Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao đổi với doanh nhân Việt Nam

Trong 40 năm dạy đạo thiền ở Tây phương, có hàng triệu người hâm mộ phương pháp thiền tập của Làng Mai. Mà phương pháp thiền tập của Làng Mai có gốc rễ từ văn hóa Việt Nam. Sở dĩ họ thích đến Làng Mai tu học vì chúng tôi biết thu thập những trào lưu văn hóa trên thế giới và làm mới lại bằng giá trị truyền thống ngàn đời của Việt Nam, khi nói ra người thanh niên trí thức Tây phương họ hiểu liền. Khi áp dụng các cách thực tập họ có thể chuyển hóa được ngay những khó khăn, khổ đau của họ. Cho nên mình vừa có cái để cống hiến cho thế giới trong khi mình cũng vừa thu thập những tinh hoa của thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao đổi với doanh nhân Việt Nam
Ngân Hà

(Breath, breath, you’re online - Bạn thở đi, thở đi, bạn đang… trực tuyến)
 
Xin giới thiệu đến các bạn buổi trò chuyện và trao đổi diễn ra vào ngày 15 tháng 3 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Doanh nhân trong khuôn khổ hành trình “Trở về” Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2007 của Thiền sư. Câu chuyện nói đến những vấn đề thế nào là hạnh phúc và thế nào là sự giàu có? Làm thế nào để tìm được hạnh phúc thực sự trong sự giàu sang? Thế nào là môi trường văn hóa công ty?…


Mở đầu cuộc đối thoại, Thiền sư có 20 phút pháp thoại về đời sống doanh nhân. Câu chuyện về đôi vợ chồng Claudia và doanh nhân Federich như thế này: Khởi đầu, đôi vợ chồng sống hạnh phúc với những giây phút được ở bên nhau. Sau vài năm, Federich được thăng tiến và anh bắt đầu lao vào công việc, không dành thời gian cho vợ con. Claudia bắt đầu phàn nàn “Anh phải có thì giờ cho anh, cho gia đình chứ. Nếu anh cứ bị cuốn hút hoàn toàn vào doanh nghiệp như thế thì em thấy anh không sống cho anh, anh không quan tâm đến em và hai con của chúng ta”. Federich giải thích “Bây giờ doanh nghiệp không có anh thì không thể phát triển, em hãy chờ anh vài ba năm nữa, thế nào chúng ta cũng sẽ có thì giờ cho nhau”. Khi con trai của họ mổ tim, Federich không về được vì phải bay đi họp hành rất xa. Ngay cả khi Claudia bị mổ khối u, Federich cũng không thể ở bên vợ. Doanh nghiệp đã trở thành nhà độc tài lấy hết thời gian của gia đình Federich. Và không bao giờ Federich có cơ hội có thời gian cho gia đình vì ông bị tai nạn xe mất ở tuổi 51. Sinh thời, Federich luôn nói “Không ai có thể thay thế đựơc tôi, tôi là rất quan trọng”. Nhưng chỉ ba ngày sau khi Federich mất, doanh nghiệp đã thay ngay người khác.

Biết thương yêu chăm sóc cho bản thân và những người chung quanh là một phẩm chất cần thiết cho doanh nhân – những con người ngày đêm bận rộn với dự án và công việc. Nếu chỉ thèm khát quyền uy và danh vọng, tiền tài thôi thì họ thật sự không bao giờ có hạnh phúc. Khi biết nhận diện những nổi khổ niềm đau, biết làm cho chính mình lắng dịu lại, thì mình không gây căng thẳng cho những người chung quanh, không gây những đổ vỡ. Điều đó rất quan trọng cho doanh nghiệp. Nếu mình có sự tươi mát, nhẹ nhàng của tình thương yêu thì mình sẽ đem lại niềm vui cho mọi người. Nếu mình có hạnh phúc gia đình thực sự, mình sẽ đem lại hạnh phúc cho những nhân viên của mình, Mình lo lắng, chia sẻ và ân cần với họ và họ trở lại trung thành với mình.

