Chùa Hoa Nghiêm và bài văn bia của Thám hoa Giang Văn Minh

Chùa Hoa Nghiêm ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng từ rất sớm, đên thời Lê Mạc, đã trở thành một trung tâm Phật giáo của các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chùa luôn được trùng tu, tôn tạo. Năm Dương Hòa thứ 2 (1636)

Chùa Hoa Nghiêm và bài văn bia của Thám hoa Giang Văn Minh

Hoàng Văn Lâu

Tiến Sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Chùa Hoa Nghiêm ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng từ rất sớm, đên thời Lê Mạc, đã trở thành một trung tâm Phật giáo của các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những ghi chép trên bia, trên chuông của chùa cho thấy trong suốt mấy thế kỷ, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, chùa luôn được trùng tu, tôn tạo. Năm Dương Hòa thứ 2 (1636), trên cơ sở tòa Thượng điện cũ, người ta xây thêm chùa trong và hành lang với qui mô lớn “trước đó chưa từng có”. Trong số người đong góp trùng tu chùa, có ông Tây quân đô đốc phủ, Tả đô đốc Thủy quận công Lê Hồng Quốc. Năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng (1778) có đợt trùng tu và mở rộng khuôn viên chùa. Các năm 1864, 1873, 1874 có việc đúc chuông chùa. Theo các kiến trúc, chùa Hoa Nghiêm hiện nay bảo tồn khá nguyên vẹn công trình kiến trúc thế kỷ 17. Chùa xây dựng với qui mô khá lớn, chùa ngoài 5 gian, mỗi gian 3m, rộng 6m. 3 gian chùa trong cũng cùng kích thước ấy. Hai hàng cột giữa của chùa cao tới 4,5m bán kính 0,30m. Đá tảng kê cột có bán kính tới 0,4m. Trong chùa, hiện còn lưu giữ nhiều tế khí cổ. 6 tấm bia đá hiện để ở chùa như những pho sử đá, ghi lại được nhiều điều về lịch sử chùa, về lịch sử văn hóa, phong tục của địa phương. Trong đó, tấm bia Hoa Nghiêm tự bi do Thám hoa Giang Văn Minh soạn văn vào năm Dương Hòa thứ 2 (1636) có ý nghĩa tiêu biểu.

Hoa nghiêm tự bi cao 0,7m, rộng 0,5m. Trán bia trang trí hình lưỡng long triều nhật. Xung quanh bia trang trí hình dây leo. Bia khắc chữ 2 mặt. Các dòng lạc khoản của bia cho biết:

Người soạn văn bia là: Phúc Lộc hầu Giang Văn Minh, đỗ thám hoa khoa Mậu Thìn (1628), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bộc tự khanh.

Người viết chữ là: Sinh đồ Nguyễn Khắc Kiện.

Người khắc bia là: Mậu tài bá Nguyễn Công Khoa.

Bài văn bia cho biết:

Xã Vông Song là nơi danh thắng thuộc huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng nổi tiếng, có ngôi chùa tên là Hoa Nghiêm. Ý nghĩa của tên chùa là hoa lệ và trang nghiêm. Quanh chùa: phía đông là thôn xóm, phía nam liền với đình, phía bắc có chợ gần sông, phía tây có miếu như hình rùa vàng. Thự là danh lam số 1 của trấn Sơn Nam.

Dẫu cũ của chùa vốn có một tòa thượng điện nguy nga sừng sững. Nền phúc gốc thiện vẫn còn đó lâu dài. Muốn mở rộng chùa, còn chờ đợi cơ hội Trung hưng.

Tiếp đó, văn bia ngợi ca vận hội thái bình. Trên có Thánh thiên tử ngự ngôi báu cai trị đất nước, thực là nhờ ở Đại nguyên soái Tổng quốc chính sư phụ Thanh vương (Trịnh Tráng) gây dựng nền trị bình, định kế yên thiên hạ, ủy nhiệm các quan tài giỏi, dựa vào sức phụ bật của các đại thần, nên vũ trụ sinh xuân, cơ đồ thống nhất.

Văn bia cho biết: Việc trùng tu chùa khởi công vào ngày lành tháng 11 năm Ất Hợi (1635). Nội dung của việc trùng tu lần này là: làm lại hành lang hai bên tả, hữu, một dãy nhà trong. Theo văn bia: “Rường, cột chạm khắc, quy mô đổi mới, từ xưa chưa hề có, sau này không thể hơn, thực là cảnh Bồng Lai có một không hai”.

Việc dựng bia, khắc văn, là để truyền mãi công đức tới vô cùng, khiến cho những người vui làm điều thiện, mắt nhìn bia, miệng đọc văn bia phát thiện tâm, hưởng phúc lộc… tuổi thọ càng cao, sự nghiệp lâu bền…

Về tác giả bài văn bia, Thám hoa Giang Văn Minh, bia ghi tên các Tiến sĩ khoa Mậu Thìn năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) ghi tên ông ở hàng đầu. Giang Văn Minh, người xã Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, (phủ Quốc Oai), đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (thám hoa). Đại Việt sử ký toàn thư có ghi một số hoạt động của ông. Năm Đức Long thứ 2 (1630): Sai bọn Công bộ thượng thư Nguyễn Duy Thì, Binh khoa đô cấp sự trung Giang Văn Minh… lên cửa quan đợi mệnh (Bản kỷ, qXIII, tờ 28a). Tháng 11, năm Đức Long thứ 3 (1631), Bắc quân đô đốc phủ Tả đô đốc phó tướng Tây quận công Trịnh Tạc đi trấn giữ Nghệ An, Thái bộc tự khanh Giang Văn Minh làm đốc thị (Sđd, tờ 30a). Tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637) Giang Văn Minh được làm Chánh sứ trong đoàn sứ bộ sang tuế cống nhà Minh. Những dòng ghi trong chính sử không nhiều, nhưng cũng cho thấy Giang Văn Minh có vai trò nhất định ở thời đó. Ông vừa có tài văn tự, vừa có tài coi quân, lại có sở trường về ngoại giao.

Tấm bia Hoa nghiêm tự bi cho thấy, khoảng thời gian trước khi đi sứ (1637) ông có dịp trị nhậm ở trấn Sơn Nam, dưới trướng của Tây quân Đô đốc phủ Tả đô đốc phó tướng Thủy quận công Lê Hồng Quốc.

Như vậy, Hoa Nghiêm tự bi lưu giữ một tác phẩm của Giang Văn Minh chưa thấy sưu tập ở thư tịch nào. Qua bia này, chẳng những hiểu thêm được một ngôi chùa cổ nổi tiếng đương thời, mà còn ghi nhận được một vị Thủy quận công, vị phó tướng, Tả đô đốc của Tây quân đô đốc phủ.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.228-231