Học hỏi Phật giáo quốc tế trong thời kỳ trấn hưng

Khoảng cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa thuộc địa phương Tây gặp trở ngại và trong những thập niên đầu thế kỷ XX, các nước thuộc địa có những phản ứng mạnh mẽ. Trong những thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX, chủ nghĩa quốc gia đạt được thắng lợi và sự chấn hưng của Phật giáo cũng có những bước tiến tích cực, đạt được những thành công đáng kể. Một trong những thành công lớn của Phật giáo là có được sự ủng hộ của giới cầm quyền, tổ chức đại lễ Phật Đản 2.500 và cuộc kiết tập kinh điển lần thứ 6 (theo truyền thống Miến Điện)([1]).

Nhiều quốc gia theo Phật giáo, trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nỗ lực tìm lại thời huy hoàng của Phật giáo. Ở châu Á có Trung Quốc, Việt Nam ... Sự chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Riêng Việt Nam, năm 1931, ở Sài Gòn thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Năm 1932, ở Huế, thành lập Hội An Nam Phật học. Và năm 1934, ở Hà Nội, thành lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo. Mỗi miền trong cả nước thành lập Hội để làm nền tảng cho sự chấn hưng Phật giáo([2]). Khoảng thời gian này, Hội Mahãbodhi ở Ấn Độ có nhiều học giả lỗi lạc tham gia chấn hưng, đặc biệt trong công việc chước tác, in ấn([3]).

Ở Trung Quốc, cuộc chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn này có ngài Thái Hư Đại Sư. Thái Hư Đại Sư không phải là nhà cải cách Phật giáo Trung Quốc duy nhất. Trước, cùng và sau thời đại ngài cũng có một số danh Tăng muốn chấn hưng Phật giáo, thế nhưng phong trào chấn hưng của ngài có ảnh hưởng nhất([4]). Từng tham kiến ngài Thái Hư và tham học với học trò của ngài Thái Hư, do vậy sự chấn hưng Phật giáo Việt Nam của Tổ Trí Hải có những phương pháp giống của ngài Thái Hư. Phong trào chấn hưng chú trọng thiết lập nhà in, nhà xuất bản, hiệu sách để phổ biến giáo lý, kiến thiết trường học để đào tạo Tăng tài hoằng dương chính pháp, hình thành các tổ chức Phật tử, tham gia các công tác xã hội và từ thiện, tổ chức lễ hội để quy tụ quần chúng hội họp như chính pháp. Đó là những mặt cần phát triển để chấn hưng Phật giáo.

Nội dung bài viết này chỉ đề cập đến một số lĩnh vực, như vấn đề phổ biến giáo lý, chính tín, giáo dục.

1. Phổ biến giáo lý

Phật thuyết pháp hướng đến lợi ích của số đông. Chính vì vậy, thánh điển phải được dịch ra tiếng địa phương để mọi người có thể hiểu được lời Phật dạy. Nói cách khác, để chính pháp được truyền bá rộng rãi, giới Phật giáo cần phải thuyết pháp bằng ngôn ngữ của từng địa phương, tức phải sử dụng ngôn ngữ phổ thông để cho số đông quần chúng có cơ hội tiếp thu và hiểu Phật pháp. Tại một số quốc gia, thánh điển Phật giáo đã được phiên dịch ra tiếng địa phương.

Vấn đề này đối với Trung Quốc không khó khăn, vì trải qua nhiều thời kỳ, phiên dịch, trước tác Phật giáo Trung Quốc đã hình thành Tam Tạng Thánh điển. Tuy đã có đầy đủ thánh điển, thế nhưng, với số lượng quyển rất nhiều và văn phong không phổ thông cho nhiều tầng lớp, các nhà cải cách Phật giáo Trung Quốc nỗ lực viết các bản chú thích, tóm tắt... để cho giáo lý tiếp cận với mọi tầng lớp. Các nhà Nho thường công kích Phật giáo thế nhưng những tác phẩm của Phật giáo họ xem là hữu ích. Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến năm 1935, có khoảng 537 các tựa sách Phật học được xuất bản. Đến năm 1935, có 68 nhà xuất bản in bán kinh điển Phật giáo. Các loại sách xuất bản được chia ra làm 5 loại([5]):

1)     Các bài thuyết giảng về kinh điển của những vị danh tăng.