Sống với tình thương, với chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày của nhà doanh nhân, chúng ta sẽ thành công nhiều hơn, bền hơn. Uy quyền trong kinh Phật được tạo bởi tam đức. Đức thứ nhất là đoạn đức. Là đoạn tuyệt với những lo âu, sầu khổ. Thứ hai là trí đức, là có tuệ giác. Có tuệ giác chính là biết nhìn thật sâu vào bên trong con người. Nhờ có tuệ giác mình giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn, khó khăn rất dễ. Thứ ba là ân đức, là biết tha thứ, là từ bi. Chúng ta không lên án quyền lực và sự giàu sang nhưng nếu những người có quyền lực và sự giàu sang có thêm ba cái đức ấy của đời sống tâm linh thì quyền lực và sự giàu sang đó sẽ đem lại không chỉ hạnh phúc cho chính mình mà còn cho tất cả mọi người chung quanh.

Những câu hỏi đặt ra cho Thiền sư rất gần gũi với doanh nhân, kẻ chịu trăm mối lo toan nhưng vẫn bị mang tiếng là những người giàu có… đáng ghét. Để dung hòa hình ảnh người doanh nhân với xã hội, Thiền sư đã có một cuộc đối thoại đầy sự cảm thông với doanh nhân.

Doanh nhân: Thưa Thiền sư, sự cạnh tranh gay gắt trong kinh doanh khiến người ta xem thương trường như chiến trường, vậy lòng từ bi đạo Bụt thể hiện như thế nào. Và doanh nghiệp phải làm gì để bảo đảm đạo lý này mà không mạo hiểm?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tạp chí Fortune, một tờ báo kinh tế hàng đầu của Mỹ hàng năm có bầu chọn 100 doanh nghiệp thành công nhất thế giới. Trong số 100 doanh nghiệp được nêu danh mỗi năm thì tất cả những doanh nghiệp đó đều có những cam kết bảo hộ môi trường, bảo hộ sự sống và giúp đỡ cho công nhân của họ những lúc khó khăn. Nghiệp chủ biết chăm sóc những người của doanh nghiệp như trong gia đình, yếu tố tình thương, tình huynh đệ có mặt trong đó, không chỉ đem lại lợi tức mà còn là sự an vui. Chính vì có tình thương mà doanh nghiệp mình đứng hàng đầu, đứng trong số 100 doanh nghiệp được chọn lựa. Và khi có tình thương rồi thì mình cũng đang sống đúng theo 5 giới của đạo Phật trong đó có giới bảo vệ sự sống. Có lợi tức mà không tàn phá thiên nhiên, bảo hộ được môi trường và sự sống là chúng ta đang sống một cách chân chính. Mục đích của mình là thành công trong hạnh phúc. Có nhiều tiền nhưng mình phải đau khổ thì mình nên xét lại để có thể tìm ra được hạnh phúc thực sự. Theo đạo Phật con người được làm bằng những yếu tố không phải do người. Con người xuất hiện sau rất nhiều loài khác trên trái đất, nếu không có các loài khác và khoáng vật thì con người không sống được. Nếu chúng ta biết bảo vệ những yếu tố không người tức là bảo vệ cho con người. Và tình thương vẫn có thể đi đôi một cách hoàn hảo với sự thành công của sự nghiệp. Thực tập tình thương là chúng ta đã thực tập được sự bảo hộ sinh mạng và môi trường. Nếu những nhà doanh thương khác không biết điều đó thì chúng ta nên giúp họ thấy bằng cách để họ thấy gương của mình. Khi họ thấy mình càng thương người càng thành công, thì họ sẽ thay đổi. Không nên tranh đua một cách không nể nang và thiếu tôn trọng nhau. Mình phải đi theo cách khác, cách của tình thương, mới có sự liên hệ tốt giữa người và người, giữa người với các chủng loài khác: những loài thảo mộc, cầm thú và khoáng vật.

