," để dẫn câu cuối trong bài BM của Nguyễn Bình.

3-2004
--------
Nguyên Giác Phan Tấn Hải là tác giả các cuốn:

Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ
http://www.thuvienhoasen.org/u-chugiaithien-00.htm,
Ba Thiền sư
http://www.thuvienhoasen.org/bathiensu-00.htm
Chú giải về Phowa
http://www.thuvienhoasen.org/chuyendithanthuc-00.htm)