2)     Các kinh được dịch ra ngôn ngữ phổ thông

3)     Các bản chú thích giáo lý và các văn cảnh sách tu tập

4)     Các bản tóm tắt về Phật giáo và các trích dẫn từ Tam Tạng

5)      Các công trình nghiên cứu mang tính học thuật về lịch sử Phật giáo.

Trường hợp ở Việt Nam, kinh điển cũng được nhiều người đọc nhưng chỉ đọc tụng bằng Hán văn, có khi thuộc lòng thế nhưng nghĩa lý không hiểu. Từ thực trạng đó, Tổ Trí Hải quyết định thành lập Phật học Tùng thư. Nhiệm vụ trước tiên của Phật học Tùng thư là phiên dịch kinh sách ra Quốc ngữ để ấn hành, truyền bá sâu rộng trong quần chúng([6]).

Hòa thượng Trí Hải đã chứng kiến báo chí Trung Quốc phát triển. Tại Vũ Xương có tạp chí Hải Triều Âm, tờ báo lớn nhất của Phật giáo, phổ biến khá rộng rãi trong cũng như ngoài nước. Cơ quan của tờ báo thường di chuyển thế nhưng luôn dưới sự điều hành của Thái Hư Đại Sư và học trò của ngài. Ở đây có thư viện rất lớn, là tòa nhà 3 tầng, chứa đủ các kinh sách, có tới chục vạn cuốn đủ loại([7]). Điều này đã tác động tích cực đến phong trào trấn hưng của ngài sau này.

Năm 1935, nhà in Đuốc Tuệ được thành lập, in tất cả giấy tờ của Hội và kinh sách, báo chí([8]). Hội vẫn tích cực in kinh sách và báo Đuốc Tuệ (1935- 1945) vẫn phát hành như thường lệ. Đặc biệt, ngài là xuất bản một tờ nhật báo lấy tên là “Tinh Tiến” thế nhưng do khó khăn về giấy nên báo chỉ ra mỗi tuần 3 kỳ([9]). Với sự phát triển ngày nay chúng ta chưa dám có ước mơ này, nhiều lắm chỉ là tuần báo. Sau nhiều năm ước ao để có được một bộ Đại Tạng kinh cho Việt Nam, năm 1950, Tổ mới xin được bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh.

2. Củng cố chính tín

Theo Hazra có 8 nguyên nhân đưa đến sự suy tàn của Phật giáo Ấn Độ. Các nguyên nhân này được chia ra nội tại và ngoại tại. Một trong những nguyên nhân này là sự pha tạp giữa Phật giáo và Bà La Môn giáo([10]). Tín ngưỡng nhân gian pha trộn làm mất đi tính tinh túy của Phật pháp. Các nhà cải cách Trung Quốc phê phán sự hủ hóa và mê tín dị đoan, tìm mọi cách để thanh tịnh hóa niềm tin([11]).

Sự pha tạp giữa Phật giáo và tín ngưỡng nhân gian đã làm mất đi tinh túy của Phật pháp làm Phật giáo suy thoái. Theo Tổ Trí Hải điều này cần thanh lọc lại. Trong hồi ký của mình, ngài viết: “... trừ những nơi danh lam cổ tự ra, còn hầu hết là biến tướng rất nhiều, không còn thuần túy là Phật giáo nữa. Từ nơi thờ phụng cho đến nghi thức lễ bái, không đâu giống đâu. Không những thờ Phật, Bồ tát mà còn thờ tất cả Thánh Thần, thậm chí có nơi thờ cả hổ, rắn, chó đá, bình vôi...”.

Tổ Trí Hải lo ngại tinh thần Phật giáo đi đến chỗ diệt vong, do vậy cần phải được chấn chỉnh lại. Điều cần thiết là đào tạo Tăng tài, đủ trình độ để hoằng dương chính pháp loại trừ mê tín dị đoan ra khỏi Phật giáo, phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ, bình đẳng, dũng mãnh, tinh tiến của Phật giáo. Thế nhưng, trong một thời gian ngắn mà có thể loại trừ những niềm tin sai lầm này không phải việc dễ. Phải biết vận động, kết hợp đa số quần chúng mới có thể thành công([12]).