Doanh nhân: Khi quản lý một doanh nghiệp con phải vươn tới, phải có tham vọng, tất cả các đối thủ đều như vậy. Nếu không như vậy sẽ tụt hậu, vậy làm sao có thể làm việc, ăn uống mà chỉ “nghĩ về hiện tại” cho được, như thế với doanh nghiệp như thế nào là đủ? Thầy có khuyên nên làm giàu không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Làm giàu không phải là chuyện xấu, nhưng chúng ta nên biết rằng mình muốn giàu là để mình có hạnh phúc. Nếu giàu mà không có hạnh phúc thì giàu làm gì. Trong tuệ giác của đạo Bụt, tương lai được làm bằng hiện tại. Nếu mình làm tốt cái hiện tại chính là mình đã làm tốt cho tương lai. Chúng ta phải an trú trên mảnh đất của thực tại để thiết kế tương lai. Lo lắng, sợ hãi cho tương lai chính là làm hại cho tương lai của mình. Khi chúng ta trở về với giây phút hiện tại thì chúng ta mới chăm sóc cho thân và tâm của mình, lấy đi những căng thẳng và đau nhức trong thân. Nếu cứ tiếp tục sống với những lo âu sầu khổ, chúng ta sẽ càng ngày càng dồn nén và sinh ra đủ thứ bệnh và ảnh hưởng đến tâm. Những căng thẳng này đưa tư tưởng và lời nói của chúng ta đến bạo động vì nó bị thúc đẩy bởi lo lắng, sợ hãi. Điều này tạo ra sự đổ vỡ cho bản thân, gia đình và doanh nghiệp của mình. Trở về với hiện tại là để quản lý những gì đang xảy ra trong hiện tại, để thực sự có mặt cho mình và cho người thương của mình. Nếu mình khỏe mạnh, thư thái, nhẹ nhàng thì những tư tưởng, sáng tạo mới mẻ sẽ tới rất dễ dàng. Nếu mình cứ căng thẳng, sợ hãi thì mình khó mà nghĩ ra được những điều hay ho, mới mẻ. Phải biết chăm sóc thân và tâm của mình thì chúng ta mới có căn bản để thành công trong tương lai. Một cú đánh trúng thành công tốt hơn 100 cú đánh mà vẫn thất bại. Và chúng ta chỉ đánh trúng được khi có tuệ giác. Tuệ giác chỉ có được khi mình trở về với giây phút hiện tại. Và từ căn bản đó mà những ý thức sáng tạo và ý kiến hay xuất hiện rất thường xuyên. Chỉ 1, 2 ý kiến hay thôi chúng ta đã vượt qua người khác. Tuệ giác giúp chúng ta có khả năng biết được cái gì đang và sắp xảy ra cho mình khi mình biết thở để thân tâm về làm một. Nếu mình đau đáu ngày đêm suy nghĩ để đối phó với đối phương mình không có sự thư thái, có định, có tuệ. Lúc đó chúng ta có thể thành công nhưng cũng có thể trở thành nạn nhân của sự thành công của mình. Vì vậy để thành công và có hạnh phúc thực sự chúng ta nên nuôi dưỡng đạo đức, nuôi dưỡng trí đức và nuôi dưỡng ân đức. Làm giàu là chuyện nên làm nhưng nên nhớ giàu sang không đủ cho mình hạnh phúc nếu mình không có tình thương.

Doanh nhân: Ngày nay các doanh nghiệp đều nói đến việc xây dựng văn hóa công ty với những giá trị nhân bản và đặc trưng để doanh nghiệp được phát triển bền vững. Xin Thiền sư cho biết tinh thần của Văn hóa Phật giáo sẽ giúp đỡ cho văn hóa công ty như thế nào trong định hướng về tương lai?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Văn hóa trong đạo Phật có sự thực tập biết lắng nghe và ái ngữ. Lắng nghe để cho người ta nói những niềm đau nỗi khổ chất chứa trong lòng mà lâu nay người ta không nói ra được. “Thưa anh, em biết trong những năm qua, anh có nhiều bức xúc và khổ đau và cả những khó khăn. Em biết anh khổ lắm mà em đã không giúp anh được mà còn làm cho tình trạng trầm trọng hơn. Em đã phản ứng lại với anh một cách bạo động, chua chát và lên án. Em thấy rằng mình có lỗi. Em muốn hiểu được tất cả những khó khăn bức xức, những ước vọng sâu xa, những khổ đau của anh để em đừng có dại dội nói và làm những điều làm cho anh khổ thêm. Anh nói đi!”. Có thể là trong 3, 4 năm vừa qua mình không bao giờ nói được một câu ngọt ngào như vậy vì mình không bao giờ lắng nghe người khác. Lắng nghe là một thực tập rất sâu sắc, một giờ đồng hồ lắng nghe như vậy có thể làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của người khác. Ái ngữ là nói cho người kia biết sự thật mà dùng những ngôn từ nào cho người kia chấp nhận được. Thứ ngôn từ có quá nhiều những sự lên án trách móc thì người kia nghe được hai ba phút là họ muốn bỏ đi. Vì vậy để người kia nghe mình, mình phải nói những lời ái ngữ. Do đó mình giúp nhau lấy đi những sự hiểu lầm và tạo được sự truyền thông trong văn hóa. Nếu có sự truyền thông giữa người chủ hãng với nhân viên để cho nhân viên hiểu được những khó khăn, lo lắng của người chủ hãng và chủ hãng cũng hiểu được bức xúc và lo lắng của nhân viên thì trong doanh nghiệp sẽ thiết lập được sự truyền thông. Điều này làm tăng lên mức độ hạnh phúc trong doanh nghiệp của chúng ta. Nếu chúng ta thực tập điều này trong vài tuần lễ sẽ thấy kết quả hết sức mầu nhiệm.

Doanh nhân: Thưa Thiền sư, Thầy có thể chia sẻ thông tin về phim “Đường xưa mây trắng” mà Thầy là tác giả của cuốn truyện nổi tiếng thế giới này, hiện nay bộ phim đã được thực hiện thế nào và khi nào thì công chiếu?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Theo kế họach thì đến tháng 4 năm 2008, bộ phim sẽ ra mắt trong liên hoan phim Cannes nhưng không biết có kịp hay không. Trước khi quay phim, giám đốc sản xuất, đạo diễn và các diễn viên sẽ sang đạo tràng Mai thôn tu tập vài tuần để có thể đi- đứng-nằm-ngồi một cách thư thái, thong dong. Như thế mới truyền đạt được tinh thần nhập thoát, từ bi của đạo Phật. Ngày chúng tôi được tin ông Mody đến thăm để thương thuyết, chúng tôi suy nghĩ làm thế nào để bộ phim thành công. Ông Mody không phải là Phật tử nhưng khi đọc cuốn sách đó ông tìm thấy hạnh phúc. Vì vậy ông muốn phổ biến cuốn sách đó bằng cách làm phim. Ông tìm tác giả nhưng vài tháng sau mới biết đến Làng Mai, nơi tôi ở. Tôi nghĩ nếu lấy tiền, để cho họ làm gì thì làm thì có thể làm hư cuốn phim, điều mà tôi không muốn. Có người bạn nói với tôi, ông này giàu lắm, cứ đòi 50 triệu đô la và trả qua trả về thì cũng được ít nhất 30 triệu đô la. Như thế có thể xây được vài thiền đường thật rộng thì cũng đáng lắm. Nhưng tôi nghĩ đến chuyện, để có một cuốn phim đàng hoàng và đi đúng tinh thần của Đường xưa mây trắng, tôi đã quyết định không lấy tiền. Tôi cho họ bản quyền với điều kiện duy nhất: họ phải sang tu tập ở thiền đường để thấm nhuần tinh thần từ bi, bất bạo động, thảnh thơi, nhẹ nhàng sống trong giây phút hiện tại theo tinh thần của đạo Phật. Khi chúng tôi nói vậy, ông Mody rất ngạc nhiên và không tin rằng có một người không muốn tiền. Ông đã thương thuyết với nhiều doanh thương và cố nhiên vấn đề tiền là đầu tiên. Nhưng gặp vị thầy tu này không cần tiền mà chỉ cần mọi người tu học, ông vẫn chưa tin những điều ông nghe là thật. Sau đó ông mới thấy hiệu ứng tâm linh của mình. Ông thấy ngoài quyền năng của tiền bạc còn có một thứ quyền năng khác, đó là ân đức của tình thương, là trí đức của tuệ giác. Nếu mình không có tuệ giác mà chỉ ham tiền thì khi phim dở mình sẽ không còn có quyền gì nữa vì mình đã lấy tiền rồi. Nếu mình không cầm tiền của họ thì mình có thể tuyên bố rằng chúng tôi không chịu trách nhiệm về cuốn phim này nếu cuốn phim này không đi đúng được của tinh thần Đường xưa mây trắng. Đó là sự va chạm giữa hai quyền lực, một là tiền bạc và hai là tuệ giác.