3. Giáo dục và đào tạo tăng tài

Giáo dục Phật giáo đạt đến đỉnh cao của sự phát triển vào thế kỷ thứ VII, với những tu viện đại học nổi tiếng như Nãlandã, Valãbhi. Nhân tài từ các đại học này truyền bá chính pháp khắp nơi, và học giả khắp nơi cũng đến đây để học.

Thiếu người thừa truyền chắc chắn Phật giáo biến dạng, bị thuyết giảng sai lầm. Cho dù có nhiều tu viện quy mô nhưng thiếu nhân tài thì cũng không thể phát triển được. Muốn vậy phải đào tạo Tăng tài thông qua nhiều phương cách.

Về mặt giáo dục Phật giáo, Nhật Bản đã có cuộc chấn hưng rất sớm. Các trường phái Phật giáo Nhật Bản đã gửi học trò sang Pháp, Anh, đặc biệt là Đại học Oxford, dưới sự hướng dẫn của Max Muler, học giả lỗi lạc Sanskrit. Nanjo Bunyo (1848- 1927) sau khi tham học ở Châu Âu về nước đã soạn Nanjo Catalogue nổi tiếng và những công trình nghiên cứu, trước tác khác([13]).

Trường hợp ở Thái Lan, giới Phật giáo đưa ra những chương trình giáo dục về phúc lợi xã hội và phát triển cộng đồng được các đại học Phật giáo tài trợ. Những chương trình mang tính cấp độ quốc như([14]):

1)     Chương trình phát triển tâm linh

2)     Chương trình phát triển chính pháp

3)     Dự án vận động tu sĩ tham gia vào công việc phát triển cộng đồng (1966)

Về mặt phát triển giáo dục của Phật giáo Việt Nam, đầu năm 1937, Hòa thượng Trí Hải được Hội Bắc Kỳ Phật giáo cử sang Trung Quốc du học để khảo cứu Phật giáo nước ngoài. Khi lần đầu tiếp xúc với Hòa thượng Tĩnh Nghiêm, đệ tử của ngài Thái Hư, Tổ Trí Hải có những lời nói rất chân thành và đầy nhiệt huyết: “Chúng tôi do Hội cử sang đây cầu học. Chỉ mong sao được các Hòa thượng cùng chư Tăng bên đây giúp đỡ cho được đến nơi đến chốn để về làm việc Phật, hoằng dương Phật pháp ở nước nhà. Đó là nguyện vọng không những của riêng chúng tôi mà còn là của tất cả Phật tử Việt Nam”([15]).

Thái Hư Đại Sư là người Trung Quốc duy nhất phát triển nhiều mối quan hệ với nước ngoài, kết giao với các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nồng nhiệt đón chào các tu sĩ nước ngoài đến thăm các cơ sở của ngài, hay đi thăm các nước trên thế giới([16]). Ngài Thái Hư đón tiếp HT. Trí Hải rất vui vẻ, thăm hỏi ân cần tại chùa Tĩnh An, đã viết giấy giới thiệu HT. Trí Hải tới gặp HT. Tĩnh Nghiêm, đệ tử của ngài Thái Hư, ở chùa Định Tuệ ở núi Tiêu Sơn, Giang Tô([17]).

4. Tích cực tham gia hoạt động xã hội

Tài thí và pháp thí là lý tưởng của Bồ tát Đại thừa Phật giáo. Tùy theo từng trường hợp mà người thực hành thực hiện một trong hai phương pháp tu tập trên. Pháp thí và tài thí là chủ trương rất thiết thực của Phật giáo, để đáp ứng nhu cầu của chúng sinh, có như vậy mới đem lại lợi ích. Hai việc làm này giúp giới tu sĩ gần gũi với quần chúng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của mọi người.

Các nhà cải cách Trung Quốc thành lập các trung tâm nuôi và dạy nghề cho trẻ mồ côi, các nghề như: in ấn, may mặc, nhuộm, làm giày, thêu... Sau đó, các em có thể làm việc tại trung tâm hay tìm việc ở bên ngoài. Ngoài ra còn có các trung tâm y tế từ thiện, các trường học miễn phí([18]). Sự lớn mạnh của một phong trào chính là nhờ vào số đông quần chúng. Nhiều tổ chức thanh niên được tổ chức để giới trẻ có cơ hội cống hiến tài năng của mình. Những tổ chức Phật tử được hình thành, như Hội Chính kiến (The Right Faith Socety) hoạt động tích cực tiêu biểu:

1)     Điều hành các phòng chữa trị, cấp thuốc miễn phí

2)     Điều hành các trường miễn phí cho học sinh

3)     Cung cấp quan tài cho gia đình nghèo

4)     Cung cấp lương thực cho các gia đình nghèo

Hòa thượng Trí Hải cũng tích cực tham gia các công tác từ thiện, như tham gia vào công việc cứu đói năm 1945. Hòa thượng thành lập Tổng hội Cứu tế, tích cực tìm phương cách để cứu tế([19]).