Doanh nhân: Xin hỏi thầy về vấn đề cúng tế trong doanh nghiệp. Tôi có một công ty nhỏ thôi nhưng chưa bao giờ cúng. Thường thì thấy các công trình lớn, công ty lớn có cúng thì mình cũng hơi bâng khuâng. Nếu có cúng thì Thầy có khuyên nên “cầu nguyện cho nó vô tư một chút”. Câu hỏi này đã có rất nhiều doanh nhân đồng cảm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Theo đời sống tâm linh của dân tộc, mình tới ở đâu thì mình cúng ông địa chỗ đó. Chúng ta đừng cười chuyện đó vì điều đó chứa đựng văn hóa tuệ giác của chính mình. Chúng ta tới đâu thì phải làm quen và tôn trọng đất đai tại đó. Chúng ta đừng làm hư đất đai chỗ đó là vì chúng ta có ý thức bảo vệ môi trường rất rõ. Ông địa là tượng trưng cho tinh thần của đất và chúng ta phải sống hài hòa với đất và cúng ông địa là chúng ta đang cam kết là sẽ sống hài hòa, tôn trọng và không làm hại nhau. Và doanh nghiệp muốn tổ chức cúng tế thì phải cúng với tinh thần đó. Chúng ta có thể nguyện: Chúng tôi cam kết trong việc phát triển của doanh nghiệp chúng tôi sẽ không làm hại, không tước đoạt môi trường sinh sống và phát triển của các loài khác. Câu nguyện trước hết là cho chính mình nghe vì mình là nhân vật quan trọng. Sau đó là cho những người sống, và những người chết chung quanh đều nghe và các loài khác như cây cỏ, không khí, nước đều nghe. Cúng có nghĩa là thiết lập sự truyền thông giữa mình với hoàn cảnh sống chung quanh mình trong đó có đất, nước, lửa, gió, con người và những loài động vật khác. Nếu chúng ta cam kết là mình sống hài hòa, không làm hại đến sự an nguy đến các loài kia thì đó là cái cúng rất nên và không hề có sự mê tín. Nếu cúng mà phải sát sanh đi theo con đường ích kỷ chỉ biết làm lợi cho mình mà làm hại loài khác thì sự cúng đó chẳng ích gì.