5. Kết luận

Bất cứ sự đổi mới nào cũng thường gặp phải những phản ứng mạnh từ truyền thống, từ sự bảo thủ. Một sự cải cách nào cũng tạo sự mới lạ đối với một số người. Tinh thần chấn hưng của Tổ Trí Hải không phải chỉ trên lý thuyết mà được áp dụng vào thực tế thông qua những mặt vừa nêu trên. Trên thực tế, công cuộc chấn hưng gặp đủ thành công lẫn thất bại. Tinh thần tuy thiết thực nhưng gặp phải sức cản của sự bảo thủ, thời cuộc do vậy có lúc gặp thất bại. Thế nhưng khi đã cảm thông, nhiều người ủng hộ. Qua lịch sử phát triển, chúng ta thấy khi được chính quyền ủng hộ thì các phong trào đều phát triển vững mạnh, như trường hợp Phật giáo Ấn Độ thời vua Asoka, Phật giáo Trung Quốc thời vua Lương Võ Đế, Phật giáo Việt Nam các thời Lý - Trần. Mọi phong trào trấn hưng đều cố gắng thu hút sự ủng hộ của chính quyền.
--------
Chú thích:

[1] Heinrich Dumoulin (ed). Buddhism in the Modern World. Collier Macmillan Publisher. London 1976, p.50.
[2] HT. Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo. Hà Nội  2004, tr. xvii.
[3] Heinrich Dumoulin. Op. Cit: p.130.
[4] Homlmes Welch. The Budist Revial in China. Harward University Press. Cambridge, Massachusetts 1968. p. 51.
[5] Ibid, p. 98.
[6] HT. Thích Trí Hải. Sđd, tr. 19.
[7] Sđd, tr. 45.
[8] Sđd, tr. 36.
[9] Sđd, tr. 65.
[10] Kanai Lal Hazra. The Rise and Decline of Buddhism inIndia. Munshinram Manoharlal Publishers. New Delhi 1988. p.385.
[11] Holmes Welch. Op. Cit: p.100.
[12] HT. Thích Trí Hải. Sđd, tr. 4.
[13] E. Andreasen. Popular Buddhism in Japan Shin Buddhist Religion & Culture. England: Japan Library.  p. 140.
[14] Heinrich Domoulin. Op. Cit: p. 101.
[15] HT. Thích Trí Hải. Sđd, tr. 43.
[16] Holmes Welch. Op. Cit: p. 256.
[17] HT. Thích Trí Hải. Sđd, tr. 40.
[18] Homes Welch, Op. Cit: p.123.
[19] HT Trí Hải. Sđd, tr. 60.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ahir. D.C. The Pioneers of Buddhist Revival in Indial. Sri Satguru Publication. Delhi 1989.
2. Andreasen. E. Popular Buddhism in Japan Shin Buddist Religion & Culture. England: Japan library, 1998.
3. Bond, George D. Buddhist Revial in Sri Lanka: Religious Tradition, Reinterpretaion and Response. Motilal Banasidass Publisher. Delhi 1992.
4. Dumoulin, Heinrich (ed). Buddhism in the Mordern World. Collier Macmillan Publisher. London 1976.
5. Goldstein, Melvyn C. & Matthew T. Kapstein (ed). Buddhism in Contemporary Tibet: Religion Revival and Cultural Identity. Motital Banarsidass Publisher. Delhi 1999.
6. Hazra, Kanai Lal. The Rise and Decline of Buddhism in India.  Munshinram Manoharlal Publisher. New Delhi 1988.
7. HT. Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2004.
8. Ramteke. D.L. Revival of Buddhism in Mordern India. Deep & Deep Publication. New Delhi 1983.
9. Welch, Holmes. The Buddhist Revival in China. Haward University Press. Cambridge Massachusetts 1968.