Doanh nhân: Mỗi người sinh ra trong hoàn cảnh khác nhau. Có người sinh ra đã sung sướng, có người sinh ra đã bị bỏ rơi ở trại trẻ mồ côi. Liệu con người ai cũng có số mệnh? Nếu có thì số mệnh chiếm bao nhiêu phần trăm trong đời người? Có người bảo người đã có số giàu thì họ giàu rồi, mình mà đã nghèo có muốn cố gắng thì cũng vậy thôi. Xin Thiền sư cho lời khuyên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Có những điều kiện trong quá khứ mà khi chúng tập hợp với nhau sẽ làm ra những hiện tượng. Nếu điều kiện đó tồn tại như vậy thì nó sẽ tiếp tục kéo dài hiện tượng đó cho đến khi có những điều kiện khác đi vào để có thể thay đổi tình trạng. Có những nhập kiện và xuất kiện. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Cái này đang đi vào cái kia. Có những nhân duyên và điều kiện lâu nay chưa có thì bây giờ bắt đầu có. Nếu trong quá khứ đã có những điều kiện đưa tới tình trạng nào đó mà mình cố ý thoát ra để đưa những điều kiện mới khác vào thì sẽ có sự thay đổi. Cho nên mình không nên tin vào thuyết định mệnh. Đạo Phật nói đến nhân duyên sinh, tức là những điều kiện tới và làm cho biểu hiện ra một hiện tượng. Tùy theo nhân duyên mà cái đó nó như thế này hay như thế khác. Nếu mình biết cách để đưa thêm vào những nhân mới, điều kiện mới thì mình có thể thay đổi được một tình trạng. Vì vậy cái gọi là số mệnh của những con người, của những dân tộc, những cộng đồng lâu nay như vậy không có nghĩa là như vậy mãi nếu mình biết đưa những dữ kiện mới, nhân tố mới làm chuyển hóa và thay đổi. Đó là việc mình có thể làm được. Đất nước Việt Nam ngày xưa tiếp thu nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa và nếu không có sự can thiệp của Tây Phương thì mình chỉ có hai yếu tố văn hóa đó thôi. Khi có sự tiếp thu văn hóa Tây Phương mình đã thay đổi và mình có khả năng làm mới gia sản vốn là nền tảng văn hóa Việt Nam để dựng lại đạo đức, nghệ thuật, truyền thống cha ông. Tất cả những điều đó được sinh ra bằng việc thu thập những tinh hoa của các nền văn hóa mới và làm mới lại những yếu tố đã có trong nền văn hóa cơ bản của mình. Điều này đưa tới một nước Việt Nam rất đẹp và có thể nói là mẫu mực cho nền văn minh khác. Trong 40 năm dạy đạo thiền ở Tây phương, chúng tôi thấy đã có hàng triệu người hâm mộ phương pháp thiền tập của Làng Mai. Mà phương pháp thiền tập của Làng Mai có gốc rễ từ văn hóa Việt Nam. Sở dĩ người Tây phương thích đến Làng Mai tu học vì chúng tôi biết thu thập những trào lưu văn hóa trên thế giới và làm mới lại bằng giá trị truyền thống ngàn đời của Việt Nam, khi nói ra người thanh niên trí thức Tây phương họ hiểu liền. Khi áp dụng các cách thực tập họ có thể chuyển hóa được ngay những khó khăn, khổ đau của họ. Cho nên mình vừa có cái để cống hiến cho thế giới trong khi mình cũng vừa thu thập những tinh hoa của thế giới. Đạo Phật nói vô thường, tức là sự chuyển biến liên tục. Như vậy chúng ta đừng nghĩ rằng một điều gì đã như vậy thì sẽ như vậy đời đời. Nếu mình biết mở ra và đưa vào những dữ kiện mới thì mình sẽ sửa đổi thực tại cho đẹp hơn, hay hơn, mầu nhiệm hơn.
*
Kết thúc buổi trò chuyện, Thiền sư trao tặng cho doanh nhân 6 bức thư pháp dùng để bán đấu giá lấy tiền gây quỹ khuyến học cho trẻ em bất hạnh. Và đặc biệt một bức thư pháp được Thiền sư tặng cho Tổng biên tập báo Văn hóa Phập giáo – tác giả của cuốn sách “Ánh đạo vàng” nổi tiếng. Bức thư pháp ấy có nội dung là “Breath, you’re online” - Thở đi, bạn đang trực tuyến”. Đây là câu nói được chế tác từ câu kệ nổi tiếng của Thiền sư “Breath, you are alive” – “Hãy thở đi, bạn đang sống”.
Nguồn: talawa